Nông dân biểu tình tại Berlin: ‘Sự đoàn kết này — tôi chưa từng nghĩ là có thể thực hiện được’
BERLIN — Kể từ khi cuộc biểu tình của nông dân nổ ra tại Cổng thành Brandenburg hôm 08/01, một nhóm nông dân và những người ủng hộ họ đã cầm cự ở đó. Họ muốn ở lại cổng thành trong suốt cả tuần cho đến ngày 15/01. The Epoch Times đã nói chuyện với những người nông dân tại hiện trường và muốn biết lý do tại sao họ rời xa trang trại và cơ sở kinh doanh của mình, cũng như họ mong chờ đạt được điều gì từ cuộc biểu tình này để có thể trở về nhà.
Bất chấp nhiệt độ mùa đông, họ ngủ trong xe hoặc container di động, ăn đồ hộp và giữ ấm tại đống lửa hoặc bằng ấm đun nước. Đây là đang nói về những người nông dân, thợ thủ công, và nhân viên vận chuyển hàng hóa đã đến biểu tình và đang cầm cự bền bỉ nhiều ngày gần Cổng thành Brandenburg trên đại lộ Straße des 17. Juni của thủ đô Berlin giữa thời tiết giá lạnh.
Một trong số khoảng 50 nông dân có mặt tại đây cùng với máy kéo của họ là ông Jens Gerloff (60 tuổi). Ông điều hành một trang trại nông nghiệp rộng 270 hecta ở Prignitz, Brandenburg, nơi ông chăn nuôi bò sữa và chăm sóc đồng cỏ.
Lý do khiến ông đến Berlin là kế hoạch bãi bỏ trợ cấp dầu diesel nông nghiệp và khoản miễn thuế xe hơi cá nhân của chính phủ. Chính sách mới này là “giọt nước làm tràn ly.” Người nông dân đến từ Brandenburg này giải thích: “Người ta luôn nói về các khoản trợ cấp, nhưng khoản hoàn thuế một phần đối với chi phí dầu diesel nông nghiệp được đưa ra là do áp thuế dầu khoáng để tài trợ cho việc bảo trì và xây dựng đường bộ.”
“Tuy nhiên, vì phần lớn số dầu mà chúng tôi sử dụng không phải là cho mục đích đi lại trên đường mà là để làm việc trên những cánh đồng và bãi cỏ, nên theo tôi, khoản hoàn trả này chỉ là hợp lý và không mang tính trợ cấp.” Tuy nhiên, cuộc biểu tình của những người nông dân thực ra không chỉ xoay quanh những điều này mà còn về nhiều vấn đề hơn nữa.
Ông chỉ trích thực tế rằng trong nhiều năm, người nông dân đã choáng ngợp trước những yêu cầu quan liêu, những quy định chỉ có thể được biện minh bằng ý thức hệ nhưng lại không hợp lý về mặt kỹ thuật. “Giờ đây chúng tôi đang dành phần lớn thời gian của mình trong văn phòng, thay vì thực hiện những nhiệm vụ chính của người nông dân là sản xuất cây trồng và chăn nuôi một cách hợp lý.”
‘Nền kinh tế Đức đang bị phá hoại’
Ông Gerloff cho rằng xã hội đang ngày càng đi chệch hướng và nền kinh tế Đức đang bị phá hoại một cách có chủ đích. Cho đến nay, ông không biết về vấn đề phí cầu đường đối với xe tải. Trong các cuộc biểu tình, ông đã làm quen với những người giao nhận hàng hóa và biết được điều này sẽ ảnh hưởng đến họ nghiêm trọng như thế nào. “Rất nhiều công ty vận tải có thể sẽ sớm gặp khó khăn về thanh toán, vì họ sẽ không còn có thể trả các khoản vay do mức tăng phí cầu đường gần đây.” Cùng với những người nông dân, các doanh nghiệp vận tải và thợ thủ công cũng tập trung tại Cổng thành Brandenburg.
Ông Namik Erdogan (52 tuổi), một người Berlin gốc Thổ Nhĩ Kỳ, là chủ một công ty vận tải địa phương có 50 nhân viên. “Chúng tôi cung cấp các dịch vụ hạ tầng như vệ sinh đường phố, vận chuyển vật liệu xây dựng, và các dịch vụ khác.”
