5 cách đơn giản để thắt chặt tình thân gia đình trong Năm Mới
Cách để củng cố sức mạnh của bản thân và gia đình.
Thường thì, có vẻ như năm mới luôn được mọi người chào đón bằng niềm vui cùng sự hân hoan. Cảm giác hy vọng tràn ngập bầu không khí khi cơ hội cho một khởi đầu mới đang đến gần.
Nhưng khi chúng ta lật tờ lịch sang năm 2024, tôi nhận thấy có điều gì đó khác lạ trong bầu không khí này. Thay vì hy vọng, dường như có nhiều người đang bước sang năm mới với tâm trạng sợ hãi.
Tôi không thể trách mọi người về cảm xúc đó. Chỉ cần nhìn vào nhan đề chính trên các bản tin là đủ khiến một người luôn vui vẻ chui vào chăn với hy vọng rằng, một giấc ngủ dài sẽ chứng minh sự hỗn loạn hiện nay chỉ là cơn ác mộng.
Than ôi, ngủ vùi không phải là một lựa chọn, chúng ta cần phải tận dụng tối đa những gì mình có để củng cố bến đỗ cá nhân nhằm đương đầu với “cơn bão” chính trị và văn hóa có thể ập xuống dữ dội trong năm nay. Và cách tốt nhất để làm được điều đó là củng cố yếu tố cơ bản nhất của xã hội: gia đình.
“Những người làm chủ chế độ tài phiệt hiện đại biết họ đang làm gì,” nhà văn G.K. Chesterton viết trong cuốn sách “The Superstition of Divorce” (Sự Mê Tín về Ly Hôn) của ông. “Một bản năng rất sâu sắc và chính xác khiến họ nhận ra rằng gia đình là trở ngại hàng đầu cho sự tiến bộ vô nhân tính của họ. Không có gia đình, chúng ta sẽ bất lực trước Nhà nước, mà trong tình huống hiện tại, đó chính là Nhà nước Nô lệ.”
Dựa vào sự hiểu biết thông thái này, dưới đây là 5 cách đơn giản giúp củng cố gia đình bạn trong năm tới.
Ở nhà buổi tối nhiều hơn
Trong hầu hết các gia đình, việc mọi người bận rộn vào mỗi tối trong tuần không có gì là lạ, Johnny chơi bóng rổ vào đêm nay, Susie đi khiêu vũ vào đêm tới, rồi cả cha và mẹ sẽ họp với thầy cô giáo vào đêm thứ ba. Nhưng việc thường xuyên bận rộn như vậy sẽ sớm khiến mọi người mệt mỏi, do đó hãy cố gắng sắp xếp lịch trình để gia đình bạn có ít nhất hai hoặc ba đêm một tuần ở nhà đều đặn. Hãy chọn một trong những đêm đó và dành riêng nó cho một buổi tối định kỳ để ở bên gia đình.
Bạn không biết sẽ làm gì trong những buổi tối dành cho gia đình đó? Hãy chơi bóng chuyền bằng một quả bóng bay trong phòng khách, hoặc chơi trò trốn tìm dành cho mọi lứa tuổi. Hãy mua các trò chơi trên bàn cờ hoặc trò giải đố ở cửa hàng đồ cũ, sau đó chơi cùng nhau. Hãy dành khoảng thời gian này để trò chuyện thực sự như một gia đình hoặc nghe sách nói hay kịch trong khi ở nhà cùng nhau.
Bạn cũng có thể tạo “sách nói” của riêng mình bằng cách chọn ra các thành viên khác trong gia đình để họ đọc to. Thêm một vài cây bút chì màu, bảng vẽ hoặc một đống khối Lego [để bọn trẻ] luôn bận rộn khi cả nhà cùng nhau đọc sách.
Dành thời gian cho người bạn đời
Người ta thường nói rằng, điều tốt nhất mà bạn có thể làm cho các con là hãy yêu thương cha hoặc mẹ chúng. Vì vậy, hãy dành thời gian riêng để thường xuyên ở cạnh người bạn đời của mình. Cũng đừng ngại thể hiện điều đó trước mặt con cái. Hãy để các con biết rằng cha và mẹ sẽ dành thời gian cho nhau trong một khoảng thời gian, và chúng không nên làm phiền hoặc khiến cả hai phân tâm trong thời gian này, trừ trường hợp thực sự cấp bách. Bằng cách này, bạn không chỉ làm gương cho con cái về những yếu tố của một cuộc hôn nhân hạnh phúc, mà còn tiếp thêm năng lượng cho mối quan hệ vợ chồng và trò chuyện cùng nhau để đối diện với những khó khăn không thể tránh khỏi xảy ra trong cuộc sống.
Thực hiện những mục tiêu của gia đình
Không có gì gắn kết mọi người với nhau hơn là việc có một mục tiêu chung để hướng tới. Điều này cũng đúng đối với gia đình.
