PHÂN TÍCH CHUYÊN SÂU: Việc Ấn Độ khai triển 10,000 quân trên khu vực biên giới giáp Tây Tạng là tín hiệu gia tăng căng thẳng với Trung Quốc
Các chuyên gia cho biết, việc khai triển quân đội dọc theo vùng đất từ trước đến nay vẫn yên tĩnh này có nghĩa là mối bang giao giữa hai nước lân bang lớn khó có thể sớm cải thiện.
NEW DELHI — Các chuyên gia chiến lược cho biết, việc Ấn Độ khai triển 10,000 binh sĩ đến vùng biên giới giáp Trung Quốc ở hai tiểu bang Himachal Pradesh và Uttarakhand trên dãy Himalaya cho thấy mối quan hệ biên giới giữa hai nước lớn có vũ khí hạt nhân này đang đi xuống và khó có thể sớm cải thiện.
Bà Namrata Hasija, một nhà nghiên cứu của Trung tâm Phân tích và Chiến lược Trung Quốc (CCAS) có trụ sở tại New Delhi, nói với The Epoch Times qua điện thoại, “Hoàn toàn không có sự tin tưởng; người Ấn Độ không thể tin tưởng được người Trung Quốc. Vì vậy chúng ta phải nhìn nhận điều này ở góc độ rộng hơn, rằng mối bang giao vẫn chưa được cải thiện. Tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy mối bang giao sẽ cải thiện trong tương lai gần.”
10,000 binh sĩ đang được điều động từ biên giới phía Tây của Ấn Độ với Pakistan. Vị trí của họ dọc theo 331 dặm (khoảng 533 km) của dải biên giới không hoạt động nhưng đang tranh chấp này đã không được tiết lộ cho giới truyền thông qua một phát ngôn viên của chính phủ Ấn Độ mà là do Bloomberg News. Hôm 07/03, hãng thông tấn này đã trích dẫn một nguồn tin ẩn danh từ chính phủ Ấn Độ.
Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc đã trực tiếp xác nhận tin tức này khi chính thức bày tỏ sự không hài lòng với việc khai triển và gọi sự khai triển này là phản tác dụng.
Trả lời câu hỏi của Bloomberg trong cuộc họp báo thường kỳ của mình ở Bắc Kinh hôm 08/03, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning) cho biết: “Việc Ấn Độ tăng cường khai triển quân sự dọc biên giới với Trung Quốc là đi ngược lại nỗ lực của hai nước nhằm xoa dịu tình hình ở biên giới và gây bất lợi cho việc bảo vệ hòa bình và yên ổn ở khu vực biên giới.”
Thiếu tướng Ấn Độ đã về hưu G.G. Dwivedi, cựu trợ lý tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Quốc phòng Tổng hợp của Ấn Độ và là một cựu tùy viên quốc phòng Ấn Độ tại Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng biên giới tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc — gọi là “Đường Kiểm soát Thực tế” — có thể sẽ “bị tranh chấp gay gắt” trong tương lai.
Điều này có nghĩa là hai bên sẽ tiến hành quá trình mà ông gọi là “định vị chiến thuật” và thể hiện “tư thế chiến lược,” ông dự đoán.
Ông nhận định rằng, thông qua “định vị chiến thuật,” Ấn Độ sẽ tự đặt mình vào vị thế cần thiết để chống lại một cách hiệu quả bất kỳ hành động tấn công nào từ phía Trung Quốc, đồng thời Ấn Độ và Trung Quốc sẽ thường xuyên đối đầu nhau ở biên giới. “Tư thế chiến lược” có nghĩa là Ấn Độ sẽ đầu tư vào việc quản lý lâu dài các vấn đề biên giới với Trung Quốc.
Một bối cảnh rộng hơn
Cựu binh Ấn Độ này cho biết ông tin rằng vấn đề không phải là một sự kiện mang tính một lần liên quan đến việc khai triển 10,000 binh sĩ Ấn Độ, mà liên quan đến bối cảnh đang phát triển rộng hơn của việc Ấn Độ đối đầu với Trung Quốc. Ông nói, bối cảnh này có ý nghĩa trên ba cấp độ: chiến thuật, chiến lược, và toàn cầu.
Về mặt chiến lược, ông cho biết quá trình thiết lập lại của Ấn Độ đã bắt đầu từ vài năm trước, nhằm đáp trả các cuộc tấn công quy mô lớn của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) vào phía đông Ladakh hồi đầu tháng 05/2020, vi phạm năm thỏa thuận song phương quan trọng về duy trì hòa bình và ổn định ở biên giới.
