Nguồn cung tiền của Hoa Kỳ giảm lần đầu tiên kể từ khi Fed bắt đầu công bố dữ liệu
Nguồn cung tiền của Hoa Kỳ đã giảm lần đầu tiên kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu công bố dữ liệu hồi tháng 01/1960.
Theo dữ liệu mới nhất do Hội đồng Thống đốc của Hệ thống Dự trữ Liên bang trình bày, thì tốc độ tăng cung tiền M2 đã giảm 1.3% so với cùng thời kỳ năm ngoái vào tháng 12/2022, giảm từ mức 0.01% vào tháng 11/2022. Con số này cũng giảm mạnh từ mức cao nhất vào tháng 02/2021 là gần 27%.
Tổng cộng, nguồn cung tiền quốc gia ở mức hơn 21.2 ngàn tỷ USD, vẫn cao hơn 37% so với mức trước đại dịch là khoảng 15.458 ngàn tỷ USD.
M2 là một phép đo khối lượng tiền của Hoa Kỳ bao gồm tiền mặt, tiền gửi có thể phát hành chi phiếu, chi phiếu du lịch, tiền gửi có kỳ hạn mệnh giá nhỏ, cổ phiếu trong các quỹ tương hỗ trên thị trường tiền tệ bán lẻ, và các loại tiền gửi khác có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt.
Mới đây, ông Ryan McMaken, một nhà kinh tế và biên tập viên cao cấp tại Viện Mises, đã nhắc đến thước đo cung tiền Rothbard–Salerno (TMS, hay “cung tiền thực sự”). Số liệu này, một thước đo thay thế cho thước đo M2 chính thức của Fed, được các nhà kinh tế học Murray Rothbard và Joseph Salerno phát triển để mô tả được chính xác hơn những sự thay đổi của cung tiền vì thước đo này bao gồm tiền gửi của Ngân khố tại ngân hàng trung ương và không bao gồm các quỹ thị trường tiền tệ bán lẻ và tiền gửi ngắn hạn.
Ông McMaken viết: “Lần cuối cùng sự thay đổi cung tiền so với cùng thời kỳ năm trước (YOY) đã rơi vào vùng âm là vào tháng 11/1994. Vào thời điểm đó, mức tăng trưởng âm tiếp tục trong 15 tháng, cuối cùng chuyển sang dương vào tháng 01/1996. Trong tháng 12/2022, mức tăng trưởng cung tiền so với cùng thời kỳ năm trước là -2.4%. Con số này giảm so với tỷ lệ -0.55% của tháng 11/2022 và giảm so với tỷ lệ 6.44% của tháng 12/2021.”
Cho dù các nhà quan sát sử dụng phép đo nào đi nữa, các chuyên gia cho rằng loạt tăng lãi suất kể từ tháng 03/2022 đã khởi tác dụng.
Trong năm qua, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang đã tăng lãi suất hơn 450 điểm căn bản, nâng lãi suất quỹ liên bang chuẩn lên phạm vi mục tiêu từ 4.50% đến 4.75%. Hành động này ảnh hưởng đến tổng cung tiền vì lãi suất cao hơn dẫn đến hai xu hướng quan trọng. Đầu tiên là người tiêu dùng sẽ phải trả thêm lãi suất cho các khoản vay, tình huống có thể làm ảnh hưởng đến dự trữ tiền mặt. Thứ hai là môi trường lãi suất tăng sẽ thúc đẩy người tiêu dùng chuyển sang các khoản đầu tư không phải tiền gửi, chẳng hạn như cổ phiếu, quỹ hoán đổi danh mục (ETF), quỹ tương hỗ, trái phiếu, và niên kim.
Bất chấp sự thu hẹp và chậm lại trong việc mở rộng nguồn cung tiền trong năm qua, hệ thống tài chính vẫn tràn ngập thanh khoản, cho thấy các nhà hoạch định chính sách tiền tệ tại ngân hàng trung ương Hoa Kỳ vẫn còn nhiều việc phải làm để bình thường hóa các điều kiện thị trường.
Một trong những biện pháp này là cắt giảm bảng cân đối kế toán của Fed, bao gồm mọi thứ từ công khố phiếu, chứng khoán có bảo đảm cho đến trái phiếu doanh nghiệp. Nhưng trong khi biện pháp này đã trở thành một thành phần công cụ trong chu trình thắt chặt định lượng của định chế này, thì các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa giảm quy mô bảng cân đối kế toán xuống mức trước khủng hoảng.
