Lòng có thiện niệm, lời có hoa sen
Khi con người ta sống thiện lương thì những lời nói ra sẽ phát xuất từ trái tim và tâm hồn thuần khiết – là những lời rất thánh thiện. Đồng thời, ngôn ngữ có thể bộc lộ cá tính của một con người, biết cách nói cũng là một loại trí tuệ.
Cha ông ta xưa đã dạy:
‘Lời nói không mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau’
Đúng vậy, lời nói có thể giúp ta thấy ấm áp, nhưng cũng có thể khiến ta đau lòng.
Cùng một câu nói, dùng giọng điệu khác nhau để nói ra, người nghe cũng sẽ cảm nhận khác nhau.
Có một câu chuyện cổ kể rằng: Có một năm nước Tề gặp phải nạn đói, rất nhiều người chết đói.Có một địa chủ tên Kiềm Ngao, ông không đành lòng nhìn thấy nhiều người chết đói như thế. Vì vậy mới bày một sạp hàng có bánh bao, màn thầu, cháo ở bên đường để chờ phân phát cho người nghèo. Khoảng giữa trưa thì nạn dân cũng lảo đảo tìm đến.Trong số đó có một người dùng tay áo che khuất mặt, liên tục rên rỉ, thoạt nhìn trông rất đau khổ.
Kiềm Ngao nhìn về phía sau, không hề nghĩ ngợi cầm lấy một cái bánh bao hét với người đó: “Lại đây, ta cho ngươi đồ ăn”.
Nạn dân này nghe thấy liền dừng bước, trừng mắt với Kiềm Ngao: “Ngươi cho rằng ta đói tới như thế này thì có thể chịu đựng sự sỉ nhục của ngươi, nhận đồ ngươi bố thí sao? Ngươi sai rồi! Dù có chết đói, ta cũng sẽ không ăn đồ ăn của ngươi”
Kiềm Ngao lúc này mới nhận ra giọng điệu lúc nãy của mình không thỏa đáng, khiến cho nạn dân này hiểu lầm, vội vàng giải thích với người đó.
Nhưng người này dù thế nào cũng không chịu ăn, cuối cùng cứ thế mà chết đói ở ven đường.
Chuyện này làm Kiềm Ngao cực kỳ hối hận. Nếu lúc đó giọng điệu của ông ta có thể tôn trọng người đó nhiều hơn một chút, thì người đó đã không chết.
Thế mới thấm thía câu ngạn ngữ của cha ông ta : ‘của cho không bằng cách cho’. Cổ nhân xưa có câu nói:
“Ngôn nhi đương, tri dã, mặc nhi đương, diệc tri dã”
Cũng có nghĩa là: Lòng có thiện niệm, lời có hoa sen, chỉ có tấm lòng bình thản khoan dung, lời nói mới không miễn cưỡng.
An Vi thực hiện