Trung Quốc: Luật sư nhân quyền bị buộc chuyển chỗ ở 13 lần trong hai tháng trước áp lực nhắm vào những người ủng hộ pháp lý
ĐÀI BẮC, Đài Loan — Một luật sư nhân quyền người Trung Quốc bị tước bằng luật sư đã bị buộc phải chuyển chỗ ở 13 lần trong vòng hai tháng như một phần của mô hình sách nhiễu nhắm vào ông và ba người ủng hộ nhân quyền nổi tiếng khác ở Bắc Kinh mà chính quyền đang siết chặt hơn nữa cộng đồng dân quyền đang bị vùi dập của đất nước này.
Ông Vương Toàn Chương (Wang Quanzhang) cho biết hiện tại ông đang sống trong một căn nhà chung cư được cho mượn ở vùng ngoại ô, nơi thường xuyên bị cắt điện, trong khi một luật sư khác đi khỏi Bắc Kinh với hy vọng chấm dứt tình trạng sách nhiễu này. Đồng nghiệp của ông, luật sư Bao Long Quân (Bao Longjun), cho biết ông vẫn ở trong căn nhà chung cư mà mình sở hữu, nhưng đã nhiều lần bị những nhóm đàn ông không rõ danh tính lảng vảng trước nhà cấm ông rời khỏi nhà của mình. Ông Bao cho biết luật sư thứ tư đã bị giam giữ cùng với vợ của ông này.
Cả bốn người đều là những thành viên nổi bật của một nhóm được gọi là 709 luật sư, sau ngày 09/07/2015 khi một cuộc đàn áp nhắm vào hoạt động vận động pháp lý độc lập bắt đầu, trong đó hàng trăm người đã bị bắt giữ. Những người ủng hộ như vậy là một nguồn trợ giúp hiếm hoi cho những người đang phải đối mặt với cáo buộc chính trị, hoặc đang cố gắng tiếp cận các phúc lợi đã bị các bộ máy quan liêu vô trách nhiệm từ chối.
Công việc của họ bao gồm cả việc bảo vệ các học viên Pháp Luân Công, một môn thiền định mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đàn áp tàn bạo từ năm 1999, đến giúp mọi người vận động để tăng lương hưu.
Cả bốn người đàn ông này đều bị tước quyền luật sư sau khi bị bắt vào năm 2015, nhưng sau khi ra tù, họ vẫn tiếp tục làm công việc tương tự mà không cần giấy phép hành nghề luật sư.
Bà Vương Á Thu (Yaqiu Wang), nhà nghiên cứu cao cấp về Trung Quốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), cho biết trong một tuyên bố rằng tình cảnh khốn khổ của các luật sư này trùng hợp với một loạt chuyến thăm cao cấp của các quan chức ngoại quốc. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến thăm Bắc Kinh hồi đầu tháng Tư, tiếp theo là ngoại trưởng Đức, và gần đây nhất là Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.
Bà viết, các cuộc gặp gỡ này nhằm mục đích “báo hiệu rằng Trung Quốc đã mở cửa cho hoạt động kinh doanh và tham gia trở lại. Tuy nhiên, cách đối xử đê tiện và vô nhân đạo đối với các luật sư nhân quyền và gia đình của họ cho thấy rằng, chính quyền này chỉ muốn tăng cường đàn áp xã hội dân sự Trung Quốc.”
Sở công an Bắc Kinh đã không phúc đáp yêu cầu bình luận qua điện thư.
Ông Bao Long Quân, một trong bốn người ủng hộ cho biết, hồi giữa tháng Tư, luật sư nhân quyền bị tước quyền luật sư Dư Văn Sinh (Yu Wensheng) và vợ của ông đã bị công an Bắc Kinh bắt giữ khi đang trên đường đến gặp Phái đoàn Liên minh Âu Châu.
Cũng trong thời điểm đó, hai luật sư nhân quyền khác bị kết án hơn 10 năm tù về cáo buộc “chống phá quyền lực nhà nước.”