Trận chiến đẫm máu ở thung lũng Galwan hồi tháng 06/2020, trong đó quân đội của Trung Quốc và Ấn Độ giao tranh giáp lá cà một cách khốc liệt, càng làm tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
“Khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, Trung Quốc đã chuyển từ hành xử quyết đoán sang cư xử hung hăng,” ông nói. Ông cho biết xung đột ở Galwan không phải là sự việc đáng báo động duy nhất đối với Ấn Độ, đồng thời nêu lên rằng trước đó Trung Quốc đã có những cuộc xâm phạm có kiểm soát tại các khu vực tranh chấp Depsang, Demchok, và Doklam.
Depsang nằm ở miền trung Ladakh, trong khi Demchok nằm ở phần cuối phía nam của ranh giới tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở Ladakh. Doklam, hay Động Lãng (Donglang) trong tiếng Hoa, nằm ở ngã ba giữa Ấn Độ, Bhutan, và Trung Quốc. Đây là nơi xảy ra xung đột quân sự giữa PLA và quân đội Ấn Độ trong hai tháng của năm 2017.
Trong khi đó, ông nói, “Trung Quốc tiếp tục tăng cường tập trung quân số rất lớn ở Tây Tạng và cũng tiếp tục cải tổ việc quản lý biên giới thông qua các làng biên giới Tiểu Khang mới.”
Năm 2017, Trung Quốc tuyên bố rằng họ sẽ phát triển 628 làng Tiểu Khang (“tiểu khang” có nghĩa là “tương đối sung túc”) dọc biên giới trên thực tế với Ấn Độ. Luật biên giới đất liền mới của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, có các quy định về việc xây dựng những ngôi làng này.
Đây đều là những hành động chiến lược của Trung Quốc. Chiến lược đối phó của Ấn Độ với những thách thức mới này liên quan đến việc quản lý biên giới rộng hơn. Ví dụ, để đối phó với các làng Tiểu Khang của Trung Quốc, Ấn Độ đang xây dựng “chương trình làng sôi động” của riêng mình.
“Một hành động tái cân bằng đang diễn ra,” vị tướng về hưu này nói.
Chính phủ Ấn Độ giới thiệu chương trình “làng sôi động” vào năm 2022, tuyên bố sẽ phát triển 663 ngôi làng dọc biên giới tranh chấp trong giai đoạn đầu, trong đó có 17 ngôi làng thí điểm ở Ladakh, Himachal Pradesh, Uttarakhand, Sikkim, và Arunachal Pradesh.
Theo ông, nhìn từ góc độ định vị chiến thuật, việc khai triển đang diễn ra dưới sự chỉ huy của một cơ quan tác chiến mới được thành lập ở khu vực trung tâm. Về mặt quân sự, ranh giới trên dãy Himalaya của Ấn Độ với PLA có ba khu vực. Ladakh nằm ở khu vực phía tây. Các tiểu bang Himachal Pradesh và Uttarakhand nằm ở khu vực trung tâm, còn khu vực phía đông chạy dọc theo Sikkim đến Arunachal Pradesh.
Quan điểm toàn cầu
Với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong vai trò một cường quốc toàn cầu và việc Ấn Độ sở hữu một nền kinh tế đang phát triển bùng nổ, thì theo đó mối bang giao Ấn Độ–Trung Quốc cũng có tác động địa chính trị rộng lớn hơn. Tư thế chiến lược đối kháng với Bắc Kinh của Ấn Độ không chỉ giới hạn ở tiền tuyến với Trung Quốc, mà còn liên quan đến vị thế toàn cầu như việc Ấn Độ tham gia vào liên minh Bộ Tứ với Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Úc.
Các nhà quan sát cho biết, chiến lược phát triển của Ấn Độ chống lại Trung Quốc liên quan đến các nhóm lợi ích địa chính trị lớn hơn và cho thấy sự thay đổi sâu sắc hơn trong thái độ của nước này.
“Ấn Độ đã từng thận trọng, nhưng giờ đây chúng tôi có một cách tiếp cận khác; chúng tôi sẽ tích cực hơn, chủ động hơn. Vì vậy, chúng tôi sẽ không làm ngơ những đường biên giới mà chúng tôi có chung với Tây Tạng, ở Uttrakhand và ở Himachal,” bà Hasija nói.
Ông Dwivedi cho rằng đợt khai triển mới của Ấn Độ dọc biên giới ở Himachal Pradesh và Uttarakhand có thể được xem như phản ứng của New Delhi đối với Trung Quốc, phù hợp với quyền tự vệ của Ấn Độ trước các hành động bành trướng của Trung Quốc.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times