Hồi hè năm ngoái (2023), ông là một trong những người đứng ra lãnh đạo cuộc biểu tình trên đường Vành đai của Berlin để phản đối kế hoạch tăng phí cầu đường, thu phụ phí CO₂, và giá nhiên liệu cao. “Hồi đó chúng tôi đã nhận ra vấn đề và nói với nhau rằng nếu bây giờ có nông dân ở đây, thì chúng tôi sẽ trợ giúp họ.”
“Chúng tôi muốn có sự thay đổi vì chúng tôi không thể nào giải thích cho khách hàng của mình về việc cứ liên tục tăng giá mãi.” Người ta phải suy nghĩ một cách kinh tế và liên tục điều chỉnh giá của mình. Giá cao hơn sẽ khiến khách hàng bỏ đi hoặc giảm số đơn đặt hàng. “Tất nhiên, điều này cũng có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị phá sản.”
‘Chuyển đổi sang xe điện là quá đắt đỏ’
Đã từng có những nỗ lực chuyển sang sử dụng xe điện, nhưng việc sử dụng xe điện là bất hợp lý đối với nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như máy vệ sinh đường phố. Các mẫu máy vệ sinh đường phố chạy bằng điện chỉ đơn giản là quá đắt cả về chi phí mua mới lẫn bảo dưỡng. “Với một chiếc máy vệ sinh chạy bằng dầu diesel, thì giá là 95 euro một giờ, còn với một chiếc máy vệ sinh chạy bằng điện, thì chúng tôi hiện phải tính giá ở mức từ 130 đến 140 euro.” Do phí cầu đường đã tăng từ ngày 01/01/2024, nên hiện nay chi phí cho máy vệ sinh chạy bằng dầu diesel đã tăng thêm từ 30 đến 40%. “Vẫn chưa có con số chính xác vì phí cầu đường được tính dựa trên số km đã đi.”
Cả những khách hàng cũng cảm thấy không chắc chắn. “Một số khách hàng đã đặt lịch cho chúng tôi đến dọn dẹp ba lần một tuần. Giờ đây họ đang tự hỏi ‘chẳng phải mỗi tuần một lần là đủ rồi sao.’”
“Người dân đã đứng đằng sau để ủng hộ chúng tôi trong lúc biểu tình.” Có thể thấy điều này qua phản ứng cũng như mức độ phổ biến của cuộc biểu tình trên mạng xã hội hôm thứ Hai (08/01). “Họ vẫy tay chào và mang bánh mì đến cho chúng tôi.”
Hiện giờ họ đang đứng biểu tình tại cổng thành như một lực cản trở giao thông để khiến mọi người phải suy nghĩ. “Có rất nhiều chuyện đã bị giới truyền thông ém nhẹm không đề cập đến.” Nhiều người qua đường đã hỏi: “Tại sao quý vị lại đến đây? Quý vị là ai?” Các chính trị gia đang được yêu cầu lắng nghe người dân nhiều hơn, trong đó có những người biểu tình. Ông chỉ trích: “Đây không phải là nhằm thực hiện bất kỳ kế hoạch lật đổ nào.” Trước đây, có những chính trị gia đã tiếp cận người dân và hỏi họ, rằng vấn đề nằm ở đâu và các chính trị gia có thể làm gì để giúp đỡ không, nhưng hiện nay không còn như thế nữa.
‘Sự đoàn kết này — tôi chưa từng nghĩ là có thể thực hiện được’
Khi người nông dân Gerloff nhìn thấy những gì những các nông gia đồng nghiệp của ông đang làm cùng với các nhóm nghề nghiệp khác trong vùng, ông vô cùng cảm động. Ở Kyritz, thành phố quê hương ông, nông dân và thợ thủ công đã biểu tình cản trở giao thông trong nhiều ngày. “Sự đoàn kết này — tôi chưa từng nghĩ là có thể thực hiện được.”
Người dân Berlin đã thể hiện sự ủng hộ đối với nông dân và những người biểu tình khác bằng cách quyên góp đồ ăn. Ông Gerloff cho biết, các thợ thủ công địa phương thường xuyên mang củi đến để sưởi ấm bên đống lửa. Hành động của họ khiến ông không nói nên lời và ông cũng trở nên lạc quan hơn. “Và điều này đang diễn ra trong một xã hội, nơi mà quả thực mỗi người đều ích kỷ và chỉ nghĩ đến bản thân.”
