Hàng tỷ dollar bị đánh cắp khỏi các quỹ cứu trợ COVID có khả năng sẽ biến mất vĩnh viễn
Theo chủ tịch Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ Viện, Dân biểu Jason Smith (Cộng Hòa-Misouri), việc gấp rút cung cấp trợ giúp tài chính cho những người Mỹ bị mất việc làm trong đại dịch COVID-19 đã mang lại một khoản tiền trị giá 191 tỷ USD cho những kẻ lừa đảo.
Trong một tuyên bố được đưa ra tại phiên điều trần hôm 08/02, ông Smith đã viết: “Không nghi ngờ gì rằng người dân cần sự giúp đỡ, đó chính là lý do tại sao Quốc hội nên bảo vệ chương trình này và những người cần sự giúp đỡ đó khỏi bọn tội phạm đã lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo.”
Cục Thống kê Lao động báo cáo rằng trong tháng 04/2020, tỷ lệ thất nghiệp đã đạt mức cao kỷ lục 15% sau khi việc thực hiện các biện pháp phong tỏa để làm chậm sự lây lan của virus Trung Cộng (Đảng Cộng sản Trung Quốc), thường được gọi là virus corona mới, khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa. Từ ngày 14/03/2020 đến ngày 18/04/2020, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần đã tăng đáng kể từ 225,500 lên 5.3 triệu đơn.
Ông Smith cho biết Đạo luật Viện trợ, Cứu trợ, và Phục hồi Kinh tế trong Giai đoạn Virus Corona (CARES) là một nỗ lực để giúp đỡ. Nhưng Quốc hội lẽ ra phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ hàng triệu USD tiền thuế được phân bổ theo đạo luật này.
Ba nhân chứng chuyên gia đã nói với ủy ban một số điều có thể và nên làm để ngăn chặn các vấn đề trong tương lai. Nhưng, khi nói đến việc thu hồi lại hàng tỷ USD tiền thuế bị những kẻ lừa đảo làm thất thoát, thì họ không hy vọng nhiều. Phần lớn số tiền đó đã bị mất vào tay các đường dây lừa đảo có tổ chức ở Nigeria, Trung Quốc, Nga, và các quốc gia khác.
Ông Michael Horowitz, chủ tịch Ủy ban Trách nhiệm giải trình Ứng phó Đại dịch của Văn phòng Tổng Thanh tra thuộc Bộ Tư pháp cho biết: “Việc tìm ra những kẻ lừa đảo ở ngoại quốc có thể là một thách thức.”
Hầu hết các cơ quan trợ cấp thất nghiệp tiểu bang đều không chuẩn bị sẵn sàng cho hàng loạt cuộc gọi và đơn xin trợ cấp tràn ngập văn phòng của họ. Những nhân viên văn phòng bị choáng ngợp, trong đó nhiều người vẫn còn sử dụng công nghệ cổ điển của những năm 1980, đã cắt giảm các bước và bỏ qua các biện pháp an toàn để mang lại phúc lợi cho những người mới thất nghiệp và thiếu việc làm.
Dân biểu Bradley Schneider (Dân Chủ-Illinois) cho biết tình hình đã rất nghiêm trọng ngay từ đầu.
Ông Schneider cho biết: “Chúng ta đã có một đám cháy ở mức báo động 5 đang bùng phát ngoài tầm kiểm soát và chúng ta đã chiến đấu với nó bằng cách cho nước vào các xô, và các xô này lại có những lỗ thủng trên đó.”
Dân biểu Gwen Moore (Dân Chủ-Wisconsin) cho biết bà được thông báo rằng có tới 80% các cuộc gọi đến Sở Phát triển Lực lượng Lao động Wisconsin không được hồi đáp vào thời điểm cao điểm của đại dịch.
Bà nói với Ủy ban, “Chẳng có ai sẵn sàng cho đại dịch này.”
Theo các chuyên gia, nhiều ứng viên đã được phép “tự chứng minh.” Về bản chất, khi người nộp đơn cung cấp thông tin nhận dạng, chẳng hạn như Số An sinh Xã hội, thì tiểu bang sẽ xem những thông tin họ cấp là chân thực.
Sở An sinh Xã hội giữ một “Chỉ mục Hồ sơ Tử vong”, một bản hồ sơ lưu ghi lại Số An sinh Xã hội của những người đã qua đời.
Tuy nhiên, không phải tất cả các cơ quan đều có quyền truy cập vào chỉ mục này, và mỗi tiểu bang tự quản lý chương trình bảo hiểm thất nghiệp của riêng mình. Hầu hết các hệ thống của tiểu bang là không tương thích với nhau hoặc không tương thích với hệ thống của chính phủ liên bang.
Ông Gene Dodaro, tổng kiểm soát của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ (GAO), đã tóm tắt tình hình như sau: “Sử dụng một Số An sinh Xã hội là một cách dễ dàng để nhận tiền. Bản thân mẹ của tôi cũng đã nhận được một khoản thanh toán.”
