Một niệm chuyển ác thành thiện, vận mệnh cũng xoay chuyển theo
Số mệnh của con người phải chăng đã được định sẵn? Vậy thì, khi chúng ta thay đổi từ ác niệm thành thiện niệm, từ hành ác đến hành thiện, liệu có thay đổi được vận mệnh của mình hay không?
Mời quý vị tham khảo hai câu chuyện có thật về nhân quả báo ứng dưới đây để tìm cho mình câu trả lời xác đáng.
Quyết tâm sửa đổi lỗi lầm, vừa tránh bị đọa vào cõi súc sinh vừa chiêu tài nạp phúc
Vào triều Thanh, tại thành Hoài Tây (hiện là khu vực Giang Hoài của tỉnh An Huy) có một tú tài tên là Diệp Chư Lượng, gia cảnh bần hàn, dựa vào việc dạy học để sống tạm qua ngày.
Một phú ông giàu có trong thành tên là Mã Đại mời Diệp Chư Lượng đến dạy học cho hai người con trai của mình. Ông Mã nhận thấy Diệp Chư Lượng có tài học vấn mà không câu nệ nghi thức phép tắc, nên rất hợp với ý ông. Giữa hai người không có khoảng cách, ông rất tin tưởng Diệp Chư Lượng.
Mỗi năm, ông Mã không những trả cho tiên sinh cả trăm lượng bạc, mà còn tặng lễ vật hậu hĩnh. Ngoài ra, ông còn tự bỏ tiền cho tiên sinh lấy vốn làm ăn.
Diệp Chư Lượng thấy vậy vô cùng cảm kích, dốc lòng dạy dỗ hai người con trai của ông Mã.
Chỉ trong vài năm, gia đình Diệp Chư Lượng đã tích lũy được rất nhiều tiền và trở thành một phú ông. Sau đó, ông Mã nhậm chức phó quận, trong khoảng thời gian này, ông bị bệnh qua đời. Hai người con trai ông hoang phí vô độ, phải dựa vào Diệp Chư Lượng dàn xếp bán giúp châu ngọc, điền sản, để hai anh em duy trì cuộc sống.
Lúc này, Diệp Chư Lượng đôn đáo bày mưu tính kế, cuối cùng sản nghiệp nhà họ Mã rất nhanh đã bị bán sạch. Hai con trai của ông Mã rơi vào tình cảnh nghèo khổ không “tấc đất cắm dùi.” Trong khi đó, nhiều sản nghiệp nhà họ Mã thực ra đều rơi vào tay Diệp Chư Lượng.
Một đêm nọ, họ Diệp mơ thấy mình xuống Âm ty, nhìn thấy Diêm Vương đang ngồi trên một chiếc bàn đối diện, còn có ông Mã quỳ dưới bậc đang kể tội trạng của Diệp Chư Lượng vong ơn bội nghĩa.
Diêm Vương vô cùng phẫn nộ, trừng phạt Diệp Chư Lượng chuyển sinh thành trâu. Diệp Chư Lượng thấy vậy khẩn khiết van xin. Diệp xin được trở về dương thế, sẵn sàng đem trả lại toàn bộ sản nghiệp mà bản thân đã lừa gạt để có được, và hứa sẽ chăm sóc tốt cho hai con trai của ông Mã.
Diêm Vương nói: “Nếu ngươi đã biết ăn năn, ta tạm thời thả ngươi về dương thế. Nhưng nếu ngươi dám nuốt lời, ngươi sẽ bị đọa vào âm ty địa ngục mãi mãi!”
Diệp Chư Lượng giật mình tỉnh giấc, rồi đem chuyện này kể lại với vợ. Vợ ông nói: “Bổng lộc chúng ta có được ngày hôm nay, đều là sản nghiệp của nhà họ Mã. Chàng mau trả lại cho người ta, hà cớ gì phải gây thù chuốc oán với người đã khuất.”
Vì vậy, Diệp Chư Lượng quyết định đem hết sản nghiệp mà mình chiếm được trả lại cho nhà họ Mã.
Ngày hôm sau, ông đến thăm hai con trai nhà họ Mã. Nhìn thấy cảnh họ giờ đây rơi vào cảnh khốn cùng, phải nương náu trong căn nhà dột nát, căn bếp thì lạnh lẽo hoang sơ, vừa thê lương lại vừa đáng thương. Hai anh em họ Mã vừa nhìn thấy Diệp Chư Lượng thì liền bật khóc nức nở. Cảnh tượng này khiến họ Diệp xúc động không thôi, nắm lấy tay họ bật khóc thành tiếng.
