Bài học cuộc sống từ bộ phim ‘Ngôi Nhà Nhỏ Trên Thảo Nguyên’
Năm tôi 4 tuổi, cha mẹ đã đưa tôi đi xem một buổi trình diễn sân khấu ngoài trời dựa trên bộ phim “Ngôi Nhà Nhỏ trên Thảo Nguyên” trong một chuyến đi ngắn ngày. Chương trình được tổ chức ở thị trấn Walnut Grove, tiểu bang Minnesota, một trong nhiều thị trấn mà nhân vật Laura Ingalls Wilder từng sống trong suốt cuộc đời có phần du mục của cô, trên khắp các tiểu bang miền Trung Tây Hoa Kỳ. Cha mẹ tôi đã có khoảng thời gian tuyệt vời khi khích lệ tôi trong suốt chuyến đi tới Walnut Grove, họ ngân nga bài hát chủ đề của bộ phim truyền hình nổi tiếng xoay quanh gia đình Ingalls, mà tôi vốn là một “fan hâm mộ” cuồng nhiệt — mặc dù bộ phim đã được chiếu lại vào thời điểm đó!
Bộ phim truyền hình này gần đây đã đạt được cột mốc quan trọng khi bước sang tuổi 50. Để chúc mừng, dàn diễn viên và người hâm mộ cùng tề tựu nhằm tổ chức một cuộc hội ngộ lớn ở tiểu bang California, nơi bộ phim được quay. Ba trong số các diễn viên đó là bà Melissa Gilbert, bà Karen Grassle, và bà Alison Arngrim, lần lượt đóng vai cô bé Laura, người mẹ Caroline Ingalls, và cô bé Nellie Oleson.
Cả ba diễn viên đã có buổi trò chuyện trong chương trình “Good Morning America” trước ngày kỷ niệm. Họ không những bày tỏ sự ngạc nhiên về độ nổi tiếng lâu dài của bộ phim, mà còn đưa ra những giả thuyết về sức mạnh bền bỉ của nó.
“Mọi người đang tìm thấy các giá trị, niềm an ủi, và một thông điệp mà mình hằng ao ước [trong bộ phim này],” bà Grassle chia sẻ. “Và tôi nghĩ, như bạn thấy đấy, đó chỉ đơn giản là những phẩm chất đoan chính của con người.”
Lời nhận xét của bà đã đi thẳng vào trọng tâm vấn đề — cụ thể là, nước Mỹ đang trải qua thời kỳ khó khăn và mọi người đang tìm kiếm hy vọng, sự khích lệ, cũng như các giá trị tinh thần để vượt qua giai đoạn này. Nhưng ngay cả khi một số người chuyển sang phiên bản truyền hình của “Ngôi Nhà Nhỏ trên Thảo Nguyên” để tìm kiếm những giá trị và bài học, thì một số giá trị và bài học khác còn hay hơn thế lại có thể được tìm thấy trong những cuốn sách do chính tác giả Laura viết. Dưới đây là một số bài học vẫn in sâu trong ký ức của tôi trong nhiều năm:
Tận hưởng những điều nhỏ bé
Nếu có ai luôn biết cách trân trọng những điều nhỏ bé trong cuộc sống, thì đó chính là những cô con gái nhà Ingalls, đặc biệt là vào dịp Giáng Sinh. Lễ Giáng Sinh mà họ trải qua ở Plum Creek chứng kiến những đứa trẻ nhận được những món quà bình thường và nhỏ bé đến khó tin — một chiếc cốc thiếc, một đồng xu, và một chiếc bánh đường — [nhưng đối với họ] chúng như thể những viên ngọc quý trên vương miện. Vài năm sau đó, gia đình họ trải qua một mùa đông dài, dai dẳng, và gian khổ đến nỗi khiến họ gần như chết đói. Vì sinh kế khó khăn và những món quà giáng sinh hầu như không có, họ chờ đợi để đọc một số cuốn tạp chí dành cho trẻ em được một người bạn gửi đến vào ngày Giáng Sinh, thưởng thức từng câu chuyện một trong những ngày tiếp theo.
Tại sao chúng ta lại không tận hưởng những điều nhỏ bé trong cuộc sống? Lý do chính là vì, chúng ta đang sống trong thời đại của sự thỏa mãn tức thời. Chúng ta muốn gì, chúng ta sẽ có ngay lập tức — cho dù đó là thức ăn, giải trí, hay những thứ khác.
Cách để giải quyết vấn đề này là bắt đầu khước từ những mong muốn của bản thân bằng nhiều cách khác nhau. Đợi đến khi đói rồi chúng ta mới ăn, hoặc bắt bản thân làm một hai việc vặt, trước khi ngồi xuống thực hiện một sở thích — là một vài cách để thực hành sự kiềm chế. Làm như vậy sẽ giúp phần thưởng bị trì hoãn trở nên ngọt ngào hơn nhiều.
Kiên trì trong gian khó
Cũng chính mùa đông dài kể trên đã mang lại cho gia đình Ingalls nhiều cơ hội để học được tính kiên trì. Thực tế thì, tuyết phủ kín cho đến tháng 5 và không thể bổ sung nhu yếu phẩm, cả gia đình họ đã sống sót bằng cách nghiền lượng lúa mì đang cạn dần của mình trong một chiếc máy xay cà phê để làm bánh mì thô, đồng thời xoắn rơm thành que để đốt làm nhiên liệu. Cảm giác trì trệ vì hoàn cảnh lạnh lẽo và đói khát ập đến, nhưng Bố, Mẹ và Laura không nhượng bộ. Thay vào đó, họ cố gắng hết sức để luôn vui vẻ, siêng năng làm những công việc đơn điệu mà không phàn nàn, để kết nối gia đình và giúp họ tiếp tục duy trì cho đến khi kết thúc mùa đông thử thách.