Ông Dodaro cho biết số tiền mà mẹ ông đã nhận được là từ một người khác đã sử dụng thông tin của bà để nộp đơn yêu cầu một cách gian lận. Ông đã yêu cầu bà này trả lại tiền nhưng nói rằng đó là một ví dụ về việc hệ thống bị lừa đảo dễ dàng như thế nào.
Nhưng số An sinh Xã hội không phải là phương tiện duy nhất mà những kẻ lừa đảo sử dụng.
Theo Bộ Tư pháp, 16 người ở Texas đã nhận tội vì tham gia vào âm mưu lừa đảo Kế hoạch Bảo vệ Tiền lương do Cục Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ khai triển. Chương trình này đã cung cấp hàng triệu khoản vay có thể xóa nợ cho các doanh nghiệp để giúp họ tiếp tục trả lương cho người lao động trong thời gian phong tỏa.
Theo thông cáo báo chí, ông Abdul Fatani, 57 tuổi, ở Richmond, Texas, là thành viên của một đường dây nộp các hồ sơ vay tiền lừa đảo có chứa thông tin sai lệch về số lượng nhân viên và chi phí trả lương hàng tháng của doanh nghiệp. Các đồng phạm với ông này đã nộp hơn 80 đơn gian lận để vay 35 triệu USD.
Đường dây lừa đảo bị chặn đứng
Nhóm này đã kiếm được 500,000 USD. Họ đã rửa số tiền thu được bất hợp pháp bằng cách chuyển chúng giữa các tài khoản ngân hàng khác nhau.
Ông Dodaro nói với Ủy ban rằng gian lận như vậy không phải là một vấn đề mới. Ông kể rằng hồi năm 2010, một quan chức ở New York đã cảnh báo với tiểu bang này rằng tiểu bang đang có một vấn đề nghiêm trọng. Đại dịch chỉ làm vấn đề đó trở nên nghiêm trọng hơn.
Dân biểu Claudia Tenney (Cộng Hòa-New York) cho biết với tư cách là chủ doanh nghiệp, bà đã quen với một số vấn đề. Bà nói rằng mặc dù tiền được lấy từ chính phủ, nhưng chính phủ lại không phải là nạn nhân.
Bà nói: “Những người nộp thuế, chủ lao động, nhân viên của chúng ta đều đã phải trả giá cho sự gian lận này.”
Dân biểu Nicole Malliotakis (Cộng Hòa-New York) đã đồng tình. Bà cho biết New York đã mất ít nhất 11 tỷ USD vì các khoản thanh toán gian lận. Số tiền đó, kết hợp với số tiền từ các tiểu bang khác, đã chi trả cho một biệt thự trị giá 10 triệu USD ở Cộng hòa Dominica, một chiếc đồng hồ Rolex bằng vàng, những chiếc xe hơi thể thao, và những món đồ xa xỉ khác.
Những món đồ xa xỉ được mua
Ông Malliotakis nói, “Một người thậm chí đã nhận được 1.5 triệu USD trong vòng 10 tháng.”
Ủy ban đã hỏi các nhân chứng về những gì có thể được thực hiện để ngăn chặn các vấn đề trong tương lai. Ông Larry Turner, thuộc Văn phòng Tổng Thanh tra của Bộ Lao động, cho biết việc phân tích dữ liệu là rất quan trọng để tìm ra giải pháp ngăn chặn. Và sự phân tích này sẽ đến từ việc các tiểu bang có thể làm việc cùng với các quan chức liên bang.
Theo ông Turner, một cơ sở dữ liệu trung tâm sẽ cho phép các quan chức phát hiện ra các hồ sơ lừa đảo trước khi các hồ sơ này đi quá xa. Trong tuyên bố bằng văn bản gửi ủy ban, ông Turner cho biết văn phòng của ông đã cảnh báo rằng gian lận bảo hiểm thất nghiệp là một vấn đề, và nêu chi tiết một số cuộc điều tra và kiểm toán đã phơi bày gian lận trong hệ thống.
Ông Dodaro đề nghị một mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa kiểm toán viên tiểu bang và các quan chức liên bang. Ông Dodaro cho biết các quan chức có thể giải quyết vấn đề, bằng cách sử dụng một hệ thống máy điện toán thống nhất và yêu cầu kiểm toán nhiều hơn các chương trình dễ có nguy cơ bị lừa đảo như bảo hiểm thất nghiệp và Medicare.
Cả ba nhân chứng đều cho biết có thể phải mất nhiều năm nữa mới biết được toàn bộ mức độ thiệt hại.
Ông Horowitz lưu ý rằng rất khó có thể khôi phục lại hầu hết số tiền bị đánh cắp. Ông nói với ủy ban rằng các tiểu bang đang bắt đầu làm việc cùng nhau, và nhiều tiểu bang đã cập nhật công nghệ của mình do cuộc khủng hoảng.
Ông Horowitz nói, “Tin tốt là mọi thứ đang được cải thiện; tin xấu là chúng ta vẫn chưa đến đích.”
Dân biểu Gregory Murphy (Cộng Hòa-New Carolina) đã thẳng thắn đánh giá vấn đề.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times