Các chuyên gia: Dòng người Hoa lục di cư đến Hồng Kông là điều mà ĐCSTQ mong muốn
Cuộc biểu tình lần đầu tiên lên đến triệu người ở Hồng Kông vào ngày 09/06/2019 đã gây chấn động Bắc Kinh. Kể từ đó, Bắc Kinh bắt đầu nhen nhóm kế hoạch ‘toàn diện’ đối với Hồng Kông
Kể từ khi có Luật An ninh Quốc gia vào năm 2020, làn sóng di cư đã xuất hiện ở Hồng Kông. Để giải quyết tình trạng chảy máu chất xám ở Hồng Kông, chính quyền đã đưa ra nhiều chương trình nhân tài. Theo một số chuyên gia về Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ lâu đã ấp ủ kế hoạch “giữ lại Hồng Kông nhưng không có người Hồng Kông” mà họ tin rằng hiện đang được thực hiện.
Hôm 30/04, Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu) tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng tính đến cuối tháng Ba, khoảng 110,000 nhân tài đã đến Hồng Kông thông qua các chương trình tài năng khác nhau. Trong số đó, Chương trình Top Talent Pass (TTPS) đã nhận được khoảng 77,000 đơn ghi danh, trong đó khoảng 62,000 đơn đã được phê duyệt. Ông Lý ước tính rằng TTPS có thể mang lại đóng góp kinh tế trực tiếp khoảng 34 tỷ HKD (4.35 tỷ USD) hàng năm cho Hồng Kông, tương đương khoảng 1.2% GDP địa phương.
Ông Lý cũng đề cập rằng những nhân tài thuộc TTPS ở Hồng Kông chủ yếu tham gia vào công việc quản lý và chuyên môn, với thu nhập trung bình khoảng 50,000 HKD (6,393 USD). Một số người thậm chí còn kiếm đến 200,000 HKD (25,571 USD) trở lên. Nhiều người trong số họ đi cùng với vợ/chồng, riêng năm ngoái đã có hơn 21,000 cặp vợ chồng đến Hồng Kông. Ông cho biết những cặp vợ chồng này nhìn chung đều còn trẻ, một số cũng đã bắt đầu gia nhập lực lượng nhân sự, chủ yếu làm các công việc công nghệ cao hơn, với thu nhập trung bình hàng tháng khoảng 30,000 HKD (3,836 USD).
Hai phần ba số người nộp đơn TTPS là công dân Trung Quốc
TTPS lần đầu tiên xuất hiện trong bài diễn văn về chính sách của ông Lý hồi tháng 11/2022. Trong báo cáo, ông Lý thừa nhận rằng Hồng Kông đã mất khoảng 140,000 lực lượng nhân sự địa phương trong hai năm qua. Ông đề nghị bốn biện pháp để thu hút nhân tài ngoại quốc, trong đó có khai triển TTPS, hợp lý hóa Chính sách Việc làm Chung, và Chương trình Tuyển dụng Nhân tài và Chuyên gia từ Đại lục.
Cuối năm 2022, chính quyền Hồng Kông chính thức bắt đầu nhận đơn ghi danh TTPS. Chỉ trong vòng bảy tuần kể từ khi ra mắt, hơn 10,000 đơn ghi danh đã được nhận và hơn 7,700 đơn đã được phê duyệt. Ông Chris Sun Yuk-han (Tôn Ngọc Hạm), Cục trưởng Cục Lao động và Phúc lợi, cho biết trong số hơn 10,000 đơn ghi danh, 2/3 đến từ Hoa lục và 1/3 đến từ ngoại quốc.
Ông cũng nhấn mạnh rằng rất khó để phân biệt người nộp đơn từ ngoại quốc đến từ đâu, vì họ cũng có thể là công dân Trung Quốc.
Theo trang web của Cục Di trú Hồng Kông, TTPS “tìm cách thu hút những tài năng hàng đầu với kinh nghiệm làm việc đa dạng và trình độ học vấn cao từ khắp nơi trên thế giới để khám phá các cơ hội ở Hồng Kông. Những tài năng hàng đầu này gồm những người có thu nhập cao và tốt nghiệp từ các đại học hàng đầu thế giới.”
Hồng Kông đối mặt với vấn nạn chảy máu chất xám
Kể từ khi thực thi Luật An ninh Quốc gia vào tháng 07/2020, Hồng Kông đã chứng kiến một làn sóng di cư mới, với hàng trăm ngàn người Hồng Kông di cư ra hải ngoại.