Ông Vương, vị luật sư bị đuổi ra khỏi nhà, và ông Bao phải đối mặt với những tình huống khó xử hơn.
Nhiều nhóm đàn ông bắt đầu tụ tập trước cửa nhà ông Bao và ông Vương, và nói với họ rằng họ không được phép ra ngoài.
Những người đàn ông này không cho biết họ là ai hay tại sao họ ở đó. Các luật sư tin rằng họ là những kẻ tay sai không chính thức cho công an, một chiêu thức được chính quyền địa phương Trung Quốc sử dụng rộng rãi để gây áp lực một cách vô pháp vô thiên đối với những người mà họ xem là gây phiền phức.
Ông Vương còn chịu thêm áp lực thông qua người chủ nhà. Vào khoảng thời gian những người đàn ông này xuất hiện, chủ nhà nói với ông Vương rằng hợp đồng thuê nhà của ông không còn hiệu lực nên gia đình ông phải chuyển đi. Ban đầu, họ từ chối, rồi vài ngày sau, nhà bị cúp điện, nước, và gas.
Theo ông Vương và bà La Thắng Xuân (Sophie Luo), một nhà hoạt động sinh sống tại Hoa Kỳ, luật sư nhân quyền bị tước quyền luật sư Lý Hòa Bình (Li Heping) và gia đình đã rời Bắc Kinh sau áp lực tương tự. Ông Lý đã từ chối phỏng vấn.
Ông Bao không bị buộc phải rời khỏi ngôi nhà mà ông sở hữu. Ông nói rằng các nhóm người mặc thường phục thỉnh thoảng đến và đi, đôi khi nhốt ông trong nhà.
Ông Bao cho biết hành vi sách nhiễu nhằm gây áp lực buộc những người ủng hộ rời khỏi Bắc Kinh. Ông nói rằng các nhà chức trách có thể hy vọng những người ủng hộ nhân quyền này sẽ trở về quê nhà của họ, nơi mà họ sẽ gặp rắc rối với một chính quyền địa phương khác.
Sau một tháng rưỡi trải qua 13 lần chuyển chỗ ở từ chung cư sang khách sạn rồi đến chung cư, ông Vương và vợ là bà Lý Văn Túc hiện vẫn ở Bắc Kinh.
Những nhóm đàn ông mặc thường phục vẫn cứ lảng vảng theo dõi họ ở từng nơi họ đến, khiến chủ nhà và hàng xóm khó chịu.
Ông Vương cho biết, đôi khi các khách sạn yêu cầu ông rời đi ngay trong ngày ông nhận phòng. Khoảng thời gian lâu nhất mà hai vợ chồng ông xoay sở để ở lại một nơi là một khách sạn cho phép họ ở lại 9 ngày. Cuối cùng, vợ chồng họ đã gửi đứa con trai 10 tuổi đến sống cùng họ hàng.
Tuần trước, họ sống trong một căn chung cư ở ngoại ô Bắc Kinh do một người bạn làm chủ. Tại đây, họ thường xuyên bị cắt điện.
Ông Vương cho biết, lần đầu ông có thể khôi phục lại bằng cách bật công tắc trong hộp cầu chì bên ngoài căn nhà; những lần sau, ông phát hiện một ổ khóa xe đạp trên hộp cầu chì, hoặc những hư hỏng phức tạp hơn phải nhờ thợ điện sửa chữa.
Các ký giả của hãng thông tấn AP đã nhìn thấy 7 người đàn ông lảng vảng quanh sân của tòa nhà chung cư hôm thứ Ba (20/06).
Để đối phó với tình trạng mất điện, họ đã lắp đặt một tấm pin năng lượng mặt trời để sạc điện thoại, dự trữ nước uống, gạo và mì ăn liền.
Mặc dù rất chán nản, nhưng ông Vương vẫn thận trọng kể về những khốn khổ mà ông gặp phải.
Bản tin do Huizhong Wu thực hiện
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times