Những Ý Tưởng Hình Thành Hiến Pháp (Phần 4): Những Người Tiên Phong: Socrates, Xenophon, Plato, và các Nhà Lập Quốc
Đây là bài thứ tư trong loạt bài viết về những ý tưởng hình thành nên Hiến Pháp. Quý vị có thể đọc bài tiểu luận đầu tiên ở đây, bài thứ hai ở đây và bài thứ ba ở đây.
Như đã giải thích trong phần thứ hai, các nam sinh của thế kỷ 18 không nhất thiết phải thông thạo tiếng Hy Lạp như tiếng Latinh. Tuy nhiên, họ đã học cách đọc các văn bản tiếng Hy Lạp tương đối dễ dàng, bao gồm cả kinh Tân Ước và các tác phẩm của tác giả Xenophon. Các cậu học sinh cũng được giới thiệu những đoạn trích từ những tài liệu khó hơn, bao gồm cả những bài viết của Plato về Socrates.
Các thành viên của thế hệ các Nhà Lập Quốc đã theo học đại học — như ông James Madison chẳng hạn — thành thạo tiếng Hy Lạp. Họ trở nên rất quen thuộc với quan điểm của Socrates, Xenophon và Plato.
Mặc dù hầu hết người dân Mỹ thế kỷ 18 không học đại học hoặc thậm chí không nghiên cứu nhiều về tiếng Hy Lạp ở trường ngôn ngữ của họ, nhưng những ý tưởng của người Hy Lạp đã lan truyền trong dân chúng nói chung. Một đại biểu tham dự hội nghị cấp tiểu bang để phê chuẩn Hiến Pháp có thể biết khá rõ các học giả Socrates, Xenophon và Plato là ai, ngay cả khi vị đại biểu đó chưa bao giờ học tiếng Hy Lạp. Các hồ sơ về việc phê chuẩn Hiến Pháp cho thấy những người tham gia thảo luận về Hiến Pháp liên tục đề cập đến Socrates và Plato và đôi khi là Xenophon.
Trên thực tế, ảnh hưởng của ba người tiên phong này lớn hơn số lượng tài liệu tham khảo cho thấy, bởi vì những đại biểu thường dựa vào tác phẩm của các tác giả sau này, chẳng hạn như Polybius và Montesquieu, những người đã lần lượt xây dựng [quan điểm] dựa trên các ý tưởng của Socrates, Xenophon, và Platon.
John Adams
Ông John Adams có thể là một ví dụ về một Nhà Lập Quốc hàng đầu dựa trên ý tưởng của Plato.
Trong thời kỳ Hợp bang, triết gia người Pháp Anne Robert Jacques Turgot (đây là tên của nam giới nhé) tuyên bố rằng sự phân chia quyền lực trong các hiến pháp mới của Mỹ là sự bắt chước vô ích theo cấu trúc của Anh. Ông Turgot cho rằng sẽ tốt hơn nếu tập trung mọi quyền lực vào các cơ quan lập pháp được bầu cử dân chủ.
Năm 1786, ông Adams phục vụ Đại hội Liên minh (Confederation Congress) với tư cách là nhà ngoại giao ở châu Âu. Ông từng là tác giả chính của hiến pháp tiểu bang Massachusetts năm 1780, vì vậy việc ông Turgot tấn công bản hiến pháp theo một nghĩa nào đó là tấn công nhằm vào ông Adam. Ông Adams đáp lại bằng một tác phẩm gồm ba tập, “Bảo vệ Hiến Pháp Hoa Kỳ.”
Chủ đề căn bản của ông Adams là quyền lực nên được phân chia giữa các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp của chính phủ. Tuy nhiên, ông đã vượt xa chủ đề để tạo ra một bộ bách khoa toàn thư thực sự về các chính phủ cộng hòa.
Tập đầu tiên của ông Adams đã có mặt tại các hiệu sách ở Philadelphia ngay trước khi Hội nghị Lập hiến (Constitutional Convention) diễn ra, và cuốn sách được lưu hành tự do tại hội nghị. Tác phẩm phác thảo các hệ thống chính trị của một số nước cộng hòa đương thời, bao gồm Venice, Hà Lan (khi đó là một nước cộng hòa liên bang) và các tiểu bang (cantons) của Thụy Sĩ. Tác phẩm cũng xem xét các nước cộng hòa cổ đại, chẳng hạn như Athens, Corinth, Carthage và Rome, đồng thời thảo luận về quan điểm của một số học giả cổ đại.
