Ngày lễ Thánh Valentine: Một ngày lễ không mấy nổi bật trong vô số lễ hội thời Trung cổ
Từ thời Trung Cổ, ngày lễ Thánh Valentine đã được gắn liền với tình yêu. Hồi đó, Thánh Valentine là một trong những vị Thánh được vinh danh trong lịch Công Giáo bên cạnh các ngày lễ lớn, chẳng hạn như Lễ Giáng Sinh, Lễ Phục Sinh, và Lễ Ngũ Tuần.
Vào thời Trung cổ, người ta sống theo năm phụng vụ — hay năm nghi lễ. Nhưng nhiều lễ hội trên lịch tôn giáo cũng theo dõi những mốc chuyển mùa, đánh dấu những thời điểm đêm dài nhất hoặc ngày dài nhất trong năm, thời gian trồng trọt, thu hoạch hoặc sử dụng hết lương thực dự trữ, hoặc báo hiệu nhu cầu cần thắt lưng buộc bụng trong những thời điểm túng thiếu.
Người ta không biết nhiều về Thánh Valentine, vị Thánh tử vì đạo vào ngày 14/02 . Có nhiều vị Thánh Valentine trong số những người tử vì đạo, vì vậy người ta không chắc ông có phải là vị Thánh mà các thi sĩ John Gower và Geoffrey Chaucer nhắc đến không. Đây là hai thi sĩ người Anh đầu tiên gắn ngày lễ Thánh Valentine với sự thôi thúc giao phối của các loài chim, chúng được cho là bắt đầu tìm kiếm bạn tình vào thời điểm ngày 14/02. (Đây cũng có thể là thời điểm người ta nghe thấy tiếng chim hót đầu tiên sau mùa đông.)
Nhưng chúng ta biết một điều là Thánh Valentine không nằm trong danh sách những vị Thánh quan trọng hơn được người thời Trung cổ tôn thờ, cũng như là ngày lễ của ông không thuộc danh sách 40 hay 50 ngày lễ “festa ferianda,” hay những ngày lễ ăn mừng, vốn là những ngày mà mọi người ngừng làm việc để ăn chay và tham dự thánh lễ.
Lễ Nến
Ngày nay, những nhà bán lẻ trên những đường phố lớn ở Anh có thể khiến chúng ta tưởng rằng, ngày lễ Thánh Valentine là sự kiện chính trong tháng Hai. Tuy nhiên, trong quá khứ, ngày lễ Valentine vẫn luôn bị lu mờ trước Lễ Nến (Candlemas) diễn ra vào ngày 02/02 — hay gọi đúng hơn, là Lễ Thanh Tẩy của Đức Mẹ Đồng Trinh Maria — sự kiện kỷ niệm Đức Mẹ dâng Đấng Christ trong Đền Thánh vào ngày thứ 40 sau khi Chúa giáng sinh.
Mỗi giáo dân sẽ tham dự một lễ rước nến trang nghiêm trước khi tham dự thánh lễ và dâng một xu cho nhà thờ. Không có nhiều thông tin về việc mọi người ăn mừng phần còn lại của ngày lễ này như thế nào, tuy nhiên một số ghi chép về những kỳ nghỉ lễ tôn giáo khác tiết lộ rằng ca hát, nhảy múa, chơi trò chơi, uống rượu, xem kịch, và tiệc tùng là những hình thức ăn mừng thường thấy, dù cho những hoạt động này bị các giáo chức nhà thờ phản đối.
Bỏ qua những can nhiễu thế tục thì ngày Lễ Nến có sức hút lớn với mọi người vì ngày này tôn vinh việc làm mới phần thuộc linh, nhờ ánh sáng của Đấng Christ xua đi bóng đêm trong mùa đông. Ngày này báo trước sự kết thúc của mùa đông lạnh giá, và người ta tin rằng những ngọn nến được linh mục ban phước có thể xua đuổi ma quỷ và bảo hộ người cầm nến khỏi tai ương trong suốt thời gian còn lại của năm.
Mùa lễ Shrovetide
Một lễ hội khác cũng có tiếng vang tới tận ngày nay là lễ hội Shrovetide, một giai đoạn lễ hội tưng bừng trước Mùa Chay, kéo dài từ ngày Chủ Nhật Septuagesima (Chủ Nhật thứ ba trước Mùa Chay) đến Thứ Ba Shrove — hay thường được biết đến là Ngày Bánh Kếp (Mardi Gras). Lễ Shrovetide cũng là dịp lễ được nhiều người yêu thích bởi đây là cơ hội để buông lơi một chút trước khi bắt đầu 40 ngày mùa Chay với những quy định nghiêm ngặt về chế độ ăn uống, tình dục, và vui chơi giải trí, khi giáo dân phải nhịn ăn và không được tổ chức hôn lễ.
