Nỗi buồn ‘con muốn dưỡng mà song thân không đợi’
Mỗi khi đến Tết Nguyên Đán, nhìn không khí náo nhiệt đón tết ở trong nước, những người sống tha hương ở ngoại quốc lại càng thêm nhớ về người thân tại quê nhà. Nỗi nhớ triền miên, cũng giống như sợi dây của cánh diều, cứ mãi làm cho người ta có cảm giác day dứt ở trong lòng, hướng về cố quốc xa xôi, lúc đó mới cảm nhận hết được sự đau lòng “Con muốn dưỡng mà cha mẹ không đợi”.
“Con muốn dưỡng mà cha mẹ không đợi” là điển cố từ thời Xuân Thu. Khổng Tử trên đường đến nước Tề, thấy một người đang khóc, tiếng khóc rất bi thương. Bọn họ quất nhanh roi ngựa, tìm theo tiếng khóc, nhìn thấy một người thân đeo liềm, buộc đai trắng, đang khóc nghẹn ngào ở đó.
Khổng Tử xuống xe, lên phía trước hỏi thăm thì được biết người đó tên Khâu Ngô Tử (tên khác là Cao Ngư), từng làm quan ở nước Tề. Khổng Tử hỏi ông ta vì sao mà khóc thương tâm như thế? Thì ra ông ta khóc vì ba lần mất mát của bản thân, hối hận mà khóc. Do Khổng Tử đề nghị, nên Khâu Ngô Tử đã nói mất mát của mình cho ông nghe.
Khâu Ngô Tử nói: “Tôi hồi nhỏ rất ham học, đã đi du học khắp nơi, đến khi tôi quay về, mới biết cha mẹ đều đã qua đời, đây là điều mất mát thứ nhất. Tôi sau khi lớn lên, phụng sự cho Quốc quân nước Tề, Quốc quân lại tôn sùng kiêu sa, mất đi sự ủng hộ và yêu mến của nhân sĩ, mà tôi chưa làm hết bổn phận của kẻ thần tử, đây là mất mát thứ hai. Bạn chí cốt của tôi lúc bình sinh đã rời tôi mà đi, đoạn tuyệt qua lại với tôi, đây là mất mát thứ ba”.
Ngay sau đó, Khâu Ngô Tử nói một câu khiến người ta đau thấu ruột gan: “Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, con muốn dưỡng mà song thân không đợi”. Cây đại thụ muốn dừng lại, nhưng cuồng phong không chịu dừng; làm con cái muốn phụng dưỡng cha mẹ, nhưng cha mẹ đều không còn nữa rồi. Tuổi tác qua đi không bao giờ trở lại; người thân mất đi, thì vĩnh viễn không bao giờ được gặp lại. Khâu Ngô Tử vì bản thân chưa làm trọn trách nhiệm làm con, nên hối hận mãi không thôi.
Câu “Con muốn dưỡng mà song thân không đợi” này, từ đó lưu truyền mấy nghìn năm, thường xuyên gõ vang cánh cửa lòng của con cái. Khi phụ mẫu còn tại thế, giống như cái cây che nắng, chống đỡ gió mưa cho mình. khi cha mẹ qua đời rồi, sinh mệnh và tình cảm của con cái giống như bị cắt đứt triệt để, rơi vào tình cảnh vô cùng bi thương.
Khi cha mẹ còn sống thì thường xuyên gọi điện giục con về nhà ăn cơm đoàn tụ. Lúc đó, có lẽ mỗi lần nhận điện thoại đều sẽ khiến con cái cảm thấy gánh nặng trách nhiệm. Khi nhìn thấy cha mẹ bước vào tuổi già, đi lại không thuận tiện, họ vẫn nghĩ cha mẹ là gánh nặng cuộc sống của mình. Có người chưa từng nghĩ đến việc sưởi ấm một chút đôi bàn tay lạnh giá đã vất vả một đời của cha mẹ.
Nhưng khi cha mẹ không còn nữa, không còn ai lại thúc giục bạn về nhà, không có ai lại giục bạn ăn cơm, không còn ai âu yếm gọi tên hồi nhỏ của bạn, lúc đó mới cảm nhận được sự lạnh lẽo cực độ mà mình chưa từng trải qua. Muốn sưởi ấm đôi tay của cha mẹ, thì cũng vĩnh viễn không thể nào làm ấm áp cho họ.
Khi còn cha mẹ, tôi chưa từng cảm thấy từ “con gái” có gì đặc biệt, vinh dự như thế nào, cũng chưa từng để vào lòng suy nghĩ. Từ trước đến giờ tôi đều để ở ngoài con tim, vội vàng để nó qua đi, chớp mắt đã không còn rồi. Khi cha mẹ không còn, lúc đó mới biết cuộc đời làm con gái này, đã hết rồi.
Tình mẹ dù ấm áp cũng không còn rồi, tình cha dù nghiêm khắc cũng mất rồi, cho dù bản thân bao nhiêu tuổi, đều giống như đứa trẻ cô nhi trên đời, không nơi nương tựa, cứ phiêu bạt mãi không ngừng. Thức ăn ngon cha mẹ làm, chứa đựng cả tình yêu thương của cha mẹ, đời này kiếp này không bao giờ được ăn nữa, trở thành một món ngon đắt giá nhất trên đời, cho dù có tốn bao nhiêu tiền cũng vĩnh viễn không thể mua được.
Trên thế giới này, thứ gì mất đi đều có thể tìm lại được, chỉ có sinh mệnh là duy nhất, không bao giờ trở lại. Cho dù có bao nhiêu năng lực, chúng ta cũng không thể đưa cha mẹ từ thế giới bên kia trở về.
Trên thế giới này, thứ gì mất đi đều có thể tìm lại được, chỉ có sinh mệnh là duy nhất, không bao giờ trở lại. Vô luận có bao nhiêu năng lực, cũng không thể mang cha mẹ từ thế giới bên kia trở về. Vô luận là có bao nhiêu tiền, cũng không thể mua được tấm vé lên thiên quốc. Vô luận muốn nói “con yêu mẹ” thế nào thì cha mẹ cũng vĩnh viễn không nghe được rồi.
“Con muốn dưỡng mà song thân không đợi”, đâu chỉ làm cho người ta cảm thấy chua xót ngàn năm? Câu nói này sẽ luôn da diết trong lòng những người làm con đời đời kiếp kiếp sau này, luôn luôn nhắc nhở mọi người hãy thiện đãi với cha mẹ, phụng dưỡng song thân, đừng lưu lại trên đời này những nỗi đau và hối tiếc khi cảm thấy không còn được làm người con trên đời này nữa.
Câu chuyện trong quyển 2 “Khổng Tử gia ngữ – Khổng Tử thích Tề”
Do Wang YuYue thực hiện
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