Hoa Kỳ: Có tín hiệu suy thoái khi người tiêu dùng chật vật trang trải các hóa đơn
Gần đây tôi đã thảo luận về các tín hiệu suy thoái từ Liên đoàn Doanh nghiệp Độc lập Quốc gia (NFIB) và đường cong lợi suất đảo ngược.
“Giống như năm 2019, chúng tôi lại thấy nhiều tín hiệu suy thoái tương tự từ cuộc khảo sát của NFIB kết hợp với một tỷ lệ đảo ngược cao của đường cong lợi suất. Đáng chú ý, trong số mười loại chênh lệch lợi suất mà chúng tôi theo dõi, vốn có nhạy cảm nhất với các kết quả kinh tế, thì có 90% bị đảo ngược.”
Theo ghi nhận, nhiều nhà phân tích cho rằng nền kinh tế có thể “hạ cánh mềm.” Hay nói đúng hơn là tránh được một cuộc suy thoái, chủ yếu là do các báo cáo việc làm hàng tháng tiếp tục mạnh. Trong khi những báo cáo việc làm đó vẫn mạnh mẽ, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm nhanh chóng đã là một tín hiệu suy thoái trong và cả của chính nền kinh tế. Như tôi đã nêu từ trước, xu hướng của dữ liệu này quan trọng hơn nhiều so với số liệu hàng tháng.
Việc làm là một yếu tố quan trọng trong phương trình suy thoái vì nền kinh tế Hoa Kỳ chiếm khoảng 68% chi tiêu tiêu dùng cá nhân. Nói cách khác, những gì các cá nhân mua và sử dụng hàng ngày sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế. Đó cũng là phần lớn tăng trưởng doanh thu và thu nhập cho các tập đoàn.
Việc rút tiền tiết kiệm ồ ạt và nợ thẻ tín dụng tăng đã trợ giúp cho sự gia tăng tiêu dùng trong nền kinh tế Hoa Kỳ. Tuy nhiên, kể từ đầu thế kỷ này, tiêu dùng chậm lại cùng với tăng trưởng kinh tế.
Một tín hiệu suy thoái cụ thể đến từ sự gia tăng rất lớn trong tiết kiệm do “các chi phiếu kích thích chi tiêu.”
Sự gia tăng đó đã đảo ngược hoàn toàn khi người tiêu dùng phải chật vật để thanh toán hóa đơn. Hiện tại, gần 40% người Mỹ đang gặp khó khăn trong việc thanh toán hóa đơn và gần 57% người Mỹ không thể thanh toán hóa đơn khẩn cấp 1,000 USD bằng tiền tiết kiệm.
“68% người dân lo lắng rằng họ sẽ không thể trang trải chi phí sinh hoạt chỉ trong một tháng nếu họ mất đi nguồn thu nhập chính.” Trong báo cáo tiết kiệm khẩn cấp hàng năm năm 2023 của bankrate.com, ông Lane Gillespie cho biết khi gặp khó khăn, đa phần (57%) người Mỹ trưởng thành hiện không đủ khả năng chi trả một khoản chi phí khẩn cấp 1,000 USD.
Khi được chia theo thế hệ, dường như người thuộc thế hệ Z (85%) và thế hệ Y (79%) lo lắng hơn về việc trang trải một khoản chi phí khẩn cấp.
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi xem xét khoảng cách hiện tại giữa giá sinh hoạt được điều chỉnh theo lạm phát và chênh lệch giữa thu nhập và tiết kiệm. Điều đó hiện đòi hỏi hơn 7,500 USD nợ hàng năm để lấp đầy “khoảng cách” này.
Đây là lý do tại sao một tỷ lệ cao các gia đình có thu nhập trung bình đang phải chật vật với tác động của lạm phát.
CNBC đưa tin, “Theo một báo cáo riêng của Primerica dựa trên khảo sát các gia đình có thu nhập từ 30,000 USD và 100,000 USD, gần 3/4, tương đương 72%, các gia đình có thu nhập trung bình cho biết thu nhập của họ đang giảm so với chi phí sinh hoạt, tăng từ 68% một năm trước. Một tỷ lệ tương đương, 74%, cho biết họ không thể tiết kiệm cho tương lai, tăng từ 66% một năm trước.”
Tín hiệu suy thoái từ thẻ tín dụng
Chắc chắn [chúng ta] không nên bỏ qua tín hiệu “suy thoái” từ người tiêu dùng do đóng góp của họ vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nguy cơ suy thoái sâu hơn tăng lên khi Cục Dự trữ Liên bang tiếp tục tăng lãi suất.
Thẻ tín dụng không còn chỉ dành cho các mặt hàng xa xỉ và du lịch. Đối với nhiều người Mỹ, thẻ tín dụng bây giờ là sự khác biệt giữa việc mua thực phẩm và xăng dầu. Đáng chú ý, như đã trình bày ở trên, kể từ năm 2000, tiêu dùng đã đi ngang theo phần trăm tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các khoản vay thẻ tín dụng đã tiếp tục tăng để trợ giúp mức sống.
Khi người tiêu dùng đòi hỏi những ngôi nhà lớn hơn, hàng xa xỉ, xe hơi, du lịch, và giải trí, thì thu nhập thực tế đã không theo kịp nhu cầu. Với mức lãi suất gần như bằng không, người tiêu dùng tự tạo đòn bẩy cho mình nhờ khoản nợ lãi suất thấp, đặc biệt là kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, khi Fed tiếp tục chiến dịch tăng lãi suất mạnh mẽ của mình, những lãi suất ngắn hạn đó được chuyển thành nợ có lãi suất thay đổi, chẳng hạn như thẻ tín dụng. Đây là lý do tại sao tín hiệu suy thoái mà chúng ta nên chú ý đến là sự gia tăng đột biến trong việc thanh toán bằng thẻ tín dụng, tình huống mà càng làm chuyển hướng tiền tiết kiệm và tiền lương từ chi tiêu tiêu dùng sang trả nợ.
Tất nhiên, khi nói đến nền kinh tế, thì kết quả kinh tế tồi tệ luôn xuất phát từ người tiêu dùng.
Như thể hiện trong biểu đồ chênh lệch chi tiêu của người tiêu dùng ở trên, thặng dư tạm thời của người tiêu dùng vào năm 2020, sau đợt kích thích chi tiêu kinh hoàng, đã dẫn đến một sự đảo ngược lớn. Đó chính xác là những gì chúng tôi nghi ngờ sẽ xảy ra, như tôi đã thảo luận trong Chương trình kích thích chi tiêu của ông Biden “Sẽ Giảm Nghèo Trong Một Năm”, một cách hóm hỉnh:
“Các chương trình xã hội không làm tăng sự thịnh vượng theo thời gian. Có, việc gửi chi phiếu cho các gia đình sẽ làm tăng sự thịnh vượng kinh tế và giảm nghèo trong 12 tháng. Tuy nhiên, vào năm tới, khi các chi phiếu này kết thúc, thì mức nghèo sẽ trở lại như thường, và còn tệ hơn nữa, bởi lạm phát gia tăng.”
“Trong lúc vội vã giúp đỡ những người gặp khó khăn, những điều căn bản về kinh tế gần như luôn bị lãng quên. Nếu tôi tăng thu nhập thêm 1,000 USD/tháng, giá hàng hóa và dịch vụ sẽ điều chỉnh theo nhu cầu gia tăng. Như đã lưu ý ở trên, nền kinh tế sẽ nhanh chóng hấp thụ mức thu nhập tăng lên, đưa người nghèo trở lại vị trí cũ.”
Kết quả đó thể hiện rõ ràng với sự bùng nổ của lạm phát trong suốt năm 2022, khiến người nghèo rơi vào cảnh nghèo đói. Vào năm 2023, hậu quả của chính sách tiền tệ thắt chặt hơn có thể sẽ ảnh hưởng đến nhiều người hơn nữa.
Suy thoái đang đến trong năm 2023
Trong khi thị trường không tin rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ thiết kế một cuộc “hạ cánh mềm,” thì Cục Dự trữ Liên bang chưa bao giờ tham gia vào một chiến dịch tăng lãi suất có “kết quả tích cực.” Thay vào đó, mọi cuộc phiêu lưu trước đây nhằm kiểm soát kết quả kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang đều dẫn đến suy thoái, tình trạng thị trường giá xuống, hoặc một số “sự kiện” đòi hỏi phải đảo ngược chính sách tiền tệ. Hay, nói đúng hơn là một cuộc “hạ cánh cứng.”
Với độ dốc của chiến dịch hiện tại, nền kinh tế có thể sẽ không bị ảnh hưởng khi tỷ lệ tiết kiệm giảm rõ rệt. Quan trọng hơn, việc tăng lãi suất ảnh hưởng trực tiếp đến các gia đình phụ thuộc vào nợ thẻ tín dụng để trang trải cuộc sống.
Toàn bộ quan điểm của việc tăng lãi suất của Fed là làm tăng trưởng kinh tế chậm lại, do đó làm giảm lạm phát. Như vậy, nguy cơ suy thoái tăng lên khi lãi suất cao hơn cắt giảm hoạt động kinh tế. Thật không may, với nền kinh tế đang chậm lại, việc thắt chặt tiền tệ thêm có thể làm trầm trọng thêm nguy cơ suy thoái.
Giới truyền thông và Tòa Bạch Ốc đã tuyên bố chiến thắng khi cho rằng hai quý đầu năm 2022 không phải là một sự suy thoái mà chỉ là kinh tế chậm lại. Tuy nhiên, do tác động trễ của những thay đổi đối với nguồn cung tiền và lãi suất cao hơn, nên các chỉ số khá rõ ràng cho thấy rủi ro suy thoái rất có thể xảy ra vào năm 2023.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times