Nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa tìm cách loại bỏ dần các chương trình liên bang trị giá hơn 510 tỷ USD
Chủ tịch Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Cathy McMorris Rodgers (Cộng Hòa-Washington) muốn loại bỏ dần hơn 1,100 cơ quan và chương trình liên bang “zombie” (chương trình tồn tại nhờ tài trợ từ chính phủ) đã duy trì trong nhiều năm sau khi sự ủy quyền lập pháp hết hạn. Các chương trình này hằng năm lãng phí hơn 358 tỷ USD.
Đề xướng của bà McMorris Rodgers được gọi là Đạo luật Chi tiêu Không được ủy quyền (Unauthorized Spending Act, USA), mà bà đã giới thiệu trong mọi nhiệm kỳ Quốc hội kể từ năm 2016. Nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa của tiểu bang Washington này tin rằng dự luật này (H.R. 1518) là cần thiết để khôi phục lại cho các cử tri quyền về trách nhiệm giải trình ở thủ đô của quốc gia này.
“Ngày nay, chúng ta gặp phải một cuộc khủng hoảng tài khóa ở nước Mỹ, quá nhiều hoạt động của chính phủ liên bang đang vận hành một cách vô thức. Người dân Mỹ có lý khi thất vọng về một chính phủ cho rằng họ biết rõ nhất,” bà McMorris Rodgers giải thích trong một tuyên bố trên trang web chính thức của mình. “Những sự thất vọng này là dấu hiệu cho thấy người dân đã mất đi quyền lực của chúng ta trong việc bảo đảm từng đồng của tiền thuế và mọi quyết định của các cơ quan liên bang đều phải chịu sự giám sát của người dân.”
“Đạo luật USA nhằm mục đích khôi phục ‘sức mạnh hầu bao’ của người dân Mỹ bằng cách loại bỏ chi tiêu trái phép hoặc các chương trình ‘Zombie’ — chi tiêu cho các chương trình của chính phủ chưa được các đại diện của người dân trong Quốc hội cho phép. Dự luật này khá đơn giản, bảo đảm rằng từng đồng tiền thuế đều phải chịu sự giám sát kỹ lưỡng của người dân Mỹ.”
“Điều đó có nghĩa là những người đại diện của người dân đang làm công việc của họ để xem xét, suy nghĩ lại một cách hiệu quả, và có thể loại bỏ những chương trình nào không còn cần thiết. Điều đó cũng có nghĩa là khôi phục sức mạnh của hầu bao và chấm dứt chi tiêu trái phép.”
Tại Hạ viện, đề xướng của bà hiện có 11 người đồng bảo trợ, tất cả đều thuộc Đảng Cộng Hòa. Không có phiên điều trần nào được sắp xếp về dự luật này, mà đang chờ hành động tiếp theo ở Ủy ban Giám sát và Trách nhiệm Giải trình Hạ viện và Ủy ban Ngân sách Hạ viện.
Trong một báo cáo hồi tháng Tư, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), “đã xác định 1,108 ủy quyền phân bổ đã hết hạn trước khi bắt đầu năm tài khóa 2023 và 355 ủy quyền sẽ hết hạn trước khi kết thúc năm tài khóa này. CBO cũng phát hiện ra 510 tỷ USD phân bổ cho năm 2023 có liên quan đến 428 ủy quyền phân bổ đã hết hạn.”
Đề xướng USA “đặt tất cả các chương trình không được ủy quyền đi đến kết thúc trong ba năm, vốn được thực thi bằng cách giảm ủy quyền tổng ngân sách dựa trên tổng giá trị của các chương trình không được ủy quyền,” theo một tờ thông tin trên trang web của bà McMorris Rodgers.
“Trong năm đầu tiên sau khi hết hạn, ủy quyền tổng ngân sách được giảm 10% tổng giá trị chi tiêu không được ủy quyền. Trong năm thứ hai và thứ ba, con số đó tăng lên 15%. Các chương trình được đề cập đến này sẽ ngừng hoạt động vào cuối năm tài khóa thứ ba sau khi hết hạn,” tờ thông tin cho biết.
