Chuyên gia: Phương Tây nhắm mắt làm ngơ là tiếp tay cho nạn lao động nô lệ của ĐCSTQ
Nhờ có bông của Tân Cương mà các trại tập trung khét tiếng, lao động cưỡng bức, và tội ác diệt chủng của chế độ cộng sản Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã được đưa ra ánh sáng. Tuy nhiên, lao động nô lệ đã trở thành một nét đặc trưng của hệ thống nhà tù của chế độ này kể từ khi cuộc cách mạng cộng sản kết thúc vào năm 1949, và các báo cáo rải rác về vấn đề này chưa bao giờ nhận được đủ sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Nhà bình luận Trung Quốc Hoành Hà (Heng He) nói với The Epoch Times rằng lợi nhuận đồ sộ được tạo ra từ thương mại quốc tế với Trung Quốc đã khiến thế giới ngoảnh mặt làm ngơ trước các hoạt động vô nhân đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) — và kéo dài sự đau khổ của các tù nhân.
Ông Hoành nói rằng hệ thống lao động nô lệ của Trung Quốc trong các trại “Cải tạo Lao động” — bắt nguồn từ hệ tư tưởng của ĐCSTQ — thể hiện cùng một hệ tư tưởng giống với khẩu hiệu trong các trại tập trung Auschwitz của Đức Quốc Xã: “Arbeit macht frei” (Lao động mang đến tự do).
Gần đây, một số nữ nhân chứng từng sống trong các trại lao động của ĐCSTQ đã kể cho The Epoch Times những câu chuyện về hình thức lao động nô lệ vô nhân đạo trong tù.
Làm việc 20 giờ mỗi ngày
Bà Vương Xuân Ngạn (Wang Chunyan), chủ sở hữu một công ty thương mại ở Trung Quốc, đã bị tống giam vào năm 2002 và một lần khác vào năm 2007 vì tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả thân lẫn tâm đã mang lại lợi ích cho hàng trăm triệu học viên theo học với các bài giảng dựa trên ba nguyên lý phổ quát là chân, thiện, và nhẫn, cùng bộ công pháp nhẹ nhàng với một bài thiền tĩnh tọa.
Cựu lãnh đạo của chế độ Cộng sản Trung Quốc, ông Giang Trạch Dân, đã quyết định bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999. Kể từ đó, một số lượng lớn các học viên Pháp Luân Công đã bị tống giam, bị cưỡng bức trở thành nô lệ lao động, bị tra tấn, bị sát hại, và thậm chí bị sát hại để lấy nội tạng.
Bà Vương nói với The Epoch Times rằng vào ngày 09/01/2003, bà bị đưa đến Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh, nơi các tù nhân bị buộc phải lao động cực nhọc để sản xuất những mặt hàng phục vụ cho xuất cảng.
Lượng công việc dày đặc này bắt đầu từ 6 giờ sáng hôm trước và kéo dài đến tận 2 giờ sáng hôm sau. Chỉ có năm phút nghỉ giải lao để ăn, và mỗi tù nhân chỉ được phát hai chai nước nhỏ — tương đương 500 ml nước uống mỗi ngày.
Nếu số sản phẩm làm ra không đạt định mức, thì nhà tù sẽ cắt giảm giờ ăn của tù nhân. Bà Vương cho biết, có thời điểm trong khi bị giam giữ, bà đã phải bỏ bữa trưa trong ba ngày liên tiếp chỉ để đáp ứng định mức của nhà máy.
Bà nói, làm việc quá sức liên tục và bầu không khí ngột ngạt khiến nhiều tù nhân phát nhiều bệnh, chẳng hạn như bệnh về đường hô hấp, các vấn đề về gan, bệnh chàm, ghẻ, và nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác. Thế nhưng công việc này là không có hồi kết, còn sản phẩm thì không được kiểm tra vệ sinh hoặc khử trùng.
Sau khi đào thoát khỏi Trung Quốc đến Mỹ, bà đã tìm thấy nhiều món đồ quen thuộc trong siêu thị mà trước đây bà đã từng nhìn thấy trong tù.
Bà Vương cho biết bà tin rằng đa phần quần áo lót và đồ nội y mà chúng ta hay mặc — thường được làm bằng chất liệu tốt nhưng được bán với giá rẻ ở Hoa Kỳ — chắc chắn được sản xuất tại các nhà tù Trung Quốc. “Nhiều chiếc quần và áo len chất liệu bông [do Trung Quốc sản xuất] đang được bày bán ở Walmart chính là những gì chúng tôi đã làm [trong tù],” bà nói.
