Mẹ của nghệ sĩ múa Shen Yun bị kết án 4 năm tù ở Trung Quốc vì đức tin của bà
Trước đó, cha của anh Vương Toàn đã bị ĐCSTQ tra tấn đến tử vong. Giờ đây mẹ của anh tiếp tục trở thành mục tiêu vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công.
NEW YORK—Trong 15 năm qua, điện thoại di động là thiết bị duy nhất giúp anh Vương Toàn (Steven Wang) kết nối với người thân của mình, những người ở Trung Quốc phía bên kia đại dương.
Bỗng một ngày vào năm 2009, anh nhận được một cuộc điện thoại báo tin cha anh qua đời — do suy thận sau nhiều năm bị tra tấn trong một nhà tù Trung Quốc chỉ vì đức tin của ông.
Và rồi trong một cuộc điện thoại khác, anh Vương biết tin mẹ mình bị bắt hồi tháng Bảy năm ngoái (2022). Đầu tháng này, anh phát hiện ra rằng mẹ anh đã bị kết án bốn năm tù — vì lý do tương tự vốn khiến cha anh phải ngồi tù.
Anh Vương không khỏi đau lòng khi nghĩ rằng sợi dây kết nối giữa anh và những người thân yêu của mình dường như quá mong manh.
“Trong gia đình tôi, tôi luôn là người cuối cùng được biết tin,” anh Vương nói với The Epoch Times từ nhà của anh ở tiểu bang New York.
Anh Vương, một nghệ sĩ múa chuyên nghiệp 36 tuổi và là công dân Hoa Kỳ, sinh ra ở Thiệu Dương, miền trung Trung Quốc, thành phố mà anh gọi là quê hương trong hơn hai mươi năm đầu tiên của cuộc đời mình. Nhưng giờ đây, dù cho anh có lo lắng cho gia đình mình đến cồn cào ruột gan đi chăng nữa, thì anh cũng không có cách nào quay lại.
Giống như cha mẹ của mình, anh Vương cũng tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp dã man trong hơn hai mươi năm.
Môn tu luyện bao gồm bộ công pháp tĩnh tại và các bài giảng đạo đức xoay quanh các giá trị chân, thiện, và nhẫn này đã thu hút một lượng lớn người theo học trong những năm 1990 — với khoảng 70 triệu đến 100 triệu học viên — dẫn đến việc chế độ cộng sản nhận định rằng pháp môn này là mối đe dọa đối với gọng kìm quyền lực độc đoán của họ.
Kể từ năm 1999, các học viên đã trở thành mục tiêu của một chiến dịch xóa sổ không ngừng vốn đã sát hại, bỏ tù, hoặc nô dịch hàng trăm ngàn học viên như cha của anh Vương, và khiến những người còn lại trong cộng đồng Pháp Luân Công phải đối mặt với mối đe dọa bức hại luôn hiện hữu.
Mười lăm năm trước, khi anh Vương rời quê hương để đến New York, mẹ của anh, bà Lưu Ái Hoa (Liu Aihua), đã đến tận phi trường để tiễn anh.
“Con hãy bảo trọng nhé,” bà đã nói với anh đôi lời từ tạ.
Vào thời điểm đó, anh Vương đã học múa cổ điển Trung Hoa được 12 năm. Ôm chí lớn đưa loại hình nghệ thuật của mình lên một tầm cao mới, anh đã ra hải ngoại để tham gia Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun, một công ty có trụ sở tại New York đang cố gắng phục hưng nền văn hóa truyền thống 5000 năm của Trung Hoa vốn đã bị nhà cầm quyền cộng sản tàn phá.
Lúc đó anh không hề biết rằng đây sẽ là lần cuối cùng anh được nói chuyện trực tiếp với mẹ của mình.
Gia đình bị xáo trộn
Cha mẹ của anh Vương từng là giáo viên dạy ở trường trung học cơ sở. Họ sinh được ba người con gái và tiếp đó là đến anh Vương. Nhưng với quyết định sinh nhiều con hơn mức cho phép của chế độ theo chính sách một con mà hiện đã bị bãi bỏ, đã khiến cha mẹ anh Vương mất việc làm và buộc họ phải mở các cơ sở kinh doanh buôn bán nhỏ để kiếm sống. Việc này gây thêm căng thẳng cho cha mẹ anh khi họ đồng thời phải chịu đựng nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau.
Anh Vương luôn tâm niệm rằng Pháp Luân Công, vốn giảng dạy về các giá trị là chân, thiện, và nhẫn, đã mang lại sự hòa thuận cho gia đình anh. Bệnh tiểu đường của cha anh, bệnh huyết áp cao và các vấn đề về tim của mẹ anh đã biến mất sau khi họ bắt đầu tu luyện vào năm 1996.
