Những người theo trường phái Hiến Pháp nguyên bản yêu Hoa Kỳ
Tôi đã rời bỏ học viện vào năm 2010 vì môi trường ngày càng kỳ lạ của nó. Kể từ thời điểm đó, tình hình chỉ trở nên tồi tệ hơn. Điều này được phản ánh trong các tạp chí học thuật, nơi họ xuất bản ngày càng nhiều những thứ ngớ ngẩn.
Ví dụ, gần đây, tôi được biết rằng một tạp chí đã xuất bản một bài báo (pdf) tuyên bố rằng những người trong chúng ta, những người giải thích Hiến Pháp như văn bản gốc đã được viết là vì chúng ta “ghét nước Mỹ!” Tôi, một trong số những người theo trường phái Hiến Pháp nguyên bản, đã bị chỉ rõ làm ví dụ đại diện.
Tác giả là Andrew Koppelman, giáo sư luật tại Đại học Northwestern ở Chicago. Tôi chưa bao giờ gặp ông ta. Tôi hiểu rằng, mặc dù ông ta có thể là một kẻ khiêu khích, nhưng ông ta là một người tốt ở các khía cạnh khác. Thực tế là ông ấy sinh ra ở Nyack, New York — nơi có trường trung học yêu quý của tôi — khiến tôi nghĩ về ông ấy tốt hơn ông ấy nghĩ về tôi.
Ông Koppelman tuyên bố “những người theo trường phái Hiến Pháp nguyên bản” đang tuân theo một phương pháp luận mới và cấp tiến. Ông ấy tin rằng chúng ta muốn giữ luật Hiến Pháp làm con tin cho các kết luận rút ra từ những cuốn sách cũ mốc meo mà không ai biết về nó. Ông lưu ý, một cách chính xác, nhiều người trong chúng tôi tin rằng chính phủ liên bang đã vượt quá quyền hạn theo Hiến Pháp xác định và nên được cắt giảm lại.
Ông kết luận: Nếu chúng ta tìm cách gây ra những thay đổi như vậy cho đất nước của chúng ta, thì chúng ta phải thực sự căm thù nước Mỹ!
Người bạn và là đồng nghiệp của tôi, Giám đốc Nghiên cứu của Viện Độc lập Dave Kopel (người mà ông Koppelman cũng đã lên tiếng chỉ trích), đã biên soạn một phản hồi nhắm vào các học giả Hiến Pháp, quý vị có thể đọc ở đây. Ông Kopel chỉ ra rằng các nguồn của chúng tôi không hề bị ẩn giấu. Ông cũng nhận xét thêm về việc bảo vệ cho quan điểm rằng chính phủ cần được hoàn thiện và tuân thủ các giới hạn pháp lý, là hoàn toàn phù hợp với tình yêu đất nước.
Đây là câu trả lời của tôi dành cho độc giả của The Epoch Times.
Trường phái nguyên bản là tâm điểm của sự hiểu biết của chúng ta về luật
Chúng tôi, những người theo trường phái nguyên bản lập luận rằng, với một số sửa đổi, chúng ta nên đọc và áp dụng Hiến Pháp theo cùng các quy tắc mà chúng ta áp dụng cho các văn bản pháp luật khác. Cụ thể, chúng ta nên giải thích Hiến Pháp theo nghĩa gốc hoặc cách hiểu ban đầu. Nếu các thẩm phán có thể viết lại Hiến Pháp với những “lý thuyết diễn giải” mới để phục vụ sự thuận tiện của những người được ưu ái hoặc đặc quyền, thì Hiến Pháp không còn là “Luật tối cao của đất này”.
Những người chỉ trích “trường phái nguyên bản” biết rằng biệt danh đó là mới, vì họ đã tạo ra biệt danh đó. (Tuy vậy, chúng tôi vẫn sử dụng nó.) Vì vậy, họ thường cho rằng bản thân ý tưởng đó là mới. Nhưng thực ra, nó là rất cũ.
Như tôi đã giải thích ở phần khác, quy tắc văn bản phải được hiểu theo “ý định của người khởi tạo” (đó là cụm từ gốc đã được dùng) đã tồn tại ít nhất 500 năm và có thể lâu hơn nữa. Những Người Sáng Lập đã viết Hiến Pháp để được giải thích theo cách đó. Các thẩm phán và luật sư Hoa Kỳ hầu như đã áp dụng nó theo cách đó trong 150 năm sau đó — mặc dù vậy (vì luật không phải là một môn khoa học chính xác) không phải lúc nào họ cũng đồng ý về các kết luận.
