Nông dân Hà Lan và cuộc chiến không hồi kết
‘Mọi con bò đều được ghi danh’
Trong suốt mùa hè năm 2022, các cuộc biểu tình của nông dân Hà Lan đã nổ ra trên khắp đất nước như một phản ứng đối với kế hoạch hạn chế lượng khí thải nitrogen của chính phủ — trong một số trường hợp, lên tới 95%.
Vào thời điểm đó, các nhà chức trách đã thừa nhận rằng đề nghị của họ đòi hỏi sẽ phải cắt giảm số lượng vật nuôi trên toàn quốc, đặc biệt là gần các khu vực được bảo vệ thuộc mạng lưới Natura 2000 của Liên minh Âu Châu (EU). Cơ sở hợp lý được đưa ra là nhằm hạn chế phát thải amoniac và nitrogenous oxides, được cho là có thể làm thay đổi cấu trúc đời sống của thực vật trong các khu vực như vậy.
Chính phủ Hà Lan đã dự kiến rằng một số lượng đáng kể các trang trại sẽ phải đóng cửa, như được nêu chi tiết trong một báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Hồi tháng Mười, nhiều tổ chức nông nghiệp đã bày tỏ sự bất bình với kế hoạch mới nhất mà chính trị gia Johan Remkes, người hòa giải của chính phủ, đưa ra. Một số người đứng về phía nông dân cam kết sẽ tiếp tục phản đối.
Hồi tháng Chín, phóng viên Roman Balmakov của The Epoch Times đã đến thăm Hà Lan và trò chuyện cùng nhiều nông dân tại thực địa cho một bộ phim tài liệu sắp ra mắt, “Eat the Bugs” (tạm dịch: “Ăn Sâu bọ”). Họ mô tả những thách thức từ phía chính phủ Hà Lan và EU mà lĩnh vực của họ phải đối mặt, khi những thể chế này và các phe nhóm quyền lực khác mưu cầu thay đổi cách thế giới sản xuất và tiêu thụ thực phẩm.
Nông dân canh tác hữu cơ Hà Lan: Không phải nông dân nào cũng có thể đi theo phương pháp hữu cơ
Anh Jan-Hein và cô Sandra Nikkels là những nông dân canh tác hữu cơ. Họ không sử dụng thuốc trừ sâu hoặc phân bón, mà họ cố gắng chỉ sử dụng một lượng giới hạn phân chuồng.
Trang trại của họ gồm có hàng ngàn con gà mái đẻ và 200 con bò sữa. Gia súc gia cầm họ nuôi có không gian rộng rãi hơn so với nhiều trang trại phi hữu cơ khác. Chúng cũng có thể ra ngoài trời.
Trong một cuộc phỏng vấn với cặp vợ chồng này hôm 28/09, anh Jan-Hein nói với phóng viên Balmakov: “Chăn nuôi [theo phương pháp hữu cơ] không dễ dàng gì, nhưng chúng tôi thích như vậy.”
Chị Sandra nói thêm, “Quý vị phải bỏ nhiều công sức hơn cho vấn đề thời tiết.”
Hồi năm 2020, chiến lược Farm to Fork của EU đặt ra các mục tiêu canh tác hữu cơ đầy tham vọng cho năm 2030 — giảm 50% việc sử dụng thuốc trừ sâu và 25% số trang trại sẽ trở thành mô hình hữu cơ.
Anh Jan-Hein và cô Sandra bày tỏ sự hoài nghi về kiểu thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ trên một quy mô lớn hơn nhiều.
Cô Sandra nói, “Không phải nông dân [nào cũng] đều có thể làm được điều đó. Không phải ai cũng có đủ đất xung quanh trang trại của họ để chăn thả tự nhiên gà hay bò.”
Cô tin rằng điều quan trọng hơn là người tiêu dùng nên cố gắng mua trứng được sản xuất tại địa phương, ngay cả khi đó không phải là trứng hữu cơ. Cô nói tiếp, thực phẩm hữu cơ phải là một trong nhiều tùy chọn, ít nhất là cho đến thời điểm hiện nay.”
Cô nói, “Người tiêu dùng phải quyết định, ‘Chúng tôi muốn mua sản phẩm hữu cơ,’ rồi sau đó khi thị trường sẵn sàng, thì quý vị mới có thể thực hiện bước chuyển đổi này. Nhưng khi tôi đi siêu thị, tôi muốn được lựa chọn.”
“Thực phẩm hữu cơ là những thứ mà chúng ta cảm thấy lành mạnh, nhưng không phải ai cũng có thể chi trả cho loại thực phẩm này.”
Anh Jan-Hein chỉ ra rằng xét về góc độ môi trường thì canh tác hữu cơ không phải lúc nào cũng lý tưởng.
Ngay cả với tư cách là những người nông dân canh tác hữu cơ, họ cũng không phải là đã hoàn toàn thoát khỏi số phận là số lượng vật nuôi của họ có thể bị cắt giảm. Theo cô Sandra, gần một nửa số lượng đàn gia súc của họ sẽ nằm trong tầm ngắm của chính phủ.
“Không ai biết được” là chính sách này sẽ được thực hiện như thế nào, cô nói thêm, đoán rằng các nhà chức trách có thể hy vọng nhiều nông dân thực hiện những thay đổi này bằng cách tất cả cùng dừng lại, không làm việc nữa.
Cô cho biết, “Tất cả là đều là từ trên xuống, và không có gì từ dưới lên.”