Ẩn giấu trong lớp vỏ bọc sang trọng của hàng hóa nhập cảng đến từ Trung Quốc lại chính là những tội ác kinh hoàng nhất. “Đằng sau những sản phẩm này là nhiều câu chuyện được viết nên bằng máu và nước mắt,” bà nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 26/03.
Theo báo cáo của Minghui.org, một nền tảng có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên đưa tin về cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ ở Trung Quốc, Nhà tù Nữ Liêu Ninh sản xuất đồng phục cảnh sát Trung Quốc, cũng như đồng phục cho Bộ Công an, Bộ Tư pháp, và một số cơ quan ngành đường sắt. Ngoài ra, đây cũng là một cơ sở gia công các loại mặt hàng phục vụ thương mại xuất cảng của Trung Quốc, sản xuất nhiều loại quần áo có thương hiệu, áo khoác phao, đồ thể thao, và các loại phụ kiện như túi xách.
The Epoch Times đã cố gắng liên lạc với Nhà tù Nữ Liêu Ninh và Cục Quản lý Nhà tù Tỉnh Liêu Ninh, nhưng họ đã không phúc đáp vào thời điểm xuất bản bài viết này.
Được dùng nhà vệ sinh hai lần một ngày
Một học viên Pháp Luân Công khác, cô Lữ Mai (bí danh), đã bị cầm tù tại Trại Cải tạo Lao động Mã Tam Gia ở Liêu Ninh vào năm 2006, và hiện đang trên đường đào thoát khỏi đại lục.
Cô Lữ nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng vào thời điểm cô bị giam ở đó, nhà tù này đang sản xuất áo thun màu xanh lục và quân phục rằn ri cho quân đội Trung Quốc, cũng như quần áo hàng hiệu của Ý.
Cô cho biết lượng công việc tối thiểu là 12 giờ mỗi ngày. “Thức ăn không ngon và rất ít ỏi,” cô nói, đồng thời cho biết thêm rằng răng của cô đã bị rụng hết trong thời gian bị cầm tù.
Thời gian được sử dụng nhà vệ sinh là 10 giờ sáng và 3:30 chiều, còn lại nhà vệ sinh đều bị khóa. “[Nhiều người] đã bị thận hư,” cô nói.
Cô Lữ cho biết hơn chục tù nhân mà cô gặp đã qua đời vì suy thận.
Lông mi giả
Cô Đồng Phương (bí danh) đã từng bị giam giữ tại Nhà tù Nữ tỉnh Hắc Long Giang.
Cô cho biết nhà tù có 14 khu sản xuất, trong đó ít nhất 8 khu vực được trang bị dây chuyền lắp ráp để sản xuất hàng may mặc — từ khâu cắt cho đến khâu hoàn thiện sản phẩm.
Cô cho biết, vải được đóng thành từng cuộn lớn, và mỗi cuộn nặng như vậy đều cần đến vài người khiêng. Để không bị đánh đập và đơn thuần là để sống cho qua ngày, nhiều tù nhân đã làm việc suốt đêm chỉ để kiếm điểm điền vào bảng thành tích của mình.
Nhà tù cũng sản xuất các phụ kiện như kẹp cài tóc, bông ngoáy tai, tăm xỉa răng, muỗng khuấy cà phê, túi mua sắm, lông mi giả, v.v.
Nhiều tù nhân bị quá tải với những nhiệm vụ đòi hỏi cường độ làm việc cao. Nếu không đạt định mức, họ sẽ không được ngủ, không được ăn, và bị trừ điểm.
Trong một phòng giam nhỏ chật hẹp và cũng là nơi làm việc, hơn hai chục tù nhân ngồi chen chúc nhau để làm lông mi giả, ngồi sát nhau mà vẫn không có chỗ để di chuyển. Dù ngoài trời đang là ngày hè nóng bức, các cửa sổ và cửa ra vào cũng đều phải được đóng thật chặt để bảo đảm lông mi không bị gió thổi bay. Các tù nhân phải ngồi một tư thế không nhúc nhích, mồ hôi đọng lại thành từng giọt trên tóc. “Quần áo của chúng tôi ướt đẫm mồ hôi … chúng tôi thường phải làm việc qua đêm, và nếu hôm nay vẫn chưa xong việc thì ngày mai lại phải làm thêm giờ,” cô Đồng nói.
