Nông dân Ba Lan dự trù biểu tình rộng rãi, phong tỏa biên giới với Ukraine
Nghiệp đoàn nông dân Ba Lan đã tuyên bố biểu tình rộng rãi vì không hài lòng với hai biện pháp nông nghiệp do EU đề xướng hôm 31/01.
Nông dân Ba Lan thuộc nghiệp đoàn Đoàn kết dự kiến sẽ thực hiện một cuộc biểu tình rộng rãi bắt đầu từ thứ Sáu tuần này (09/02) bằng việc phong tỏa các cửa biên giới giữa Ba Lan và Ukraine, góp phần vào các cuộc biểu tình tương tự trên khắp châu Âu.
Theo một tuyên bố của nghiệp đoàn này, hôm thứ Tư (30/01), các viên chức quản lý nghiệp đoàn nông dân “Đoàn kết” đã cùng nhau thông qua một nghị quyết tuyên bố một cuộc biểu tình rộng rãi của nông dân trên cả nước.
Trong tuyên bố hôm thứ Năm (31/01), nghiệp đoàn này cho biết cuộc biểu tình sẽ bắt đầu vào ngày 09/02 với việc phong tỏa tất cả các cửa biên giới giữa Ba Lan và Ukraine, cùng với việc phong tỏa các con đường và xa lộ trên khắp nước này từ ngày 09/02 đến ngày 10/03.
Tuyên bố của nghiệp đoàn này nói, “Sự kiên nhẫn của chúng tôi đã cạn kiệt. Quan điểm của Brussels vào ngày cuối cùng của tháng 01/2024 là không thể chấp nhận được đối với toàn bộ cộng đồng nông nghiệp của chúng tôi.”
“Ngoài ra, sự thụ động của nhà chức trách Ba Lan… liên quan đến việc nhập cảng nông sản và thực phẩm từ Ukraine khiến chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuyên bố biểu tình rộng rãi.”
Nghiệp đoàn Đoàn kết cũng yêu cầu chính phủ Ba Lan bảo đảm lợi nhuận của nền nông nghiệp Ba Lan và xây dựng lại ngành chế biến nông sản của Ba Lan, vì, theo quan điểm của tổ chức này, họ không được bảo vệ theo “Thỏa thuận Xanh Âu Châu” hiện đang được thực hiện.
“Các trang trại gia đình của Ba Lan là nền tảng cho an ninh lương thực của đất nước,” nghiệp đoàn này cho biết. “Chúng tôi đang đấu tranh vì lợi ích chung của chúng tôi, là bảo vệ các trang trại gia đình Ba Lan, thường là các trang trại được truyền qua nhiều thế hệ, khỏi sự sụp đổ và phá sản.”
Theo một tuyên bố chính sách của Ủy ban Âu Châu, Thỏa thuận Xanh Âu Châu là sáng kiến của Liên minh Âu Châu (EU) nhằm chống lại tình trạng biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, mà EU coi là “mối đe dọa hiện hữu đối với châu Âu và thế giới.”
“Ủy ban Âu Châu [cơ quan điều hành của EU] đã thông qua một bộ các đề xướng để khiến cho các chính sách về khí hậu, năng lượng, vận tải, và thuế của EU phù hợp với mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính ròng ít nhất 55% vào năm 2030, so với các mức của năm 1990,” với mục tiêu cuối cùng là “không phát thải ròng khí nhà kính vào năm 2050,” tuyên bố đó cho biết.
Nông dân ở Pháp, Bỉ, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, và Đức đã và đang biểu tình phản đối những ràng buộc mà các biện pháp của EU áp đặt lên họ nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, phản đối chi phí gia tăng, và cạnh tranh không công bằng từ ngoại quốc. Nông dân Ba Lan đặc biệt lên tiếng về tác động của việc nhập cảng thực phẩm giá rẻ từ nước láng giềng Ukraine.
Phản ứng với thông báo biểu tình
Ủy ban Âu Châu cho biết họ đang lắng nghe kỹ những lo ngại của nông dân trong các cuộc biểu tình diễn ra ở nhiều quốc gia thành viên.
Trong bức thư điện tử hồi đáp yêu cầu bình luận của Reuters, một phát ngôn viên của Ủy ban này viết: “Liên quan đến những lo ngại cụ thể mà nông dân nêu ra ở thời điểm hiện tại, Ủy ban đang đánh giá các bước tiếp theo có thể thực hiện được.”
Trong một cuộc phỏng vấn với RMF FM hôm thứ Bảy (03/02), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ba Lan Czesław Siekierski nói rằng chính phủ Ba Lan sẽ cố gắng ngăn chặn việc phong tỏa các con đường, và họ đã đề nghị tổ chức một cuộc họp với các nghiệp đoàn nông dân.
Ông Siekierski nói với RMF FM rằng nông dân “đang biểu tình vì một lý do chính đáng” vì ngũ cốc xuất cảng từ Ba Lan bị đẩy khỏi các thị trường bởi ngũ cốc rẻ hơn từ Ukraine.
Ông Siekierski nói với RMF FM rằng chính phủ đã và đang tiến hành các cuộc đàm phán song phương với Ukraine và cũng đang đàm phán với EU, nhưng cần thêm thời gian vì họ mới nhậm chức cách đây 7 tuần.