Kế hoạch cắt giảm liên quan đến nitrogen này sẽ không phải lần đầu tiên họ hy sinh việc làm ăn của mình. Anh Jan-Hein và cô Sandra cho biết họ đã cắt giảm 90% số lượng đàn gà của mình trong hai thập niên vừa qua.
Cả hai người họ đều không cho là chính sách nitrogen của chính phủ được thôi thúc bởi sự quan tâm đến thiên nhiên. Giống như nhiều người khác trong nước, họ tin rằng nhà nước đang tìm cách thu hồi đất để xây dựng thêm nhà ở và cơ sở hạ tầng liên quan.
Cô Sandra nói, “[Nông dân] đang coi sóc môi trường này, cảnh quan này. Bằng cách tước đoạt điều ấy, quý vị có thể xây nhà và xa lộ, nhưng điều đó không hề tốt cho tự nhiên, tôi nghĩ vậy.”
Cũng như nhiều trang trại ở Hà Lan, mảnh đất này đã thuộc về gia tộc Hein qua nhiều thế hệ. Ông của anh Jan đã bắt đầu làm việc trên mảnh đất này từ năm 1906.
Cả hai đều đồng ý rằng áp lực đối với lĩnh vực của họ đang khiến thế hệ tiếp theo chùn bước.
Anh Jan-Hein nói: “Những người nông dân trẻ đang dần bỏ cuộc.”
Khó có thể quay trở lại sau những mất mát đó, ngay cả đối với những người mới đến, những người hy vọng sẽ tiếp tục truyền thống đáng tự hào của đất nước về nền nông nghiệp đổi mới và hiệu quả.
Bà Sandra nói: “Nếu gia đình quý vị không có trang trại, thì quý vị gần như không thể bắt đầu một trang trại.”
Hai người cho biết họ hy vọng chính phủ sẽ cho nông dân một cơ hội để đưa ra một giải pháp, điều mà không đơn giản chỉ được quyết định từ trên xuống.
Nông dân chăn nuôi bò sữa Hà Lan: ‘Luôn’ gặp vấn đề với chính phủ
Theo như những gì ông được biết, ông Robbin Voorend là thế hệ nông dân thứ sáu trong gia đình ông. Năm 2017, ông đã tiếp quản công việc điều hành của cha mẹ mình.
Ngày nay, trang trại của ông có 58 con bò. Trong suốt một năm, chúng sản xuất hơn 130,000 gallon (492 lít) sữa.
“Tôi thường vắt sữa hai lần một ngày, bởi vì chúng tôi vẫn vắt sữa trong một hố vắt sữa truyền thống,” ông nói với anh Balmakov trong một cuộc phỏng vấn hôm 30/09.
Ông Vooerend nói rằng mặc dù ông luôn gặp vấn đề với chính phủ, nhưng các vấn đề hiện tại của ông đã bắt đầu vào đầu năm 2017. Tháng Ba năm đó, chính phủ nói với ông rằng ông cần phải loại bỏ 12 con bò.
Ông cho biết, “Mỗi con bò đều được ghi danh trong hệ thống — vì vậy họ biết tôi có bao nhiêu con bò.”
Mối quan tâm của chính phủ nảy sinh từ kế hoạch giảm lượng phosphate — một tầm nhìn mà Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ mô tả là một nỗ lực đặt ra “giới hạn đối với sản xuất sữa của Hà Lan.” Ông Voorend đã vượt quá mục tiêu của chính phủ được xác định trên cơ sở các con số từ một năm trước.
Ông cho biết hệ thống đó đã nhanh chóng ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Có thời điểm, ông buộc phải mua quyền phosphate từ một nông dân khác.
Ông Voorend nói: “Tôi đã bỏ ra cả đống tiền để giữ lại những con bò giống như tôi đã có hồi đó.”
Kế hoạch giảm phát thải nitrogen mới nhất của chính phủ sẽ buộc ông phải cắt giảm 90–95% số lượng vật nuôi của mình.
Ông Voorend nói rằng chính phủ tỏ ra không mấy quan tâm đến các giải pháp công nghệ đối với việc phát thải nitrogen gắn liền với nông nghiệp.
Ông cho biết ông cảm thấy chán nản về việc đầu tư thêm vào hoạt động của mình, bao gồm bất kỳ quyền phát thải nào mà ông có thể mua được. Ông nói thêm, các ngân hàng cũng không thích những rủi ro liên quan đến nông nghiệp như là một hệ lụy của chính sách nitrogen mới và vẫn đang biến hóa khôn lường.
“Tôi cũng hiểu điều đó. Điều đó không có gì là lạ,” ông nói.
Ông không biết mình sẽ làm gì nếu chính phủ buộc ông phải cắt giảm đàn bò của mình xuống còn 6 con. Trang trại của ông, cũng như nhiều người khác, có thể phải đóng cửa.
Trước sự bùng nổ của “tiến bộ” nông nghiệp, được định nghĩa bởi nhiều tổ chức ưu tú về việc cắt giảm cực đoan đối với chăn nuôi, ông Voorend vẫn không cảm thấy thuyết phục. Ông cho rằng việc loại bỏ đất nông nghiệp sản xuất để bảo tồn thiên nhiên, cuối cùng có thể gây phản tác dụng.
“Dân số trên toàn thế giới chỉ tiếp tục tăng lên mà thôi. Vì vậy, quý vị sẽ cần [lương thực],” ông nói.
Thanh Nhã và Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times