Phải chăng ông Tập Cận Bình của Trung Quốc đang đánh mất thiên mệnh?
Có nhiều dấu hiệu cho thấy người cộng sản này đang mất đi thiên mệnh
Không có gì ngạc nhiên khi ông Tập Cận Bình của Trung Quốc được gọi là một hoàng đế thời hiện đại. Trong lịch sử, các hoàng đế Trung Hoa từng tuyên bố “Thiên Mệnh” để cai trị Trung Quốc, và ông Tập tìm cách bành trướng ý mệnh đó để cai trị không chỉ Trung Quốc mà cả toàn bộ thế giới.
Thiên Mệnh (天命) là một khái niệm Nho giáo được phát triển lên từ thời nhà Chu của Trung Hoa (khoảng 1046–256, trước Công Nguyên), trong đó “Trời” trao cho hoàng đế Trung Hoa (“thiên tử”) quyền cai trị Trung Hoa. Khái niệm này tương tự như “quân quyền thần thụ” ở châu Âu, mà Britannica định nghĩa là “một học thuyết chính trị trong việc bảo vệ chủ nghĩa chuyên chế quân chủ, khẳng định rằng các vị vua có được quyền lực từ Thượng đế và do đó không có bất kỳ tổ chức thế tục nào ví dụ như Quốc hội có thể buộc họ phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Không giống như học thuyết của Âu Châu, vốn không đưa ra hướng dẫn đạo đức nào cho việc truất phế các vị vua (các gia đình hoàng gia cai trị vĩnh viễn bất luận sự trụy lạc, vô đạo đức, tham nhũng, và các hành vi trái đạo đức khác), những người theo Nho giáo lý trí đã cho người Trung Quốc một “thẻ bài” bằng cách dạy rằng Trời sẽ thu lại quyền cai trị của một vị hoàng đế vô đạo hoặc chuyên chế và người dân Trung Quốc có nghĩa vụ nổi dậy chống lại những vị hoàng đế như vậy.
Phải chăng Trời đang trong thu lại quyền cai trị từ tay người cộng sản muốn trở thành hoàng đế Tập Cận Bình này?
Chúng ta hãy đào sâu vào chủ đề này.
Bốn nguyên tắc
Từ một bài luận tại Thoughtco, bốn nguyên tắc cơ bản của Thiên Mệnh gồm:
Trời ban cho hoàng đế quyền cai trị.
Vì chỉ có một Trời nên mỗi thời điểm chỉ có thể có một hoàng đế.
Đức hạnh của một vị hoàng đế quyết định quyền cai trị của vị hoàng đế đó.
Không một triều đại nào có quyền cai trị vĩnh viễn.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thuận tiện áp dụng và biến đổi các truyền thống cổ xưa của Trung Quốc khi đảng này đẩy mạnh mục đích duy trì sự kiểm soát độc tài của mình đối với Trung Quốc hiện đại. Các ví dụ bao gồm lợi dụng lịch sử như một công cụ chính trị, lợi dụng y học cổ truyền Trung Quốc, và duy trì các khái niệm/huyền thoại về một “Trung Quốc trường tồn” và Trung Quốc là trung tâm thương mại thế giới (và vũ trụ!).
Nho giáo bén rễ sâu ở Trung Quốc, và không có gì ngạc nhiên khi ông Tập bóp méo Thiên Mệnh để thay khái niệm tổng bí thư ĐCSTQ thành hoàng đế, đồng thời truyền đạt rằng tổng bí thư (nhân danh ĐCSTQ) được Trời trao cho Thiên Mệnh thống trị thế giới.
Đánh mất Thiên Mệnh
Một vấn đề hệ trọng đối với ông Tập, như ông Stephen Young, cựu trợ lý trưởng khoa Luật Harvard, đã nêu ra trên Asia Times là “[không có cớ gì] cho thấy rằng Trời (Thiên) đã chọn ông Tập, trước hết, để lãnh đạo Trung Quốc, và, thứ hai, để lãnh đạo toàn thế giới, Thiên hạ.” Không có bằng chứng nào cho thấy người dân Trung Quốc đã từng chọn ông ấy vì bất cứ điều gì nêu trên đây. Quá đủ cho “thiên ý” và “dân ý.”
Chúng ta hãy giả định (không chính xác) rằng ông Tập bằng cách nào đó đã từng có được Thiên Mệnh. Truyền thống Trung Quốc kể rằng một vị hoàng đế sẽ mất thiên mệnh khi một số điềm báo ập đến, bao gồm thiên tai, ngoại xâm, các cuộc nổi dậy của người dân ở mọi giai tầng, sự trụy lạc, và vô đạo đức của dân chúng, sự kém cỏi, và niềm tin bị mất đi trước những điềm báo này.
