Trung Quốc: Chàng trai 19 tuổi quyết tâm vạch trần bản chất xấu xa bại hoại của chủ nghĩa cộng sản
Anh Lâm Dưỡng Chính nói rằng ĐCSTQ quá bại hoại, quá xấu xa đến mức ‘không còn từ nào có thể diễn tả.’
Anh Lâm Dưỡng Chính (Lin Yangzheng) là một thanh niên 19 tuổi quyết định trở thành nhà bảo vệ nhân quyền có quan điểm chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Các hoạt động trực tuyến của anh đã thu hút sự chú ý của chế độ, buộc anh phải đào thoát khỏi đất nước.
ĐCSTQ quá xấu xa, bại hoại đến mức “không còn từ nào có thể diễn tả,” anh Lâm nói, “Cách duy nhất chính là hiệp lực lại và hạ bệ họ, bảo đảm rằng trong tương lai không còn ai trở thành con mồi cho những chiêu trò của họ,” anh Lâm chia sẻ với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times về con đường trở thành nhà hoạt động chống cộng sản của mình.
Anh sinh năm 2004, tại thành phố Phúc Châu phía nam Trung Quốc. Cha anh là nhà văn còn mẹ anh là giáo viên.
Cuộc sống tương đối sung túc của gia đình anh đã bất ngờ tuột dốc vào năm 2018 khi chế độ cấm cuốn sách của cha anh, một cuốn tiểu thuyết dựa trên lịch sử thời Trung Hoa Dân Quốc sau khi triều đại nhà Thanh sụp đổ. Anh Lâm nói: “Cha tôi đã dành khoảng 10 năm tâm huyết để viết ra cuốn sách này, lịch sử là sở trường của ông ấy.”
Tuy nhiên, giai đoạn lịch sử đó là điều cấm kỵ đối với ĐCSTQ.
Theo tuyên truyền của nhà nước, vào năm 2018, chế độ này tuyên bố bất kỳ câu chuyện lịch sử nào liên quan đến Trung Hoa Dân Quốc đều được xếp vào “chủ nghĩa hư vô lịch sử” (tư tưởng đoạn diệt lịch sử), “có hại cho việc xây dựng xã hội chủ nghĩa” và “đối lập với chủ nghĩa Marx.”
Sau lệnh cấm sách đó, ĐCSTQ cũng phủ nhận mọi tác phẩm trước đây của cha anh. Vì vậy, tình hình tài chính của gia đình đã bị ảnh hưởng nặng nề.
“Có lẽ kinh nghiệm bất thường này đã khiến tôi bắt đầu suy nghĩ,” anh Lâm nói. “Sau ngần ấy năm ngẫm nghĩ, tôi đã trở nên khá rõ ràng rằng đó là một đảng chính trị bất hợp pháp.”
Các biện pháp zero-COVID
Vào khoảng năm 2020, các biện pháp zero-COVID đã giúp anh thức tỉnh: “Tôi đã bị giam hãm ở nhà hai lần, mỗi lần đều hơn một tháng,” anh nói, những người lớn tuổi trong gia đình anh bị bệnh nặng mà vẫn phải ở một mình, nhưng anh thậm chí không thể đến thăm họ.”
Anh Lâm nói: “Tình hình lúc đó giống như thời Cách mạng Văn hóa vậy, phẩm giá của người dân không hề được tôn trọng.”
Anh quyết định vượt tường lửa trên mạng để tìm kiếm sự thật ở thế giới bên ngoài. Anh nhanh chóng nhận ra chiến thuật tẩy não của ĐCSTQ: “Chúng ta sẽ phát hiện ra rằng toàn bộ tin tức mình nhìn thấy bên trong Trung Quốc đều là những thứ họ muốn chúng ta tiếp nhận.”
Cuộc biểu tình trên cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh
Vào ngày 13/10 năm ngoái, một cuộc biểu tình hiếm hoi đã diễn ra trên cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh. Anh Lâm cảm thấy vui khi nhìn thấy một tấm biểu ngữ có nội dung “Bãi khóa, bãi công, và bãi miễn tên độc tài bán nước Tập Cận Bình.”
Anh ngay lập tức lan truyền sự phấn khích của mình qua mạng xã hội WeChat của Trung Quốc, đặc biệt là ý tưởng “bãi miễn ông Tập”.
Tuy nhiên, hành động này đã khiến công an tìm đến anh Lâm. Công an đã đến nhà để bắt anh đến đồn công an vào trưa ngày 16/10/2022.
Tại đồn công an, anh bị đe dọa với các tội danh như “phạm tội kích động lật đổ” và, có thể sẽ bị “cưỡng bức mất tích.” Anh nói, “chiến thuật tàn ác này là để đe dọa và làm lung lay ý chí kiên cường của tôi.”
Mãi đến nửa đêm anh mới được thả ra. Anh Lâm nói: “Tôi đã tỉnh ngộ ra và thấy được ĐCSTQ chuyên quyền và độc tài đến mức độ nào.”
Đối với một thanh niên 18 tuổi, đó là một kinh nghiệm vô cùng kinh hoàng. “Tôi biết nếu bị bắt lần nữa, tôi có thể sẽ ra đi mãi mãi,” anh nói.
Anh quyết định đào thoát sang Thái Lan bằng một thị thực nhập cảnh hợp lệ và cố gắng kiềm chế không thể hiện thái quá trên các bài đăng trực tuyến của mình.
