Đẩy lùi chủ nghĩa trọng thương của Trung Quốc cộng sản
Thị trường địa ốc nội địa, đầu tư trực tiếp ngoại quốc (FDI), và xuất cảng là các trụ cột kinh tế chính của Trung Quốc cộng sản.
Thị trường địa ốc của nước này đang trong khủng hoảng nghiêm trọng, phải hứng chịu những cú sốc lớn, bao gồm cả vụ phá sản và thanh lý hồi tháng Một vừa qua của tập đoàn Hằng Đại Trung Quốc (China Evergrande), tập đoàn mà vào năm 2018 từng được vinh danh là “công ty địa ốc có giá trị nhất thế giới,” theo NPR. Một nhà phát triển địa ốc khác là Bích Quế Viên (Country Garden), trước đây là công ty xây dựng nhà ở lớn nhất Trung Quốc, đã vỡ nợ hồi tháng Mười năm ngoái và vướng vào một vụ kiện yêu cầu thanh lý từ một chủ nợ hồi tháng Hai.
Tương tự, đầu tư trực tiếp của ngoại quốc vào Trung Quốc cũng đã dần cạn kiệt sau khi các biện pháp chống dịch COVID-19 hà khắc của Bắc Kinh làm gián đoạn nền kinh tế Trung Quốc năm 2022. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền cũng đã thực thi luật phản gián mới, đe dọa các nhà đầu tư ngoại quốc đang bắt đầu thực hiện các biện pháp tách rời để giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Những biện pháp đó bao gồm chuyển các mối lo ngại về sản xuất và chế tạo từ Trung Quốc sang các quốc gia khác. Ngay cả người Âu Châu cũng đang tham gia vào phong trào tách rời. Tuy nhiên, họ thích ngôn ngữ nhẹ nhàng hơn — giảm thiểu rủi ro — một thuật ngữ do Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đề xướng vào tháng 01/2023 — có nghĩa là họ chuộng một cách tiếp cận tinh tế hơn để cân bằng thương mại với Trung Quốc, bao gồm cả thông qua các cuộc đàm phán ngoại giao.
Nhưng còn trụ cột thứ ba — nền kinh tế xuất cảng của Trung Quốc thì sao? Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy các quốc gia khác đang dần chú ý đến việc chính quyền Trung Quốc liên tục sử dụng các biện pháp trọng thương trục lợi, trợ cấp để trao lợi thế thương mại không công bằng cho các nhà sản xuất Trung Quốc nhằm chèn ép các nhà cung cấp ngoại quốc.
Chúng ta hãy xem xét chủ nghĩa trọng thương của Trung Quốc và một số phản ứng gần đây của phương Tây.
Chủ nghĩa trọng thương là gì?
Chủ nghĩa trọng thương là một hệ thống kinh tế thương mại từng phát triển mạnh mẽ trong khoảng thời gian từ giữa thời kỳ Phục hưng ở châu Âu cho đến cuối thế kỷ 19. Mục đích của chủ nghĩa này mang tính dân tộc, trong đó mục tiêu chính là làm sao cho một quốc gia nhất định có thể tích lũy của cải và quyền lực thông qua quy định thương mại để tối đa hóa xuất cảng và giảm thiểu nhập cảng. Thặng dư thương mại là thước đo quan trọng nhất để đánh giá sự thành công của chủ nghĩa trọng thương bởi vì, xét theo phương diện thực tế, điều đó có nghĩa là một quốc gia đang bán nhiều hàng hóa sản xuất trong nước cho các quốc gia khác hơn là mua từ các nhà sản xuất ngoại quốc.
Nhiều biện pháp khác nhau đã được thực hiện để giúp đạt được những mục tiêu này, bao gồm đặt ra các mức thuế quan, thao túng các quy định và luật thuế có lợi cho các ngành công nghiệp trong nước, khai thác lao động giá rẻ (bao gồm cả lao động nô lệ), và chính phủ trợ cấp trực tiếp cho các ngành công nghiệp trong nước nhằm chèn ép cạnh tranh ngoại quốc. Các biện pháp trợ cấp của chính phủ bao gồm cả việc sử dụng lực lượng quân sự (chủ yếu là hải quân) để bảo đảm an ninh vận chuyển/xuất cảng hàng hóa tới các điểm đến ở ngoại quốc.
Chủ nghĩa trọng thương đặc sắc Trung Quốc
Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này đã sai lầm khi tin rằng chính quyền Trung Quốc sẽ cải thiện các chính sách trọng thương của họ khi Trung Quốc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới vào tháng 12/2001. Như là một phần trong quá trình này, Trung Quốc đã được trao vị thế “tối huệ quốc,” một vị thế cung cấp cho tất cả các thành viên WTO những điều kiện thương mại tốt nhất mà các đối tác thương mại có thể đề ra, bao gồm mức thuế thấp nhất, ít rào cản thương mại nhất, và hạn ngạch nhập cảng cao nhất (nếu có).
