Những tác phẩm chạm khắc độc đáo trên nền sơn Acrylic
Một nghệ sĩ người New Zealand đã tìm ra một cách chạm khắc độc đáo bằng việc sử dụng các công cụ in khắc gỗ truyền thống, cho ra đời nhiều bức tranh chạm khắc rực rỡ, sinh động với họa tiết chủ đạo là hình ảnh động vật và thiên nhiên.
Cô Hannah Jensen, 37 tuổi, sống ở vùng Christchurch, New Zealand, là một nghệ nhân chạm khắc. Sau khi phác thảo [các] mẫu thiết kế bằng phấn trên mặt gỗ, cô ấn dụng cụ của mình vào lớp acrylic vẫn còn khá mềm ấy. Bằng những động tác khiến ta cảm thấy vô cùng dễ chịu, cô bóc dần những lớp vảy nhựa xám. Phương pháp của cô là chạm khắc từng lớp từng lớp một trên phần sơn acrylic đã được đổ trước đó, dần dần khiến hình ảnh được lộ ra.
Tuy nhiên, để chuẩn bị cho giai đoạn này, Hannah đã dành khoảng bốn hay sáu tuần để phủ lên tấm gỗ những lớp sơn có màu sắc tương phản không liên quan đến nhau – có thể lên tới 85 lớp màu.
Không hình dáng, không đường nét, không độ tương phản hay bất kỳ hình ảnh nào. Chỉ là các lớp sơn đổ phẳng [trên tấm gỗ]. Khi công việc này đã được thực hiện xong, cô [bắt đầu] vẽ các thiết kế của mình lên đó, dựa trên hình ảnh đã được nghiên cứu trước, và bắt đầu quá trình chạm khắc.
Quá trình này có thể mất từ một ngày đến tám tuần để cho ra đời một tác phẩm hoàn chỉnh, tùy thuộc vào kích thước [của tác phẩm]. Cô đã khắc lên những loài động vật và những cảnh hoa cỏ với mục đích trang trí. Cô không sử dụng những dụng cụ và kỹ thuật như việc khắc gỗ thông thường, mặc dù công việc này đúng là chạm khắc, [nhưng] chúng giống với các tác phẩm sơn mài Á Châu hơn.
Đối với bề mặt của tác phẩm, Hannah chọn dùng rất nhiều hình dáng khác nhau, từ lớn đến nhỏ, từ các tấm gỗ dạng tròn hay chữ nhật truyền thống, cho đến những vật dụng độc đáo như một tấm ván trượt thật sự.
Chiếm chủ đạo trong các tác phẩm của cô là hình ảnh thiên nhiên và động vật hoang dã. Hannah thường mang đến [cho khán giả] phong vị Đông phương với những hoạ tiết đậm chất Á đông: họa tiết hình hoa như hoa mẫu đơn, hoa cúc, họa tiết hình chim như hình ảnh những con công. Tuy nhiên tác phẩm của cô cũng có mô tả những hình ảnh thực tế hơn như loài chim kiwi – một loài chim đặc trưng cho nơi cô sinh sống, quạ và các loại chim khác, kể cả ngựa vằn, voi, ngựa, trâu và sư tử.
Hannah tình cờ tìm ra phương pháp kết hợp giữa việc vẽ tranh và chạm khắc gỗ độc đáo này khi cô đang theo học năm thứ hai tại Đại học Công nghệ Auckland vào năm 2003. Từ thời điểm đó, cô đã chưa bao giờ hối hận. Đã 18 năm trôi qua tính đến thời điểm hiện tại, người nghệ sĩ này đã sáng tác hàng trăm tác phẩm chạm khắc cho các khách hàng trên khắp thế giới, cũng như sáng tạo ra một loạt tác phẩm mang đậm phong cách cá nhân.
Chia sẻ với The Epoch Times, cô nói, “Những ý tưởng của tôi đều khởi phát từ tâm hồn tôi. Một câu chuyện mà tôi muốn chia sẻ, một ý tưởng cứ trở đi trở lại trong đầu óc, âm ỉ ở đó, và rồi theo thời gian, điều đó lớp dần lên để trở thành một thứ tôi muốn thể hiện ra qua việc chạm khắc. Ý tưởng của tôi có thể tồn tại cùng tôi hàng năm trời cho đến cuối cùng tôi thổi hồn vào cho chúng. Tôi để đầu óc mình đặt vào từng tác phẩm một, tôi dành thời gian cho chúng, và rồi cho đến khi tôi nhận ra có một khung cảnh hiện lên trong đầu tôi, tôi cân nhắc màu sắc, kích thước và bắt đầu với việc đặt bảng vẽ, tạo ra các lớp sơn, vẽ chúng ra và rồi chạm khắc, và để kết thúc, tôi tạo ra chiều sâu cho tác phẩm bằng cách sử dụng một lớp sơn pha và phủ lên bề mặt tác phẩm.”
Cũng như nhiều nghệ sĩ đã thử nghiệm các phương cách mới trong sáng tác, cảm giác thiếu tự tin đôi khi cũng che mờ tầm nhìn của cô. Và cô có một cách để đối diện và vượt qua nỗi bất định ấy.
Cô nói, “Đặt niềm tin vào bản thân sẽ mang đến cho bạn một khởi đầu tốt đẹp. Câu hỏi mà tôi thường đặt ra cho mình trước mỗi tác phẩm chạm khắc là ‘Làm cách nào tôi có thể tạo ra những kết cấu này chỉ bằng một dụng cụ nhỏ bé này thôi?’ Tôi chỉ chọn sử dụng một dụng cụ và đó là một thử thách tuyệt vời để đối diện mỗi khi tôi bắt đầu một tác phẩm mới. Và dĩ nhiên, theo thời gian, tôi đã định ra một phong cách riêng, nhưng tôi vẫn giữ cho mọi thứ được lý thú và tinh nguyên [như lúc ban đầu], điều đó mãi mãi khơi gợi những hiểu biết của tôi.
Buổi triển lãm cá nhân gần đây nhất của cô vào năm 2018 đã trưng bày các tác phẩm ưa thích của cô, bao gồm các tác phẩm chạm khắc khổng lồ, chi tiết và tỷ mỷ về các loài động vật lớn như linh dương kudu lớn, báo gấm, voi và một đàn ngựa Camargue nhỏ — “mỗi tác phẩm, [tôi nói đến] một tác phẩm mang lại nhiều năng lượng, đã phóng đại các đặc điểm kết cấu và tính cách của từng loài vật,” cô chia sẻ.
Trong tương lai, nghệ sĩ hy vọng có thêm nhiều khám phá sâu hơn để thúc đẩy sự nghiệp bảo tồn các loài động vật hoang dã.
“Tôi yêu các loài động vật và mong muốn tạo ra một kết nối sâu hơn giữa những loài động vật và khán giả, khiến khán giả có một nhận thức tích cực hơn về sự hiện diện và tính thiết yếu của các loài động vật trên Trái đất,” cô nói. “Tôi muốn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có thể kể lại một câu chuyện, một cuộc trò chuyện, phần nhiều là để bảo tồn động vật. [Các tác phẩm] không chỉ nhằm miêu tả về những vẻ đẹp của động vât, mà còn về nguyên do tại sao mà chúng ta vẫn sát hại những con vật tuyệt vời ấy, như tê giác và cá voi chẳng hạn, mặc dù đã biết rõ kết quả tàn khốc từ sự suy giảm số lượng cá thể loài”.
Sau đây là các tác phẩm chạm khắc khác của Hannah Jensen:
Thiên Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times