Dưới cái nắng chói chang của Kenya, những người phụ nữ cao niên làm việc cực nhọc bằng tay và tựa gối trên vùng đất sét nâu đỏ, loại bỏ đám cỏ dại ra khỏi những chồi nhỏ màu xanh bằng ngón tay của cây kê. Những người phụ nữ này để tay chân trần, làm việc từ 8 giờ sáng đến 5 hoặc 6 giờ chiều. Việc dọn sạch cỏ cho một cánh đồng nhỏ phải mất ba ngày.
“Một máy gặt đập liên hợp có thể thay thế 1,000 người,” ông Jusper Machogu, một kỹ sư nông nghiệp và cũng là một người nông dân ở Kenya, nói với The Epoch Times. “Tôi thật buồn mỗi khi nhìn thấy mẹ tôi làm việc vất vả trên ruộng kê. Chúng tôi có những người phụ nữ khom lưng xuống nhổ cỏ khắp cánh đồng cả ngày, mà trời thì nắng. Những cái máy đó sẽ thay đổi cuộc sống của chúng tôi.”
Tuy vậy, những người nông dân như ông Machogu lại không thể có được một máy gặt đập liên hợp. Ngay cả khi họ có thể mua được một cái máy từ số tiền ít ỏi mà họ kiếm được từ việc bán nông sản, thì chính sách khí hậu của các quốc gia phương Tây vẫn ngăn cản người Phi Châu đạt được những gì phương Tây đã có—hiện đại hóa và sự thịnh vượng.
Vào tháng 11/2023, để giảm lượng khí thải carbon dioxide từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, Tổng thống Cộng hòa Kenya, ông William Ruto, đã cắt giảm trợ cấp dành cho phân bón, nhiên liệu, và điện cho năm tài khóa 2023/2024. Ông ấy làm như vậy theo chỉ thị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), một cơ quan tài chính của Liên Hiệp Quốc (LHQ).
“Tôi đến từ một cộng đồng nơi mọi người sử dụng phân bò để bón cho trang trại của mình,” ông Machogu cho biết. “Và lý do là vì năm ngoái, chính phủ Kenya đã quyết định rằng họ sẽ nghe theo những gì IMF yêu cầu họ. IMF yêu cầu họ chấm dứt trợ cấp cho phân bón.”
“Quý vị có thể mường tượng điều đó sẽ tác động đến nông dân như thế nào. Giá phân bón tăng gần gấp đôi. Chung quanh chúng tôi có những người rất nghèo. Vì vậy, nếu tôi từng [mua] 20 kg [phân bón] cho trang trại của mình thì bây giờ tôi chỉ mua được có 10 kg.”
“Hầu hết người ta đã quay lại dùng phân bò, loại này không phải là phân đạm tốt cho đồng ruộng. Quý vị không thể so sánh với phân urê có hàm lượng nitơ 46%, còn phân bò chỉ có 4%. Loại này chẳng giúp gì nhiều.”
Ông Machogu cho biết IMF và các quốc gia phương Tây áp dụng chính sách khí hậu cho châu Phi đang tham gia vào chủ nghĩa thực dân mới, hay “chủ nghĩa thực dân khí hậu.”
Và điều này không khác gì chủ nghĩa thực dân thời xưa, những thứ mà giới tinh hoa thiên tả, như cựu Tổng thống Barack Obama, đã lên án.
“Chủ nghĩa thực dân đã làm mất cân đối nền kinh tế Phi Châu và cướp đi khả năng của người dân trong việc sắp đặt vận mệnh của chính mình,” cựu Tổng thống Obama nói khi ở Ethiopia hồi năm 2015. “Cuối cùng, các phong trào giải phóng đã phát triển. Và 50 năm trước, trong phong trào bùng nổ quyền tự quyết vĩ đại, người dân Phi Châu đã vui mừng khi những lá cờ ngoại quốc bị hạ xuống và quốc kỳ của quý vị được kéo lên.”
Hai năm trước đó, vào năm 2013, khi đang ở Nam Phi, cựu Tổng thống Obama đã cảnh báo một nhóm lãnh đạo trẻ Phi Châu về hậu quả của việc châu Phi đạt được sự ngang bằng với phương Tây.