Trong khi tích lũy những lợi ích này khi là thành viên của WTO, chính quyền này đã vi phạm các điều khoản của Nghị định thư Gia nhập bằng cách tiếp tục các biện pháp trọng thương thông qua trợ cấp của chính quyền, bao gồm cho vay có mục tiêu, giảm thuế, và cấm thành lập các nghiệp đoàn lao động độc lập ở Trung Quốc, đồng thời từ chối cung cấp sự minh bạch trong các quy định và luật pháp quản lý các hoạt động kinh tế của Trung Quốc.
ĐCSTQ đã vui vẻ áp dụng, điều chỉnh, và tiếp tục các chính sách trọng thương với phương Tây kể từ khi Trung Quốc “mở cửa” với thế giới sau khi Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng ký Tuyên bố Thượng Hải lịch sử vào tháng 02/1972.
Sau đây là một số ví dụ về chủ nghĩa trọng thương mang đặc sắc Trung Quốc.
Chiến tranh kinh tế
ĐCSTQ sử dụng kinh tế làm vũ khí chống lại bất kỳ ai đe dọa đến lợi ích cốt lõi của họ. Cách tiếp cận này bao gồm các biện pháp trừng phạt và cấm vận mang tính phân biệt đối xử, không phù hợp với WTO đối với các quốc gia và công ty ủng hộ nền dân chủ của Hồng Kông hoặc phản đối nạn diệt chủng đang diễn ra ở Tân Cương và Tây Tạng.
Đây là cách FBI mô tả cuộc chiến kinh tế mà ĐCSTQ đang tiến hành để chống lại Hoa Kỳ và thế giới: “[Trung Quốc] sử dụng luật pháp và quy định của họ để đặt các công ty ngoại quốc vào thế bất lợi và các công ty của chính họ vào thế có lợi.”
Gián điệp kinh tế
ĐCSTQ đã mở rộng phạm vi nhiệm vụ cho Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của họ để bao gồm các hoạt động gây ảnh hưởng đối với ngoại quốc, bao gồm cả việc phối hợp chặt chẽ với Bộ An ninh Quốc gia trong việc điều phối các hoạt động gián điệp. Trọng tâm là đánh cắp các bí quyết công nghệ và bí mật thương mại nhằm cải tiến, phát triển, đưa ngành công nghiệp Trung Quốc vượt qua các đối thủ ngoại quốc và trở thành nhà cung cấp thống lĩnh thế giới.
Năm 2023, BBC đưa tin cho biết rằng các hoạt động gián điệp của Trung Quốc đang nhắm mục tiêu vào 10 lĩnh vực công nghiệp, trong đó có thiết bị hàng không và vũ trụ, phát triển dược phẩm, công nghệ nano, kỹ thuật sinh học, trí tuệ nhân tạo, công nghệ phần mềm, v.v.
Đánh cắp tài sản trí tuệ trong liên doanh
Tất cả các liên doanh ở Trung Quốc đều yêu cầu công ty ngoại quốc phải hợp tác với một đối tác Trung Quốc theo luật pháp Trung Quốc. Các quy định về liên doanh này cho phép trực tiếp đánh cắp tài sản trí tuệ của ngoại quốc. FBI mô tả quá trình này như sau: “Chính quyền Trung Quốc hạn chế khả năng một số loại công ty ngoại quốc tham gia vào thị trường, thay vào đó yêu cầu họ phải thành lập liên doanh với các công ty Trung Quốc trước khi họ có thể được tiếp cận thị trường. Các công ty Trung Quốc sau đó sẽ sử dụng một số mối hợp tác làm ăn này làm cơ hội để tiếp cận thông tin độc quyền của ngoại quốc.”
Dự trữ các mặt hàng chiến lược
Trong nhiều năm, chính quyền Trung Quốc đã thành công trong việc giành quyền kiểm soát các mặt hàng chiến lược đồng thời xây dựng các kho dự trữ chiến lược như một biện pháp phòng ngừa lạm phát và một phương tiện thao túng thị trường để gây ảnh hưởng (ép buộc) các quốc gia mục tiêu.
Một mặt hàng được xem là chiến lược khi mặt hàng đó là một loại nguyên liệu thô hoặc sản phẩm nông nghiệp được xem là trọng yếu đối với nền kinh tế của một quốc gia, vì nền kinh tế của quốc gia đó sẽ bị ảnh hưởng đáng kể nếu hoạt động thương mại và nguồn cung ứng mặt hàng đó bị gián đoạn.
