Báo cáo: Bắc Kinh đưa cuộc đàn áp tín ngưỡng của mình vào sách giáo khoa Hoa Kỳ
Một báo cáo mới đã phát hiện ra rằng nhà cầm quyền Trung Quốc đã xuất cảng cuộc đàn áp cực tả đối với tín ngưỡng của mình sang đất Hoa Kỳ thông qua các tài liệu phỉ báng trong sách giáo khoa đại học.
Với nhan đề “Giám sát, Vu khống, và Kiểm duyệt,” báo cáo do Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp (FalunInfo) có trụ sở tại New York công bố vào ngày 25/05 đã khảo sát hàng chục khuôn viên trường đại học trên khắp Hoa Kỳ có sự hiện diện của Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần bị đàn áp nặng nề ở Trung Quốc cộng sản, để xem cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc đang ảnh hưởng đến những học viên của tín ngưỡng này ở Hoa Kỳ như thế nào.
Báo cáo phát hiện ra rằng có ít nhất 10 trường đại học — trong đó có Đại học Yale, Đại học Brown, Đại học Chicago, Đại học Michigan, và Cao đẳng Wellesley — đang sử dụng tài liệu giảng dạy cho một khóa học tiếng Trung có chứa thông tin phỉ báng về môn tu luyện tinh thần này.
Cuốn sách giáo khoa kể trên có nhan đề “Discussing Everything Chinese” (Đàm Luận Về Mọi Phương Diện Của Trung Quốc). Trong sách có một phần đề cập đến Pháp Luân Công, theo đó “cố gắng hợp pháp hóa cuộc đàn áp đức tin của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công bằng cách xuyên tạc môn tu luyện này và quy kết các học viên của môn này mắc các vấn đề tâm lý,” báo cáo nêu rõ.
Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần gồm các bài tập khoan thai và các giáo lý đạo đức dựa trên ba nguyên lý cốt lõi: chân, thiện, và nhẫn. Môn tu luyện này đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc trong những năm 1990, với các ước tính cho rằng số lượng học viên lên tới từ 70 triệu đến 100 triệu người.
Lo sợ rằng số lượng học viên lớn như vậy sẽ đe dọa đến sự kiểm soát độc tài của mình, chính quyền cộng sản đã khởi xướng một chiến dịch sâu rộng bắt đầu từ tháng 07/1999 và vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay, để đàn áp Pháp Luân Công và các học viên của môn tu luyện này.
Kể từ đó, hàng triệu học viên ở Trung Quốc đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động, và các cơ sở khác, với hàng trăm ngàn người bị tra tấn trong khi bị tống giam, theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp.
Một thành phần quan trọng trong cuộc bức hại của ĐCSTQ là chiến dịch thông tin sai lệch nhắm vào pháp môn tu luyện này, nhằm khiến người dân Trung Quốc phản đối Pháp Luân Công và các học viên của môn này. Để đạt được mục tiêu đó, nhà cầm quyền cộng sản đã dựa rất nhiều vào tuyên truyền để kích động lòng thù hận đối với môn tu luyện và phỉ báng những người tu luyện môn này.
Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, chiến dịch tuyên truyền của ĐCSTQ đã mở rộng sang phương Tây, nơi chiến dịch này tập trung vào việc gán nhãn một cách “ác ý và không chính xác” rằng Pháp Luân Công là một “tà giáo,” nhằm bôi nhọ môn tu luyện này.
Báo cáo này tuyên bố, “Các khía cạnh trên thực tế trong chiến dịch xóa sổ Pháp Luân Công của ĐCSTQ đi kèm với một nỗ lực tuyên truyền có hệ thống, trên diện rộng nhằm làm mất danh dự và vu khống Pháp Luân Công, đặt điều sai trái và kích động những nỗi sợ vô căn cứ rằng nhóm này nguy hiểm hoặc hung bạo.”
Báo cáo tiếp tục cho biết, sách “Đàm Luận Về Mọi Phương Diện Của Trung Quốc” lặp lại tuyên truyền của ĐCSTQ bằng cách đưa ra những tuyên bố vô căn cứ như “Pháp Luân Công có thể khiến con người ta phát điên” và cáo buộc các học viên cổ xúy “những ý tưởng cực đoan như nhịn ăn, ép buộc không cho ngủ, và từ chối bất kỳ phương pháp điều trị y tế nào” — những tuyên bố mà Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp bác bỏ. Các bài tập trong cuốn sách giáo khoa này thậm chí còn yêu cầu sinh viên liên tưởng môn tu luyện này với những người theo dị giáo.