“Nếu mọi người nâng cao mức sống đến mức ai cũng đều có xe hơi, và ai cũng đều có máy điều hòa không khí, ai cũng đều có một ngôi nhà lớn, thì hành tinh này sẽ sôi sục lên mất,” ông nói, “trừ phi chúng ta tìm ra những cách sản xuất năng lượng mới.”
Các tổ chức toàn cầu như Liên Hiệp Quốc đang thúc đẩy chủ nghĩa thực dân khí hậu mới. Liên Hiệp Quốc nói rằng châu Phi nên có năng lượng, nhưng vì có các mối lo ngại về biến đổi khí hậu, nên châu Phi nên tập trung vào phong năng và quang năng.
Ông Calvin Beisner, người sáng lập kiêm chủ tịch của Liên minh Cornwall dựa trên nền tảng Cơ Đốc Giáo, cho biết “chính sách có hại nhất” hiện nay là việc IMF, Ngân hàng Thế giới, và các cơ quan như Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ “từ chối cho các khoản vay hoặc tài trợ khác dành cho than, khí đốt tự nhiên, hoặc các trạm phát điện chạy bằng dầu ở vùng châu Phi cận Sahara và một số khu vực ở châu Á và châu Mỹ Latinh.”
Ông nói, chính sách này đặc biệt gây tổn hại cho châu Phi.
Ông Vijay Jayaraj, một nhà nghiên cứu của Liên minh CO2, cho biết ông lớn lên ở Ấn Độ và chứng kiến quá trình công nghiệp hóa của Ấn Độ mở rộng — nhờ vào nhiên liệu hóa thạch.
Ông cho biết: “Xét về mặt phát triển kinh tế, thì năng lượng là nền tảng căn bản.”
Ông Jayaraj nói với The Epoch Times, “Nếu quý vị định thay đổi cách người ta khai thác năng lượng — họ lấy năng lượng ở đâu và chất lượng như thế nào — thì điều đó sẽ gây ra một tác động. Không chỉ trên tổng thể, về mặt kinh tế và GDP, mà còn ở cấp độ gia đình và cá nhân.”
Chủ nghĩa thực dân khí hậu
Ông Machogu chỉ trích các Mục tiêu Phát triển Bền vững năm 2023 của Liên Hiệp Quốc dành cho châu Phi, ông cho rằng những mục tiêu này đã được phát triển sau khi các nhân viên của Liên Hiệp Quốc đến châu Phi để nghiên cứu các vấn đề mà lục địa này đang phải đối mặt. Từ chuyến đi khám phá đó, các nhân viên Liên Hiệp Quốc đã đưa ra 17 “giải pháp.”
“Họ nói rằng một trong những vấn đề đó là biến đổi khí hậu,” ông Machogu cho biết. “Đối với tôi điều đó chẳng có ý nghĩa gì vì tôi đến từ châu Phi. Chúng tôi có những vấn đề còn lớn hơn nhiều — người dân đang nhịn đói mà ngủ, xung quanh tôi là những người rất nghèo. Tôi lo lắng về điều đó hơn là lo lắng về biến đổi khí hậu.
“Mọi giải pháp cho các vấn đề của [châu Phi] đều xoay quanh vấn đề biến đổi khí hậu. [LHQ nói với châu Phi] ‘Nếu quý vị muốn chấm dứt nghèo đói, hãy chấm dứt nó theo cách không ảnh hưởng đến khí hậu của chúng ta. Nếu quý vị muốn có nước sạch, hãy làm theo cách không quá tệ đối với khí hậu.”
Ông nói rằng nền văn minh hiện đại có “bốn trụ cột của nền văn minh”—thép, xi măng, nhựa, và phân bón.
“Nếu không có nhiên liệu hóa thạch, chúng ta không thể tạo ra bốn trụ cột của nền văn minh này. Không có nhiên liệu hóa thạch, chúng ta không có năng lượng. Chúng ta phải có nhiên liệu hóa thạch. Đó là cách phương Tây đánh bại nghèo đói.”