Số lượng sinh viên Hồng Kông rời đi cũng rất đáng kể. Theo Báo cáo về Thống kê Tuyển sinh Học sinh, Hồng Kông đã mất gần 68,000 học sinh tiểu học và trung học từ tháng 09/2019 đến tháng 09/2022, trong đó riêng từ tháng 09/2021 đến tháng 09/2022 đã mất 27,000 học sinh.
Để so sánh, trong năm học từ tháng 09/2018 đến tháng 09/2019, trước khi phong trào chống dẫn độ nổ ra, số học sinh tiểu học và trung học ở Hồng Kông giảm ròng là 2,429 em. Điều đó nghĩa là trong ba năm qua, số học sinh tiểu học và trung học bỏ học ở Hồng Kông đã tăng hơn mười lần, và tỷ lệ học sinh bỏ học đã tăng từ 0.35% lên 3.99%.
Làn sóng bỏ học cũng đã lan đến các trường mầm non. Trong năm vừa qua, tính đến tháng 09/2022, ít nhất 6,500 học sinh mẫu giáo đã không tiếp tục đến trường ở Hồng Kông, với tỷ lệ bỏ học khoảng 6.31%, lên một mức cao mới trong những năm gần đây. Một số phương tiện truyền thông cho biết 80% (5,154 em) trong số đó đã bỏ học trước khi chuyển từ mẫu giáo (K2) lên lớp cao hơn (K3), với tỷ lệ bỏ học lên đến 9.69%, tương đương cứ 10 học sinh K2 thì có 1 học sinh chọn không tiếp tục học tập tại Hồng Kông.
Từ khi ra mắt Chương trình Thị thực Quốc gia (ở ngoại quốc) của Anh đến quý ba năm 2023, hơn 190,000 người Hồng Kông đã nộp đơn. Dựa trên xu hướng hiện tại, con số này dự kiến sẽ vượt quá 200,000 vào năm 2024.
Một cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu Ý kiến Công chúng Hồng Kông vào tháng 03/2022 cho thấy 35% số người được hỏi cho rằng “tự do cá nhân” là lý do để di cư, trong khi 58% cho biết họ không tin tưởng vào môi trường chính trị trong tương lai.
‘Giữ lại Hồng Kông nhưng không có người Hồng Kông’
Ông Quý Đạt (Ji Da), một nhà bình luận chính trị ở Hoa Kỳ, cho biết hầu hết các thế hệ cá nhân chống Cộng cũ ở Hồng Kông đều đến từ Hoa lục thông qua nhiều kênh khác nhau, và ĐCSTQ không quan tâm đến việc họ rời đi. Đối với ĐCSTQ, thật dễ dàng để lấp đầy khoảng trống ở Hồng Kông bằng cách xuất cảnh một vài người từ dân số đông đảo ở Hoa lục.
Trên thực tế, nhiều năm trước, ĐCSTQ đã bắt đầu lên kế hoạch thay thế giới tinh hoa Hồng Kông bằng người Hoa lục, ông nói với The Epoch Times. Trong nhiệm kỳ của Trưởng Đặc khu Hồng Kông Đổng Kiến Hoa, các nhân vật thân Bắc Kinh đã đề nghị ý tưởng “thay thế dân số,” sử dụng “giới tinh hoa đại lục” để thay thế người Hồng Kông gốc.
Sau đó, các phương tiện truyền thông chính thống của ĐCSTQ cũng đều đề xướng rộng rãi khái niệm “người Hồng Kông mới,” chia người Hồng Kông thành hai loại: cũ và mới. Tư tưởng “bỏ cái cũ, lấy cái mới” bắt đầu lan rộng, hàm ý việc loại bỏ những người Hồng Kông gốc.
Ông Trình Tường (Cheng Xiang), một nhà bình luận và chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, lập luận rằng chính sách “giữ lại Hồng Kông nhưng không có người Hồng Kông” đã bắt đầu được thực hiện từ năm 2019. Trong loạt bài viết “Sự sụp đổ của Hồng Kông,” ông Trình đã mô tả cách mà chính sách này đã phá hủy thành phố trong hai năm.
“Quy mô của cuộc biểu tình lần đầu tiên lên đến triệu người ở Hồng Kông hôm 09/06 năm đó [2019] đã gây chấn động Bắc Kinh. Kể từ đó, Bắc Kinh bắt đầu nhen nhóm kế hoạch ‘toàn diện’ cho vấn đề Hồng Kông,” bài báo viết.
