Ủy ban Nghị viện Vương quốc Anh cảnh báo về sự nguy hiểm của ‘nghị trình Trung Quốc’ ở Bắc Cực
Kể từ cuộc xâm lược Ukraine, Nga đã không ‘từ bỏ ưu tiên’ Bắc Cực, một chuyên gia cho biết.
Một ủy ban Quốc hội ở London đã được biết về mối quan tâm ngày càng tăng của chế độ Trung Quốc với Bắc Cực và mối đe dọa do liên minh chiến lược của nước này với Nga gây ra trong khu vực đó.
Hôm thứ Tư (03/05), ủy ban quốc phòng và quan hệ quốc tế của Thượng Nghị viện (House of Lords) đã nghe lời khai của ba chuyên gia về mối đe dọa do Nga và cả Trung Quốc gây ra ở Vòng Bắc Cực.
Hồi năm 2012, ĐCSTQ đã tuyên bố Trung Quốc là một “quốc gia gần Bắc Cực” và nước này ngày càng thách thức sự thống trị của Hội đồng Bắc Cực cùng tám thành viên của hội đồng này — Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển, và Hoa Kỳ.
Ông Mathieu Boulègue, một thành viên toàn cầu tại Viện Địa cực tại Trung tâm Wilson ở Hoa Thịnh Đốn, cho biết: “Trung Quốc đã thể hiện một sự sẵn sàng thay đổi những quy chuẩn và những thực trạng quản trị ở Bắc Cực. Họ muốn nguồn tài nguyên chung mà mọi người đều được hưởng lợi từ đó.”
Ông nói: “Nếu quý vị không bảo vệ các tổ chức lớn và ý thức về lợi ích quốc gia này ở Bắc Cực, thì quý vị rất có thể tưởng tượng ra một tương lai không xa khi Trung Quốc cố gắng liên kết một số quốc gia nhất định.”
‘Các quy chuẩn khác nhau’ cho Bắc Cực
Ông Boulègue cho biết một liên minh như vậy sau đó có thể thúc đẩy “các quy chuẩn khác” ở Bắc Cực, “không hẳn là các quy chuẩn tốt hơn, mà là các quy chuẩn phù hợp với nghị trình của Trung Quốc.”
Ông nói thêm, “Hãy tưởng tượng tất cả các quốc gia vận tải biển ở châu Á… chẳng hạn như ở Vùng Vịnh… tất cả đều đi theo cùng một hướng với Trung Quốc đi đầu, điều đó sẽ thay đổi hoàn toàn và mạnh mẽ cách chúng ta tiếp cận Bắc Cực.”
Ông Boulègue nói: “Đó có thể là một kịch bản không thực tế, nhưng nếu chúng ta có thể nghĩ về điều đó, thì có lẽ đâu đó ở Bắc Kinh đã có một kế hoạch cho kịch bản này.”
Trung Quốc và Nga đã trở nên thân thiết hơn kể từ khi Moscow xâm chiếm Ukraine hồi tháng 02/2022, với việc Bắc Kinh mua một lượng dầu khí ngày càng tăng và giúp đỡ về kinh tế cho Điện Kremlin đang bị trừng phạt, nhưng chưa cung cấp các vũ khí.
Ông Nick Childs, một thành viên cao cấp về lực lượng hải quân và an ninh hàng hải tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho biết có một câu hỏi, “liệu Moscow có thanh toán cho việc Trung Quốc giúp đỡ Nga hay không” và ông nói điều đó có thể trông giống như một yêu cầu mới của Trung Quốc về “sự tiếp cận hải quân nhiều hơn từ các căn cứ của Nga ở Bắc Cực như một cách để nước này tăng cường hơn nữa sự hiện diện trong thời gian dài.”
Thượng nghị sĩ Anderson thuộc Đảng Lao Động đã đặt câu hỏi về tầm quan trọng của một hội nghị thượng đỉnh Trung-Nga gần đây ở Murmansk.
Ông Boulègue cho biết có rất nhiều “hành vi cư xử không chân thật” của cả Nga và Trung Quốc và ông nói: “Hãy đánh giá điều đó theo tính chất và xem sự hợp tác này tiến triển sâu rộng như thế nào. Cho đến nay, họ đang thử nghiệm các vùng biển, có thể nói như vậy, về mặt an ninh mềm, lực lượng cảnh sát tìm kiếm và cứu nạn, liên lạc và cộng tác tốt hơn cũng như loại yếu tố an ninh mềm.”
