Đức: Nông dân đổ về Berlin biểu tình phản đối kế hoạch thắt lưng buộc bụng của chính phủ
Bộ trưởng tài chính bị cười nhạo sau khi nói với những người nông dân biểu tình ở Berlin rằng nhà nước cần có ngân sách để trợ giúp nỗ lực chiến tranh của Ukraine.
Hôm 15/01, nông dân từ khắp nước Đức — nhiều người lái những chiếc máy kéo và xe tải có tên thương mại của họ — đổ về Berlin để biểu tình phản đối các kế hoạch tăng thuế và loại bỏ dần các khoản trợ cấp liên quan đến sản xuất nông nghiệp của chính phủ.
Cuộc phô trương ảnh hưởng ở Berlin chấm dứt một tuần biểu tình rầm rộ của những người nông dân Đức, những người chặn các con đường trên toàn quốc, trong đó có vài cửa biên giới.
Những người nông dân đang biểu tình phàn nàn rằng các biện pháp thắt lưng buộc bụng do chính phủ áp đặt — nếu được thực hiện — sẽ đẩy hầu hết những người này vào bờ vực phá sản.
Một người biểu tình ở Cologne nói với Reuters rằng nông dân nước này sẽ “không còn đường sống” nếu chính phủ thực hiện các kế hoạch tăng thuế và loại bỏ trợ cấp nông nghiệp.
“Mọi người phải hiểu rằng sẽ [phải] nhập cảng nhiều thực phẩm hơn nữa” nếu các khoản trợ cấp bị loại bỏ, ông cho biết, khi đang trên đường đến Berlin để tham gia cuộc biểu tình.
Để thể hiện sự bất tuân đối với các chính sách không được lòng dân của chính phủ, những người nông dân biểu tình đã đổ cỏ khô và phân bón xuống nhiều xa lộ và đường sá, làm tê liệt giao thông ở nhiều nơi của nước này.
Đêm trước cuộc biểu tình ở Berlin, đại lộ chính dẫn đến Cổng Brandenburg mang tính biểu tượng của thành phố là những hàng dài chật cứng máy kéo, xe tải, và các phương tiện nông nghiệp khác nối đuôi nhau.
Cuối ngày hôm 14/01, cảnh sát thông báo rằng trục đường chính này đã bị phong tỏa hoàn toàn, đồng thời kêu gọi những người mới đến tìm các địa điểm khác để biểu tình.
Cuộc biểu tình kéo dài một tuần của nông dân bắt đầu hôm 08/01 để phản đối các kế hoạch của chính phủ Thủ tướng Olaf Scholz nhằm loại bỏ các khoản giảm thuế và trợ cấp cho ngành nông nghiệp.
Hồi tháng Mười Hai, liên minh ba đảng của ông Scholz đã công bố kế hoạch loại bỏ các khoản miễn thuế đối với xe nông nghiệp và trợ cấp dầu diesel cho nông dân.
Các biện pháp này là một phần trong kế hoạch thắt lưng buộc bụng rộng hơn nhằm khắc phục sự thiếu hụt 17 tỷ euro (khoảng 18.6 tỷ USD) trong ngân sách đề xướng của Đức cho năm 2024.
Nhưng sau phản ứng dữ dội, đầu tháng này Berlin đã đổi ý, cam kết sẽ tiếp tục miễn thuế trong khi loại bỏ dần các khoản trợ cấp trong ba năm.
Trong một thông điệp được ghi hình hôm 13/01, ông Scholz nói rằng chính phủ của ông đã đạt được thỏa hiệp với những người biểu tình.
Ông nói: “Chúng tôi đã cân nhắc những khiếu nại của nông dân và sửa đổi các đề nghị của mình,” mô tả những nhượng bộ của chính phủ là một “thỏa hiệp tốt.”
Nhưng những người nông dân biểu tình, được sự hậu thuẫn của Hiệp hội Nông dân Đức, đã từ chối lời đề nghị này, yêu cầu loại bỏ hoàn toàn các biện pháp được đề nghị đó.
Trong thông điệp được ghi hình, ông Scholz cho biết chính phủ của ông hy vọng sẽ thảo luận về “những phương án khác mà chúng ta có thể làm để nền nông nghiệp [Đức] có một tương lai tốt đẹp.”
