Tôn vinh những người làm việc và chiến đấu vì nền độc lập của Hoa Kỳ
Chân dung những nhà ái quốc ở Massachusetts
John Singleton Copley (1738–1815), John Trumbull (1756–1843), và Gilbert Stuart (1755–1828) là ba trong số những họa sĩ đầu tiên quan trọng nhất ở Mỹ. Những tác phẩm của họ khắc họa bối cảnh Mỹ quốc thời thuộc địa, cách mạng và ngay sau khi độc lập — đặc biệt là chân dung của những vị tổ phụ lập quốc.
Những nhà ái quốc như ngài Samuel Adams, bác sĩ Joseph Warren và cựu tổng thống John Adams đều xuất thân từ thuộc địa Massachusetts và đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến giành độc lập. Họ được hậu thế ghi nhớ ở các mức độ khác nhau tùy vào những bản viết tiểu sử ở thế kỷ 21 đã được sửa chữa cho phù hợp.
‘Chân dung ngài Samuel Adams’
Phần lớn kiến thức ngày nay về cuộc đời và thời đại uy thế của ngài Samuel Adams, một người nhiệt thành và đầy sức thuyết phục, đã bị phai mờ ngoài hai dữ kiện: một nhà máy bia thủ công đương đại ở Mỹ đang sử dụng tên ông, và ông là người anh em họ thứ hai của cố tổng thống John Adams.
Sự thực là ban đầu ông Samuel được nhiều người biết đến hơn, nhưng danh tiếng của ngài John nhanh chóng vượt xa người họ hàng của mình, sau khi ông trở thành đại biểu tại Quốc hội lục địa và cuối cùng là Tổng thống của Hoa Kỳ.
Nhà viết tiểu sử từng đạt giải Pulitzer là bà Stacy Schiff, đã vinh danh ông trong những số người tiên phong quan trọng của phong trào độc lập trong cuốn sách mới của bà “The Revolutionary: Samuel Adams” (Cách Mạng: Samuel Adams). Bà Schiff nêu bật vai trò của ngài Adams là một trong những nhân vật thao lược chủ chốt của Tiệc trà Boston, là người lãnh đạo và tuyên truyền viên cho phong trào kháng cự dân sự chống thực dân Anh, là người nhận tin tức [tình báo] từ ông Paul Revere trong chuyến hành trình lúc nửa đêm. Ngài Adams cũng là người cố vấn cho những thanh niên quan tâm đến sự nghiệp cách mạng, bao gồm bác sĩ Joseph Warren, cựu tổng thống John Adams và John Hancock.
Bức tranh “Portrait of Samuel Adams” (Chân dung ngài Samuel Adams) của họa sĩ John Singleton Copley ghi lại điều mà ông Adams tin là khoảnh khắc vĩ đại nhất của ông: cuộc đối đầu với Thống đốc Hoàng gia Thomas Hutchinson sau Vụ thảm sát Boston, trong đó ông Adams yêu cầu trục xuất quân đội Anh [ra khỏi đất Mỹ].
Ông Copley là họa sĩ vẽ chân dung hàng đầu của thuộc địa New England trước khi đến London vào năm 1774 và định cư lâu dài ở nơi này. Mặc dù ông Copley thận trọng về quan điểm chính trị của mình, nhưng đã chấp nhận ủy thác vẽ chân dung ông Samuel Adams, được cho là do ngài Hancock yêu cầu. Ông đã dựng một bố cục cơ bản phù hợp với chủ đề, sử dụng phong cách tối giản với ít yếu tố trang trí. Trong tác phẩm này, ông cũng không ngần ngại miêu tả các đặc điểm rất đặc trưng của nhân vật, mặc dù phong cách mặc định lúc bấy giờ là thể hiện những nét tổng quát để chân dung trở nên lý tưởng hóa.
Chân dung của ngài Samuel Adams được hoàn thành sau nhiều lần vẽ, miêu tả ông đang đứng nghiêm trang sẵn sàng. Đây là tư thế không thường thấy trong tác phẩm của Copley, vì người mẫu thường phải ngồi. Ngón trỏ tay trái của ngài Adams hướng người xem đến bản Hiến chương được Vua William và Nữ hoàng Mary ban cho tiểu bang Massachusetts, và tay phải của ông cầm bản thỉnh cầu “Chỉ dẫn của … Thị trấn Boston” được những công dân đang phẫn nộ soạn thảo.