Ngày nay, trường phái nguyên bản tiếp tục là quy tắc giải thích cho gần như tất cả các văn bản pháp luật. Với những thay đổi nhỏ tùy theo bản chất của văn bản, nó vẫn là phương pháp tiêu chuẩn để đọc các hợp đồng, quy chế và Hiến Pháp tiểu bang. Các luật sư và thẩm phán thường xuyên tìm kiếm bằng chứng về việc các bên tham gia hiểu như thế nào về văn bản đó. Để bổ sung bằng chứng, họ sử dụng các hướng dẫn được gọi là “quy tắc xây dựng” để suy luận ra khả năng hiểu biết của các bên.
Đối với hầu hết mọi loại văn bản, ngoại trừ Hiến Pháp Hoa Kỳ, quá trình này hoàn toàn không gây tranh cãi. “Vấn đề” là khi bạn áp dụng các phương pháp nguyên bản vào Hiến Pháp, những người “cấp tiến” thống trị giới luật pháp thường không thích kết quả. Vì vậy, họ phát minh ra các phương pháp giải thích mới để đạt được kết quả mà họ thích.
Những người “cấp tiến” bóp méo Hiến Pháp
Trong suốt thế kỷ 20, các thẩm phán và viện sĩ “cấp tiến” đã kết luận rằng Hiến Pháp đã được viết ra là không đủ tốt. Tài liệu đã quá phổ biến để tấn công trên diện rộng; nên thay vào đó, họ bắt đầu “diễn giải lại nó cho phù hợp với thời hiện đại.”
Tối cao Pháp viện đã viết lại một số phần của Hiến Pháp trong những năm 1930 và 1940, như tôi đã giải thích trong loạt bài của The Epoch Time hồi đầu năm nay. (Phần I của loạt bài này ở đây.) Tòa án đã chuyển đổi một chính phủ liên bang với những quyền lực quan trọng nhưng hạn chế, thành một chính phủ tập trung với quyền lực gần như vô hạn. Sau đó trong những năm 1960 và 1970, Tối cao Pháp viện đã viết lại các điều khoản khác để buộc các tiểu bang tuân thủ các ưu tiên xã hội của phái tự do.
Cùng với những đổi mới của tòa án đã tạo ra những thay đổi trong giáo dục pháp luật. Có một thời, hầu hết sinh viên luật được đào tạo trong các văn phòng của luật sư cao cấp. Tuy nhiên, trong suốt thế kỷ 20, các trường luật — đặc biệt là những trường trực thuộc các trường đại học — gần như độc quyền về giáo dục pháp luật. Hầu hết các giáo sư giảng dạy luật Hiến Pháp đều thuốc phe bên trái của trung tâm (cánh tả) về mặt chính trị. Hơn nữa, hầu hết đều có ít hoặc không có kinh nghiệm hành nghề luật sư, nơi họ có thể có quan điểm về việc giải thích các văn bản pháp luật.
Không bị ràng buộc bởi thế giới thực, các giáo sư luật đã chế giễu cách hiểu truyền thống về Hiến Pháp là “trường phái pháp lý hình thức”. Họ ném hoàn toàn một số cách hiểu truyền thống vào hố đen của trí nhớ — ví dụ, bằng cách cho sinh viên đọc các phiên bản của các vụ án của Tối cao Pháp viện đã lược bỏ những đoạn bất tiện cho họ.
Đặc biệt sự đối đãi này đã dành cho các ý kiến của Tối cao Pháp viện của ông John Marshall, chánh án vĩ đại nhất của chúng ta. Cả một thế hệ luật sư tương lai và các giáo sư tương lai sẽ không bao giờ học được cách ông Marshall dựa vào các nguồn luật truyền thống, hoặc những nguồn đó là gì. Họ không bao giờ biết về những giới hạn mà ông Marshall đã đặt ra đối với quyền hạn của Quốc hội theo Điều khoản Cần thiết và Thích hợp. Họ cũng không biết rằng chính ông Marshall khẳng định rằng chính sách bảo hiểm y tế hoàn toàn là mối quan tâm của tiểu bang, không phải của liên bang.
Thay vào đó, sinh viên có ấn tượng rằng ông Marshall giống như một nhà hoạt động luật pháp theo phái tự do, người quyết định các tranh chấp Hiến Pháp bằng cách bịa đặt (pdf).
Sự hồi sinh của trường phái Hiến Pháp nguyên bản
Luôn có những học giả đặt câu hỏi về việc viết lại Hiến Pháp của phe “cấp tiến”. Vào cuối thế kỷ 20, họ bắt đầu công bố rộng rãi về ý nghĩa thực tế của Hiến Pháp. Họ thường tham khảo các tài liệu mà các đồng nghiệp “cấp tiến” của họ lẽ ra phải tham khảo từ trước, nhưng đã bỏ qua. Trong số này có sách và tập sách nhỏ của các Nhà Sáng Lập đầu tiên, sách luật thế kỷ 18 và các tác phẩm khác phổ biến với thế hệ của những người sáng lập, Hiến Pháp tiểu bang thời sơ khai, thủ tục của các cơ quan lập pháp tiểu bang và Quốc hội Anh, thủ tục của Đại hội Lục địa và Liên bang, và 1787–1790 tranh luận về bản Hiến Pháp (pdf).