Theo cô Đồng, nhiều tù nhân làm lông mi giả mới 30 tuổi đã phải đeo kính viễn thị. “Công việc này khiến cho mọi người đau cổ, và đau mắt, cũng có nhiều người bị sưng phù chân sau khi phải ngồi làm việc trong một thời gian dài,” cô nói.
Lao động nô lệ là một phần của hệ tư tưởng cộng sản
Nhà bình luận Hoành Hà nói rằng trong những năm đầu của chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ, nhiều học viên bị bức hại đã phơi bày việc ĐCSTQ sử dụng tù nhân để sản xuất và xuất cảng quy mô lớn các sản phẩm do nhà tù sản xuất. Ông nói, chính phủ Hoa Kỳ đã cố tình nhắm mắt làm ngơ trước mức độ nghiêm trọng của các vấn đề này vào thời điểm đó, để cho tình trạng này ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Hồi năm 2003 và 2004, WOIPFG (Tổ chức Quốc tế Điều tra Cuộc Đàn áp Pháp Luân Công) đã báo cáo về việc các nhà tù và trại lao động của ĐCSTQ bóc lột các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù trong quá trình sản xuất tóc giả cho công ty Sản phẩm Tóc Rebecca Hà Nam.
Năm 2005, ký giả Jamil Anderlini của tờ Hoa Nam Tảo Báo (South China Morning Post) cũng đã điều tra công ty sản xuất tóc giả Sản phẩm Tóc Rebecca Hà Nam, được niêm yết trên thị trường chứng khoán Thượng Hải và là một công ty nhận đầu tư quốc tế nổi tiếng — bao gồm từ các tổ chức như ING, Morgan Stanley, Deutsche Bank, Merrill Lynch, và HSBC, nằm trong số 10 cổ đông hàng đầu của tập đoàn được giao dịch công khai này vào thời điểm đó.
Một bài báo điều tra tiếp theo của The Village Voice cho thấy chính phủ Hoa Kỳ nghĩ rằng “tốt hơn hết là kêu gọi Trung Quốc thay đổi trong khi hợp tác với họ.”
Ông Hoành nói rằng chính sách nhân nhượng của chính phủ Hoa Kỳ vào thời điểm đó đã cho phép các sản phẩm lao động nô lệ của Trung Quốc.
Chính sách nhân nhượng này đã trở nên phổ biến ở phương Tây, và ngay cả tình trạng cưỡng bức lao động đối với những người lao động trong trại tập trung Tân Cương cũng đã bị phớt lờ, mãi đến tận những năm gần đây.
Một trường hợp mới đây phơi bày các nhà tù và trại lao động cưỡng bức của ĐCSTQ trong việc sản xuất hàng hóa xuất cảng là vào năm 2012, khi cô Julie Keith, một phụ nữ sống ở Oregon, tìm thấy một lá thư cầu cứu trong một hộp đồ trang trí Halloween mua tại Kmart.
Bức thư viết rằng “Những người làm việc ở đây phải làm việc 15 giờ một ngày không được nghỉ thứ Bảy, Chủ Nhật hay bất kỳ ngày lễ nào. Nếu không, họ sẽ bị tra tấn, đánh đập, và bị mạ lỵ. Gần như không có thù lao (10 nhân dân tệ/1 tháng).” Mười nhân dân tệ chỉ bằng 1.46 USD.
Bức thư này đến từ học viên Pháp Luân Công Tôn Nghị, người đã bị cầm tù trong Trại Lao động Mã Tam Gia ở Thẩm Dương, đông bắc Trung Quốc.
Vụ việc này sau đó được khắc họa trong bộ phim tài liệu “Lá thư từ Mã Tam Gia.”
Ông Hoành nói, các sản phẩm lao động nô lệ là hệ quả mang tính hệ thống của hệ tư tưởng của ĐCSTQ. Trại lao động cưỡng bức đã phổ biến trước Cách mạng Văn hóa và được lập nên để cải tạo tù nhân thông qua lao động — đây là một phần quan trọng của hệ tư tưởng cộng sản.
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung, Hồng Ninh, Lạc Á, và Cố Hiểu Hoa
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times