Dưới đây là một số điềm báo không lành cho Tập Hoàng đế.
Các cuộc nổi dậy
Mặc dù chưa đạt đến mức nổi loạn công khai so với các sự kiện trong quá khứ, nhưng các cuộc biểu tình rầm rộ trên đường phố ở các thành phố của Trung Quốc phản đối chính sách Zero Covid đặc trưng của ông Tập vào cuối năm 2022 là chưa từng có tiền lệ, và đã gây ra làn sóng chấn động toàn quốc, cuối cùng buộc ông Tập phải hủy bỏ chính sách này mà không khua chiêng gióng trống nhưng chắc chắn sẽ bị mất mặt và mất uy tín.
Tôi nghĩ rằng có nhiều tình trạng bất ổn sôi sục hơn ở Trung Quốc với bản tin này từ Nikkei Asia hôm 09/09: “Khoảng cách thu nhập của Trung Quốc đã tăng lên mức lớn nhất chưa từng thấy kể từ khi việc thu thập dữ liệu bắt đầu, khi thu nhập trung bình của gia đình thuộc 20% dân số hàng đầu ở thành thị đạt 6.3 lần của nhóm 20% gia đình có mức thu nhập thấp nhất.” Quá đủ cho những lời hứa của ĐCSTQ.
Những cơn bão
Hôm 31/07, CNN đưa tin: “Bão Doksuri, một trong những cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua, đã gây mưa xối xả trên khắp Trung Quốc” (nhấn mạnh thêm) và “chính quyền đang chuẩn bị cho cơn bão Khanun sắp tới, cơn bão thứ sáu dự kiến sẽ đổ bộ vào Trung Quốc trong năm nay.” Hôm 02/09, Reuters đưa tin Bão Saola đã tấn công tỉnh Quảng Đông ở miền nam Trung Quốc: “Với sức gió hơn 200 km/h (125 dặm/giờ) là một siêu bão, Saola là một trong những cơn bão mạnh nhất đe dọa tỉnh miền nam này kể từ năm 1949” (nhấn mạnh thêm). Trong khi đó, ngay cả tờ China Daily của chính quyền Trung Quốc cũng vừa đưa tin rằng “[một] trận mưa ‘chưa từng thấy’ đã tràn ngập Quảng Đông và Hồng Kông.” Cơn thịnh nộ của Trời vẫn tiếp tục.
Những đợt nắng nóng
CNN đưa tin, Trung Quốc đã trải qua đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất được ghi nhận trên khắp tỉnh Tứ Xuyên ở phía tây nam Trung Quốc vào tháng 08/2022. Đợt nắng nóng này dẫn đến tình trạng khủng hoảng điện khiến “các tòa nhà chọc trời bị giảm ánh sáng, các nhà máy đóng cửa, tàu điện ngầm tối tăm, và khiến nhà cửa và văn phòng rơi vào tình trạng mất điện luân phiên, hệ thống điều hòa không hoạt động — và hàng ngàn gia cầm và cá không thể sống sót tại các trang trại bị cắt điện.”
Lúc đó, New Scientist đưa tin rằng đây là “đợt nắng nóng dài nhất và nóng nhất ở Trung Quốc kể từ khi có đợt nóng cao kỷ lục quốc gia vào năm 1961,” và rằng “hôm 18/08, nhiệt độ ở Trùng Khánh thuộc tỉnh Tứ Xuyên lên tới 45°C (113°F), mức cao nhất từng được ghi nhận ở Trung Quốc bên ngoài khu vực sa mạc Tân Cương.”
Với những đợt nắng nóng tiếp tục diễn ra trong năm nay, hôm 18/07, Reuters đưa tin, “Bắc Kinh đã dẫn đầu kỷ lục về số ngày có nhiệt độ cao trong một năm … với 27 ngày khi một đợt nắng nóng gay gắt tràn qua thủ đô Trung Quốc.”
Tham nhũng
Tham nhũng trong chính quyền là căn bệnh đặc hữu ở Trung Quốc cộng sản. Ngay từ đầu, ông Tập đã xem việc chống tham nhũng là trọng tâm trong chính sách cai trị của mình với nhiều chiến dịch chống tham nhũng được phát động trong nhiều năm. Tuy nhiên, tham nhũng dường như vẫn tiếp tục không suy giảm.