Tuy nhiên, ngay cả các đối tác liên minh của ông Scholz dường như cũng bất đồng quan điểm về cách tốt nhất để giải quyết những bất bình của nông dân.
Bộ trưởng Nông nghiệp Cem Ozdemir, thuộc Đảng Xanh của Đức, đã đề nghị trợ cấp tài chính cho những nông dân thực hiện chăn nuôi theo mô hình nhân đạo.
Về phần mình, Đảng Dân chủ Xã hội của ông Scholz đã kêu gọi tăng giá nông sản, trong khi Đảng Dân chủ Tự do lại đưa ra quan điểm cắt giảm các khoản chi phí hoạt động chung (chi phí gián tiếp) của ngành nông nghiệp.
Diễn thuyết trước những người nông dân đang biểu tình ở Berlin, Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, thuộc Đảng Dân chủ Tự do, đã khiến đám đông người biểu tình giận dữ chế giễu.
“Tôi không thể bảo đảm sẽ cho các vị nhiều viện trợ nhà nước hơn từ ngân sách liên bang,” ông cho biết, nói từ một sân khấu gần Cổng Brandenburg hôm 15/01.
“Nhưng chúng ta có thể cùng nhau đấu tranh để các vị được hưởng nhiều tự do hơn và công việc của mình được tôn trọng hơn,” ông Lindner khẳng định.
Có thời điểm, người đứng đầu Hiệp hội Nông dân Joachim Rukwied đã cầm micro kêu gọi những nông dân biểu tình lắng nghe ông Lindner.
Ông Rukwied nói: “Bộ trưởng tài chính đang ở đây. Thật vô nghĩa khi la ó ông ấy.”
Phe đối lập để mắt đến lợi ích bầu cử
Tăng thêm sự bất an của liên minh cầm quyền, cuộc biểu tình của nông dân nhận được sự ủng hộ của đảng đối lập Con đường khác cho nước Đức (AfD), đảng này kiên quyết phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng được đề xướng.
Trong bối cảnh công chúng gia tăng bất mãn với liên minh cầm quyền của ông Scholz, AfD hy vọng sẽ đạt được những thành tựu đáng kể trong cuộc bầu cử dự kiến vào cuối năm nay.
Theo cuộc thăm dò gần đây, AfD hiện đang có sức ảnh hưởng lớn hơn cả so với ba đảng liên minh.
Ở Berlin và những nơi khác, nhiều máy kéo và xe tải của người biểu tình được dán các biểu ngữ của AfD mang khẩu hiệu: “Nông dân của chúng ta là hàng đầu.”
Bị những người chỉ trích đảng này gắn nhãn là “cực hữu,” AfD cũng phản đối các chính sách ủng hộ nhập cư và “thân thiện với khí hậu” được Brussels và chính phủ hữu hảo với EU của ông Scholz tán thành.
Đảng này cũng phản đối các lệnh trừng phạt Nga do phương Tây dẫn đầu và việc Đức tiếp tục viện trợ — tài chính và quân sự — cho Ukraine.
Các nhà lãnh đạo của AfD đã nhiều lần tuyên bố rằng việc ngừng nhập cảng năng lượng giá rẻ từ Nga là đi ngược lại lợi ích quốc gia của Đức.
Hoạt động nhập cảng năng lượng của Nga sang Bắc Âu đã bị gián đoạn nghiêm trọng hồi cuối năm 2022 khi những thủ phạm chưa được xác định đã phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream của Nga.
Diễn thuyết trước những người nông dân đang biểu tình ở Berlin, ông Lindner đã bị chế nhạo khi nói rằng nhà nước cần có ngân sách để giúp Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga.
Ông Lindner khẳng định: “Với cuộc chiến tranh ở Ukraine, hòa bình và tự do ở châu Âu một lần nữa bị đe dọa.”
Ông nói thêm: “Chúng ta một lần nữa phải đầu tư vào an ninh của mình như trước đây chúng ta đã từng.”
Bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính ngày càng sâu sắc, Đức vẫn là một trong những bên cung cấp vũ khí và viện trợ kinh tế hàng đầu cho Ukraine.