Ba tuần sau, hôm 27/06/2019, chính quyền ĐCSTQ đăng một bài viết dài có nhan đề “Cảnh báo các thế lực hỗn loạn chống Trung Quốc tại Hoa Kỳ: Hãy dừng lại ngay lập tức! — Đập tan Cách mạng Màu của Hồng Kông và kiên quyết bảo vệ sự đoàn kết dân tộc,” trong đó có các báo cáo của một số tổ chức nghiên cứu về vấn đề Hồng Kông gửi lên Ủy ban Trung ương ĐCSTQ và đưa ra các biện pháp ứng phó.
Ông Trình tin rằng những biện pháp đó đã hình thành nên “tư duy mấu chốt” (một khái niệm thường được lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình nhắc đến) về việc “giữ lại Hồng Kông nhưng không có người Hồng Kông” và rằng nếu ĐCSTQ thực sự thực hiện mười biện pháp đầu như được đề nghị thì “Hồng Kông sẽ biến mất hoàn toàn.”
Hai tháng sau khi bài báo được đăng, ĐCSTQ đã tổ chức một cuộc họp ba ngày ở Thâm Quyến hôm 07/08, truyền đạt kế hoạch “toàn diện” tới một nhóm những nhân vật trong chính quyền Hồng Kông thân Bắc Kinh.
Tại cuộc họp, ông Trương Hiểu Minh (Zhang Xiaoming), Giám đốc Văn phòng Sự vụ Hồng Kông và Macao đương thời, “đã báo cáo tinh thần quan trọng của Chính quyền Trung ương trong việc ổn định tình hình hiện tại ở Hồng Kông,” trong đó đề cập: “Chính quyền Trung ương sẽ không bao giờ khoanh tay đứng nhìn .. Chính quyền Trung ương có đủ phương tiện và quyền lực đủ mạnh để nhanh chóng dập tắt những xáo trộn tiềm ẩn.”
Tuyên bố chính thức này giống hệt giọng điệu của bài báo xuất bản hôm 27/06. Vào cuối năm 2019, ông Trình cho biết các nguồn tin nội bộ đã thông báo cho ông rằng bài báo đang được lưu hành trong chính quyền Hồng Kông và “nhiều khuyến nghị trong đó có thể được áp dụng vào thực tế.”
Theo ông Trình, đây là nguồn gốc của chính sách “giữ lại Hồng Kông nhưng không có người Hồng Kông”.
Chính sách đang được thực thi
Hôm 23/05/2020, tờ Đông phương Nhật báo thân Bắc Kinh của Hồng Kông đã đăng một bài bình luận có nhan đề “Luật An ninh Quốc gia được thực thi ngay lập tức để loại bỏ những kẻ bạo loạn ở Hồng Kông.” Đây là bài bình luận đầu tiên tiết lộ chính sách “giữ lại Hồng Kông nhưng không có người Hồng Kông” của ĐCSTQ.
“…giả sử rằng có hai triệu người ở Hồng Kông ủng hộ phe đối lập. Nếu những người này không công nhận ‘một quốc gia,’ họ nên di cư cùng gia đình họ. Tạm biệt. Đừng ở lại Hồng Kông để gây rắc rối nữa,” bài báo viết.
Bài báo cũng nêu rõ sau khi 2 triệu người này ra đi, những người ở lại phải yêu mến Trung Quốc, Hồng Kông và tôn trọng chính sách “Một quốc gia.”
“Chính quyền trung ương có thể tận dụng cơ hội này để cải cách hoàn toàn các vấn đề hành chính, lập pháp, tư pháp, giáo dục, nhà ở, và các vấn đề khác, thực hiện [chính sách] ‘giữ lại Hồng Kông nhưng không có người Hồng Kông,’” bài báo viết.
Ông Cát lưu ý rằng ngay sau đó, ĐCSTQ đã thi hành Luật An ninh Quốc gia ở Hồng Kông, theo sau đó là một loạt hành động càn quét nhắm vào phe dân chủ.
“Đối với ĐCSTQ, Hồng Kông có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng,” ông nói. “Giờ đây đang có làn sóng di cư ở Hồng Kông, ĐCSTQ chớp lấy cơ hội để thay thế dân số này. ‘Giữ lại Hồng Kông nhưng không có người Hồng Kông’ đang được thực thi.”
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times