Người Mỹ hậu hiện đại tất nhiên không đứng trên bờ vực của nạn đói thực sự, nhưng hoàn cảnh hiện tại chắc chắn có thể biến mỗi chúng ta thành một người thoái chí khá dễ dàng! Đừng để điều đó xảy ra. Hãy đón nhận từng ngày trôi qua, ghi nhận một cách có chủ ý những điều tốt đẹp đến với bạn, cho dù chúng nhỏ bé đến đâu. Việc bày tỏ lòng biết ơn với những gì bạn có, thay vì than vãn về những điều sai trái trên thế giới này, có thể làm phấn chấn ngay cả những người nản chí nhất trong chúng ta.
Định giá giáo dục
Nhiều người ngày nay dường như đang xem nhẹ giáo dục, chỉ học hành qua loa cho đủ điểm lên lớp.
Không giống như Laura. Cô bé kiên trì học tập, không hài lòng với bất kỳ điểm số nào không đạt được điểm tuyệt đối.
Và nỗ lực chăm chỉ của cô bé đã được đền đáp. Ở tuổi 15, cô bé tham gia một cuộc triển lãm ở trường, làm phép tính nhẩm hoàn hảo với sáu chữ số, trả lời các câu hỏi địa lý, và phân tích cú pháp các câu văn dài bằng lời trước ngôi trường đông nghẹt học sinh. Sau đó, cô bé tiếp tục đọc thuộc lòng lịch sử Hoa Kỳ từ Christopher Columbus cho đến việc định cư ở Kansas. Chính việc đọc thuộc lòng này đã giúp cô bé nhận được chứng chỉ sư phạm trước khi cô đạt đến độ tuổi tối thiểu để làm giáo viên.
Các trường học thời nay không có những kỳ vọng cao như các trường học ở thời của Laura, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải nhượng bộ trước tâm lý sa sút của thời đại này. Nếu bạn cảm thấy trình độ học vấn của mình kém cỏi thì hãy làm điều gì đó để cải thiện! Bắt đầu đọc các tác phẩm kinh điển — các tác phẩm bạn từng bỏ lỡ ở trường học và cả những tác phẩm bạn chưa từng đọc qua — ghi nhớ thơ ca, phân tích một vài tư liệu lịch sử, hoặc thực hiện một số thí nghiệm khoa học cùng con bạn. Làm như vậy sẽ nâng cao vốn kiến thức văn hóa và hiểu biết về thế giới của bạn — đồng thời cũng có thể khơi dậy niềm hứng thú học tập cho thế hệ tiếp theo.
Gia đình là trên hết
Có được chứng chỉ sư phạm đồng nghĩa với việc Laura có thể thực hiện ước mơ đóng góp tài chính cho gia đình. Mặc dù, trải nghiệm giảng dạy đầu tiên của cô là một cơn ác mộng — chủ yếu là do người phụ nữ loạn trí mà cô ở cùng nhà — nhưng cô không bỏ cuộc, vì biết rằng làm vậy sẽ ảnh hưởng đến những cơ hội giảng dạy trong tương lai, và vì thế cũng ảnh hưởng đến cơ hội chu cấp tài chính cho gia đình.
Sự quyết tâm giúp đỡ gia đình của cô vẫn được bảo trì khi cô được tuyển dụng ở các trường học khác, và trong nhiều trường hợp còn cho thấy, cô đã hào phóng dùng tiền lương của mình để cải thiện tiện nghi và hạnh phúc cho gia đình, thay vì tiêu xài số tiền nhọc nhằn kiếm được cho riêng bản thân.
Liệu điều tương tự có thể đúng với chúng ta không? Chắc chắn rồi, nhiều người trong chúng ta rất có thể cũng tận tâm trong công việc như Laura, nhưng sự tận tâm đó là dành cho gia đình hay cho cá nhân? Nếu câu trả lời là vế sau, thì có lẽ chúng ta cần noi theo tấm gương của Laura, bảo đảm rằng tài nguyên của chúng ta — không chỉ là tài sản mà còn cả thời gian — được chia sẻ cùng với gia đình.
Tận hưởng cuộc sống
Sự siêng năng và quyết tâm của Laura đôi khi khiến cô khó có thể được nghỉ ngơi, nhưng thỉnh thoảng cô và gia đình mình vẫn dành thời gian để vui chơi, cả ở nhà lẫn trong cộng đồng. Tuy nhiên, giống như mọi thứ khác trong cuộc sống của họ, niềm vui của họ rất giản đơn và luôn tận dụng tài nguyên sẵn có. Khi thị trấn South Dakota của họ tổ chức các cuộc tụ họp vào buổi tối, những trò chơi giải trí bao gồm các cuộc thi đánh vần, trò chơi đố chữ, và biểu diễn âm nhạc do những người có khả năng chơi nhạc thể hiện. Những bữa ăn tối ở nhà thờ, những đêm đọc sách cùng gia đình, và bỏng ngô rang trên bếp cũng nằm trong danh sách đó.
Quỳnh Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times