Trong những ngày đầu của cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng COVID-19, Fed đã thúc đẩy nền kinh tế thông qua các nỗ lực kích thích chi tiêu và cứu trợ. Sự thúc đẩy này bao gồm sáng kiến mua trái phiếu đã làm tăng quy mô bảng cân đối kế toán khoảng 117%, nâng tổng quy mô bảng cân đối kế toán lên mức cao nhất là hơn 8.965 ngàn tỷ USD vào tháng 04/2022. Kể từ đó, quy mô bảng cân đối kế toán đã giảm gần 6% xuống dưới 8.5 ngàn tỷ USD. Các chuyên gia thị trường cho rằng Fed đang kiềm chế trong việc đẩy nhanh việc giảm bảng cân đối kế toán vì sợ làm đảo lộn thị trường tài chính.
Dữ liệu này có xác nhận một cuộc suy thoái không?
Nhiều nhà kinh tế sẽ cho rằng một nguồn cung tiền chậm lại hoặc thu hẹp thường sẽ gây ra một sự suy thoái kinh tế.
Mùa hè vừa qua, nhà kinh tế học nổi tiếng Steve Hanke, giáo sư kinh tế học ứng dụng tại Đại học Johns Hopkins, nói với CNBC rằng nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái vào năm 2023 do tăng trưởng cung tiền đi ngang.
“Chúng ta sẽ có một cuộc suy thoái vì chúng ta đã có 5 tháng không có tăng trưởng M2, tăng trưởng cung tiền, và Fed thậm chí còn không để ý đến điều đó,” ông nói. “Chúng ta sẽ có một đợt suy thoái lớn vào năm 2023.”
Ông Hanke đã nhắc lại quan điểm này trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 10/2022, nói với Kitco News rằng nguồn cung tiền bị thu hẹp sẽ là nguyên nhân khiến các điều kiện kinh tế trở nên xấu hơn, đồng thời lưu ý rằng việc Fed thắt chặt chính sách đã đảo ngược tốc độ tăng trưởng hàng năm với tốc độ “chưa từng có.”
“Nguồn cung tiền thay đổi thế nào sẽ xác định nền kinh tế chúng ta sẽ ra sao,” ông nói. “Bảy tháng qua, cung tiền thực tế đã giảm 1.1%. Điều đó gần như chưa từng có. Tất nhiên, điều đó có nghĩa là quý vị có một sự thay đổi lớn trong cung tiền và sau đó là một cơ chế truyền dẫn. Cho dù cung tiền tăng hay giảm, thì vẫn có độ trễ giữa các lực đẩy của cung tiền và kết quả xảy ra với nền kinh tế thực. Vào một thời điểm nào đó, vào năm 2023, chúng ta sẽ phải đối mặt với một cuộc suy thoái khá lớn.”
Trong nửa đầu năm 2022, nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào suy thoái kỹ thuật — tức là có tổng sản phẩm quốc nội âm liên tiếp trong các quý — nhưng Hoa Kỳ đã phục hồi trong nửa sau 2022, tăng 3.2% trong quý 3 và 2.9% trong quý 4.
Đối với nhiều nhà kinh tế và nhà phân tích thị trường, khả năng căn bản là một cuộc suy thoái vào năm 2023 hoặc 2024.
Nhiều chỉ số chỉ ra một cuộc suy thoái. Chỉ số Kinh tế Hàng đầu (LEI) của Conference Board đã giảm gần 4% trong khoảng thời gian từ tháng 06 đến tháng 12/2022. Lợi tức công khố phiếu 2 và 10 năm đã được đảo ngược trong vài tháng, trong khi lợi suất 3 tháng và 10 năm ưa thích của Fed đã được đảo ngược kể từ cuối năm ngoái. Các chỉ số về Chỉ số Quản lý Mua hàng trong lĩnh vực Đa sản xuất, bao gồm cả Chỉ số PMI Sản xuất Toàn cầu của S&P, đã bị mắc kẹt trong vùng giảm kể từ cuối mùa thu.
Cuộc thăm dò các nhà kinh tế về Chỉ số Kinh tế Quý 4 của Bankrate cho thấy 64% khả năng Hoa Kỳ phải đối mặt với một cuộc suy thoái kinh tế trong năm nay.
“Nếu một cuộc suy thoái đáng sợ xuất hiện trong năm, thì đây dường như là sự suy giảm nền kinh tế được dự đoán rộng rãi nhất mà tôi có thể nhớ được,” ông Mark Hamrick, nhà phân tích kinh tế cao cấp của Bankrate cho biết. “Về căn bản, cuộc suy thoái này cũng do Cục Dự trữ Liên bang tự gây ra, Fed đã tăng lãi suất mạnh mẽ với mục đích tiêu diệt con quái vật lạm phát.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times