Cựu Đại sứ Tự do Hoa Kỳ: Cuộc đàn áp tôn giáo của ĐCSTQ phản ánh Cách mạng Văn hóa
Theo ông Sam Brownback, cựu Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ, cuộc đàn áp tôn giáo ở Trung Quốc dưới sự cai trị của ông Tập Cận Bình phản ánh những nét tương đồng trong cuộc Cách mạng Văn hóa.
Cách mạng Văn hóa diễn ra ở Trung Quốc từ năm 1966 đến năm 1976. Ông Mao Trạch Đông đã khởi xướng một cuộc đấu tranh giai cấp và một cuộc đấu tranh nhằm loại bỏ tất cả những gì thuộc về văn hóa truyền thống, gây ra bao hỗn loạn và mang đến làn sóng bạo lực cho nước này. Trong khoảng thời gian mười năm, các trường học bị đóng cửa, các di tích lịch sử và hiện vật bị phá hủy, các địa điểm văn hóa và tôn giáo bị lục soát. Nền kinh tế trì trệ, hàng triệu người bị bức hại vì niềm tin chính trị và tôn giáo của họ. Ước tính có khoảng 1.5 triệu người đã thiệt mạng trong giai đoạn này.
“Những gì chúng ta đang chứng kiến ở Tân Cương với các trại tập trung và hoạt động truyền bá ý thức hệ đang diễn ra, với những hạn chế đối với việc mọi người có thể thực hành đức tin Hồi Giáo — chúng ta không thể đặt tên cho một đứa trẻ là Muhammad trên toàn quốc — điều đó nằm ngoài sách lược Cách mạng Văn hóa mà [cựu nhà độc tài cộng sản] Mao đưa ra,” ông Brownback nói với chương trình “China in Focus” (Trung Quốc Tiêu Điểm) trên đài truyền hình NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times.
Ông dẫn chứng về tình huống của Giáo hội Giao ước Mưa sớm (Early Rain Covenant Church), nói rằng trước khi ông Tập cai trị, nhóm tín ngưỡng này đã được chấp nhận.
Ông nói, “Trước thời ông Tập Cận Bình, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thể hiện một cách tiếp cận cởi mở: ‘Đúng vậy, chúng ta có thể có các nhà thờ độc lập hoạt động hiệu quả ở Trung Quốc. Những cơ sở này không đe dọa gì đến chúng ta, nên chúng ta cũng yên trí để nó tồn tại.”
“Và rồi khi đến lượt ông Tập Cận Bình tiếp quản, ông ta đã quay lại con đường “Hoàn toàn giống Mao Trạch Đông,’ hay ‘Hoàn toàn giống Cách mạng Văn hóa,’ và nói, ‘Chúng ta sẽ không để những thứ như thế tồn tại ở đất nước này, chúng ta sẽ làm mọi thứ có thể để dẹp bỏ những thứ đó,’” ông nói thêm.
“Và đó chính xác là một sự thay đổi hoàn toàn về lối tư duy, từ cách tiếp cận cởi mở trước thời ông Tập, sang khép kín và quay trở lại một chuẩn mực kiểu Cách mạng Văn hóa của ông Tập Cận Bình.”
Ông Brownback lưu ý rằng hiện nay các hệ thống giám sát công nghệ cao đang trợ lực cho cuộc đàn áp tôn giáo ở Trung Quốc.
Ông nói: “Điều khác biệt bây giờ là họ đã đưa vào đó một nhà nước cảnh sát ảo và việc sử dụng vũ khí công nghệ cao.”
“Vì vậy, bây giờ họ có một camera để theo dõi từng người, từng người một trên khắp Trung Quốc, họ dựa vào những trung tâm dữ liệu này để nhận biết mã di truyền của hầu hết mọi người dân, đặc biệt là những người ở Tân Cương và ở nhiều nơi khác,” ông nói thêm.
Khi ĐCSTQ kiểm soát mọi hoạt động kinh tế, và đang trong quá trình chuyển sang số hóa tiền tệ, thì họ có thể nhắm mục tiêu vào bất kỳ nhóm nào mà họ không thích bằng cách “phong tỏa nguồn tiền của nhóm người đó,” ông Brownback nói.
Đối với những người bị đàn áp, ông nói rằng “họ sẽ phải đi van nài chính quyền, nếu không thì cũng phải nương theo chính quyền để có thể hoạt động trong nền kinh tế đó.”
Bản chất vô thần
Ông nói, ĐCSTQ đàn áp những người có đức tin vì chủ nghĩa cộng sản về bản chất là vô thần.
Chính vì lẽ đó mà chế độ này muốn kiểm soát tôn giáo. Ông cho biết, để đạt được mục đích đó, ĐCSTQ đang cố gắng tiêu diệt và phá hủy bất cứ thứ gì có khả năng chống lại họ.
Trong khi đó, những người có đức tin “thường hướng đến một đấng quyền năng cao hơn, họ cảm nhận được tiếng gọi từ Đức Chúa Trời. Lòng trung thành của họ là với một thứ gì đó trường tồn vĩnh cửu, không phải với thứ gì đó mang tính tạm thời, đó là Vương quốc của Đức Chúa Trời chứ không phải vương quốc của thế nhân,” ông nói.
Ông còn cho biết các tín đồ tôn giáo đang tầm cầu về nơi vĩnh hằng, tìm kiếm một tia hy vọng được siêu xuất khỏi cõi hồng trần với quá nhiều thống khổ, và quá nhiều điều ác trong đó.
Như vậy, “tôn giáo là thực thể duy nhất có đủ tổ chức, có đủ sự tín tâm, có đủ sự nhiệt thành của những người gắn bó với tôn giáo đó, để đứng lên chống lại chính phủ, để đứng lên chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc,” ông nói.
Đứng lên chống lại ĐCSTQ
Ông Brownback kêu gọi Hoa Kỳ giúp đỡ các tín đồ tôn giáo ở Trung Quốc bằng cách nâng cao nhận thức về cách chính quyền đối xử với tôn giáo ở nước này.
“Chúng ta nên hỏi người dân ở châu Phi và Nam Mỹ, nơi người Trung Quốc đang thực việc cố gắng xâm nhập vào một cách mạnh mẽ: ‘Đây có phải là cách quý vị muốn niềm tin tôn giáo cao cả của mình bị nhà nước ngược đãi, phải quỵ luỵ và thậm chí không được phép tồn tại hay không?’ Và hỏi họ rằng đó có phải là hệ thống mà họ muốn không?” ông nói.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times