Hoa Kỳ: Ông Bostic của Fed sẵn sàng tăng lãi suất, bà Logan cảnh báo hệ thống tài chính có rủi ro căng thẳng trên thị trường trái phiếu
Ông Raphael Bostic, chủ tịch của Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) tại Atlanta, sẵn sàng tiếp tục tăng lãi suất trong những tháng tới nếu các chỉ báo dữ liệu kinh tế mạnh hơn dự kiến.
Trao đổi với các phóng viên hôm thứ Năm (02/03), ông Bostic nói rằng ông sẽ cập nhật quỹ đạo chính sách của mình nếu chi tiêu của người tiêu dùng mạnh mẽ và thị trường lao động vẫn thu hẹp. Ông lưu ý rằng những điều kiện này gợi ý rằng ngân hàng trung ương của Hoa Kỳ cần phải sử dụng các công cụ bổ sung về thắt chặt tiền tệ.
Ông nói trong một cuộc thảo luận bàn tròn với các phóng viên: “Có một trường hợp có thể xảy ra là chúng ta cần phải tăng lãi suất cao hơn nữa.”
Mặc dù ông đã không đưa ra một tỷ lệ chính sách cụ thể trước cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) trong tháng này, nhưng ông tiết lộ rằng ông ủng hộ việc tăng lãi suất một phần tư điểm.
Ông Bostic lưu ý: “Ngay bây giờ, tôi vẫn đang rất chắc chắn trong phạm vi một phần tư điểm.”
Nhưng một khi Fed nâng mức lãi suất chuẩn lên tới một mức rất hạn chế, thì các quan chức phải giữ tỷ lệ này ở đó. Theo ông Bostic, một khả năng tạm dừng có thể xảy ra vào giữa đến cuối mùa hè.
Tuyên bố này xảy ra ngay sau khi ông Bostic viết một bài luận hôm thứ Tư (01/03), ủng hộ việc tăng lãi suất chính sách thêm 50 điểm căn bản lên phạm vi mục tiêu là 5% và 5.25% và giữ mức này “đến tận năm 2024.”
Những người khác đồng ý rằng cần phải làm nhiều việc hơn nữa để bảo đảm ngân hàng trung ương đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.
Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang tại Richmond, ông Thomas Barkin, cho biết trong một bài diễn văn chuẩn bị trước tại hội nghị thượng đỉnh kinh tế thường niên của Viện Nghiên cứu Chính sách Kinh tế Stanford hôm Thứ sáu (03/03): “Tôi nghĩ sẽ mất thời gian để quay trở lại mức lạm phát mục tiêu, và do đó, tôi tin rằng chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm.”
“Mục tiêu của Fed không phải là làm tổn thương nền kinh tế, mà là giảm lạm phát. Và nếu có một điều mà chúng tôi đã đúc rút được trong hai năm qua, thì đó là mọi người đều ghét lạm phát.”
Ông Barkin tự tin rằng lạm phát cuối cùng sẽ trở lại mức mục tiêu 2% nhưng thừa nhận rằng ông “nghi ngờ quá trình này sẽ diễn ra nhanh chóng.”
Dễ bị căng thẳng
Theo Chủ tịch Ngân hàng Fed Lorie Logan, hệ thống tài chính Hoa Kỳ dễ bị căng thẳng trên thị trường công khố phiếu.
Diễn thuyết tại một sự kiện do Khoa Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago tổ chức, bà Logan giải thích rằng thị trường công khố phiếu dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động đáng kể. Bà ám chỉ đến sự tăng tốc nhanh chóng về quy mô của nợ của chính phủ Hoa Kỳ và những thay đổi về người mua và nắm giữ khoản nợ đó.
Bà Logan cho biết: “Hệ thống tài chính Hoa Kỳ ngày càng trở nên dễ bị tổn thương trước sự rối loạn chức năng của thị trường cốt lõi do nguồn cung trung gian không theo kịp nhu cầu trong khi quy mô và độ phức tạp của thị trường công khố phiếu ngày càng tăng.”
Nếu xảy ra biến động lớn, thì các nhà chức trách phải can thiệp và hạn chế thiệt hại. Bà Logan khuyến khích các quan chức thiết lập một hệ thống chính thức hơn để giải cứu thị trường khi gặp khó khăn, sử dụng các gói cứu trợ và kích thích chi tiêu thời kỳ đại dịch của Fed để cứu thị trường đang sụp đổ.
Bà nói: “Các ngân hàng trung ương hiếm khi can thiệp để hỗ trợ hoạt động của các thị trường cốt lõi (*), nhưng khi cần thiết, thì những can thiệp đó phải có hiệu quả.”
Trong những ngày đầu của đại dịch virus corona, Fed đã cắt giảm lãi suất xuống gần bằng 0 và mua hàng ngàn tỷ USD công khố phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, và chứng khoán có bảo đảm bằng thế chấp.
Thống đốc Fed Michelle Bowman cũng khẳng định Fed cần nghĩ đến các cơ chế hiệu quả để hỗ trợ thị trường tài chính khi hệ thống không còn khả năng thanh khoản.
Ông Bowman nói với Hội thảo Sáng kiến của The Chicago Booth tại Hội thảo Thị trường Toàn cầu về Rối loạn chức năng Thị trường hôm thứ Sáu (03/03): “Kinh nghiệm về đại dịch cho thấy rằng các căng thẳng về thanh khoản đôi khi có thể nghiêm trọng đến mức việc mua các tài sản bị ảnh hưởng được nhắm mục tiêu có thể là công cụ hiệu quả nhất để nhanh chóng hỗ trợ hoạt động của thị trường, như trường hợp của thị trường công khố phiếu vào mùa xuân năm 2020.”
“Một vấn đề liên quan là làm thế nào để giảm thiểu can thiệp của Fed và số lượng mua tài sản cần thiết để khôi phục chức năng thị trường. Một vấn đề cần xem xét thêm là làm thế nào để xây dựng và truyền đạt một chiến lược thoái lui nhằm giảm bớt bảng cân đối đã mở rộng theo thời gian của Fed.”
Tuần này, Fed New York đã xuất bản một bài báo kêu gọi các nhà chức trách phát triển một cách tiếp cận chính thức hơn để cung cấp hỗ trợ cho thị trường tài chính.
Trong khi đó, tổ chức này tự tin rằng hệ thống tài chính vẫn dồi dào tiền mặt, và viết trong báo cáo chính sách tiền tệ bán niên của mình rằng “các lỗ hổng tài chính nhìn chung vẫn ở mức vừa phải.”
Đây không phải là lần đầu tiên một quan chức Hoa Kỳ đã cảnh báo về căng thẳng thị trường công khố phiếu có thể diễn ra.
Mùa thu vừa qua, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã bày tỏ những lo ngại về các vấn đề tiềm tàng trên thị trường công khố phiếu, nói với các phóng viên rằng “chúng tôi lo lắng về việc thị trường mất khả năng thanh khoản đầy đủ.”
Bởi vì Cục Dự trữ Liên bang đang dần nới lỏng bảng cân đối kế toán của mình, giảm gần 7% kể từ mức đỉnh 8.96 ngàn tỷ USD, nên đã có những lo ngại ngày càng tăng về thanh khoản. Ngoài ra, chiến dịch thắt chặt định lượng của ngân hàng trung ương đã loại bỏ Fed khỏi vai trò là người mua nợ chính phủ hàng đầu.
Trọng Khiêm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times