Quan điểm chính thức hiện tại của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) đối với Phi Châu đó là giúp khu vực này đạt được hiện đại hóa nhưng phải thực hiện theo các hướng dẫn nghiêm ngặt về môi trường.
Đáng chú ý, quan điểm đó bao gồm việc tăng khả năng tiếp cận và phụ thuộc vào phong năng và quang năng, khuyến khích các quốc gia trong lục địa này cùng nhau thảo luận về những gì đã thành công và những gì chưa, “ưu tiên giảm phát thải do suy thoái đất” và phát triển một khuôn khổ toàn diện cho việc “Phát triển với Phát thải Thấp.”
Ông Machogu cho biết, nói một cách đơn giản, chính sách của Liên Hiệp Quốc rốt cuộc là “không sử dụng nhiên liệu hóa thạch đối với châu Phi,” mà điều này cũng tự nhiên đồng nghĩa với việc không có tiến bộ kinh tế. Ngược lại, việc không hạn chế tiếp cận nhiên liệu hóa thạch mới có thể giúp châu Phi thoát khỏi đói nghèo.
“Hãy để tôi nói thay cho châu Phi vì 60% người dân Phi Châu dựa vào nông nghiệp để kiếm sống,” Ông Machogu bày tỏ. “Chúng tôi cần nhiên liệu hóa thạch cho máy móc nông nghiệp. Mặc dù thực tế là Liên Hiệp Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc Tế, Ngân hàng Thế giới, và tất cả các tổ chức môi trường này đề xướng [sử dụng] quang năng và phong năng đối với châu Phi, [nhưng] chúng tôi lại không thể điện khí hóa nông nghiệp — nếu chúng tôi điện khí hóa thì con số này chỉ là một phần trăm rất nhỏ.”
“Hiện tại, khả năng tiếp cận máy móc nông nghiệp của chúng tôi là rất thấp. Tôi nghĩ khoảng 4 hoặc 5% [người dân Phi Châu có cơ hội tiếp cận], và con số này rất thấp so với những nơi như Trung Quốc 75%, Ấn Độ 45%, và Hoa Kỳ 95%. Gần như mọi thứ trong nông nghiệp Hoa Kỳ đều được thực hiện bằng máy móc. Vì vậy, việc tiếp cận với máy móc nông nghiệp sẽ thực sự thay đổi cuộc sống của chúng tôi vì điều này sẽ giúp tăng cường và mở rộng năng lực [sản xuất] của chúng tôi.”
Ngoài việc cần nhiên liệu hóa thạch cho máy móc và tiếp cận các khoản vay để mua chúng, ông Machogu cho biết việc mở rộng tưới tiêu nhờ nhiên liệu hóa thạch sẽ mang lại lợi ích cho châu Phi.
“Châu Phi không hoàn toàn là màu xanh,” ông Machogu chia sẻ. “Chúng tôi có những khu vực khác rất khô hạn. Vì vậy, một trong những cách dễ dàng nhất để chúng tôi có thể chấm dứt điều đó chính là tưới tiêu cho đất, và chúng tôi sẽ cung cấp nước cho đất bằng đường ống dẫn nhờ sử dụng nhiên liệu hóa thạch.”
Vừa cầm một chiếc xô nhựa màu vàng để tưới các cây trồng xung quanh mình, ông Machogu vừa giải thích rằng hầu hết người dân Phi Châu lấy nước cho cây trồng bằng cách kéo nước từ giếng lên. Cây trồng của họ càng ở xa giếng thì lao động càng vất vả và tốn thời gian.
Cuối cùng, ông Machogu giải thích rằng việc sử dụng urê, một loại phân bón làm từ amoniac và carbon dioxide dạng lỏng, rất ít được dùng ở châu Phi, một phần là vì áp lực bên ngoài từ các tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc Tế.
“Cá nhân chúng tôi sử dụng 40 kg phân đạm cho một hecta đất,” ông chia sẻ về trang trại của mình. “Có những người chỉ sử dụng 20 kg. Còn những nơi khác, như Ethiopia, người ta sử dụng chỉ 16 kg cho một hecta đất.”