Ông Adams đã tóm tắt cách giải quyết của Plato về cách các cấu trúc chính trị thay đổi và suy thoái: Chế độ quân chủ biến thành chế độ quý tộc, chế độ quý tộc thành chế độ đầu sỏ [thiểu số chính trị], chế độ đầu sỏ thành dân chủ và dân chủ thành chế độ chuyên chế. (Một số lý do của Plato khiến các nền dân chủ suy thoái thành chế độ chuyên chế là sự phóng túng, coi thường pháp quyền và xem “Người lạ [tức là người ngoại quốc] là bình đẳng với công dân.”)
Ông Adams rút ra hai bài học trọng tâm từ Plato và từ các tác giả sau này dựa vào Plato. Đầu tiên là bất kỳ hiến pháp quốc gia nào cũng không nên thuần túy dân chủ mà phải có cả các yếu tố quân chủ và quý tộc. Nó nên có một tổng giám đốc điều hành với một số quyền lực quân chủ, một Thượng viện phục vụ như một cơ quan quý tộc và một Hạ viện dân chủ. Bài học khác là các cơ quan quân chủ, quý tộc và dân chủ nên được cân bằng tương xứng với nhau.
Phê chuẩn
Như đã giải thích trong bài tiểu luận đầu tiên của loạt bài này, sau khi các Nhà Soạn Thảo viết bản Hiến Pháp, Quốc hội Liên bang đã gửi văn bản đó tới các tiểu bang để phê chuẩn. Giờ đây, chúng tôi đã có một bộ hồ sơ gần như hoàn chỉnh về quá trình phê chuẩn—nhờ một nhóm các học giả đã làm việc trong gần 50 năm để tạo ra “Lịch sử tài liệu về việc phê chuẩn Hiến Pháp”.
“Lịch sử tài liệu” cho phép chúng tôi theo dõi các tài liệu dựa trên quan điểm của Socrates, Xenophon và Plato của những người tham gia thảo luận về hiến pháp. Những người tham gia bao gồm các đại biểu tham dự các đại hội phê chuẩn và các thành viên của công chúng. Họ bao gồm những người ủng hộ Hiến Pháp (“Những người theo chủ nghĩa liên bang”) và những người phản đối (“Những người theo chủ nghĩa chống liên bang”).
Đơn cử ví dụ là một người theo chủ nghĩa chống liên bang đã viết dưới bút danh “Người Nông Dân” (“A Farmer”, có lẽ là ông John Francis Mercer của Maryland). “Người nông dân” ca ngợi “Socrates, Plato và Plutarch vì những bài học đạo đức định hình trái tim con người hướng tới đức hạnh.”
Một người theo chủ nghĩa chống liên bang nổi tiếng khác là ông Richard Henry Lee của Virginia. Trong bức thư gửi cho một bác sĩ ủng hộ việc phê chuẩn, ông Lee nhẹ nhàng gợi ý rằng bác sĩ “tốt hơn là tập trung vào học giả y học Hippocrates hơn là triết gia Plato”.
Về phía những người theo chủ nghĩa liên bang, ông Hugh Brackenridge, một luật sư Pennsylvania, người sau này phục vụ trong tối cao pháp viện của tiểu bang, đã thừa nhận những đóng góp căn bản của các học giả cổ đại như Plato. Và Edmund Pendleton, người chủ trì hội nghị phê chuẩn tiểu bang Virginia, lập luận rằng những người phản đối Hiến Pháp đang tìm kiếm sự hoàn hảo. Dựa vào (một cách không trực diện) quan điểm của Plato về việc các chính phủ suy thoái như thế nào, ông Pendleton đã viết:
“Chế độ Quân chủ Tuyệt đối hủy hoại Nhân dân; giới hạn sẽ làm tổn thương các Hoàng thân: tầng lớp quý tộc tạo ra những âm mưu giữa những người tầm cỡ cao nhất và áp bức người nghèo, & một nền Dân Chủ sẽ tạo ra những rối loạn & sự nổi loạn … Không, những ý tưởng suy đoán của nó, đã gặp phải Số phận tương tự, kể từ Cộng Hòa của Plato … vì vậy việc tìm kiếm vì Sự Hoàn Hảo đó cũng hão huyền như sự Hoàn Hảo đó cho Thế giới.”
