Nhận được sự tôn trọng từ cách diện y phục
Người xưa nói rằng “trang phục làm nên con người”
Bất cứ khi nào tôi có chuyến bay, tôi luôn chú trọng ăn mặc một cách chỉnh tề, ngay cả khi tôi chỉ ghé thăm một người bạn.
Y phục để lên phi cơ của tôi không quá cầu kỳ — một chiếc áo xinh xắn phối với chân váy (váy không dài quá đầu gối để tránh sự phiền hà đến từ Tổ chức An Ninh Vận Chuyển TSA) — bộ y phục trông vẫn đứng đắn. Cách ăn mặc này không chỉ giúp tôi cảm thấy tự tin và hòa đồng, mà dường như còn khiến những người khác — từ nhân viên an ninh đến hành khách — đối xử với tôi một cách tôn trọng và tử tế.
Vì chú trọng đến việc chọn y phục khi du lịch, tôi cảm thấy hứng thú khi tình cờ xem một bài báo trên tờ USA Today đề nghị rằng những chuyến bay nên có quy định về y phục. Tác giả lập luận rằng lý do chính khi đề nghị như vậy là do số lượng các vụ tranh cãi trên các chuyến bay ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. “Các hành khách và một số nhà tâm lý học tin rằng nếu mọi người ăn mặc chỉnh tề trước khi lên các chuyến bay, họ có thể đối đãi với người khác tôn trọng hơn — và ít có khả năng gây gổ hơn,” tác giả lưu ý.
Mặc dù tôi không ngạc nhiên nếu các vụ cãi cọ ầm ĩ trên phi cơ gia tăng cũng có thể bắt nguồn từ các vấn đề khác, nhưng tôi nghĩ tác giả bài báo đang đề cập đến y phục. Thực tế là, cách chúng ta diện y phục trong bất kỳ tình huống nào không chỉ ảnh hưởng đến cách chúng ta ứng xử, mà còn ảnh hưởng đến cách người khác đối xử với chúng ta.
Đầu tiên, cách chúng ta ăn mặc khiến mọi người thoáng đánh giá chúng ta qua vẻ bề ngoài, ngay cả khi họ không nhận ra điều đó. Do vậy, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy những ai ăn mặc lịch thiệp trên phi cơ — hoặc bất kỳ nơi nào khác — có thể nhận được sự tôn trọng và thái độ lịch sự hơn những người mặc quần yoga và áo nỉ chui đầu.
Ngoài ra, diện y phục chỉnh tề hơn sẽ cải thiện khả năng nhận thức của chúng ta. Trong báo cáo của hai nghiên cứu khác nhau, Hiệp hội Khoa học Tâm lý (Association for Psychological Science) cho thấy rằng y phục trang trọng khiến mọi người có thái độ chừng mực và lịch sự hơn, qua đó “làm tăng quá trình xử lý nhận thức trừu tượng.” Nghiên cứu thứ hai cho thấy diện y phục một cách chuyên nghiệp gia tăng khả năng của một người trong việc nhìn sự việc một cách tổng quát thay vì luẩn quẩn vào các chi tiết.
Một nghiên cứu khác, yêu cầu những người tham gia mặc những áo khoác phòng thí nghiệm y tế, áo khoác họa sĩ, hoặc không mặc áo khoác, cho thấy rằng chúng ta cũng tuân theo các tiêu chuẩn mà quần áo định hình lên chúng ta. Những người mặc áo khoác phòng thí nghiệm chăm chú hơn khi “họ thực hiện nhiệm vụ thí nghiệm đòi hỏi sự chú ý nhất có chọn lọc” so với những người mặc y phục khác. Vì vậy, có vẻ như khi chúng ta ăn mặc lịch sự, chúng ta sẽ cư xử trang trọng hơn, trong khi nếu ăn mặc xuề xòa hoặc lôi thôi, thì chúng ta cũng sẽ hướng thái độ và hành động của mình theo cách đó.
Những nghiên cứu và quan sát này xác nhận điều văn hào Mark Twain đã từng viết về sự tôn trọng mà chúng ta có được khi chúng ta ăn vận phù hợp hoặc không phù hợp:
“Không có quyền lực nào mà không liên quan đến y phục. Đó là quyền lực chi phối nhân loại. Trút sạch bộ cánh của một vị quân vương, thì người đó sẽ không thể cai trị bất kỳ một quốc gia nào; các quan chức khỏa thân không thể thực thi quyền lực; họ sẽ trông (và giống) như mọi người khác — bình thường đến tầm thường. Một cảnh sát mặc thường phục chỉ là một người đàn ông; nhưng trong bộ đồng phục, anh ta gia tăng sự trang trọng lên gấp mười lần. Y phục và danh hiệu là những thứ có ảnh hưởng đáng kể, tuyệt diệu nhất trên Trái Đất. Những yếu tố này hướng nhân loại đến sự tôn trọng một cách tự nguyện và tự nhiên đối với thẩm phán, tướng quân, đô đốc, giám mục, đại sứ, bá tước phù phiếm, công tước ngớ ngẩn, quốc vương, nhà vua, hoàng đế.”
Vào thời đại mà chúng ta được bảo rằng “hãy tự do đi,” “hãy cứ là chính mình,” và chọn “sự thoải mái thay vì phong cách,” những suy nghĩ như vậy sẽ khiến chúng ta ngừng để ý đến cách ăn mặc. Chắc chắn rồi, chúng ta có lúc và có nơi được ăn mặc thoải mái … nhưng việc liên tục ăn mặc như vậy ở nơi công cộng có thực sự mang lại lợi ích cho chúng ta hoặc những người khác không?
Nếu chúng ta muốn người khác tôn trọng những niềm tin, tư tưởng và con người của chính mình, thì tại sao không chăm chút ngay từ đầu, thông qua y phục chúng ta biểu thị sự tôn trọng mà chúng ta hy vọng nhận được cũng như sẽ dành cho người khác?
Quỳnh Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times