“Hãy đến những nơi như Hoa Kỳ, phương Tây — nơi mà họ nói rằng châu Phi không nên tiếp cận nhiên liệu hóa thạch — còn họ thì đang sử dụng 120 kg [phân đạm] cho mỗi hecta. Châu Âu sử dụng 160–170 kg/hecta, Ấn Độ sử dụng 250 kg/hecta, và Trung Quốc sử dụng 360 kg/hecta.”
“Vậy, hãy so sánh 360 (kg) với 20 (kg). 20 là mức trung bình ở châu Phi. Chúng tôi đang sử dụng 4% lượng phân bón của thế giới—chỉ 4%, với 1.4 tỷ người! Với tôi, điều này thật vô lý. Vì vậy, chúng tôi cần được tiếp cận với phân bón được làm nhờ sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đó sẽ là sự thay đổi to lớn cho cuộc sống của chúng tôi.”
Ông Beisner cũng đồng ý [với ý kiến này].
Ông nói: “Vấn đề giá nhiên liệu là có thật và đang gia tăng ở vùng châu Phi cận Sahara, và thành thật mà nói là trên toàn thế giới.
“Vì các chính sách của chúng ta là đẩy giá nhiên liệu tăng lên, nên thực chất là chúng ta đang ép buộc người dân thu hoạch ít lương thực hơn và do đó có ít lương thực để đặt lên bàn ăn hơn cũng như giá cả sẽ cao hơn.”
Ông Beisner cho biết việc chuyển hướng sử dụng khí đốt tự nhiên làm nhiên liệu cũng ảnh hưởng đến phân đạm, mà loại phân bón này vốn cần “một lượng lớn” khí đốt tự nhiên để sản xuất.
Ông cho biết, việc cấm sử dụng khí đốt tự nhiên làm nhiên liệu sẽ có tác động lan tỏa: giá phân bón sẽ tăng, việc sử dụng phân bón sẽ giảm đi, và khi đó sản lượng lương thực trên toàn thế giới sẽ giảm.
Ông Machogu cho rằng không giống như các nền văn minh phương Tây, nếu lợi nhuận từ nông nghiệp giảm, nông dân Phi Châu không thể nào tìm kiếm một công việc khác.
“Ở Kenya, gần 80% dân số của chúng tôi kiếm sống từ nghề nông,” ông cho biết. “Vậy nên, không đời nào chúng tôi ngừng canh tác. Điều sắp xảy ra, và đã xảy ra, là hầu hết người dân hiện đang thu về ít sản phẩm hơn từ trang trại, tức là không có hàng bán để có tiền mua những thứ như quần áo cho con, hay đóng học phí cho con.”
“Và đối với những người khác, họ thậm chí không thể đủ ăn [dựa vào trang trại của họ]. Họ phải mua thức ăn.”
Con đường tới công nghiệp hóa của Ấn Độ
Ông Jayaraj cho biết ông xuất thân từ một gia đình nông dân ở Ấn Độ. Nhưng không giống như châu Phi, Ấn Độ có thể hiện đại hóa nhờ tiếp cận nhiên liệu hóa thạch—một quá trình bắt đầu từ đầu những năm 1950 và hoàn thành vào năm 2019 với việc gần như hầu hết các gia đình đều có thể tiếp cận điện, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Ông cho biết trong hơn ba thập niên, ông đã chứng kiến “việc trao quyền kinh tế-xã hội cho người dân” ở Ấn Độ.
“Dân số Ấn Độ là 1.3 tỷ người. Và vì vậy, một cách tự nhiên, đây có thể được coi là một cỡ mẫu lớn đáng kể về những gì đang xảy ra với lĩnh vực nông nghiệp khi quý vị đưa ra các chính sách chống lại nhiên liệu hóa thạch.”
Ông Jayaraj cho biết hơn 500 triệu người ở Ấn Độ phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào nghề nông để kiếm sống.
Ông nói: “Khi nói đến nền nông nghiệp hiện nay, thì hơn 90% phân bón sử dụng phổ biến nhất ở Ấn Độ – gọi là urê – được sản xuất tại các nhà máy sử dụng khí đốt hoặc than đá.”