Thế là, Diệp Chư Lượng đưa hai anh em họ Mã về nhà mình, thu xếp quần áo và tặng cho họ một trăm lạng bạc làm tiền trang trải cuộc sống.
Vài tháng sau, Diệp Chư Lượng mang tất cả tài sản trước đây của nhà họ Mã trả lại cho hai người con trai, rồi khuyên một người hãy mở cửa hiệu, còn người kia ra ngoài làm ăn.
Sau khi ông bà Mã qua đời, hai người con trai phải trải qua nhiều khó khăn gian khổ. Lúc này, họ mới nhận thức sâu sắc rằng không dễ để kiếm được một ngụm trà, một bát cơm. Kể từ đó, họ quyết tâm sửa chữa sai lầm trong quá khứ, cần kiệm lập nghiệp. Một thời gian sau, cả hai đã kiếm được rất nhiều tiền.
Sau khi gây dựng được cơ nghiệp, hai anh em họ Mã mang cả tiền vốn lẫn tiền lời trả lại cho Diệp Chư Lượng. Tuy nhiên, ông Diệp kiên quyết từ chối, nói: “Lão phu xuất thân vốn nghèo khó không có gì trong tay, nhờ tình nghĩa sâu đậm của tiên phụ mới có ngày hôm nay, mong hai anh em đừng từ chối. Lão phu chỉ mong, đến khi tương ngộ với tiên phụ của hai con nơi địa phủ, là chúng ta có thể nhìn nhau mỉm cười mãn nguyện rồi.”
Tết Trung thu năm đó, Diệp Chư Lượng say khướt nằm dưới cửa sổ thưởng trăng. Trong giấc mộng, ông thấy ông Mã đi đến và nói: “Những việc tiên sinh đã làm trước đây, mặc dù là không nên, nhưng hai đứa con trai nhà ta đã quen thói sống xa hoa, sản nghiệp có để lại thì chúng cũng tiêu xài vô độ. May thay, nhờ có tiên sinh dạy dỗ những năm qua, sau khi trải qua gian khó, hai đứa trẻ đã biết hối cải nên người. Tiên sinh không những bảo vệ được sản nghiệp của tôi, mà còn thành toàn cho con tôi. Ân đức này, tôi đã báo lên Diêm Vương chuyển tấu đến Thượng Đế. Sau này tiên sinh sẽ có phúc khí dài lâu. Tôi đích thân đến đây để báo cho tiên sinh những điều này.” Sau đó ông cảm ơn rồi rời đi.
Từ đó về sau, công việc buôn bán của Diệp Chư Lượng luôn gặp may mắn. Sản nghiệp mà ông có được gấp đôi tài sản trước đây của nhà họ Mã. Bốn người con của ông đều có học vị, nhà họ Diệp trở thành danh gia vọng tộc trong vùng.
Câu chuyện này cho thấy, khi Diệp Chư Lượng thay đổi ý niệm, ăn năn về những điều không tốt mà mình đã làm trong quá khứ, đã đắc được phúc báo. Đồng thời, cũng thay đổi được vận mệnh bị chuyển sinh thành trâu mà Diêm Vương đã định sẵn cho ông.
(Trích: “Dân gian ý hành,” Trần Cảnh Y thời nhà Thanh)
Lấy việc công trả thù riêng, chiêu mời ác báo liên lụy con cháu
Vào triều Thanh có một người tên là Tiền Duy Thành (1720-1772), là người vùng Vũ Tiến (nay là huyện Vũ Tiến, tỉnh Giang Tô). Từ nhỏ ông đã là người nhanh nhẹn, hiểu chuyện. Năm ông lên mười tuổi đã có thể làm thơ, 12, 13 tuổi có thể viết được cổ văn, tao phú.
Năm Tiền Duy Thành 19 tuổi (1742, năm Nhâm Tuất), ông trúng cử làm Trung thư nội các. Năm Càn Long thứ mười (1745), ông là người đầu tiên đỗ Tiến sĩ (Trạng nguyên) và được điều đến viện Hàn Lâm tu soạn tài liệu. Ông tinh thông hình luật, chăm chỉ làm việc, hơn nữa còn giữ các chức Công bộ Thị lang, Hình bộ Tả Thị lang.
Một năm nọ, Tiền Duy Thành phụng mệnh xét xử vụ án Lưu Tiêu liên quan đến thâm hụt ngân khố triều đình ở quận Hàm Ninh, tỉnh Quý Châu. Nhận lệnh, ông lên đường đến Hành Dương, lại nhớ đến trên đường đi từ Hành Dương về Diện Phong có một vị lão tăng hiệu là Huệ Thông. Lão tăng này rất giỏi xem tướng, vì vậy ông đã đến gặp mặt vị tăng này.