Về bố cục, đầu và bàn tay của ngài Adams được vẽ sáng hơn trên nền áo khoác bằng len màu nâu đỏ khiêm tốn, nhiều đường gấp và nền màu nâu tối [chung quanh]. Điều này làm nổi bật ánh nhìn sắc bén và thách thức của ông cùng với các tài liệu quan trọng. Họa sĩ Copley sử dụng bức chân dung này như một cơ hội để ngụ ý đến hội họa lịch sử, một thể loại mà ông tiếp tục theo đuổi ở Anh quốc. Hai cây cột cổ điển, không có thực ở Boston thời kỳ thuộc địa, cùng với tư thế diễn thuyết quyền uy của Adams, ám chỉ đến các vị nguyên lão thời La Mã cộng hòa cổ đại. Hình ảnh này đã được sao chép nhiều lần, và được lưu hành rộng rãi đã giúp ngài Samuel Adams kêu gọi nhân dân ủng hộ phong trào cách mạng.
Trận chiến trên Đồi Bunker
Một cuộc đụng độ lớn ban đầu của Chiến tranh Cách mạng là Trận chiến trên Đồi Bunker năm 1775, diễn ra bên ngoài Boston. Trận chiến đã cướp đi sinh mạng của Bác sĩ Joseph Warren, người vừa nhận vai trò thiếu tướng trong quân đội nhưng chưa kịp đảm nhiệm chức vụ này.
Cuốn tiểu sử chính xác gần đây của ông Christian Di Spigna “Founding Martyr: The Life and Death of Dr. Joseph Warren, the American Revolution’s Lost Hero” (Những Anh Hùng Hy Sinh Trong Công Cuộc Lập Quốc: Cuộc Đời và Cái Chết Của Bác Sĩ Joseph Warren, Người anh hùng đã mất của cuộc Cách mạng Hoa Kỳ) đã mô tả cuộc đời của ông Warren một cách sống động. Ông là bác sĩ tài năng đã phát triển cơ sở y tế của mình trở thành cơ sở y tế lớn nhất ở Boston, và ông có trí tuệ xuất chúng, tài năng viết lách và khả năng hùng biện sắc bén khi tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động cách mạng. Bác sĩ Warren là một trong những nhà lãnh đạo của Tiệc Trà Boston, tác giả chính của Nghị quyết Suffolk đã truyền cảm hứng cho Tuyên ngôn Độc lập, và là người cử ông Paul Revere đến báo tin cho ông Samuel Adams rằng quân đội Anh đang đến.
Sau khi hy sinh, bác sĩ Warren trở thành anh hùng nổi tiếng đầu tiên của Mỹ quốc và được thần tượng hóa, tuy nhiên nhiều đóng góp của ông đã phai mờ trong ký ức công chúng. Sử gia Di Spigna viết, “Có lẽ một trong những lý do khiến bác sĩ Warren bị lãng quên là sự hy sinh của ông đã nhanh chóng làm lu mờ nhiều thành tựu của ông. Nhiều bảo tàng đương đại dành cho ngài Warren hầu như tập trung hoàn toàn vào trận chiến.” Cái chết của ông Warren tại Bunker Hill đã được họa sĩ John Trumbull tái hiện trong bức tranh canvas, trở thành một trong những hình ảnh nổi tiếng nhất về Chiến tranh Cách Mạng.
Tác phẩm “Cái chết của Đại tướng Warren trong trận chiến Bunker Hill, ngày 17/06/1775” phiên bản của Boson, tại Bảo tàng Mỹ thuật, là một trong số những tác phẩm mà họa sĩ Trumbull đã vẽ và do gia đình Warren ủy thác. Con cháu của ông Warren để lại bức tranh cho bảo tàng này vào những năm 1970. Ông Trumbull, được mệnh danh là “nghệ sĩ ái quốc,” phục vụ trong Quân đội Lục địa một thời gian. Sau khi người Anh bị đánh bại, ông bắt đầu sáng tác một loạt các tác phẩm để tưởng niệm Chiến tranh Cách mạng nhằm truyền bá nhận thức và làm sống mãi hành động cao cả của những người tham gia. “Cái chết của tướng Warren” là tác phẩm đầu tiên ông hoàn thành.
Họa sĩ Trumbull thể hiện cảnh này theo cách lý giải riêng của ông. Mặc dù không chính xác về mặt thực tế, nhưng đây là một câu chuyện rất lãng mạn và kịch tính với hình tượng anh hùng và tôn giáo. Bố cục có tham chiếu đến hình ảnh của Bậc thầy Cổ điển trong Lời than khóc: ông Warren được cho là đang tử trận trong vòng tay của một dân quân. Một người lính Anh cố gắng đâm ông bằng lưỡi lê và cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn xung quanh cảnh trung tâm. Bất chấp bầu trời đầy mây mù, ông Trumbull vẽ mặt trời hé lộ rọi ánh hào quang lên cơ thể trang nghiêm của ông Warren. Bức tranh đã trở thành một bản khắc nổi tiếng và hàng ngàn bản sao chép đã được mua.
