Mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc – Một sự thật bi thảm
Trong gần hai thập kỷ, các cáo buộc về mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc cộng sản đã nổi lên. Ngày nay, ngành buôn bán cấy ghép nội tạng của Trung Quốc được ước tính là một ngành công nghiệp trị giá một tỷ dollar, mà theo báo cáo là được thúc đẩy bằng việc thu hoạch [nội tạng] của “các tù nhân lương tâm.”
Sau khi tiến hành một cuộc điều tra, một Tòa án Trung Quốc độc lập gồm bảy thành viên đã đưa ra một phán quyết hồi tháng 12/2018. Phán quyết này kết luận, “Các thành viên của Tòa chắc chắn – đồng thuận, đồng thời khẳng định không chút nghi ngờ – rằng việc cưỡng bức mổ cướp nội tạng từ các tù nhân lương tâm đã được thực hiện ở Trung Quốc trong một khoảng thời gian dài, có liên quan đến một số lượng lớn các nạn nhân.”
Ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng của Trung Quốc bắt đầu tăng mạnh vào năm 2000. Hàng trăm bệnh viện cung cấp dịch vụ cấy ghép, hàng ngàn bác sĩ phẫu thuật cấy ghép đã được đào tạo, các nghiên cứu về cấy ghép được quân đội tiến hành và ngành công nghiệp ức chế miễn dịch được nhà nước trợ cấp.
Trong khi bệnh nhân có chỉ định ghép tạng tại hầu hết các nước phương Tây phải chờ hàng tháng, thậm chí hàng năm để được cấy ghép, thì thời gian chờ đợi cho một ca phẫu thuật ở Trung Quốc chỉ là vài tuần, vài ngày hoặc thậm chí vài giờ.
Ban đầu, các quan chức Trung Quốc tuyên bố rằng những người hiến tạng tự nguyện đã khiến cho số ca phẫu thuật [cấy ghép] tăng vọt lên hàng chục ngàn ca mỗi năm. Khi lời giải thích đó là không đủ, các quan chức lại tuyên bố rằng các tử tù là nguồn cung cấp nội tạng. Sau đó, vào năm 2015, Trung Quốc một lần nữa đảo ngược luận điệu của mình và được cho là đã ngưng việc sử dụng tù nhân để tìm nguồn nội tạng và từ đó đã ca ngợi “hệ thống hiến tạng tự nguyện lớn nhất ở Á Châu” của họ.
Bất luận Trung Quốc cộng sản đã đưa ra những cách giải thích chính thức khác nhau như thế nào đi nữa, các báo cáo chỉ ra rằng những con số đó hoàn toàn không hề hợp lý. Một cuộc điều tra được công bố trên tạp chí Medical Ethics BMC đã phát hiện ra “việc làm sai lệch và thao túng một cách có hệ thống các bộ dữ liệu cấy ghép nội tạng chính thức.” Số liệu chính thức cho thấy, vào năm 2018, Trung Quốc chỉ có 6,000 người hiến tạng chính thức, những người được cho là đã cung cấp hơn 18,000 cơ quan nội tạng.
Tuy nhiên, khi xem xét một vài bệnh viện của Trung Quốc, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những con số này “rất dễ bị vượt qua.” Các tác giả của cuốn “Thu hoạch Đẫm máu/Đại thảm sát: Bản cập nhật” đã xác nhận rằng hơn 700 bệnh viện ở Trung Quốc thực hiện cấy ghép gan và thận, trong khi riêng Trung tâm Đệ nhất Thiên Tân thực hiện đến hơn 6,000 ca cấy ghép mỗi năm. Các chuyên gia này ước tính thêm rằng hàng năm có 60,000-100,000 ca phẫu thuật cấy ghép nội tạng được thực hiện tại các bệnh viện của Trung Quốc.
Hơn nữa, theo báo cáo năm 2020 của Tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản do ông Matthew Robertson thực hiện, kể từ năm 2000, các vụ hành quyết tử hình đã giảm ở Trung Quốc cộng sản, trong khi các ca cấy ghép “theo yêu cầu” lại tăng lên.
Ông Robertson viết, “Lời giải thích hợp lý duy nhất còn lại cho một phần đáng kể nguồn cung cấp nội tạng kể từ năm 2000 là những tù nhân lương tâm.”