Lão tăng nói: “Quan sát tướng mạo của ngài cho thấy, ngài nhất định là Tể phụ trong triều, hai con trai đều làm quan. Nhưng chỗ giữa hai lông mày của ngài lộ ra sát khí. Nếu ngài có thể tích đức hành thiện, thì vận mệnh vẫn có thể được thay đổi. Mong ngài có thể làm được tốt điều này.”
Trong quá trình xét xử vụ án Lưu Tiêu, Tiền Duy Thành thẩm vấn Án sát sứ Cao Tích về nguyên nhân phán tội treo cổ Tưởng Mục. Vì Tưởng Mục là họ hàng của Tiền Duy Thành, nên ông đã lấy việc công trả thù riêng, ra sức đưa ra yêu cầu hà khắc và chặt đầu Cao Tích để báo thù cho người nhà.
Sau khi Tiền Duy Thành khép lại vụ án, trở về Hành Dương, ông lại đến bái kiến lão tăng Huệ Thông.
Lão tăng chỉ đưa mắt nhìn ông, rồi bàng hoàng đáp, “Đáng tiếc thay!” và không nói thêm một lời nào.
Tiền Duy Thành qua đời vào tháng Mười năm Càn Long thứ 37 (1772), thọ 52 tuổi. Vì ông tinh thông hình luật, làm việc chăm chỉ nên được Hoàng đế Càn Long tin tưởng trọng dụng, nhưng tiếc thay ông lại sớm vĩnh biệt cõi đời.
Còn về hậu thế của ông, hai người con trai đều nhận được đặc ân từ triều đình, rất nhanh được phong chức quan: Tiền Trung Tiển được làm trong Trung thư nội các, Tiền Trung Ngọc được giữ chức Trung thư của khoa Trung thư.
Khi đó, hai công tử nhà họ Tiền đều đã ngoài 20 tuổi, vẻ ngoài khôi ngô, thông thạo thơ văn, giỏi về thư pháp, có thể nói là được thừa hưởng truyền thống hiếu học của tiên phụ.
Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, cả hai đều đột ngột không bệnh mà qua đời.
Trung Tiển mất khi đang ở trên thuyền, còn Trung Ngọc thì tắc tử khi đang trên xe ngựa. Nghe nói họ đều bị đụng phải một thứ gì đó ma quái bắt sống cả hai đi.
Triệu Dực (1727-1814), một nhà văn, nhà lịch sử học nổi tiếng thời nhà Thanh nói rằng: “Hơn mười năm sau khi Cao Tích mất, hai con trai của Tiền Duy Thành đều bị hồn ma của Cao Tích ám. Thần quỷ hiện hồn, thật sự rất đáng sợ!”
Tiền Duy Thành còn có hai người cháu, trúng phó bảng trong kỳ thi Hương, nhưng một thì chết trẻ, một thì mắc bệnh dịch hạch mà bị câm, không thể nói được.
Cuối cùng, Tiền Duy Thành không có người nối dõi, gia đạo cứ thế mà lụi tàn.
Từ ví dụ này chúng ta có thể thấy, khi Tiền Duy Thành mất, ông chỉ mới 52 tuổi, vừa đúng thời kỳ hoàng kim trong sự nghiệp của đời người, lại nhận được sự tín nhiệm và trọng dụng của vua Càn Long. Đó vốn là một viễn cảnh vô cùng tươi sáng. Nhưng chỉ vì lấy việc công trả thù riêng, sai kém ở một niệm đầu mà lạm sát người vô tội, tổn hại công đức. Cuối cùng đã hủy hoại cả tiền đồ và tính mạng của bản thân, còn liên lụy đến hai con trai và hai cháu trai, gia đạo từ đó mà diệt vong.
Đây cũng là những điều mà lão tăng Huệ Thông đã nhìn thấy lúc xem tướng cho Tiền Duy Thành.
Vì vậy mới nói rằng: Vận mệnh con người dù đã được định sẵn, nhưng, lựa chọn hành thiện hay hành ác sẽ thay đổi vận mệnh mà ông Trời đã sắp đặt từ trước. Nhân quả nghiệp báo cũng từ đó mà quyết định. Đây cũng chính là “vận mệnh” mà con người tại thế gian đang cố gắng tìm kiếm.
Lựa chọn hành thiện hay hành ác không phải là thiên tính, mà là do con người tự quyết định, đây cũng là điều quý giá khi được sinh ra làm người.
Bảo trì thiện niệm, loại bỏ ác niệm để từ đó hành thiện tránh ác, chỉ như vậy mới có thể thay đổi được vận mệnh của bản thân. Ngược lại, một niệm sai lệch, kết cục sẽ khác biệt như ngày và đêm!