Chân dung tổng thống John Adams
Trong những năm lập quốc đầu tiên của nước Mỹ, họa sĩ vẽ chân dung hàng đầu của đất nước là ông Gilbert Stuart. Trái ngược với ông Copley, sự nghiệp của họa sĩ Stuart bắt đầu với việc được đào tạo ở London. Sau đó, ông trở lại Mỹ và tiếp tục sáng tạo những tác phẩm được đón nhận nồng nhiệt. Ông đã truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ nổi tiếng khác của Mỹ, chẳng hạn như ông Trumbull. Ông cũng nổi tiếng với khả năng nắm bắt tinh tế tính cách của người ngồi mẫu qua việc lựa chọn về tư thế, biểu cảm, loại y phục và bối cảnh của họ để khắc họa.
Họa sĩ Stuart được nhớ đến nhiều nhất với khoảng 100 bức chân dung mà ông đã vẽ về tổng thống George Washington. Ngày nay, những bức tranh sơn dầu này thực tế có mặt khắp nơi trong các bộ sưu tập nghệ thuật quan trọng của Mỹ quốc, cả tư nhân và đại chúng; một trong những bức chân dung này thậm chí còn được dùng làm hình mẫu in trên tờ một dollar. Tuy nhiên, ông Stuart cũng đã vẽ những bức chân dung nổi bật khác về bốn vị tổng thống tiếp theo.
Bức chân dung cựu tổng thống John Adams của Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia là bức tranh chân dung đầu tiên ông Stuart vẽ vị tổng thống thứ hai này, người nổi tiếng với trí tuệ và hết lòng tận tụy vì sự nghiệp độc lập. Bức tranh có chung nguồn gốc với họa phẩm của ông Trumbull, đều đến từ gia đình ngài Adams, trước khi được tặng cho Hiệp hội Đồ họa Quốc gia (NGA) vào giữa thế kỷ 20.
Nhà sử học David McCullough đưa ra cái nhìn sâu sắc về mối quan hệ giữa nhân vật được vẽ và họa sĩ trong cuốn sách đạt giải Pulitzer “John Adams,” trên bìa của cuốn sách có bức họa này, ông giải thích rằng ngài Adams nể trọng họa sĩ Stuart và cảm thấy cuộc trò chuyện với vị họa sĩ rất thú vị trong suốt thời gian ông ngồi mẫu.
Động lực cho việc vẽ tranh ngài John Adams đến từ Hạ viện Massachusetts vào năm 1798. Họ đề nghị tổng thống Adams ngồi mẫu để vẽ một bức chân dung treo ở Nơi họp Nghị viện của Boston. Họa sĩ Stuart bắt đầu vẽ tranh vào đầu năm 1800, với các buổi vẽ có thể diễn ra ở thủ đô Philadelphia khi đó của đất nước. Ông Adams không hề hay biết rằng ông đang ở năm cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống và sẽ thất bại trước ngài Thomas Jefferson trong trận tái tranh cử gay gắt.
Họa sĩ Gilbert Stuart nổi tiếng đã trì hoãn hoàn thành tác phẩm của mình và thậm chí để những bức tranh ở tình trạng dở dang lâu dài. Phải mất 15 năm họa sĩ Stuart mới hoàn thành bức tranh này, đến mức làm phật lòng phu nhân và con trai của ngài Adams. Đến phần cuối của câu chuyện đầy phiền toái này, ngài Adams lại ngồi mẫu lần nữa để vẽ chân dung. Khi đó ông đã về hưu được 14 năm, nhưng sử gia McCullough viết: “Bản tính chính trực, tinh thần độc lập, sự tận tụy vì đất nước, cuộc hôn nhân, sự hài hước và tình yêu sâu sắc với cuộc sống của ông vẫn rất nguyên vẹn. ”
Vì trì hoãn hoàn thành tác phẩm nên bức vẽ lại phản ánh phong cách sau này của ông Stuart, khi ông sử dụng kỹ thuật khoáng đạt hơn. Điều này được thể hiện qua chiếc cà vạt, áo sơ mi và áo khoác của ngài Adams, cùng với kỹ thuật impasto (phủ sơn dày trên vải để hiển thị những nét cọ) trên vầng trán của ông.
Sau tất cả những ồn ào, bức chân dung hoàn chỉnh đã khẳng định sự nổi tiếng của mình khi nhiều bản sao đã được vẽ và khắc lại, đã có nhiều lời khen ngợi về cách họa sĩ Stuart có thể miêu tả ngài Adams trong vai trò chính khách với sức sống huyền thoại nguyên vẹn của mình dù đã lớn tuổi. Có lẽ lời khen ngợi đắt giá nhất chính là việc gia đình Adams sau đó đã đề nghị họa sĩ Stuart vẽ bức chân dung thứ hai cho ông John, điều mà ông đã kịp hoàn thành trước khi vị tổng thống qua đời ở tuổi 90 vào ngày 04/07/1826.
Hữu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.