Khi những người theo trường phái Hiến Pháp nguyên bản bắt đầu công bố các phát hiện của mình trên báo chí, nhiều người theo trường phái tự do và “những người cấp tiến” đã trở nên lo lắng. Đây là một cuộc tấn công trực diện vào thần thoại mà họ đã xây dựng! Nhiều người không biết về các nguồn mà các nhà nghiên cứu ban đầu đã sử dụng. Đó là lý do tại sao ông Koppelman và những người khác nghĩ rằng trường phái nguyên bản là tiểu thuyết và bằng chứng của nó là mù mờ.
Những bất lợi của việc trở thành người theo trường phái nguyên bản
Nếu quý vị là một giáo sư luật, trở thành một người theo trường phái nguyên bản không hẳn là một bước đi tốt trong sự nghiệp. Ở hầu hết các khoa của trường luật, nó sẽ khiến quý vị trở thành một người đàn ông kỳ quặc. Các tạp chí học thuật chủ yếu là theo phe của người “thức tỉnh”, vì vậy trừ khi quý vị có mối quan hệ tốt, rất khó để có được các tác phẩm học thuật của người theo trường phái nguyên bản được xuất bản trên bất kỳ tạp chí “uy tín” nào. Tôi biết điều này từ kinh nghiệm cá nhân: Một lần nữa, tôi đã bị từ chối mà không có lời giải thích từ các tạp chí hàng đầu — chỉ sau này mới biết rằng chính những tạp chí đó cho rằng công việc của tôi đủ quan trọng để in các bài viết phản bác.
Cùng với việc có giới tính và chủng tộc phù hợp, nhất quán với sự thông thái kiểu “cấp tiến” có thể là tấm vé đến với các tầng cao về học thuật. Trường phái nguyên bản có thể giữ chân quý vị trên các bãi cát cho đến khi quý vị bỏ cuộc.
Chúng tôi làm điều đó vì tình yêu
Tuy nhiên, một số người trong chúng ta vẫn theo trường phái nguyên bản. Nói cho bản thân tôi và những người theo trường phái nguyên bản mà tôi biết, tôi có thể nói rằng chúng tôi làm điều đó vì tình yêu:
- Đầu tiên, đó là niềm yêu thích kiến thức: Hầu hết chúng ta thích tìm hiểu những thứ mới. Chúng tôi bác bỏ thông lệ viết bài biện hộ và coi chúng là “sự thông thái”. Việc tìm kiếm ý nghĩa Hiến Pháp của chính tôi đã đem đến cho tôi mọi hướng bất ngờ và tuyệt vời.
- Chúng tôi yêu tự do, công bằng và sự phát triển của nhân loại. Trong hệ thống pháp luật của chúng ta, việc áp dụng các văn bản như những người làm ra văn bản hiểu chúng là trọng tâm của nhà nước pháp quyền, và từ đó, thúc đẩy các giá trị đó.
- Chúng tôi ngưỡng mộ các nguyên tắc căn bản đằng sau Hiến Pháp: tự do, trường phái cộng hòa, sự tin cậy của công chúng, phân quyền và chính phủ hiệu quả. Hơn nữa, chúng tôi ngưỡng mộ cách những Người Sáng Lập đã cân bằng (những giá trị trên) một cách khéo léo. Chúng tôi hài lòng rằng hầu hết các sửa đổi Hiến Pháp đã tăng cường các nguyên tắc tương tự.
- Chúng tôi yêu đất nước của mình, vì vậy chúng tôi lo lắng cho tương lai của đất nước. Phải thừa nhận rằng, một số viện sĩ có thể thích một tình huống trong đó các quan chức liên bang coi thường sở thích của địa phương và cá nhân, nuôi dưỡng sự phụ thuộc, chi tiêu vô trách nhiệm, phớt lờ các quy định của pháp luật và vượt qua các giới hạn trong cùng một bản Hiến Pháp mà từ đó họ tuyên bố quyền lực của mình. Nhưng như các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, hầu hết người dân Mỹ không quan tâm đến tình hình như vậy một chút nào.
Bởi vì hầu hết người dân Mỹ, giống như hầu hết những người theo trường phái nguyên bản, họ yêu nước Mỹ.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Robert G. Natelson là cựu giáo sư luật Hiến Pháp và là nhà sử học Hiến Pháp. Ông là chuyên gia cao cấp về Luật Hiến Pháp tại Viện Độc lập ở Denver. Ông là tác giả của “Bản Hiến Pháp Gốc: Những Gì Hiến Pháp Thực Sự Nói Và Hàm Nghĩa” (xuất bản lần thứ 3, 2015).