Những tuyên bố chống tham nhũng của ông ấy chỉ để trưng thôi sao?
Một biểu đồ do Statista biên soạn hồi tháng Bảy đây mô tả các vụ tham nhũng của quan chức ĐCSTQ từ năm 2012 đến năm 2022, với 596,000 vụ án tham nhũng được đệ trình chống lại các quan chức của ĐCSTQ vào năm 2022. Điểm qua một vài vụ tham nhũng hiện nay:
Từ China Insights hồi tháng Tám: Chủ sở hữu cơ quan nhập cư lớn nhất Trung Quốc đã bị bắt “vì buôn bán ngoại tệ trái phép.”
Từ China Daily hồi tháng Bảy: “Một cựu phó chủ tịch cơ quan quản lý ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc đã nhận tội nhận hối lộ 519 triệu nhân dân tệ (72.3 triệu USD) và lạm dụng quyền lực.”
Từ The Epoch Times hồi tháng Sáu: “Cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc [Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương] vừa thông báo rằng ba quan chức cao cấp của họ đang bị điều tra vì ‘vi phạm kỷ luật và pháp luật.’”
Từ The Epoch Times hồi tháng Năm: “Ông Chu Giang Dũng (Zhou Jiangyong), một cựu bí thư trong chính quyền cộng sản Trung Quốc, đã nhận tội nhận hối lộ gần 200 triệu nhân dân tệ (28.91 triệu USD) trong khoảng 20 năm giữ chức vụ chính thức của mình.”
Quản lý sai lầm về kinh tế
Một trong những tuyên bố trọng yếu của ĐCSTQ về tính hợp pháp là quản lý hiệu quả nền kinh tế Trung Quốc. Những dữ kiện gần đây dường như cho thấy điều ngược lại.
Tình trạng sụt giảm nhà ở tại Trung Quốc còn nghiêm trọng hơn nhiều so với báo cáo, với một nửa số công ty xây dựng thuộc sở hữu nhà nước của quốc gia này báo cáo “tổn thất trên diện rộng,” theo Zero Hedge.
Sự chênh lệch thu nhập được đề cập ở trên chỉ là khởi đầu cho những khó khăn kinh tế của Trung Quốc trở nên trầm trọng hơn trong thời đại Tập Cận Bình.
Trong nửa đầu năm 2023, “số lượng quỹ phòng hộ tập trung vào Trung Quốc đã giảm lần đầu tiên sau hơn một thập niên,” theo Yahoo! Finance.
Ba hãng hàng không lớn của Trung Quốc báo lỗ nặng trong nửa đầu năm 2023, theo Đài Châu Á Tự do.
Trung Quốc đang “rơi vào tình trạng giảm phát, ” theo The New York Times.
Từ Exante Data, nhà sáng lập Jens Nordvig, người chuyên theo dõi dữ liệu và hiệu suất kinh tế Trung Quốc, cho hay: “Khi tôi xem dữ liệu này ở Trung Quốc — tôi đã theo dõi Trung Quốc trong khoảng 20 năm. Tôi chưa bao giờ thấy điểm yếu này, cảm giác như quý vị thực sự có vấn đề về niềm tin khi người tiêu dùng bắt đầu vô cùng bồn chồn, lo lắng về tương lai, và do dự,” (nhấn mạnh thêm).
Từ một bài tiểu luận trên tạp chí Foreign Affairs hồi tháng Tám: “Việc chính quyền [cộng sản] theo đuổi quyền kiểm soát toàn diện đã đưa quốc gia này vào con đường tăng trưởng chậm hơn và tạo ra nhiều nhóm bất mãn,” tạo ra “thời đại trì trệ” của ông Tập Cận Bình.
Do đó, người ta mất niềm tin vào khả năng của ông Tập trong việc quản lý nền kinh tế Trung Quốc. Đây là một bước nữa từ việc đánh mất Thiên Mệnh.
Ý kiến kết luận
Với sự sùng bái cá nhân và những câu châm ngôn, ông Tập tự cho mình là một hoàng đế Trung Quốc thời hiện đại. Có lẽ ông ấy đã quên mất luật nhân quả khôn lường. Truyền thống Trung Quốc cho rằng các hoàng đế có thể mất đi Thiên Mệnh và bị truất phế. Chỉ riêng một loạt các điềm báo được tóm lược ở trên cũng có thể báo trước rằng ông Tập đã mất đi đặc quyền đó. Rất có thể Trời sẽ sớm cho đòi Trung Nam Hải.
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times