Nếu anh Vương cư xử không đúng mực, thay vì đánh đòn anh, vốn thường hay xảy ra, họ sẽ dùng lý lẽ mà giảng giải cho anh và lắng nghe quan điểm của anh.
Tuy nhiên, cuộc bức hại sâu rộng của nhà cầm quyền vào năm 1999 đã làm đảo lộn cuộc sống gia đình êm ấm của họ.
Năm 2003, năm tháng sau khi cha anh Vương phải ngồi tù lần thứ tư, ông trở nên tiều tụy, và phát triển bệnh tiểu đường và suy thận.
“Nếu người đàn ông này không được trả tự do trong hôm nay, thì ngày mai ông ấy sẽ chỉ còn là một thi hài,” bác sĩ nhà tù cảnh báo các cai ngục, theo một lời chứng từ Minghui, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên ghi chép về cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Vì sợ rằng sẽ phải chịu trách nhiệm về sự qua đời của ông, nên những vị cai ngục ở đó đã thả ông ra.
Vào thời điểm anh Vương rời Trung Quốc vào năm 2008, sức khỏe của cha anh đã sa sút đến mức ông phải dựa vào thuốc giảm đau mới có thể ngủ được. Anh Vương kể lại rằng trong thời gian nghỉ học ở Trung Quốc, anh thường xuyên giúp cha xoa bóp cơ thể để ông bớt đau.
Anh Vương gọi về nhà vào ngày định mệnh tháng 11 năm 2009, hy vọng được nghe giọng nói quen thuộc của cha mình, một người cha mà những lời trách cứ và động viên nhẹ nhàng đã giúp anh có bước đi đúng hướng trong cuộc đời.
Thế nhưng, người nhấc máy lại là mẹ anh, bà nói rằng cha anh đã qua đời vì bệnh suy thận.
Anh Vương giấu mình trong phòng riêng và nước mắt anh cứ thế tuôn rơi trong hơn một tiếng đồng hồ, anh cảm thấy như “cả bầu trời sập xuống.”
“Một điều mà tôi chỉ thấy trên TV đột nhiên xảy ra với tôi, và đột nhiên, một trụ cột trong cuộc đời của tôi đã biến mất,” anh nói.
Chỉ còn một tháng nữa là đoàn nghệ thuật của anh sẽ có chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới. Anh Vương lúc nào cũng để cho bản thân tất bật: nào là chạy bộ, tập luyện, và ghi nhớ các động tác vũ đạo để quên đi nỗi đau đó.
Tuy nhiên, vào đêm khuya canh vắng, nỗi đau đó quay trở lại, và tất cả những gì anh có thể làm là “trở về phòng, quấn mình trong chăn, và nén nỗi đau xuống, từng chút từng chút một.”
Ngay cả hiện tại, cảm giác vô vọng đó vẫn đeo bám anh.
“Tôi có một mái ấm nhưng lại không thể trở về,” anh bày tỏ, đồng thời lưu ý đến nguy cơ cao sẽ bị bức hại.
“Ngay cả lúc cha tôi nhắm mắt xuôi tay, tôi cũng không thể được gặp mặt ông lần cuối.”
Nhiều năm sau đó, khi chính quyền nhắm mục tiêu vào mẹ anh, một lần nữa anh Vương cũng chỉ có thể đứng nhìn từ xa.
‘Chuyện này thật vô lý’
Bà Lưu, 69 tuổi, bị bắt giữ 11 lần và phải ở trong các cơ sở giam giữ khác nhau khoảng tám năm trước lần kết án cuối cùng.
Theo lời kể của gia đình, công an đã từng bắt giữ bà tại một bệnh viện, nơi bà đang chăm sóc cho đứa con gái thứ hai vẫn đang hôn mê bất tỉnh sau khi sinh em bé. Trong một lần bị bắt khác, bà Lưu bị giam trong một căn phòng tối tăm, ẩm thấp và bị buộc làm nô lệ lao động trong 17 tháng, phải làm những bông hoa nhựa mà sau đó cơ sở này sẽ bán lại để kiếm lời lớn. Việc ngồi lâu trên một chiếc ghế thấp khiến phần dưới cơ thể của bà bị sưng tấy và lở loét.
Bản án hình sự hôm 01/03 viện dẫn việc bà Lưu phân phát các tài liệu thông tin về Pháp Luân Công và thảo luận về môn tu luyện này với người dân địa phương được xem là bằng chứng phạm tội. Bà cũng bị phạt 10,000 nhân dân tệ (tương đương 1,500 dollar), một số tiền quá lớn đối với một người sống bằng tiền tiết kiệm như bà.