Cả ông Robertson và Tòa án Trung Quốc đều đi đến kết luận giống nhau về việc các tù nhân lương tâm đã trở thành mục tiêu để lấy nội tạng. Phán quyết của Tòa án này xác nhận rằng các học viên Pháp Luân Công là một trong những nguồn nội tạng chính. Ngoài ra, dựa trên quy mô của cuộc đàn áp gần đây và xét nghiệm y tế ở Tân Cương, có bằng chứng cho thấy người Duy Ngô Nhĩ là đối tượng bị mổ cướp nội tạng.
Ở Tân Cương, ước tính có khoảng 1.8 triệu – 3 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác chủ yếu là người Hồi giáo đã bị bắt giam trong cái gọi là trại cải tạo. Những người sống sót đã cung cấp nhiều lời khai và bằng chứng về sự khủng khiếp bên trong các trại tập trung này, khiến cho Hoa Kỳ hồi tháng 01/2021 đã tuyên bố [Trung Cộng] phạm tội diệt chủng.
Những người sống sót trong các trại này cho biết họ bị kiểm tra sức khỏe không tự nguyện như xét nghiệm máu, chụp X-quang, siêu âm và xét nghiệm DNA. Theo một tuyên bố của Tòa án trên, “Các chuyên gia báo cáo rằng lời giải thích hợp lý duy nhất cho các cuộc kiểm tra này là để bảo đảm rằng các cơ quan nội tạng của nạn nhân khỏe mạnh và phù hợp để cấy ghép.” Các báo cáo khác cho biết có thể nhìn thấy trên những thi thể người chết được trả lại cho gia đình từ các trại này những vết khâu ở các vùng có nội tạng, chẳng hạn như thận.
Một người sống sót khác là cô Sayragul Sauytbay, một giáo viên bị tống giam đã trốn khỏi Tân Cương và được cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tôn vinh là Người Phụ nữ Can đảm của Thế giới. Cô mô tả trong cuốn sách của mình, “Nhân chứng Hàng đầu: Thoát khỏi Trại tập trung thời Hiện đại của Trung Quốc,” rằng những tù nhân trẻ, khỏe mạnh với hồ sơ y tế được đánh dấu X màu đỏ đã bị lính canh bắt đi một cách khó hiểu. Cô ấy viết, “Có một sự thật đơn giản rằng Đảng đó đã lấy nội tạng từ các tù nhân.”
Nhiều báo cáo và lời khai từ các nhà nghiên cứu, những người sống sót và các nhà hoạt động là cực kỳ đáng lo ngại. Chúng ta phải bắt tay hành động. Hồi tháng 03/2021, Quốc hội Hoa Kỳ đã giới thiệu lại luật lưỡng viện và lưỡng đảng để chống lại tội ác kinh hoàng này. Đạo luật Ngăn chặn Cưỡng bức Mổ cướp Nội tạng sẽ yêu cầu báo cáo hàng năm về nạn cưỡng bức mổ cướp nội tạng, cho phép chính phủ Hoa Kỳ từ chối hoặc thu hồi hộ chiếu của những kẻ mua nội tạng bất hợp pháp và trừng phạt những kẻ tham gia cưỡng bức mổ cướp nội tạng.
Đạo luật Ngăn chặn Cưỡng bức Mổ cướp Nội tạng (Stop Forced Organ Harvesting Act) này sẽ bóc trần sự tàn ác của việc cưỡng bức mổ cướp nội tạng và truy cứu trách nhiệm của các thủ phạm.
Chúng tôi khuyến khích quý vị liên lạc với nghị sĩ Quốc hội của mình và yêu cầu Đạo luật Ngăn chặn Cưỡng bức Mổ cướp Nội tạng trở thành luật. Việc này có thể giúp cứu vớt những sinh mệnh vô tội.
Tác giả Newt Gingrich, một đảng viên Cộng Hòa, từng là Chủ tịch Hạ viện từ năm 1995 đến năm 1999 và đã ra tranh cử với tư cách là ứng cử viên tổng thống vào năm 2012.
Bà Callista Louise Gingrich là một nữ doanh nhân, tác giả, nhà sản xuất phim tài liệu, và nhà ngoại giao từng phụng sự với tư cách là Đại sứ Hoa Kỳ tại Tòa thánh từ năm 2017 đến năm 2021.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Từ trang Gingrich360.com
Do Newt Gingrich và Callista L. Gingrich thực hiện
Hồng Ân biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: