Người già bị sặc đừng coi nhẹ: 4 phương pháp dự phòng viêm phổi hít
Viêm phổi hít là một trong những sát thủ lớn nhất đối với người cao tuổi. Không chỉ tuổi già, nhiều bệnh khác cũng là yếu tố nguy cơ cao gây viêm phổi hít, lưu ý dấu hiệu phát bệnh báo trước, nắm vững 4 phương pháp dự phòng, có thể giúp giảm thiểu xảy ra viêm phổi hít.
Cựu Tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy đã bị sặc khi uống sữa vào tháng 2 năm nay từ đó dẫn đến bệnh viêm phổi do hít phải đưa tới bệnh viện điều trị. Bản thân ông có nhiều bệnh mãn tính, sức đề kháng yếu, nhiễm trùng nhiều lần trong quá trình nằm viện, cuối cùng qua đời vào tối 30/7 do suy đa tạng.
Các bệnh kinh niên như đột quỵ đều là những yếu tố nguy cơ cao gây viêm phổi hít người già
Viêm phổi hít là tình trạng viêm phổi do thức ăn, chất nôn, trào ngược axit dạ dày, dịch tiết ở miệng mũi hầu hoặc nước bọt, khi ho sặc chảy nhầm vào khí quản, mà dẫn đến viêm phổi.
Viêm phổi hít dễ xảy ra ở người cao tuổi. Những bệnh nhân đột quỵ, sa sút trí tuệ, bệnh tim phổi mãn tính, ung thư thanh quản, bệnh thực quản, nằm lâu trên giường, bất tỉnh, khó nuốt cũng là nhóm có nguy cơ cao. Bệnh nhân có ống thông mũi dạ dày cũng có thể bị viêm phổi hít.
Một khi bị viêm phổi hít, thời gian nằm viện tăng lên, thêm vào đó thể lực và sức đề kháng của bệnh nhân tương đối kém, dễ sinh ra hiệu ứng domino, làm tình trạng bệnh nặng hơn, bị suy hô hấp thậm chí tử vong.
Bác sĩ chuyên khoa lồng ngực Tô Nhất Phong chỉ ra rằng, người cao tuổi có sức đề kháng và dung tích phổi kém, khó khạc ra thức ăn bị sặc vào phổi, thức ăn tồn đọng trong phổi là môi trường dễ nhiễm trùng, dẫn đến gia tăng lượng lớn vi khuẩn tại vị trí tồn đọng và làm tăng nguy cơ viêm phổi hít. Theo một nghiên cứu của Nhật Bản ước tính, có hơn 5,000 người chết vì viêm phổi hít ở Đài Loan mỗi năm.
Nếu có những dấu hiệu này, hãy đưa bệnh nhân đi khám sớm
Nếu những người lớn tuổi trong gia đình gặp tình huống sặc nặng, cần gọi xe cấp cứu ngay lập tức. Trước khi chờ xe cấp cứu đến, trước tiên để bệnh nhân cố gắng ho ra, người nhà có thể hỗ trợ vỗ lưng, hoặc dùng máy hút đờm để hút vật tắc nghẽn.
Bình thường nếu như lưu ý thấy những hiện tượng này ở bệnh nhân, cũng nên đi khám sớm:
- Ăn giữa chừng hoặc sau khi ăn xong, thường ho nhẹ hoặc sặc
- Buồn ngủ, tinh thần không tốt, ăn kém, thậm chí hô hấp trở nên khó khăn hoặc sốt
- Xuất hiện đờm đặc màu vàng hoặc xanh, có mùi hôi
- Ho ra tia máu
Người lớn tuổi trong khi ăn xuất hiện ho nhẹ, phải đặc biệt cẩn thận, có thể có tình huống bị sặc, tích tụ lâu ngày có thể trở thành viêm phổi hít.
Tô Nhất Phong giải thích rằng, bị sặc càng nhiều lần cho thấy là vi khuẩn và thức ăn trong miệng vào phổi càng nhiều, tích tụ nguy cơ nhiễm trùng phổi càng cao. Nếu như bị sặc nhiều thức ăn một lúc, thậm chí có thể trực tiếp biến chứng thành viêm phổi.
Ngoài ra, nhiều người tin rằng viêm phổi kèm theo sốt, nhưng đa số người cao tuổi không sốt, mà biểu hiện các triệu chứng như buồn ngủ, tinh thần không tốt, ăn kém. Co thắt phế quản cũng là triệu chứng nguy hiểm. Nhiều người cao tuổi bị sặc vào buổi sáng, buổi trưa bắt đầu cảm thấy như lên cơn suyễn, khi được đưa đến phòng cấp cứu cần phải đặt nội khí quản.
4 phương pháp dự phòng viêm phổi hít
Những bệnh nhân dễ bị sặc khi ăn, ngoài việc tập luyện kỹ năng nuốt tại khoa phục hồi chức năng của bệnh viện, trong cuộc sống hàng ngày, còn có phương pháp dự phòng như sau:
1. Ngồi ăn và không nên nằm ngay sau khi ăn
Nếu người cao tuổi đã cần phải nằm tại giường, người chăm sóc khi cho ăn, trước tiên nên nâng cao hoặc kê cao đầu giường bệnh nhân từ 45-60 độ trở lên, cũng không nên nằm ngay sau khi ăn 1 đến 2 giờ, để dự phòng ho sặc do trào ngược dạ dày thực quản.
Khi người bệnh ăn, nên nói ít, ăn miếng nhỏ, đồng thời thu gọn cằm, để thực quản trở nên thẳng.
2. Giữ khoang miệng sạch sẽ
Làm sạch khoang miệng thường xuyên, không chỉ có thể ngăn vi khuẩn phát triển, mà còn giảm thiểu vi khuẩn khoang miệng xâm nhập vào đường hô hấp, giảm tỷ lệ phát sinh viêm phổi hít.
3. Ăn thức ăn bán lỏng hoặc đồ rắn luộc chín mềm
Ăn thức ăn lỏng dễ bị sặc, cố gắng tránh ăn. Nếu có nhu cầu, đừng để bệnh nhân dùng ống hút, mà là dùng thìa nhỏ hớp từ từ.
Ăn thức ăn bán lỏng hoặc đồ rắn luộc chín mềm có thể làm giảm thiểu phát sinh ho sặc. Nếu khả năng nuốt của bệnh nhân rất kém, ăn thức ăn nào cũng đều dễ bị sặc, thì thức ăn bán lỏng vẫn là chủ yếu.
Thức ăn bán lỏng là thức ăn thông thường được cắt nhỏ, xay nhỏ sau đó cho vào canh để làm mềm, bao gồm khoai tây nghiền, súp đặc hoặc cháo đặc. Thức ăn rắn tốt nhất cũng là cắt thành từng miếng nhỏ, ăn sau khi nấu mềm. Dạng thức ăn đã qua chế biến này không dễ gây sặc, nếu chẳng may chạy vào khí quản, cũng không gây nguy cơ tắc khí quản do kích thước lớn.
Tô Nhất Phong từng giúp một người 90 tuổi lấy ra khỏi cổ họng rất nhiều thịt gà trong phòng cấp cứu. Ông nhắc nhở, không được nuốt thức ăn rắn từng miếng lớn, các loại thực phẩm như các loại thịt, chuối, bánh trôi, bánh mochi đều rất dễ gây tắc nghẽn sau khi ho sặc. Nhất định cần cẩn thận.
4. Nhai chậm
Một lợi thế khác của ăn thức ăn bán lỏng hoặc đồ rắn luộc chín mềm, chính là cho bệnh nhân có cơ hội để nhai.
Nhai tương đương với một bài tập phục hồi chức năng. Nó nhìn đơn giản, kỳ thực nó vận dụng nhiều cơ quan, những cơ quan hoạt động cấp cao của não bộ. Suy giảm chức năng nuốt đều có liên quan đến sự thoái hóa của não và khả năng nhai bị suy yếu.
Lâm Chí Hào, Bác sĩ trưởng Khoa Thần kinh Bệnh viện Linxin (Lâm Tân) chỉ ra rằng, các yếu tố như thoái hóa não bộ đến tình trạng răng miệng kém, khiến cho chức năng nuốt và nhai của người cao tuổi đều cùng thoái hóa. Nhai nhiều hơn, có thể kích thích não bộ, giảm thiểu ho sặc.
Ông nhấn mạnh: “Trừ khi bệnh nhân hoàn toàn không thể ăn được (bán lỏng và rắn), nếu không không khuyến khích thức ăn lỏng”, “Nếu người già vẫn còn khả năng nhai, hãy để họ hưởng thụ việc nhai”.
Lâm Mộc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