Những câu chuyện đằng sau các bài Thánh ca truyền thống của Lễ Tạ Ơn
Ngày Lễ Tạ Ơn đang tới gần, có thể một số người đang nghĩ tới bánh bí đỏ, diễu hành ngày Lễ Tạ Ơn của Macy’s, hoặc những trận bóng đá. Nhưng các nhà thờ thì tôn vinh ngày này hoặc tuần lễ với một bộ sưu tập những bài thánh ca truyền thống lâu đời.
Những bài hát được yêu thích này, được tìm thấy trong các thánh ca của hầu hết các giáo phái Cơ đốc giáo trên khắp thế giới, có thể được phân thành ba loại cơ bản. Có những bài hát chỉ đơn giản kể ra những điều mà chúng ta biết ơn, những bài hát khuyến khích chúng ta có thái độ biết ơn, và những bài hát tập trung về đức tin và lòng nhân từ của Đấng Sáng Thế.
Đếm một danh mục các phước lành
Trong khi danh mục thứ hai và thứ ba, tất nhiên, cung cấp cho chúng ta nhiều bài hát như “Come, Ye Thankful People, Come,” “We Gather Together,” “Great Is They Faithfulness,” chúng ta hãy xem năm bài hát tất cả từ thể loại đầu tiên.
‘For the Beauty of the Earth’
Vì vẻ đẹp của trái đất
Một doanh nhân người Anh, William Chatterton Dix (1837–1898), đã viết giai điệu cho bản thánh ca này, sau này cũng được dùng cho ca khúc Giáng sinh “As With Gladness, Men of Old.” Năm năm sau đó, nhà kinh điển học Folliott S. Pierpoint (1835-1917) đã sáng tác ca từ cho giai điệu này.
Ông Pierpoint đã được truyền cảm hứng sâu sắc từ chính môi trường xung quanh mình: những vùng đất xinh đẹp của thành phố Bath, Anh quốc. Ông mới 29 tuổi vào năm 1864 khi viết tác phẩm ở đó, rất xa cuộc Nội chiến Hoa Kỳ đang hoành hành. Mặc dù Pierpoint đã viết nhiều bài thánh ca và bài thơ, nhưng đây là bài thơ duy nhất mà ngày nay ông được nhớ đến.
Sự hấp dẫn của bài thánh ca này nằm ở việc liệt kê đơn giản các yếu tố của tạo hóa tự nhiên, chẳng hạn như mặt trời, mặt trăng, cây cối và hoa. Bài hát tiếp tục liệt kê tình yêu của gia đình và bạn bè, và “những suy nghĩ nhẹ nhàng và ôn hòa.” Điểm mấu chốt nằm ở điệp khúc đơn giản “Chúa Giê-su Christ, Chúa của chúng con, vì Ngài mà chúng con thăng hoa / Đây là bài thánh ca ca ngợi biết ơn của chúng con.”
‘All Things Bright and Beautiful’
Vạn vật sáng sủa và đẹp đẽ
Nếu bạn không nhận ra bài hát này, có thể bạn sẽ nhận ra quyển sách cùng tựa, vốn là quyển sách thứ hai trong số những tác phẩm được yêu thích của nhà văn và bác sĩ thú y James Herriot, hay là chương trình truyền hình dựa trên các tác phẩm này.
Trong trường hợp này, ca từ của bài hát có mặt trước giai điệu, bắt nguồn từ một bài thơ của bà Cecil Frances Alexander (1818-1895), phu nhân của Giám mục Anh giáo của Ireland, William Alexander. Bà gặp khó khăn khi thu hút một nhóm trẻ học Kinh Tin Kính Các Sứ Đồ và đã viết một loạt bài thơ đơn giản để các em liên hệ với các cụm từ trong lời cầu nguyện đó. Điều này đã giải thích rõ hơn cụm từ “Cha Toàn năng, Đấng tạo dựng trời và đất.”
Các bài thơ khác trong tuyển tập thơ năm 1848 của bà sau này đã trở thành ca từ cho bài hát “Once in Royal David’s City” và bài hát “There Is a Green Hill Far Away.” Bà quyên tặng lợi nhuận từ tuyển tập cho một trường học cho người khiếm thính. Năm 1887, nghệ sĩ đại phong cầm cho nhà thơ, ông William Henry Monk (1823-1889) sáng tác giai điệu cho bài thánh ca mà ngày nay vẫn còn được biểu diễn. Ông thậm chí còn nổi tiếng hơn nhờ sáng tác giai điệu cho bài “Abide With Me.”
‘All Creatures of Our God and King’
Tất cả tạo hóa của Đức Chúa Trời và Vua của chúng ta
Thánh Phanxicô thành Assisi được biết đến nhờ tình yêu chim thú và thiên nhiên của ông. Một, hai năm trước khi ông qua đời, ông sáng tác bài thơ về sự ca ngợi và niềm vui, “Cantile of the Sun.” Trớ trêu thay, ông đã phải chịu đựng rất nhiều bệnh tật và các giai đoạn mù lòa. Được viết bằng phương ngữ Umbria của Ý, bài thơ đề cập đến tất cả những món quà tạo hóa của Thượng đế, bao gồm “mặt trời anh” và “mặt trăng em.”
