Chính phủ TT Biden công bố chiến lược quốc gia về Bắc Cực để chống lại Trung Quốc, Nga
Hôm 07/10, chính phủ Tổng thống Biden đã công bố chiến lược quốc gia của mình đối với Bắc Cực, nhấn mạnh một sự cạnh tranh ngày càng tăng với Trung Quốc và Nga trong khu vực này.
Đây là chiến lược quốc gia đầu tiên cho khu vực này được công bố kể từ năm 2013, mặc dù một số cơ quan trong chính phủ Hoa Kỳ, trong đó có Bộ An ninh Nội địa và Quân đội, mới đây đã công bố các chiến lược của riêng họ.
Bắc Cực là nơi sinh sống của hơn 50,000 người dân Mỹ, và chiến lược mới này sẽ đặt cạnh tranh chiến lược trong khu vực như một vấn đề bảo vệ quê hương Hoa Kỳ và duy trì sự ổn định trong khu vực với các đối tác quốc tế.
“Bởi vì chúng ta có chung khu vực này với bảy quốc gia khác, nên Bắc Cực rất quan trọng đối với chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ,” Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố liên quan.
“Chúng tôi không có ưu tiên nào cao hơn là bảo vệ đất nước và người dân của chúng tôi, và an ninh ở Bắc Cực là trọng yếu cho điều đó.”
Bắc Cực ngày càng trở thành tâm điểm của sự quan tâm chiến lược trong những năm gần đây vì có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ. Dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, kim loại đất hiếm, kim cương, và các ngư trường hoang sơ đều được phát hiện là rất phong phú tại khu vực này. Ngoài ra, sự tan chảy của các chỏm băng ở vùng cực này đã mở ra các tuyến đường thương mại trong nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng hơn trong năm trước khi bị đóng băng và bị đóng trở lại.
Do đó, khu vực vốn chưa từng có tranh chấp trước đây sẽ đóng một vai trò quan trọng trong địa chính trị toàn cầu trong những năm tới.
Ông Bruce Jones, một thành viên cao cấp tại Viện Brookings, nói rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ đang bước vào giai đoạn cạnh tranh hải quân kéo dài mà Bắc Cực sẽ là một tâm điểm.
Trước đó, ông Jones đã nói trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times: “Khu vực này đã trở thành một trong những khu vực cạnh tranh nóng nhất.” Ông nói, “Vấn đề lớn nhất là biến đổi khí hậu đang làm thay đổi nhanh chóng khả năng hải hành qua Biển Bắc Cực quanh năm.”
“Có những lợi ích thương mại rất lớn. Có lợi ích năng lượng rất lớn. Có những lợi ích ngư nghiệp rất lớn. Và, tất nhiên, có cả những lợi ích chiến lược nữa.”
Chiến lược quốc gia mới cho vùng Bắc Cực (pdf) tập trung vào bốn ưu tiên chính để đạt được mục tiêu đó: an ninh, biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế, và hợp tác quốc tế.
“Tầm quan trọng chiến lược ngày càng lớn của Bắc Cực đã thúc đẩy sự cạnh tranh để định hình tương lai của khu vực khi các quốc gia theo đuổi các lợi ích kinh tế mới và chuẩn bị cho các hoạt động được gia tăng,” tài liệu nêu rõ.
“Trung Quốc … tìm cách gia tăng ảnh hưởng của họ ở Bắc Cực thông qua việc mở rộng một loạt các hoạt động kinh tế, ngoại giao, khoa học, và quân sự. Họ cũng đã nhấn mạnh ý định đóng một vai trò lớn hơn trong việc định hình quản trị khu vực này.”
Chiến lược này cũng vạch ra các bước mà Đảng Cộng Sản cầm quyền của Trung Quốc đã thực hiện để đưa họ vào Bắc Cực, mặc dù không có tuyên bố chủ quyền thực tế nào đối với khu vực này.
Trong số đó, chiến lược này cũng lưu ý rằng trong những năm gần đây Trung Quốc đã tăng cường đầu tư vào các dự án ở Bắc Cực, và đang tập trung vào khai thác khoáng sản và các hoạt động khoa học mà họ có thể sử dụng để thực hiện nghiên cứu lưỡng dụng nhằm mang lại lợi ích cho quân đội của mình.
Để chống lại mối đe dọa đó, chiến lược mới sẽ bao gồm việc bổ nhiệm một đại sứ nói chung ở Bắc Cực để giúp phối hợp các chính sách có lợi cho khu vực với các quốc gia Bắc Cực như Phần Lan và Thụy Điển, cả hai vốn đã đăng ký gia nhập NATO trong năm nay.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times