Ông nói thêm: “Nếu điều này được thúc đẩy hơn nữa về mặt an ninh cứng hay các cuộc luyện tập và tập trận quân sự hoặc có nhiều ý định quân sự hơn trong khu vực này thì đúng vậy, chúng ta sẽ có lý do để lo ngại.”
Ông Boulègue nói thêm, “Nhưng cho đến nay, tôi nghĩ rằng đó là một phần trong chương trình bang giao giữa Nga và Trung Quốc, nơi họ đang thực sự cố gắng tăng cường dấu ấn với nhau và cho thấy rằng họ làm việc cùng nhau thì có thể tốt hơn so với làm việc riêng lẻ.”
Ông Childs cho biết một trong những hậu quả đến từ cuộc xung đột Ukraine là Nga và Trung Quốc ngày càng mong muốn đóng một vai trò lớn hơn ở Bắc Cực và “có khả năng thiết lập một phạm vi ảnh hưởng đối địch, liên quan đến việc quản lý Bắc Cực.”
Thượng nghị sĩ Stirrup — từng là Tham mưu trưởng Quốc phòng từ năm 2006 đến năm 2010 — đã hỏi liệu Nga có cảm thấy bị đe dọa ở Bắc Cực khi Phần Lan, và có thể là Thụy Điển, gia nhập NATO hay không.
‘Nga cảm thấy bị đe dọa’
Bà Katarzyna Zysk, giáo sư về quan hệ quốc tế và lịch sử đương đại tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy, cho biết: “Chắc chắn rồi. Điều đó làm tăng cảm giác bị đe dọa của Nga. Nhìn chung, nhiều hậu quả không lường trước được từ cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã thể hiện để định hình lại các chế độ an ninh, hợp tác, và quản trị ở Bắc Cực của Nga.”
Bà Zysk nói thêm, “Điều đó đã nâng cao vai trò của Bắc Cực như một đấu trường cho cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây, một lần nữa, khơi dậy nhận thức về mối đe dọa của Nga.”
“Điều đó cũng bị hiệu ứng dây chuyền của cuộc cạnh tranh chiến lược đang diễn ra giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Nga gây ảnh hưởng,” bà nói thêm.
Bà cho biết mặc dù bị sa lầy ở Ukraine và nhận thấy sức mạnh kinh tế và quân sự của họ ngày càng suy giảm, nhưng Nga đã không “từ bỏ ưu tiên” Bắc Cực. Trên thực tế, điều ngược lại đã xảy ra.
Bà Zysk cho biết: “Ý chí chính trị ưu tiên Bắc Cực dường như vẫn mạnh mẽ ở Moscow. Điều đó đã được chứng minh theo một số cách như một cấp độ thực thi chính sách và học thuyết, bao gồm cả trong học thuyết hàng hải được cập nhật hồi tháng 07/2022, vốn đã đưa Bắc Cực lên đầu danh sách ưu tiên của khu vực này.”
Thượng nghị sĩ Boateng, một cựu Nghị sĩ thuộc Đảng Lao Động kiêm cựu bộ trưởng chính phủ dưới thời Thủ tướng Tony Blair, đã hỏi rằng Anh có thể làm gì thêm để giúp đỡ NATO ở Bắc Cực.
Ông Childs cho biết Anh đã “bỏ lỡ một cơ hội tốt” khi đưa tàu [phá băng] khảo sát Nam cực RSS Sir David Attenborough vào hoạt động.
Vương quốc Anh ‘đã bỏ lỡ một cơ hội tốt’
Ông Childs cho biết: “Có thể Vương quốc Anh đã bỏ qua một cơ hội tốt khi Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh đặt hàng tàu Sir David Attenborough, chứ không đặt hàng ba chiếc để Hải quân Hoàng gia có thể có hai chiếc, một tàu tuần tra Nam Cực và một Bắc Cực. Điều đó có thể báo hiệu ý định và năng lực trong khu vực này nhưng không phải theo kiểu khiêu khích.”
Ông nói rằng Anh cần đưa ra một “thông điệp nhất quán và minh bạch hơn về sự hiện diện” ở Bắc Cực.
Ông Childs cho biết kể từ sau Chiến Tranh Lạnh, Anh dường như đã quên mất tầm quan trọng của “sự răn đe đáng tin cậy thật sự” trong khu vực này.
Tuy nhiên, ông nói rằng Anh không muốn “khiến tình hình trở nên quá căng thẳng” và ông nói rằng điều quan trọng là phải thể hiện sự hiện diện chứ không phải “leo thang hoặc khiêu khích.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times