Gia đình đã không gặp bà Lưu kể từ khi bà bị bắt giữ hồi tháng Bảy năm ngoái và biết rất ít về tình hình của bà. Trong nhiều tháng, chính quyền đã từ chối yêu cầu thăm viếng của họ, lấy cớ là do các thủ tục phòng chống COVID nghiêm ngặt của Bắc Kinh.
“Mục đích bắt giữ một người 70 tuổi của các ông là gì vậy?” anh Vương hỏi. “Chuyện này thật là vô lý.”
Bà Lưu hiện đang bị giam giữ tại Trại giam số 4 Trường Sa. Bà đang kháng án và anh Vương đã đưa ra một bản kiến nghị với hy vọng thu hút nhiều sự chú ý hơn đến hoàn cảnh của mẹ mình.
‘Da bọc xương’
Anh Vương chưa bao giờ trực tiếp chứng kiến nhiều vụ đột kích và bắt bớ người thân như những gì gia đình anh phải gánh chịu. Anh học trường nội trú từ năm 12 tuổi và cha mẹ ít tiết lộ nỗi khổ tâm của họ với anh Vương và các chị gái để giảm bớt gánh nặng cho họ và để họ tập trung vào việc học.
Tuy nhiên, cha mẹ của anh Vương vẫn không thể hoàn toàn bảo vệ chính mình khỏi thực tế hãi hùng này.
Vào dịp Tết Nguyên Đán 2002, thời điểm mà các gia đình đoàn tụ để tổ chức ngày lễ lớn nhất trong năm, cả cha mẹ của anh Vương đều bị giam giữ, để lại bốn anh chị em ở nhà tự lo cho bản thân. Lúc đó anh Vương 14 tuổi.
“Đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy gia đình mình không trọn vẹn,” anh nói.
Cuối năm đó, anh Vương và các chị gái của mình đến thăm cha của họ trong tù. Anh Vương mang cho ông quần áo ấm và giăm bông tự làm.
Các lính canh ở đó không cho phép người bị giam giữ nói chuyện với người đến thăm. Từ bên kia tấm kính, anh Vương lo lắng nhìn cha mình viết những từ trên bảng phấn để giao tiếp, anh cảm thấy choáng váng khi tận mắt chứng kiến cuộc sống trong tù đã biến người cha có dáng vóc trung bình của anh nhanh chóng chỉ còn lại “một bộ da bọc xương.”
“Tất cả những gì tôi có thể nói với cha rằng tôi vẫn khỏe và tôi đã giành được giải thưởng gì trong các cuộc thi múa,” anh nói.
‘Còn hàng triệu người nữa’
Khi anh Vương sống ở Trung Quốc, mỗi lần đối mặt với những người bạn của mình, anh đều cảm thấy rất khó khăn vì anh không thể giải thích vì sao cha mẹ anh lại bị bỏ tù nhiều lần như vậy dù không phạm tội gì. Trong môi trường đàn áp này, anh không được tự do thảo luận cởi mở về Pháp Luân Công hay cuộc bức hại đối với cha mẹ mình vì sợ rằng bản thân anh sẽ bị nhắm mục tiêu.
Nhưng cho dù có cảm xúc nào chất chứa trong tâm, thì anh cũng có thể tìm thấy một lối thoát qua những động tác vũ đạo tại Shen Yun.
Trong mùa lưu diễn năm 2010 của công ty, anh Vương đóng vai cha của một cô gái trẻ bị đánh đập đến tử vong vì từ chối buông bỏ Pháp Luân Công.
Trong vở diễn này, ngay trước khi chiến dịch khủng bố của chính quyền cộng sản nổ ra, anh Vương ôm cô gái trong tay và vuốt tóc cô, một cảnh khiến anh Vương nhớ lại cha của mình đã cõng anh trên vai như thế nào khi anh còn nhỏ.
Anh nói: “Cảm giác thật hạnh phúc, thật an toàn.”
Sống ở một đất nước tự do, anh Vương nguyện cất lên tiếng nói của những người không thể tự mình cất lên tiếng nói ở Trung Quốc cộng sản.
“Chuyện này không chỉ về mỗi gia đình tôi, anh nói. “Mà còn hàng triệu gia đình ngoài kia đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn như vậy hoặc còn tệ hơn nữa.”
Khi anh Vương hồi hộp chờ đợi nhiều cuộc điện thoại hơn từ Trung Quốc, anh cảm thấy an ủi phần nào khi biết mẹ của anh rất kiên cường.
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times