Quốc hội cũng có thể quyết định tái ủy quyền cho một cơ quan hoặc chương trình zombie, nhưng cá nhân các thượng nghị sĩ và dân biểu sẽ phải ghi vào hồ sơ xem có nên loại bỏ dần tài trợ hay tái ủy quyền hoạt động đó hay không.
Quá trình quyết định phải làm gì với một cơ quan hoặc chương trình zombie cụ thể sẽ được giám sát bởi một Ủy ban Trách nhiệm Giải trình Chi tiêu (SAC) mới được giao nhiệm vụ thiết lập lịch trình tái ủy quyền, tiến hành đánh giá hiệu quả của các cơ quan và chương trình đó, đồng thời đề xướng cắt giảm ngân sách bắt buộc “để được sử dụng làm khoản bù đắp tiềm năng để khôi phục ủy quyền ngân sách đã bị giảm do các chương không được ủy quyền.”
Các cơ quan liên bang zombie, là những chương trình, đặc biệt là những chương trình tiếp tục được tài trợ nhưng không được tái ủy quyền, “là dấu hiệu của một chính phủ liên bang quá toàn quyền đến nổi tổ chức của Quốc hội không thể quản lý,” ông David Ditch, nhà phân tích chính sách cao cấp tại Trung tâm Grover M. Hermann về Ngân sách Liên bang tại tổ chức tư vấn Quỹ Di sản, cho biết.
“Không có tổ chức nào trong lịch sử nhân loại có thể quản lý đúng cách một tổ chức [như chính phủ liên bang] mà sử dụng rất nhiều người làm rất nhiều việc và chi rất nhiều tiền cho rất nhiều chủ đề như vậy.”
Trước khi gia nhập Quỹ Di sản, ông Ditch từng làm việc trong Ủy ban Ngân sách Thượng viện, tại đó, ngoài nhiều việc khác ra thì ông phân tích các cơ quan và chương trình zombie.
Ông Ditch nói với The Epoch Times rằng trọng tâm của vấn đề này là cách mà “Quốc hội, thay vì làm công việc khó khăn là phân tích hiệu quả hoạt động của một cơ quan hoặc chương trình liên bang hiện có, thì bản năng là tạo ra những thứ mới mà quý vị có thể nhận lấy công trạng chính trị khi trở về nhà.
4 thập niên làm một Zombie
“Đặc biệt là khi quý vị kết hợp những động lực chính trị đó với sự lớn mạnh vượt bậc của chính phủ liên bang diễn ra trong thế kỷ 20 và vốn đã được để cho tiếp tục phát triển và lụi tàn theo thời gian, thì quý vị sẽ trở thành một sự kết hợp của những zombie nhỏ mà có lẽ nên bị loại bỏ, và tôi muốn nói rằng các chương trình lớn quan trọng gần như không có đủ sự giám sát,” ông Ditch nói.
Trong số những hậu quả của sự rối loạn chức năng chính trị như vậy là các cơ quan liên bang — chẳng hạn như Quỹ Nghệ thuật Quốc gia (National Endowment for the Arts) và Quỹ Nhân văn Quốc gia (National Endowment for the Humanities) — đã tiếp tục nhận được hàng tỷ dollar tiền thuế mặc dù các ủy quyền lập pháp của họ đã hết hạn từ nhiều thập niên trước, vào năm 1993.
Các ví dụ khác về các chương trình zombie bao gồm Chương trình Kế hoạch hóa Gia đình Đề mục X của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh đã hết hạn vào năm 1985, mà ông Ditch lưu ý là chủ yếu cung cấp tài trợ cho một trong những bên nhận trợ cấp liên bang được tranh cãi sôi nổi nhất, Tổ chức Kế hoạch hóa Gia đình của nước Mỹ (Planned Parenthood Foundation of America).
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times