Còn một người theo chủ nghĩa liên bang khác, ông Charles Carroll ở Maryland, đã viết về sự thoái hóa của các nền cộng hòa bằng cách nhắc lại sự thoái hóa của người dân Athen: “Họ thấy thích thú hơn với những trò hề thô thiển của một thi sĩ truyện tranh, và sự lạm dụng thiếu học thức của thi sĩ đối với một nhân vật thần thánh là Socrates …” nên “họ khiến ông ta [Socrates] phải chết, bởi vì giới luật và thực hành của ông luôn liên tục đả kích học thuyết và tệ nạn của họ.
Những người tranh luận đôi khi sử dụng sự quen thuộc của công chúng với Plato và “Socrates Nhà thông thái” (như một tác giả đã gọi ông) để dạy những bài học cụ thể.
Do đó, “Người nông dân” theo chủ nghĩa chống liên bang đã cảnh báo về những con sói đội lốt cừu: “Vì vậy, chúng ta thường thấy một Catiline [chính trị gia La Mã] còn sống [đóng giả] triết gia Cicero đã chết và một Thersites hiện đại [một nhân vật phản diện trong “Iliad” của Homer] nhân danh nhà hiền triết Socrates hoặc Plato thần thánh.” Về phía những người theo chủ nghĩa liên bang, ông Madison viện dẫn Socrates như một thước đo lòng tốt và cảnh báo mức độ nguy hiểm của sự cai trị của đám đông nổi loạn: “Nếu mọi công dân Athen đều là Socrates, thì mọi hội đồng ở Athen vẫn sẽ vẫn là một đám đông nổi loạn.”
Những đại biểu khác chỉ trích Socrates – và đặc biệt là Plato – vì những kết luận của họ dựa nhiều vào lý thuyết hơn là kinh nghiệm thực tế. Tác giả ủng hộ Hiến Pháp có bút danh là “Americanus” tuyên bố rằng khoa học chính trị chưa được hoàn thiện cho đến sau Cách mạng Vinh quang ở Anh (1688–89). Trước đó, ông đã viết, “Plato [và những người khác] thích thú với việc hình thành các kế hoạch có tầm nhìn xa trông rộng về các Chính phủ hoàn hảo, nhưng vì thiếu kiến thức thực nghiệm, các kế hoạch của họ không tốt hơn những chuyện tình lãng mạn, những lời tán dương ngông cuồng của một trí tưởng tượng phong phú.”
Một tác giả theo chủ nghĩa chống liên bang đã trình bày một bài phê bình có chừng mực hơn: “Amicus Plato, Amicus Socrates, sed major Amicus Veritas” (“Plato là một người bạn, Socrates cũng là một người bạn, nhưng người bạn vĩ đại hơn cả là Chân lý”). Một người chống liên bang khác than thở về tốc độ mà bảy tiểu bang đầu tiên đã phê chuẩn Hiến Pháp:
“Mặc dù nó có thể, giống như nền cộng hòa của Plato, làm hài lòng trí tưởng tượng của chúng ta bằng cách phô bày trước mắt chúng ta những cảnh thú vị và triển vọng được tâng bốc; nhưng chỉ có kinh nghiệm, người mẹ vĩ đại của tri thức, mới có thể chứng minh cho chúng ta biết liệu tác động của nền cộng hòa có đúng với mong muốn của chúng ta và liệu có phù hợp với phúc lợi của chúng ta hay là trái ngược lại?”
Mặt khác, một số người theo chủ nghĩa liên bang bày tỏ niềm tự hào chính vì họ coi Hiến Pháp được đề xướng dựa trên thực tế hơn “Nền Cộng hòa” của Plato. Ông Madison đã viết rằng trong một chính phủ lý tưởng, “Sự tôn trọng luật pháp sẽ được khắc sâu đầy đủ bằng tiếng nói của lý trí sáng suốt. Chúng ta không mong đợi gì nhiều từ một quốc gia của các triết gia, cũng như các vị vua triết học theo mong ước của Plato.”
Chúng tôi xin dành lời cuối cùng cho ông John Adams: Sau khi hầu hết các tiểu bang đã phê chuẩn Hiến Pháp, ông ấy hỏi, “Aristotle và Plato sẽ nói gì nếu có ai đó nói chuyện với họ, về một nước Cộng hòa liên bang gồm mười ba tiểu bang, nơi sinh sống của một Quốc gia bao trùm năm trăm Liên đoàn?”
Và điều đó tạo thành một sự khác biệt tốt đối với Aristotle, chủ đề của phần tiếp theo.
Minh Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times