Mục tiêu đó không cần phải to tát. Có thể chỉ là cùng nhau dùng bữa tại một nhà hàng yêu thích, hay tham quan viện bảo tàng địa phương như một phần thưởng dành cho việc hoàn thành tốt việc nhà trong một tháng, hoặc cho những nỗ lực rèn luyện tính cách trong cuộc sống của con sau một năm. Cũng có thể là một mục tiêu lớn hơn, chẳng hạn như tiết kiệm tiền để đi du lịch hoặc mua lều cắm trại. Dù thế nào đi nữa thì việc cùng nhau tích lũy tiền cho một mục tiêu nào đó — thông qua việc cắt cỏ, dọn lá rụng, hay xúc tuyết cho hàng xóm — hoặc thay đổi những thói quen trong cuộc sống cá nhân sẽ giúp gia đình tránh được tình trạng trì trệ và tự mãn, cả với tập thể lẫn từng thành viên.
Đi nhà thờ
Trong một buổi họp mặt ngày lễ gần đây, một người bạn đã thú nhận với tôi rằng, “Gia đình chúng tôi chỉ tham dự lễ nhà thờ theo kiểu COVID thôi,” ý là cả nhà cô sẽ quây quần trên chiếc ghế dài để xem lễ trực tuyến vào mỗi Chủ Nhật thay vì đến nhà thờ trực tiếp. Đây không phải là trường hợp hiếm gặp; một cuộc thăm dò của Barna năm 2022 cho thấy gần một nửa số người trưởng thành thường xuyên đi nhà thờ đã tham dự lễ theo hình thức trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp, kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu.
Đáng buồn là, “dự lễ” nhà thờ theo cách này hoàn toàn làm mất đi ý nghĩa chính của việc đi lễ nhà thờ, vì nó loại bỏ cộng đồng tâm linh, trách nhiệm giải trình, và sự khích lệ vốn được xem là phần chính của các tổ chức tôn giáo.
Triết gia Allan Bloom từng lưu ý về việc rời bỏ nhà thờ này trong tác phẩm nổi tiếng xuất bản năm 1987 của ông, có nhan đề “The Closing of the American Mind” (Sự Khép Kín của Tư Duy Mỹ). Những ai rơi vào cạm bẫy này, theo ông quan sát, không chỉ là những người xuất thân từ các gia đình tan vỡ, mà còn là các cặp vợ chồng đang nỗ lực hết sức để nuôi dạy con cái đúng cách và cho con một mái ấm hạnh phúc.
Tuy nhiên, trong việc tránh xa nhà thờ và rèn luyện tâm linh, ông Bloom viết, “Họ không có gì để truyền lại cho con cái mình về cách nhìn nhận thế giới, về những tấm gương hành động cao cả hay cảm giác kết nối sâu sắc với người khác.”
Hãy chủ động biến việc tham dự nhà thờ trực tiếp thành một phần thường xuyên trong thói quen của gia đình bạn trong năm nay. Và đừng chỉ đến đó một tiếng đồng hồ rồi nghĩ rằng mình đã hoàn thành. Tham gia vào một cộng đồng vững mạnh sẽ giúp xây dựng hôn nhân và khuyến khích các bậc cha mẹ thực hiện các phương pháp nuôi dạy con cái bền vững.
Nơi thờ phượng trong gia đình
Tuy nhiên, việc rèn luyện tâm linh không nên chỉ diễn ra ở nhà thờ. Việc này cũng cần được thực hiện thường xuyên ở nhà.
Quay lại với cuốn sách “The Closing of the American Mind” (Sự Khép Kín của Tư Duy Mỹ), việc rèn luyện tâm linh trong gia đình tạo nên một “sự hòa hợp thiêng liêng” khi nó thường xuyên “truyền tải điều kỳ diệu về luân lý đạo đức,” ông Bloom viết. “Khi đức tin đó biến mất, giống như hiện nay, thì gia đình, cùng lắm, chỉ còn lại sự gắn bó tạm thời.”
Vì lẽ đó, việc xây dựng những điều đôi khi được gọi là “nơi thờ phượng gia đình,” hay “lễ cầu nguyện gia đình” là rất quan trọng nhằm thúc đẩy việc rèn luyện tâm linh cho con trẻ. Khi cha mẹ dành thời gian cho những vấn đề tâm linh thì đó không chỉ là nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục tôn giáo mà còn mang lại cho gia đình điều gì đó quý giá để gắn kết, khi cả nhà cùng nhau nỗ lực để nâng cao kiến thức và sự hiểu biết về lẽ thật và sự ngay chính.
Đối diện với tương lai
Thật vậy, năm mới có thể sẽ mang đến nhiều khó khăn hơn. Nhưng chúng ta cũng không cần phải chú tâm vào những rắc rối đó.
Nam Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times