“Vì vậy, chắc chắn rằng nếu điều này bị ảnh hưởng, thì một phần lớn dân số sẽ phải chịu thiệt hại không chỉ về sinh kế mà còn do hiệu ứng domino diễn ra sau đó đối với an ninh lương thực của đất nước.”
Ông Jayaraj giải thích rằng vào những năm 1960, Ấn Độ đã trải qua nạn đói và nghèo đói trầm trọng. Mặc dù những điều này có sức tàn phá lớn, nhưng chúng đã dẫn đến khả năng thực hiện một cuộc cách mạng nông nghiệp nhờ sử dụng phân bón và nhiên liệu hóa thạch.
“Hầu hết tất cả nông dân ở Ấn Độ, nếu không phải là nông dân quy mô lớn hay giàu có, thì đều có rất nhiều điện miễn phí. Việc này ngày càng trở nên phổ biến hơn trong hai thập niên qua. Điều này chỉ có thể thực hiện được nhờ điện sản xuất từ than, nguồn điện mà Ấn Độ có trữ lượng dồi dào,” ông nói.
“Quý vị không chỉ thấy phân bón và trồng trọt mà còn có điện cho những ngôi nhà nhỏ ở vùng nông thôn Ấn Độ, cho phép họ sử dụng máy bơm động cơ điện để dẫn nước vào đồng ruộng. Điều này đã làm nên một sự khác biệt lớn. Và quý vị thấy nhiên liệu hóa thạch ở mọi khía cạnh trong cuộc sống của người nông dân. Mặc dù anh ấy ở đó trên cánh đồng — được bao quanh bởi thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên — nhưng mọi thứ anh ấy làm đều được trợ giúp bởi nhiên liệu hóa thạch.
“Vì vậy, khi nói đến trồng trọt và toàn bộ ngành này, sẽ thật tai hại nếu họ chuyển sang canh tác hữu cơ hoặc giảm nhập cảng hoặc giảm sản xuất nhiên liệu hóa thạch.”
Ông Jayaraj kể rằng khi ông lớn lên, nhà họ hàng của ông ở các thôn và các xóm không có điện 24/24.
“Mỗi khi có điện, tôi lại thấy các chú và các ông tôi chạy tới bật máy bơm để đưa nước vào đồng ruộng,” ông nói.
Kinh nghiệm đó và khả năng tiếp cận điện phổ cập gần đây đã giúp người Ấn Độ rất coi trọng năng lượng đáng tin cậy và sự phát triển của than, dầu, và khí đốt.
“Ấn Độ đang sử dụng rất nhiều than. Tỷ lệ tiêu thụ than của Ấn Độ dự kiến sẽ vượt qua Trung Quốc vì tốc độ tăng nhu cầu điện cũng được dự đoán sẽ vượt tốc độ của Trung Quốc trong hai thập niên tới. Điều đó kết luận lợi ích của việc sử dụng than và nhiên liệu hóa thạch không suy giảm mà tôi đã trải nghiệm trong ba thập niên qua.”
Ông nói rằng, không giống như châu Phi, Ấn Độ không chịu ơn các nền văn minh phương Tây và không có ý định chuyển sang hoặc dựa vào năng lượng tái tạo như phong năng, quang năng, hoặc xe điện.
Ông nói rằng việc cố gắng chuyển đổi như vậy sẽ là “không thực tế” và là hành động tự sát chính trị đối với bất kỳ ai thúc đẩy một chính sách như vậy.
Chỉ thấy cây mà không thấy rừng
Ông Beisner cho biết những nơi như châu Phi, châu Á, và các nước ở châu Mỹ Latinh sẽ vẫn trong tình trạng nghèo đói nếu không được tiếp cận nhiên liệu hóa thạch một cách tự do.
“Điều rất quan trọng là họ có thể xây dựng các trạm phát điện và các trạm này cung cấp điện trên quy mô lớn—lượng điện năng khổng lồ—một cách đáng tin cậy, không bị gián đoạn. Và điều đó đơn giản là không thể được thực hiện với chi phí hợp lý từ gió và mặt trời hay những nguồn năng lượng gọi là tái tạo khác.”
Ông cho biết nếu không có điện quy mô công nghiệp, người dân ở những quốc gia đó sẽ tiếp tục “vô cùng nghèo.”
