Các lãnh đạo Hạ viện chuyển các điều khoản đàn hặc ông Mayorkas tới Thượng viện
Lần thứ hai trong lịch sử Mỹ quốc, một thành viên nội các của tổng thống có thể bị đàn hặc ở Thượng viện trong tuần này.
Hôm 15/04, hai cáo buộc đàn hặc Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas, được Hạ viện thông qua hôm 13/02 đã chính thức được trình lên Thượng viện Hoa Kỳ.
Mười một thành viên Hạ viện trước đây được chỉ định là người quản lý việc đàn hặc đã đi bộ từ Hạ viện qua Statuary Hall ở Tòa nhà Capitol rồi đến Thượng viện trong một buổi lễ ngắn gọn được lặp lại chỉ 17 lần kể từ Quốc hội nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 1789. Đảng Dân Chủ tại Hạ viện đã làm như vậy hai lần khi đàn hặc cựu Tổng thống Donald Trump vào năm 2020 và 2021.
Tám trong số 17 phiên đàn hặc tại Thượng viện dẫn đến việc kết án, trong khi chín phiên đàn hặc kết thúc mà không có kết án nào. Cần phải có đa số 2/3 Thượng viện mới có thể kết tội một quan chức chính phủ liên bang bị đàn hặc. Cả cựu Tổng thống Donald Trump, cựu Tổng thống Bill Clinton năm 1998, lẫn Tổng thống Andrew Johnson năm 1868 đều không bị kết án.
Quy tắc của Thượng viện yêu cầu các nhà quản lý Hạ viện đọc hai bản cáo buộc tại Thượng viện. Sau đó, Chủ tịch Thượng viện tạm thời Patty Murray (Dân Chủ-Washington) sẽ tuyên thệ với các thượng nghị sĩ với tư cách bồi thẩm đoàn. Một lệnh triệu tập bằng văn bản sẽ được gửi tới ông Mayorkas để ông hiện diện, mà ông có thể chọn hoặc không.
Sau đó, các thượng nghị sĩ sẽ có cơ hội thông qua các quy tắc điều chỉnh cách thức tiến hành phiên tòa. Các quy tắc được Thượng viện thông qua năm 1986 đã được áp dụng cho các phiên tòa xét xử ông Clinton và ông Trump.
Lãnh đạo đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) dự kiến sẽ đưa ra một kiến nghị bác bỏ hoặc đình chỉ hai cáo buộc đàn hặc ông Mayorkas. Đầu năm nay, ông Schumer mô tả hành động đàn hặc của Hạ viện là một “sự giả tạo.”
Trước đó hôm 15/04, ông Schumer chỉ trích cuộc đàn hặc này là tạo ra “tiền lệ khủng khiếp” cho Quốc hội.
“Không bao giờ nên sử dụng biện pháp đàn hặc để giải quyết bất đồng về chính sách. Hãy nói về tiền lệ khủng khiếp — điều này sẽ tạo tiền lệ khủng khiếp cho Quốc hội,” lãnh đạo khối đa số nói tại Thượng viện.
“Mỗi khi có bất đồng về chính sách trong Hạ viện, họ lại gửi sang đây để ràng buộc Thượng viện tiến hành phiên tòa đàn hặc? Thật vô lý. Đó là sự lạm dụng thủ tục,” ông nói.
Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện, do các thượng nghị sĩ Ted Cruz của Texas, Mike Lee của Utah, John Kennedy của Louisiana, Ron Johnson của Wisconsin, Eric Schmitt của Missouri, và Roger Marshall của Kansas dẫn đầu sẽ cố gắng đưa ra nhiều vấn đề đúng theo thủ tục (point of order) để phản đối lại kiến nghị bác bỏ của ông Schumer.
Nếu bất kỳ một trong những vấn đề đúng theo thủ tục của Đảng Cộng Hòa được đa số Thượng viện chấp thuận, thì kiến nghị đó sẽ bị bác bỏ và phiên tòa sẽ bắt đầu. Nhưng theo quy định của Thượng viện, bà Murray không có nghĩa vụ phải công nhận bất kỳ thượng nghị sĩ nào đưa ra vấn đề đúng theo thủ tục, vì vậy không có phản đối nào của họ có thể được lắng nghe tại Thượng viện.
Nếu phiên tòa tại Thượng viện tiếp tục, những người lãnh đạo Hạ viện sẽ đưa ra bằng chứng của họ và những người biện hộ cho ông Mayorkas thuộc đa số Đảng Dân Chủ tại Thượng viện sẽ phúc đáp. Sau đó, một cuộc bỏ phiếu điểm danh (rollcall) sẽ được thực hiện, dự kiến sẽ không đạt được 2/3 số phiếu cần thiết để kết án.
Lúc này, ông Mayorkas sẽ có thể tiếp tục tại vị, nhưng ông sẽ đi vào lịch sử với tư cách là thành viên thứ hai trong nội các của tổng thống bị đàn hặc.
Người đầu tiên là Bộ trưởng Chiến tranh William W. Belknap, người từ chức năm 1876 sau khi Hạ viện thông qua năm cáo buộc đàn hặc ông. Thượng viện không kết tội ông Belknap, người được Tổng thống Ulysses S. Grant bổ nhiệm.
Điều I của cuộc đàn hặc này cáo buộc ông Mayorkas “cố tình từ chối tuân thủ luật pháp một cách có hệ thống” và tuyên bố rằng “phần lớn là do hành vi trái pháp luật của ông, hàng triệu người ngoại quốc đã nhập cảnh bất hợp pháp vào Hoa Kỳ hàng năm với nhiều người ở lại Hoa Kỳ một cách bất hợp pháp.”
“Việc ông ấy từ chối tuân theo luật pháp không chỉ là hành vi vi phạm sự phân lập quyền lực trong Hiến Pháp Hoa Kỳ mà còn đe dọa an ninh quốc gia của chúng ta và có tác động nghiêm trọng đến các cộng đồng trên khắp đất nước,” điều khoản này nêu rõ.
Điều II cáo buộc ông Mayorkas đã lạm dụng lòng tin của công chúng khi “cố tình đưa ra những tuyên bố sai sự thật, và cố tình cản trở sự giám sát hợp pháp của Bộ An ninh Nội địa, chủ yếu là để che giấu kết quả của việc ông cố tình từ chối tuân thủ luật pháp một cách có hệ thống.”
Nghị quyết đàn hặc dài 20 trang bao gồm hai điều khoản với nhiều dẫn chứng về luật mà ông Mayorkas bị cáo buộc đã bỏ qua hoặc từ chối thực thi và minh họa về việc ông ngăn chặn sự giám sát của quốc hội, bao gồm cả việc không xuất trình các bản tài liệu được yêu cầu.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times