Một giáo sĩ Anh giáo tên là William Draper (1855–1933) đã dịch bài thơ sang tiếng Anh và sau đó đã tự do diễn giải một phần bài cho ca từ của bài thánh ca này, và ông cũng đã sáng tác giai điệu cho bài hát.
Nhiều người sẽ nhớ lại cảnh hài hước trong tập phim thí điểm của bộ phim hài Anh “Mr. Bean, ”khi Mr Bean (do Rowan Atkinson thủ vai) đang đi lễ nhà thờ và cố gắng hát bài hát này mà không có quyển lời bài hát. Anh không thể nhớ bất kỳ từ nào ngoài đoạn điệp khúc lặp lại ba lần “Alleluia,” mà anh thực sự hét lên mỗi khi tới lượt, để bù đắp cho việc không thể hát các đoạn khác.
‘This Is My Father’s World’
Đây là thế giới của Cha tôi
Mục sư Trưởng lão người Mỹ Maltbie Davenport Babcock (1858–1901) là một vận động viên ngoài trời thực thụ, từng là vận động viên ném bóng chày vô địch và là vận động viên bơi lội tài năng tại Đại học Syracuse. Trong khi trông coi một nhà thờ ở thành phố Lockport, New York, ông luôn đi bộ buổi sáng mạnh mẽ lên đỉnh của Vách đá Niagara, nơi có tầm nhìn tuyệt đẹp ra Hồ Ontario. Mỗi lần như vậy, ông thường nói với vợ mình rằng “Tôi sẽ ra ngoài để xem thế giới của Cha tôi,” và trong một lần đi dạo này, ông đã rất xúc động khi viết ra lời bài hát này về “rocks and trees, skies and seas” (“những hòn đá và cây xanh, bầu trời và biển cả”).
Những lời bài hát này vẫn là di sản thơ ca duy nhất của ông, nhưng cũng chính là một trong những di sản quan trọng. Ông qua đời một cách bi thảm khi tự sát ở tuổi 41 tại Naples, Ý, trong chuyến trở về từ chuyến thăm Đất Thánh do bị nhiễm Brucellosis. Căn bệnh độc hại này, mắc phải từ sữa hoặc thịt nhiễm khuẫn, có thể gây ra một cơn sốt điên cuồng kèm theo chứng trầm cảm cực độ, được cho là nguyên nhân khiến ông tự tử.
Vợ của Babcock đã xuất bản thơ của ông không lâu sau đó. Sau đó, vào năm 1915, một người bạn thân của ông, Franklin L. Sheppard, đã chuyển thể lời của Babcock với một giai điệu tiếng Anh truyền thống mà ông nhớ từ thời thơ ấu của mình, và một bài thánh ca lâu đời đã ra đời.
‘Count Your Blessings’
Đếm Phước lành của bạn
Bài hát phúc âm vẫn còn phổ biến này không đưa ra một danh sách các phước lành, như các bài hát ở trên, mà chỉ cho chúng ta biết danh sách của chính mình. Bài hát gửi gắm một lời khuyên thực tế mà ngay cả những người không theo tôn giáo cũng có thể mắc phải: Khi mọi thứ đang diễn ra không tốt, hãy liệt kê trong tâm trí của bạn tất cả những điều tốt đã xảy ra, dù lớn hay nhỏ, và nó sẽ giúp bạn vui lên. Trong bài hát có đoạn: “Count your blessings, name them one by one. Count your blessings, see what God hath done.” (“Hãy đếm những phước lành của bạn, đếm từng cái từng cái. Hãy đếm các phước lành của bạn, xem những gì Đức Chúa Trời đã làm. ”)
Tác giả của những lời bài hát này là một người Mỹ, ông Johnson Oatman Jr. (1856–1922). Khi còn trẻ, ông đã được thụ phong trong Nhà thờ Giám lý Giám lý, nhưng ông đã dành phần lớn cuộc đời chuyên nghiệp của mình cho công việc kinh doanh. Tuy nhiên, có vẻ như ông đã dành tất cả thời gian còn lại của mình để viết ca từ cho hơn 3.000 bài hát phúc âm, trong đó có bài hát này, vốn là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông.
Edwin Othello Excell (1851–1921), người đã viết giai điệu cho “Count Your Blessings”, được biết đến nhiều nhất với sự biên soạn bài thánh ca “Amazing Grace” (1909). Ông làm việc tự do với tư cách là người quảng bá, ca sĩ và nhà xuất bản lưu động của hơn 2.000 bài hát phúc âm do ông sáng tác hoặc biên soạn.
Hoàng Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times