Trong một cuộc phỏng vấn với “Đài phát thanh Polskie 24”, cựu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ba Lan Artur Balazs và Chủ tịch Quỹ châu Âu vì sự Phát triển Làng Ba Lan cho biết sản phẩm nông nghiệp ở Ukraine không tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật và phúc lợi động vật của EU.
Tuy nhiên, đối với nông dân EU, việc tuân thủ các tiêu chuẩn nông nghiệp của Liên minh này chiếm một phần lớn chi phí sản xuất, ông Balazs nói với đài phát thanh Ba Lan nói trên, và nói thêm rằng chỉ EU mới có thể giải quyết vấn đề này.
Nhượng bộ xanh của EU
Theo một tuyên bố, hôm 31/01, Ủy ban Âu Châu đã đề xướng cho phép nông dân EU bỏ qua một số quy định nông nghiệp của EU được thông qua năm 2023 trong vòng một năm.
Quy định của EU, trong đó bắt buộc nông dân phải giữ 4% đất canh tác bị bỏ hoang hoặc không hiệu quả của họ, sẽ tạm thời được thay thế bằng một quy định yêu cầu nông dân phân bổ 7% đất đai của họ để trồng trọt, mà không sử dụng thuốc trừ sâu, các loại cây cố định đạm – chẳng hạn như đậu lăng, đậu Hà Lan, hoặc đậu răng ngựa (fava) – và cây trồng tạm thời, tuyên bố cho biết. “Cây trồng tạm thời là cây mọc xen kẽ giữa hai loại cây trồng chính” và có thể dùng làm thức ăn cho gia súc hoặc làm phân xanh.
Tuyên bố cho biết những nông dân tuân theo quy định mới vẫn sẽ đủ điều kiện nhận trợ cấp của EU.
Trong tuyên bố, Ủy ban Âu Châu đã thừa nhận những khó khăn và bất ổn mà những người nông dân phải đối mặt do các sự kiện thời tiết như hạn hán, cháy rừng, và lũ lụt ở nhiều khu vực khác nhau của Liên minh, giá năng lượng và giá đầu vào cao do Nga xâm lược Ukraine, cũng như lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao.
Trong tuyên bố, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, cho biết: “Biện pháp của ngày hôm nay tạo thêm sự linh hoạt cho nông dân vào thời điểm họ đang đối phó với nhiều thách thức.”
Copa và Cogeca, tổ chức của nông dân và hợp tác xã nông nghiệp EU, cho biết trong một tuyên bố rằng quyết định của EU cho phép nông dân giảm bớt một phần đất đai để hoang hoặc không sản xuất của họ được đưa ra muộn theo lịch nông nghiệp và còn hạn chế.
Theo Ủy ban Âu Châu, biện pháp này sẽ được thông qua sau khi được các thành viên EU chấp thuận thông qua bỏ phiếu.
Trong tuyên bố đó, Copa và Cogeca kêu gọi các quốc gia thành viên EU “củng cố hơn nữa đề xướng này.”
Hạn chế nhập cảng từ Ukraine
Vào ngày cuối cùng của tháng Một, Ủy ban Âu Châu cũng đề xướng gia hạn việc đình chỉ thuế nhập cảng và hạn ngạch đối với hàng xuất cảng của Ukraine sang EU thêm một năm nữa nhưng hạn chế nhập cảng các sản phẩm nông nghiệp nhạy cảm từ Ukraine—gia cầm, trứng, và đường—ở các mức của năm 2002 và năm 2023, theo một tuyên bố.
Tuyên bố cho biết nếu việc nhập cảng các sản phẩm này vượt quá khối lượng nhập cảng trung bình trong năm 2022 và 2023, thì “thuế quan sẽ được áp dụng lại để bảo đảm rằng khối lượng nhập cảng không vượt quá đáng kể so với những năm trước.”
Ủy ban này cho biết EU đã dỡ bỏ thuế nhập cảng đối với hàng xuất cảng của Ukraine hồi năm 2022 sau cuộc xâm lược của Nga.
Trong một tuyên bố, Copa và Cogeca nói rằng họ hoan nghênh biện pháp do EU đề xướng để tạo ra một cơ chế nhằm hạn chế việc tăng nhập cảng một số loại thực phẩm, nhưng các thành viên của họ cho rằng biện pháp này là chưa đủ.
Copa và Cogeca cho rằng việc loại ngũ cốc và hạt có dầu khỏi cơ chế hạn chế hàng nhập cảng từ Ukraine là “không thể chấp nhận được.”
Copa và Cogeca cho biết: “Mặc dù chúng tôi tin rằng nhiệm vụ và lợi ích của EU là tiếp tục trợ giúp Ukraine, nhưng giải pháp cho tình hình hiện tại liên quan đến tác động của hàng nhập cảng đối với các nhà sản xuất EU phải được giải quyết một cách hữu hiệu.”
Tuyên bố nói rằng hai cơ quan lập pháp của EU là Nghị viện Âu Châu và Hội đồng Liên minh Âu Châu, bao gồm các bộ trưởng của mỗi quốc gia thành viên, sẽ xem xét đề xướng này.
Tổ chức này kêu gọi cả hai cơ quan trên đưa ngũ cốc và hạt có dầu vào biện pháp hạn chế và sử dụng mức trung bình hàng năm của hai năm trước đó—2021 và 2022—làm cơ sở để hạn chế nhập cảng từ Ukraine.