Ông chắc chắn sẽ ở đây ít nhất là đến ngày 15/01. Họ đã trải qua vài đêm lạnh, nhưng giờ đây thời tiết đã ấm hơn. “Chúng tôi phải tự quen dần thôi,” người nông dân này cho biết. “Bầu không khí ở đây rất lạc quan.” Với sự hưởng ứng rầm rộ từ người dân Berlin, họ không thể chỉ đơn giản rời đi và nói, “Thế là được rồi!”, mà phải nói, “Giờ thì mỗi người chúng ta đều cần đảm đương một phần trách nhiệm.”
Chuyện gì sẽ xảy ra sau ngày 15/01 nếu các kế hoạch của chính phủ không được rút lại? Đây là một vấn đề đang gây tranh cãi trong những người nông dân. Ông Gerloff nói: “Chúng tôi vẫn chưa thể đồng thuận với nhau. Một số người nói rằng chúng tôi phải ở lại đây thêm một tuần nữa.” Tuy nhiên, theo ông Gerloff, thực tế là những người nông dân có rất nhiều việc phải làm ở nhà vào mùa đông. “Chúng tôi không thể cứ như thế này mãi được,” ông cho hay. Theo ông, có thể họ sẽ sớm quay trở lại đường phố nếu không có thay đổi nào đáng kể.
‘Chúng ta phải hiệp lực’
Trong số những người tham gia biểu tình có hai người phụ nữ Berlin đến ủng hộ nông dân. Một trong số họ là bà Sabine Wohlgemuth (61 tuổi). Bà giải thích cho sự hiện diện của mình rằng, những người nông dân đóng vai trò quan trọng nhất và “liên quan đến vấn đề lương thực của chúng ta.” “Chúng ta là một dân tộc, chúng ta phải có thể tin tưởng vào nông dân và nền nông nghiệp của mình.” Hai người đã mang theo bánh bích quy “và mọi thứ mà những người nông dân cần để có thể trụ vững trong cuộc biểu tình này.”
Bà Martina Rautenberg (57 tuổi) cho rằng mọi người dân trên khắp đất nước cần phải hiệp lực. Bà cảm thấy bị áp bức bởi nền chính trị Đức trong những năm qua. Các chính trị gia đã đổ quá nhiều tiền vào các quốc gia khác, nhưng chẳng ai quan tâm đến người dân của chính đất nước mình. “Tôi rất sẵn lòng chia sẻ, nhưng trước hết chúng ta nên nghĩ đến đất nước và người dân của chính mình rồi sau đó mới đến các quốc gia khác.”
‘Đó là một cuộc chiến chống lại giai tầng trung lưu’
Thợ thủ công tự kinh doanh Ricky Renner (54 tuổi) cũng tham gia cuộc biểu tình tại Cổng thành Brandenburg. Ông cảm thấy gắn kết với những người nông dân vì bản thân ông cũng phải chịu đựng những quy định, các yêu cầu cồng kềnh về khuôn khổ làm việc.
“Việc kiếm sống đang ngày càng trở nên khó khăn và đắt đỏ hơn.” Đó không chỉ là vấn đề về chi phí sinh hoạt, mà còn là về sự phá hủy và di dời các công ty thâm dụng năng lượng khỏi Đức do quá trình chuyển đổi năng lượng mà giới chính trị áp đặt. “Tôi cần keo dán, tôi cần vecni; các quyết định chính trị đang khiến những sản phẩm này ngày càng trở nên đắt đỏ hơn.” Vì vậy, ông đã phải tăng giá các sản phẩm của mình. “Nhưng ngày càng có ít khách hàng có thể trả mức giá cao hơn cho tôi vì khoảng cách giữa thu nhập gộp và thu nhập ròng đang ngày càng trở nên lớn hơn.” Đối với ông, nông dân chỉ là một từ đồng nghĩa để chỉ một nhóm trong số những người phải chịu đựng các quyết định chính trị. “Đối với tôi, đằng sau đó là một cuộc chiến chống lại giai tầng trung lưu.”
Bà Ines (67 tuổi) đến từ Berlin cũng có mặt tại các bàn được sưởi ấm giữa những chiếc máy kéo trong buổi tụ họp giao lưu, nơi mọi người có thể thưởng thức những món ăn thức uống được quyên góp trên đó. Công dân đã về hưu này đến đây hôm nay để tận mắt chứng kiến cuộc biểu tình. Trước đây, bà cũng biết rằng những hình ảnh trên các hãng truyền thông đại chúng đôi khi “hoàn toàn trái ngược” với hình ảnh thực tế tại hiện trường. Bà cảm thấy ở đây thật yên tĩnh và thanh bình.