Tuy nhiên, sau khi anh và mẹ đến Thái Lan, anh nhanh chóng biết rằng mình vẫn chưa thể hoàn toàn thoát khỏi sự đe dọa của ĐCSTQ.
Thái Lan không phải là nơi an toàn
Anh nói: “Tôi không biết ĐCSTQ có thể thực hiện bắt giữ người dân xuyên biên giới trên đất Thái Lan dễ dàng như vậy.” Cơ quan an ninh quốc gia Trung Quốc gọi điện cho mẹ anh chưa đầy một tháng sau khi anh tiếp tục các hoạt động trực tuyến của mình ở Thái Lan.
Cơ quan an ninh quốc gia nói với mẹ anh Lâm rằng anh sẽ bị bắt vì “phạm tội kích động lật đổ.” Ngay sau đó, anh Lâm phát hiện các trương mục mạng xã hội Trung Quốc của mình như WeChat, QQ, Zhihu cũng bị khóa.
Năm 2013, truyền thông nhà nước đưa tin ĐCSTQ đã thành công trong việc bắt giữ bốn “kẻ đào tẩu” người Trung Quốc ở Thái Lan trong một chiến dịch bắt giữ xuyên biên giới vào cuối năm 2012. Kể từ đó, nhiều vụ bắt giữ những người bất đồng chính kiến Trung Quốc ở Thái Lan đã bị bại lộ, bao gồm cả nhà xuất bản người Thụy Điển gốc Hoa Quế Mẫn Hải (Gui Minhai). Ông Quế là một học giả và là một trong những cổ đông sở hữu nhà sách Đồng La Loan (Causeway Bay Bookstore) ở Hồng Kông.
Ông Quế được nhìn thấy lần cuối vào ngày 17/10/2015, khi ông rời căn hộ nghỉ dưỡng của mình ở Pattaya, Thái Lan. Theo trang Free Gui Minghai (Trả tự do cho ông Quế Mẫn Hải), một trang web dành riêng cho mục đích kêu gọi trả tự do cho ông Quế, kể từ đó ông bị giam giữ ở Trung Quốc mà không được trợ giúp pháp lý hay tiếp cận dịch vụ lãnh sự.
Tìm cách xin tị nạn
Anh Lâm hy vọng có thể xin được tị nạn ở Đức, nhưng trong chuyến bay quá cảnh ở Singapore, anh đã thay đổi kế hoạch và đáp chuyến bay sang Nam Hàn.
“Tại phi trường ở Singapore, họ muốn đưa chúng tôi trở lại Trung Quốc,” anh nói và tin rằng phi trường này có những quy định chặt chẽ hơn nhiều trong việc kiểm tra tư cách của người mang sổ thông hành (passport) Trung Quốc nếu người đó đi châu Âu.
Bằng cách thương lượng với các nhân viên tại phi trường Singapore, nhấn mạnh rằng việc quay trở lại Trung Quốc sẽ chỉ khiến họ bị chính quyền đàn áp, cuối cùng họ đã được phép lên phi cơ tới đảo Jeju, Nam Hàn.
Trong quá trình nộp hồ sơ xin tị nạn, anh Lâm hiện đang tập trung vào con đường thúc đẩy nền dân chủ Trung Quốc với tư cách là tình nguyện viên của một phong trào bảo vệ nhân quyền của Trung Quốc mang tên “Dự án Danh sách Ác nhân Trung Cộng.”
Công việc tình nguyện của anh bắt đầu khi một trong những bài đăng của anh ở Thái Lan liên quan đến kinh nghiệm bị giam giữ ở Trung Quốc được đăng lên Twitter bởi Dự án Danh sách Ác nhân, một phong trào bảo vệ nhân quyền do nhà hoạt động Lâm Sinh Lượng (Lin Shengliang) sống ở Hà Lan khởi xướng.
Theo mô tả từ người sáng lập, Dự án Danh sách Ác nhân Trung Cộng có mục đích ghi lại thông tin cá nhân của những người là thủ phạm trong cuộc đàn áp nhân quyền của ĐCSTQ và vạch trần hành động của họ trên mạng Internet.
Nói về quyết tâm dấn thân vào con đường đối nghịch với ĐCSTQ, anh Lâm đưa ra những ví dụ về việc ĐCSTQ đang gánh trên vai những món nợ máu lịch sử.
“Vào thời ông Mao Trạch Đông, có Cách mạng Văn hóa và Ba Năm Nạn đói Lớn. Còn cuộc đàn áp tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 và chiến dịch ‘Trăm Ngày Không Con’ (kế hoạch hóa gia đình) là những khoản nợ máu phát sinh dưới thời ông Giang Trạch Dân lãnh đạo. Những món nợ máu thời nay đè lên vai ông Tập Cận Bình gồm có cuộc đàn áp ở Hồng Kông, hệ thống trại tập trung ở Tân Cương, chính sách zero COVID, và việc giam giữ tùy tiện những người bất đồng chính kiến.”
Anh hy vọng những nỗ lực chống ĐCSTQ của mình sẽ giúp những người Trung Quốc vô tội thức tỉnh và tiếp thêm động lực giúp họ đứng lên chống lại chế độ.
Anh tin rằng chế độ này đã cố tình khiến người dân Trung Quốc hiểu lầm bằng cách đánh đồng đất nước này với ĐCSTQ. Anh nói: “Yêu nước không có nghĩa là trung thành với đảng,” nhưng thật không may là sách lược tẩy não và tuyên truyền của ĐCSTQ đã dẫn công chúng đi sai đường.
Bản tin có sự đóng góp của Chương Hồng và Lạc Á
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times