Nợ thẻ tín dụng đang vắt kiệt hàng triệu gia đình ở Hoa Kỳ
Khi lãi suất vay tiếp tục tăng, những khoản nợ thẻ tín dụng rất lớn đang bắt đầu vắt kiệt tài chính của hàng triệu gia đình Mỹ.
Chiến lược cứng rắn của Cục Dự trữ Liên bang nhằm giảm lạm phát bằng cách tăng lãi suất đã làm tăng chi phí đi vay lên mức cao nhất trong nhiều năm và khiến mức nợ thêm phần tồi tệ.
Ngân hàng trung ương đang cố gắng làm chậm lại nền kinh tế và giảm lạm phát bằng cách làm cho việc vay tiền trở nên đắt đỏ hơn.
Theo dữ liệu mới đây từ Fed, hồi tháng trước, nợ thẻ tín dụng đã tăng lên mức cao kỷ lục chưa từng có, vì nhiều người Mỹ đã chi tiêu vượt quá khả năng chi trả của họ do lạm phát cao.
Ngày càng có nhiều người Mỹ có số nợ ngày càng tăng trong những tháng gần đây, sau khi số tiền vay đã giảm mạnh khi bắt đầu đại dịch hồi tháng 03/2020 đến giữa năm 2021.
Nợ thẻ trở nên tăng cao khi các gia đình Mỹ thấy tiền tiết kiệm của họ cạn kiệt và số tiền trợ giúp còn lại trong thời kỳ đại dịch đã được tiêu xài hết.
APR tăng vọt do quyết định tiếp tục tăng lãi suất của Fed
Theo một báo cáo mới của WalletHub, tỷ lệ phần trăm thường niên (APR) đối với thẻ tín dụng đạt 22.39% trong quý 2/2023, tăng 3.5% so với cùng thời kỳ năm 2022.
Nhà phân tích Jill Gonzalez của WalletHub nói với tờ The Hill: “APR của thẻ tín dụng trung bình hiện tại là mức cao nhất từng có trong hai thập niên qua do các đợt tăng lãi suất gần đây của Fed.”
Bà Gonzalez dự đoán rằng APR sẽ tiếp tục tăng do ngân hàng trung ương quyết định tăng lãi suất một lần nữa vào tháng Bảy, sau khi tạm dừng vào tháng Sáu, lên mức cao nhất trong 22 năm.
Không giống như các khoản cho vay thế chấp, lãi suất cho vay từ các công ty thẻ tín dụng thay đổi đồng bộ với các hành động của Fed.
Tổng số nợ thẻ tín dụng quốc gia hiện đã lên tới khoảng 1 ngàn tỷ USD, trong khi một gia đình trung bình nợ 10,000 USD nợ thẻ tín dụng.
Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB) phát hiện ra rằng gần 8% người đi vay đã chậm trễ trả nợ đối với các khoản chi tiêu khác như khoản vay sinh viên, hiện sắp tái bắt đầu việc trả nợ.
Những người Mỹ trẻ hơn và ít giàu có hơn chiếm phần lớn tổng nợ
Theo dữ liệu gần đây từ Credit Karma, Thế hệ Z và thế hệ thiên niên kỷ đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về nợ thẻ tín dụng trong quý 2/2023.
Khoản nợ thẻ tín dụng trung bình của Thế hệ Z hiện vượt quá 3,300 USD, tăng 4.2%, trong khi khoản nợ thẻ tín dụng của thế hệ thiên niên kỷ tăng 2.5%, lên mức trung bình gần 7,000 USD.
“Đối với nhiều người, họ chỉ thực sự vừa đủ chi tiêu mỗi tháng,” nhà tư bản công nghiệp Elon Musk nói. “Trên thực tế, nếu quý vị nhìn vào sự gia tăng nợ thẻ tín dụng, kỳ thực, họ không đủ chi tiêu hàng tháng. Nợ thẻ tín dụng đang trông thật đáng sợ,” ông cảnh báo.
Ông Musk đã đưa ra nhận xét nói trên khi trả lời câu hỏi về việc Tesla giảm giá xe hơi để xe của hãng này có giá cả phải chăng hơn trong báo cáo thu nhập tài chính quý 2/2023 của Tesla.
Bà Gonzalez cho biết những người Mỹ có thu nhập trung bình và thấp bị ảnh hưởng nặng nề nhất do lạm phát cao. Lạm phát gây khó khăn cho việc mua các nhu yếu phẩm căn bản như thực phẩm, khí đốt, và vấn đề nhà ở.
Bà cho biết mặc dù lạm phát đã giảm đáng kể từ mức cao 9.1% vào tháng 06/2022 xuống còn 3% ở thời điểm hiện tại, nhưng tổng số nợ thẻ tín dụng đang cho thấy “những tác động tàn khốc nhất của những sự gia tăng lạm phát này.”
Bà Gonzalez dự đoán sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất trước cuối năm 2023 khi Fed cố gắng kìm hãm nền kinh tế, mà điều này sẽ làm tăng nợ thẻ tín dụng và tỷ lệ thất nghiệp trong vài tháng tới.
“Vẫn chưa chắc chắn liệu chúng ta có phải đối mặt với một cuộc suy thoái trong nửa cuối năm nay hay không, nhưng điều quan trọng là người tiêu dùng phải bắt đầu tiết kiệm bất kể điều gì,” bà Gonzalez nói.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết sau cuộc họp chính sách lãi suất của ngân hàng trung ương vào tuần trước rằng lạm phát còn “một chặng đường dài phía trước” trước khi đạt được tỷ lệ lạm phát mục tiêu của ngân hàng trung ương là 2%.
Ông Powell cảnh báo rằng Fed có thể phải tăng lãi suất một lần nữa vào tháng Chín nếu tỷ lệ lạm phát không giảm như kế hoạch và các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương sẽ cần giữ lãi suất ở mức cao.
Ông nói: “Lạm phát đã nhiều lần chứng tỏ là mạnh hơn chúng tôi và các nhà dự báo khác dự đoán, và đến một lúc nào đó lạm phát có thể thay đổi. Chúng ta phải sẵn sàng theo dõi dữ liệu.”
Tòa Bạch Ốc đang cố gắng hạn chế lệ phí thẻ tín dụng
Chính phủ ông Biden cũng đang cố gắng xoa dịu các khoản nợ của người tiêu dùng Mỹ bằng cách đề xướng một quy định giới hạn lệ phí trả chậm thẻ tín dụng, vốn làm cho các gia đình Mỹ phải trả khoảng 12 tỷ USD mỗi năm.
Người ta dự đoán rằng các khoản lệ phí trả chậm sẽ giảm mạnh từ 41 USD cho mỗi vi phạm xuống còn 8 USD.
CFPB ước tính rằng những thay đổi này sẽ cắt giảm khoản lệ phí trả chậm lên tới 9 tỷ USD một năm, nhưng ngành dịch vụ tài chính phản đối mạnh mẽ đề xướng này.
Chẳng hạn, hồi tháng Năm, Hiệp hội Ngân hàng Hoa Kỳ, Hiệp hội Ngân hàng Tiêu dùng, và Hiệp hội Quốc gia của các Liên đoàn Tín dụng được Bảo hiểm Liên bang, đã viết một bức thư cho CFPB, cảnh báo rằng một hành động như vậy có lẽ sẽ khiến việc sử dụng thẻ tín dụng trở nên đắt đỏ và khó khăn hơn nếu như đề xướng này được thực hiện.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times