Mối đe dọa của Trung Quốc đối với chủ quyền Bắc Cực của Canada đang trở nên rất cấp bách
Một chuyên gia nói với các nghị viên trong phiên điều trần trước một ủy ban của Hạ viện rằng Trung Quốc sẽ thách thức chủ quyền của Canada trong khu vực Bắc Cực sớm hơn lời cảnh báo trước đó của Tham mưu trưởng Bộ Quốc Phòng Wayne Eyre.
Ông Robert Huebert, giáo sư phụ tá tại Đại học Calgary, nói với Ủy ban Thường vụ Quốc phòng hôm 25/10 rằng ông tin Trung Quốc đang tăng cường khả năng quân sự và tìm cách đưa các tàu ngầm hạt nhân vào khu vực Bắc Cực để giành quyền kiểm soát. Ông Huebert cho biết thời gian để Trung Quốc thách thức Canada sẽ sớm hơn 20 năm so với dự đoán của tướng Wayne Eyre tại cuộc họp trước đó của ủy ban này hôm 18/10.
“Khoảng thời gian này quá ngắn, ý muốn nói vấn đề ở đây không phải là 20 năm. Mà ngay lúc này đây [Trung Quốc] đang thực hiện các nghiên cứu về năng lực,” ông nói, và cho biết thêm rằng một lịch trình cụ thể hơn sẽ phụ thuộc vào thời điểm Bắc Kinh quyết định tiến hành một cuộc tấn công quân sự vào Đài Loan.
“Tôi đồng ý với Tướng Eyre: Trung Quốc sẽ là một mối đe dọa. Tôi không đồng ý với mốc thời gian của ông ấy. Tôi nghĩ điều đó sẽ trở nên cấp bách hơn nhiều so với những gì ông ấy tiên liệu. Một lần nữa, điều này còn phải phụ thuộc vào nhân tố quan trọng là Đài Loan.”
Ông Huebert nói rằng Canada ngày càng ngần ngại trong việc tham gia vào cộng đồng quốc tế, điều mà ông cho là vì một niềm tin sai lầm rằng “vị trí địa lý bảo vệ chúng ta” khỏi những lo ngại về xung đột quân sự do Nga và Trung Quốc gây ra. Nhưng Bắc Kinh đã và đang xây dựng năng lực quân sự của mình để cạnh tranh ở Bắc Cực, với một mốc thời gian được xác lập bởi kế hoạch của nhà cầm quyền này nhằm xâm chiếm hòn đảo dân chủ tự trị Đài Loan, nơi mà Bắc Kinh xem là một tỉnh nổi loạn.
Ông nói, “Có một cuộc tranh luận gay gắt về việc Trung Quốc có hay không có kế hoạch điều tàu ngầm hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân đến vùng biển Bắc Cực, nhưng nếu họ thực sự làm vậy — và tôi tin rằng họ đang tích cực chuẩn bị cho hành động đó — thì một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn hành trình sau đó đến từ phía bắc sẽ được khai triển nhằm cố gắng đánh lạc hướng sự cảnh giác của chúng ta.”
Ông Huebert nói, “Về điểm này, tất cả các nhà quan sát Canada sẽ lập tức thay đổi góc nhìn của họ khi chiến tranh ở Đài Loan bắt đầu bởi vì một khi chiến sự ở Đài Loan nổ ra, họ sẽ nhìn thấy được cả sự phân cực quốc tế cũng như năng lực quân sự của Trung Quốc.”
“Sau đó chúng ta sẽ đánh giá lại những gì mọi người sẽ nói — giống như chúng ta đang làm với giai đoạn hai của Chiến tranh Nga-Ukraine — ‘Ồ, tôi đoán chúng ta chắc hẳn sẽ thấy điều này sắp xảy ra.’”
Quan điểm về việc Trung Quốc đặt ra những thách thức ngày càng tăng cho phương Tây này đã nhận được sự đồng tình từ ông Justin Massie, giáo sư tại trường Đại học Québec ở Montréal, người cũng đã ra làm chứng tại ủy ban quốc phòng của Hạ viện hôm 25/10.
Ông Massie cho biết môi trường Bắc Cực ngày nào còn hài hòa đang dần đổi khác do xung đột quyền lực gia tăng, được đánh dấu bởi Chiến tranh Nga-Ukraine và sự cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng như việc tăng cường sử dụng lực lượng vũ trang để giải quyết các vấn đề môi trường liên quan đến biến đổi khí hậu.
Ông Massie nói, “Chúng tôi đã nhìn thấy những xu hướng này sắp xảy ra trong một thời gian — việc quân sự hóa chưa từng có của các đại cường quốc và vấn đề biến đổi khí hậu. Nhưng khi kết hợp lại với nhau, hai yếu tố này tạo thành một mối đe dọa có thể buộc Canada phải dồn hết sự chú ý chiến lược của mình, nguồn lực của mình, và tập kết các nguồn lực đó vào lãnh thổ của mình.”
Những điều không chắc chắn
Ủy ban quốc phòng cũng nghe lời chứng từ bà Anessa Kimball, giáo sư tại Đại học Laval, người đã cảnh báo về những bất ổn mà tham vọng của Trung Quốc và Nga tại Bắc Cực gây ra.
“Sự không chắc chắn về hành vi của tác nhân trong tương lai từ cả Nga và Trung Quốc tạo ra nhiều vấn đề hơn,” bà Kimbell nói. Bà cho thấy nỗ lực của Bắc Kinh trong việc tạo dựng Con Đường Tơ Lụa Bắc Cực, mở rộng Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường, vốn là một chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu do lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra hồi năm 2013.
“Đối với Trung Quốc, mối quan tâm của họ nằm ở thương mại hàng hải, để có thể đi qua khu vực đó, cũng như có thể khai phá các nguồn tài nguyên. Chúng tôi đã thấy họ thử vài lần, hoặc là bằng cách thử mua lãnh thổ hoặc là nhòm ngó tới việc thăm dò khoáng sản trong khu vực, hay là tham gia vào các thỏa thuận với các công ty quốc tế,” bà cho biết, và nói thêm rằng mặc dù không có kế hoạch nào trong số đó thành công nhưng Bắc Kinh vẫn đang cố gắng “gây dựng không gian của riêng mình trong khu vực.”
Bà Kimbell lưu ý rằng vấn đề chiến lược cấp bách nhất đối với các bên hữu quan là sự không chắc chắn về tình trạng tương lai của thế giới theo sau những gì dường như là sự suy yếu dần dần của Hoa Kỳ so với Trung Quốc về kinh tế và chính trị.
“Thực tế là Hoa Kỳ và nhiều quốc gia Bắc Cực khác có đủ năng lực để cùng nhau bảo vệ khu vực này trong một cuộc khủng hoảng,” bà nói, và cho rằng đây là điều sẽ làm gia tăng xung đột.
“Tình hình hiện tại của các khí tài quốc phòng trong khu vực có thể răn đe tham vọng ở một mức độ nào đó, tuy nhiên lại không đủ mạnh để ngăn chặn các cuộc xâm nhập vào vùng không phận và hải phận. Những cuộc xâm nhập như vậy làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn, và hiểu lầm.”
Bà Kimbell cho rằng khi xem xét tham vọng của Trung Quốc ở Bắc Cực, quốc gia này cần phải được sáp nhập vào “các cấu trúc thể chế hiện có” để hệ thống hóa các chuẩn tắc và giảm thiểu các tác nhân từ bên ngoài.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times