Nga xây dựng hạm đội lò phản ứng hạt nhân nổi để cấp điện cho các dự án vùng xa
Xưởng đóng tàu Công nghiệp Nặng Huệ Sinh của Trung Quốc đã tổ chức lễ đóng tàu vào tháng Tám cho chiếc đầu tiên trong số bốn chiếc sà lan sẽ được sử dụng để thiết lập không chỉ một mà là hai lò phản ứng hạt nhân. Sau khi hoàn thành, sà lan này sẽ trở thành nhà máy điện hạt nhân nổi thứ hai của Nga.
Nhà máy đầu tiên, có tên Akademic Lomonosov, được đưa vào vận hành vào năm 2020 và là nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới kể từ những năm 1960. Nó hiện cũng là lò phản ứng nguyên tử nổi duy nhất và là một bộ phận chủ chốt trong kế hoạch của Nga nhằm mở một tuyến vận tải quan trọng qua Bắc Cực.
Nhưng một tuyến đường hàng hải chỉ là bước đầu trong kế hoạch của Tổng thống Nga Vladimir Putin về các nhà máy điện hạt nhân nổi. Năm ngoái, Rosatom, một tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước của Nga, đã trình lên ông Putin một đề xướng trị giá 2.3 tỷ USD để xây dựng đến tận năm lò phản ứng hạt nhân nổi.
Cùng với việc mở Tuyến đường Biển phía Bắc, tỉnh cực đông của Nga là nơi có mỏ đồng và vàng chưa được khai thác lớn nhất thế giới. Khu vực này không có đường xá và nguồn cung cấp điện, do đó cần một nguồn năng lượng sáng tạo.
Mở rộng nhiên liệu hạt nhân
Vào những năm 1960, Công binh Lục quân Hoa Kỳ đã chuyển đổi một chiếc Tàu Tự do trong Đệ nhị Thế chiến thành nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên. Chứa một lò phản ứng nước điều áp một vòng, tàu MH-1A STURGIS đã tạo ra điện ở Kênh đào Panama vào thời điểm mà việc xây dựng một nhà máy năng lượng mới là khá đắt đỏ hoặc không khả thi.
Mặc dù tàu STURGIS chứng minh được tính thực tế và đáng tin cậy để cung cấp năng lượng cho lưới điện trên bờ phục vụ cho mục đích quân sự và dân sự, nhưng Công binh Lục quân đã cho tàu này dừng hoạt động vào năm 1976 sau khi Công ty Kênh đào Panama lắp đặt nguồn cung cấp điện cố định trong khu vực. Theo Hiệp hội Hạt nhân Hoa Kỳ, từ năm 1976 đến khi Nga đưa ra những nỗ lực mới nhất của họ, thì không có nhà máy điện hạt nhân nổi nào được xây dựng hoặc được đề nghị [xây dựng].
Năm 2020, Nga hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên ở Pevek, một cảng xa xôi và thưa thớt dân cư của Nga ngoài khơi bờ biển phía bắc Siberia. Pevek là một vị trí chiến lược cho các kế hoạch mở rộng của tổng thống Putin vì ông coi đây là một trung tâm vận chuyển chính yếu trong tương lai và vì Pevek gần Khu tự trị Chukotka, một khu vực giàu đồng, lithium, vàng và bạc.
Vào năm 2019, Tổng thống Putin đã tuyên bố tại Diễn đàn Bắc Cực Quốc tế ở St. Petersburg, “[Mở rộng Bắc cực] là một nhiệm vụ thực tế, được tính toán kỹ lưỡng, và cụ thể. Chúng ta cần làm cho tuyến đường biển phía Bắc trở nên an toàn và khả thi về mặt thương mại,” RadioFreeEurope đưa tin.
Hiện tại, bến cảng của Pevek chỉ có thể tiếp cận được trong bốn tháng một năm. Tuy nhiên, ông Putin tin rằng thời tiết thay đổi cuối cùng sẽ tạo thuận lợi cho một tuyến đường Đông Bắc hiệu quả về kinh tế giữa Nga và phương Tây, theo báo cáo của Viện nghiên cứu Bắc Cực (Arctic Institute).
Quan trọng hơn, không phải chỉ có Tổng thống Putin có ý tưởng này. Hoa Kỳ, Na Uy, Đan Mạch, và Canada cũng tin tưởng vào tương lai của tuyến đường Biển phía Bắc và thấy rằng cần phải cạnh tranh quyền tài phán trong khu vực.
Hồi năm 2017, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ lúc bấy giờ là ông Jim Mattis nói về việc mở rộng Bắc Cực của Nga, “Bắc Cực là địa hình chiến lược quan trọng. Nga đang đưa ra những biện pháp xông xáo để tăng cường hiện diện tại đây. Tôi sẽ ưu tiên phát triển một chiến lược toàn diện cho Bắc Cực.”
Điện hạt nhân nổi
Khu tự trị Chukotka là khu vực đông bắc xa xôi nhất của Siberia và được cho là nơi đón bình minh sớm nhất của thế giới. Nơi đây giáp với biển Alaska và là nơi sinh sống của quần thể tuần lộc. Tập quán chăn nuôi tuần lộc là trọng tâm chính của nông nghiệp trong khu vực, đây là điều mà ông Putin muốn thay đổi với dự án khai thác mỏ ở Bắc Cực.
Một dự án khai thác mỏ có tên là Baimskaya, nằm trong Khu tự trị Chukotka, mà công ty phụ trách là Kaz Minerals báo cáo rằng dự án này có “nguồn tài nguyên đồng chưa phát triển quan trọng nhất thế giới với tiềm năng trở thành mỏ đồng lộ thiên quy mô lớn, chi phí thấp.” Khu mỏ này được khai quật vào năm 1972 nhưng vẫn chưa phát triển do thiếu cơ sở hạ tầng và đường xá. Nga đang sử dụng các nhà máy điện hạt nhân nổi của mình để giải quyết phần nào vấn đề đó.
Nhà máy điện hạt nhân Academic Lomonosov sẽ đạt năng suất tối đa cho đến năm 2023 và thậm chí sau đó, nó sẽ không đủ để cung cấp tất cả năng lượng cần thiết cho kế hoạch mở rộng Bắc Cực của ông Putin ở Khu Tự trị Chukotka. Do đó, Nga đã đưa vào vận hành thêm bốn nhà máy điện hạt nhân nổi.
“Cơ sở hạ tầng cần thiết đang được xây dựng với chính phủ Nga theo Kế hoạch Phát triển Phức hợp cho Khu Tự trị Chukotka. … Nguồn điện không carbon sẽ được cung cấp cho khu vực này từ một cơ sở hạt nhân do Rosatom xây dựng và vận hành, cho phép Tập đoàn này sản xuất đồng carbon rất thấp,” Kaz Minerals đưa tin.
Họ nói thêm, “Dự án này nằm trong khu vực được Chính phủ Nga xác định là quan trọng về mặt chiến lược đối với sự phát triển kinh tế và dự kiến sẽ được hưởng lợi từ việc cung cấp các khoản ưu đãi thuế.”
Theo Tổ chức Hạt nhân Thế giới, quá trình phát triển dự án Baimskaya cần khoảng 300 megawatt điện. Công ty Rosatom có kế hoạch cung cấp năng lượng thông qua ba nhà máy điện hạt nhân nổi được ấn định. Mỗi con tàu sẽ có một cặp lò phản ứng hạt nhân nước điều áp được thiết kế để sản xuất 55 megawatt điện. Con tàu thứ tư sẽ làm tàu dự trữ nhằm sử dụng cho các trường hợp khẩn cấp và tu sửa.
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times