Dư thừa công suất và bán phá giá
Trong nhiều năm, Trung Quốc đã trợ cấp ồ ạt cho các ngành công nghiệp để tạo ra tình trạng dư thừa năng lực sản xuất, với mục đích xuất cảng các sản phẩm dưới giá thành sản xuất nhằm chiếm lĩnh thị trường ngoại quốc. Hồi tháng Tư, Reuters lưu ý rằng “các nhà hoạch định chính sách ở Hoa Kỳ, châu Âu và các nơi khác đang lo lắng về việc Trung Quốc đầu tư quá mức vào xe điện, pin quang năng, pin lithium-ion và các ngành công nghiệp khác, có thể khiến mức sản lượng vượt quá nhu cầu trong nước.” Tờ Daily Mail của Vương quốc Anh đưa tin về việc Trung Quốc đang “làm ngập Anh quốc bằng xe điện.”
Các chính sách trọng thương của Trung Quốc nhằm mục đích giành thị phần trước sự tổn thất của các công ty ngoại quốc. Kết quả là thặng dư thương mại lớn có lợi cho Trung Quốc — ví dụ, 576 tỷ USD vào năm 2022 — đang tài trợ cho tăng trưởng mang tính hiện tượng của Quân Giải phóng Nhân dân.
Lời kết
Trước sự thất vọng của những người ủng hộ toàn cầu hóa và các đối tác của Trung Quốc ở khắp mọi nơi, chính phủ cựu Tổng thống Trump đã theo đuổi một chế độ thuế quan, tái cấu trúc Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), cũng như khuyến khích vận dụng tách rời như một chiến lược nhằm tái cân bằng thương mại Mỹ-Trung và làm suy yếu chính sách trọng thương của Trung Quốc. Chính phủ Tổng thống Biden vẫn giữ lại nhiều mức thuế quan thời cựu Tổng thống Trump trong khi mới đây vừa bổ sung thêm một số mức thuế của riêng họ đối với xe điện (EV), pin cao cấp, pin quang năng, thép, nhôm, và một số thiết bị y tế.
Nhóm Bảy Quốc gia (G7) cùng với Úc đang hướng tới một chiến lược mềm mỏng hơn về “khả năng phản kháng tập thể” để chống lại chủ nghĩa trọng thương đang tiếp diễn của Trung Quốc. Chiến lược này liên quan đến việc thực hiện biện pháp răn đe kinh tế bằng cách cùng nhau giữ lại những hàng hóa quan trọng mà Trung Quốc có mức độ phụ thuộc cao. Như Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã lưu ý, “Các quốc gia G7 và Úc nắm trong tay gần 400 mặt hàng có giá trị thương mại trên 37 tỷ USD (2022) mà Trung Quốc có mức độ phụ thuộc 70% và gần 160 mặt hàng trị giá 7.5 tỷ USD mà Trung Quốc có mức độ phụ thuộc 90%.” Việc đe dọa giảm xuất cảng những mặt hàng này sang Trung Quốc có thể gây áp lực buộc ĐCSTQ giảm bớt các biện pháp trừng phạt và cấm vận của Trung Quốc, đồng thời thực sự phù hợp với tuyên bố thường thấy của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình rằng “Trung Quốc đang mở cửa.”
Các phản ứng khác bao gồm cuộc điều tra của Liên minh Âu Châu về các khoản trợ cấp của Trung Quốc đối với xe điện (xem tại đây), cảnh báo trên các hãng truyền thông phương Tây về hành vi bán phá giá gần đây của Trung Quốc (xem tại đây và tại đây), một cuộc điều tra của EU nhằm phơi bày các khoản trợ cấp của chính quyền Trung Quốc dẫn đến việc một nhà sản xuất xe lửa Trung Quốc phải rút lui trong cuộc đấu thầu một hợp đồng đầu máy toa xe ở Bulgaria (xem tại đây), việc Đại diện Thương mại Hoa Kỳ bắt đầu cuộc điều tra về “các chính sách và hoạt động không công bằng, phi thị trường” của Trung Quốc “nhằm thống lĩnh các lĩnh vực hàng hải, tiếp vận, và đóng tàu” (xem tại đây), và cuộc điều tra chống bán phá giá mới của EU đối với lysine (một loại acid amin quan trọng trong chế độ ăn uống của con người) nhập cảng từ Trung Quốc.
Sự đồng thuận của thế giới về chủ nghĩa trọng thương của Trung Quốc dường như đang đi đúng hướng, nhưng cần phải có một phản ứng nhất quán hơn nhiều.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times