Ông Beisner nói: “Và đó là mối đe dọa lớn hơn nhiều đối với sức khỏe con người và tính mạng con người so với bất cứ điều gì liên quan đến môi trường, khí hậu, hoặc thời tiết.”
“Chúng tôi biết điều đó một phần là vì, trong hơn 100 năm qua, tỷ lệ tử vong trung bình hàng năm ở con người do các hiện tượng thời tiết cực đoan đã giảm hơn 98%. Vì vậy, sự thịnh vượng bảo vệ chúng ta khỏi bất cứ điều gì thời tiết có thể đưa đến cho chúng ta. Và việc phản đối sử dụng nhiên liệu hóa thạch làm nguồn năng lượng khiến chúng ta không thể có được sự thịnh vượng.”
Ông Machogu cho rằng châu Phi hiện nay giống như Hoa Kỳ vào những năm 1800. Nhưng không giống như Hoa Kỳ, châu Phi đang không được phép thực hiện một cuộc cách mạng công nghiệp.
Ông Machogu nói: “Vào những năm 1800, Hoa Kỳ có khoảng 80% dân số làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngày nay, chúng tôi có số lượng người châu Phi tương tự như vậy kiếm sống từ nông nghiệp.”
Ông cho biết từ năm 1820 đến năm 1920, nông dân Mỹ mất khoảng 10 phút để sản xuất một kg lúa mì do thiếu máy móc. Ngày nay, mất hai giây để có được số lượng tương tự.
Ông nói: “Nếu quý vị đến châu Phi, nếu quý vị đến Kenya … chúng tôi phải tách hạt kê ra khỏi thân. Vào cuối ngày, quý vị có thể kiếm được 1 USD.”
“Chúng tôi có người đi lấy nước cách đó 600 m. Vậy là, quý vị đội 20kg nước trên đầu và đi bộ lên dốc 600m. Chúng tôi có người lấy nước cách đó một cây số. Tùy thuộc vào từng nơi.”
Ông Machogu cho biết mặc dù hầu hết người dân Kenya hiện nay đều có điện, nhưng mức độ này không sánh bằng với các nước phương Tây.
“Tôi sinh ra trong một gia đình có sáu người. Tôi có ba anh chị em, và bố mẹ tôi, và chúng tôi tiêu thụ khoảng 12 đến 16 đơn vị điện. Tôi đang sử dụng ‘đơn vị’ để biểu thị kilowatt giờ. Vì vậy, 12 đến 16 đơn vị, và đó là mỗi tháng cho sáu người. Một chiếc tủ lạnh ở Mỹ sử dụng 45 đơn vị mỗi tháng—chỉ riêng chiếc tủ lạnh.”
“Ở vùng châu Phi cận Sahara, gần 90% năng lượng của chúng tôi đến từ việc đốt sinh khối. Sinh khối về cơ bản là phân bò. Vì vậy, gần 90 phần trăm năng lượng của chúng tôi đến từ thứ đó. Ở Hoa Kỳ, hơn 80% năng lượng của quý vị đến từ nhiên liệu hóa thạch, và ở Trung Quốc, là gần 90%. Trên toàn thế giới, hơn 80% năng lượng đến từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Vì vậy, việc 1.4 tỷ người Phi Châu đang sử dụng khoảng 3.9 triệu thùng dầu mỗi ngày là quá nực cười so với việc Hoa Kỳ có 333 triệu người đốt 20 triệu thùng dầu mỗi ngày.”
Ông Machogu cho biết ông thấy nhiều nhà lãnh đạo phương Tây là đạo đức giả.
“Những người này đang tiêu thụ rất nhiều nhiên liệu hóa thạch—kể cả ông Obama. Nếu quý vị nhìn vào ngôi nhà của ông Obama, đó là một ngôi nhà lớn không có tấm pin quang năng—tương tự với người đàn ông khác này, ông Al Gore. Ông Al Gore có một ngôi nhà rất lớn. Và nếu quý vị nhìn vào nhà ông ấy, thì ông ấy không có tấm pin quan năng. Vì vậy, những người này nói những điều này với một mục đích ẩn giấu phía sau,” ông nói.