Chỉ đứng sau những hoạt động được chứng kiến trong suốt 12 ngày Lễ Giáng Sinh, khi mà phần lớn thời gian trong ngày dành cho tiệc tùng quá mức, âm nhạc, nhảy múa, và các trò chơi, lễ Shrovetide là một dịp để người dân thường được thỏa thích tận hưởng món ăn, thức uống, và các trò giải trí ồn ào, xem kịch, và cả chơi bóng đá — một trò chơi phổ biến nhưng cũng vô cùng nguy hiểm.
Ngày lễ Shrovetide cũng có một tác dụng thiết thực, đó là hợp pháp hóa việc tiêu thụ phần lương thực dự trữ cuối cùng trong mùa đông trước khi lương thực hỏng. Việc này giúp mọi người chuẩn bị tinh thần và thể chất cho mùa Chay, một thời điểm thường thiếu lương thực. Không khí lễ hội cũng giúp giải thoát người dân khỏi sự u uất của mùa đông. Lấy tên từ hành động xưng tội — hay thú tội, dịp lễ Shrovetide truyền tải được hàm nghĩa uyên thâm về cách mà lịch thời Trung cổ dung nạp, vận hành, và tạo dựng nên ý nghĩa cho cuộc sống thường nhật.
Một mùa diễn ra mọi sự kiện
Dĩ nhiên, cũng có nhiều ngày lễ Thánh, hoặc lễ hội khác, cho chúng ta có những dịp để ăn mừng. Lễ Giáng Sinh, Lễ Phục Sinh, và Lễ Ngũ Tuần (kỷ niệm Chúa Thánh Thần giáng lâm với các môn đệ sau khi Đấng Christ thăng thiên) là những ngày lễ tôn giáo chính — giúp cân bằng giữa việc ăn chay sám hối và lễ trọng với thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, và tặng quà. Những cuộc hội hè linh đình ngoài trời vào đầu tháng Năm và mùa hè cũng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần khai sinh các nghi lễ thế tục như “Maying” (hái hoa và nhảy múa quanh Cây nêu, v.v.), các vở kịch dân gian, hay các hình thức đa dạng của các vở kịch thế tục và kịch tôn giáo. Những sự kiện này đã tận dụng tối đa thời tiết ấm áp của các tháng mùa xuân và mùa hè, tạo nhiều cơ hội cho các cuộc tụ tập lớn ngoài trời và ăn mừng những mùa của sự tái sinh và phát triển tự nhiên.
Nhịp điệu theo mùa phức tạp của năm phụng vụ vẫn tiếp tục ở Anh cho đến thời kỳ Cải cách, khi việc tuân thủ các ngày lễ thánh bị bãi bỏ và các sự kiện trong chu kỳ thời gian được sửa đổi. Việc một số ngày lễ của Công giáo, chẳng hạn như Ngày Lễ Tình Nhân, Thứ ba Shrove, và Halloween (Lễ Các Thánh), vẫn tồn tại sau cuộc Cải cách để duy trì trong lịch văn hóa của chúng ta ngày nay chắc chắn bắt nguồn từ việc các nghi lễ và truyền thống gắn liền với người thời xưa, một vấn đề đưa chúng ta quay trở lại ngày lễ Thánh Valentine.
Hãy trở thành tình nhân của nhau nhé
Đến cuối thời Trung cổ, ý nghĩa của ngày lễ Valentine đã mở rộng thành ngày mà những người yêu nhau bày tỏ tình cảm với hy vọng thu hút một người bạn đời hoặc tái khẳng định mối quan hệ giữa họ. Vào tháng 02/1477, bà Margery Brews, người sau này sẽ bước vào một mối quan hệ yêu đương, đã gửi bức thư tình “Valentine” sớm nhất trong lịch sử bằng Anh ngữ cho ông John Paston. Trong bức thư này, bà đã gọi ông là “right welbelouyd Voluntyn.”
Tại thời điểm đó, cha mẹ bà Brew đang thương lượng về việc gả bà cho ông Paston, một quý tộc ở Norfolk, nhưng ông lại không hài lòng với số lượng của hồi môn mà cha bà Brew đề nghị.
Không lâu sau đó, cặp đôi này kết hôn, vì vậy rõ ràng là bức thư chân thành của bà Margery đã khiến người bà yêu thương lay động. Mặc dù chúng ta phải đợi đến thời Tudor để chứng kiến tập tục tặng quà cho nhau vào ngày Valentine, nhưng lá thư tình dịp Valentine mà bà Margery đã gửi là cột mốc đánh dấu cách mà một ngày lễ thánh chuyển biến từ một ngày lễ ít được biết đến trong lịch phụng vụ trung cổ thành một trong những ngày lễ trọng đại nhất của năm, dành cho những trái tim lãng mạn đang đong đầy hy vọng hay đang tuyệt vọng, không phân biệt tôn giáo nào.
Sarah Peverley thực hiện
Bà Sarah Peverley là một giáo sư Ngôn ngữ Anh tại Đại học Liverpool ở nước Anh. Bài viết nguyên gốc được đăng tải trên tạp chí The Conversation.
(Xem thêm)
Giai Kỳ biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times