Theo báo cáo, cuốn sách giáo khoa này cũng có các bài tập tán thành Chính sách Một Con của Trung Quốc “như một biện pháp hợp pháp để kiểm soát sự gia tăng dân số” và thúc đẩy “một tâm lý chống Mỹ mạnh mẽ.”
Sách nhiễu và kiểm duyệt
Báo cáo này cho thấy tại ít nhất chín trường đại học, những người trả lời khảo sát đã từng gặp phải hoặc nghe nói về việc gây rối trong các sự kiện của Pháp Luân Công; sáu trong số những trường hợp can nhiễu đó liên quan đến Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc (CSSA), một tổ chức có liên kết với lãnh sự quán.
Được cho là được thành lập để giúp sinh viên quốc tế và thúc đẩy trao đổi văn hóa, các phân hội của CSSA nằm trong các hoạt động gây ảnh hưởng ở ngoại quốc đang lan rộng của Bắc Kinh theo chỉ lệnh của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD) thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Theo các nhà phân tích, ban công tác này của đảng đang điều phối hàng ngàn nhóm người tiến hành các hoạt động gây ảnh hưởng chính trị ở ngoại quốc, đàn áp các phong trào bất đồng chính kiến, thu thập thông tin tình báo, và tạo thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ của Hoa Kỳ sang Trung Quốc.
Một vụ việc như vậy đã xảy ra tại Đại học Pennsylvania (UPenn), nơi câu lạc bộ Pháp Luân Đại Pháp đồng tổ chức buổi chiếu phim tài liệu “In the Name of Confucius” (Nhân danh Khổng Tử), phơi bày mối quan hệ giữa các Viện Khổng Tử — một chương trình dạy tiếng Trung có quan hệ đối tác với hơn 1,600 trường đại học ở ngoại quốc và các trường học trên khắp thế giới — và chính quyền Trung Quốc.
Sự kiện này do Viện Athenai và hội Sinh viên vì một Tây Tạng Tự Do (SFT) đồng tổ chức, và được Hiệp hội Sinh viên Sau đại học và Có công việc chuyên nghiệp (GAPSA) quảng bá.
Báo cáo cho biết, sau sự kiện này, ít nhất 79 sinh viên và cựu sinh viên tốt nghiệp có liên quan đến CSSA đã gửi khiếu nại tới GAPSA, gọi những người tổ chức sự kiện này là các tổ chức “chống Trung Quốc.” Họ cũng chỉ trích GAPSA vì đã quảng bá sự kiện này, xem đó là một “hành động phân biệt đối xử đối với Cộng đồng người Hoa tại UPenn.”
Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, một số người đã cố gắng làm mất đi tính hợp pháp của sự kiện này bằng cách nói rằng buổi chiếu phim đã cổ xúy cho “lòng thù hận chống người Á Châu,” mặc dù thực tế là cả đạo diễn của bộ phim và chủ tịch câu lạc bộ Pháp Luân Công đều là người gốc Hoa.
Báo cáo nêu rõ: “Nỗ lực này phù hợp với một mô hình được báo cáo tại các khuôn viên trường đại học khác, đó là việc các sinh viên Trung Quốc gửi khiếu nại về các sự kiện có quan điểm lên án ĐCSTQ, tuyên bố rằng các sự kiện này thúc đẩy sự thù hận chống người Á Châu.”
Các sinh viên có liên kết với CSSA cũng tổ chức một chiến dịch sách nhiễu trực tuyến và gây áp lực buộc trường đại học này phải trừng phạt câu lạc bộ Pháp Luân Công.
Kết quả là, theo báo cáo, chủ tịch Câu lạc bộ Pháp Luân Công đương thời tuyên bố rằng cô đã bị sang chấn tâm lý và lo âu liên tục do bị sách nhiễu.
Kỳ thị và sang chấn tâm lý
Báo cáo này nêu rõ, “Các chiến dịch sách nhiễu hung hăng và mô tả sai lệch về môn tu luyện này trong sách giáo khoa, các bản tin trên truyền thông, và các bài thuyết trình của sinh viên Trung Quốc — những người thường có liên kết với các phân hội của CSSA — có thể góp phần gây ra sự phân biệt đối xử, đe dọa, và sang chấn tâm lý đối với các sinh viên tu luyện Pháp Luân Công.”
Cuộc khảo sát của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp cho thấy, nhiều học viên Pháp Luân Công tại các trường đại học cảm thấy “sợ bị kỳ thị” và chịu “các phản ứng tiêu cực” từ các sinh viên hoặc giảng viên Trung Quốc. Một số thậm chí còn kể lại rằng bản thân từng chịu đựng phản ứng dữ dội từ các sinh viên Trung Quốc thế hệ thứ hai hoặc các sinh viên không phải là người gốc Hoa nhưng đã đọc tuyên truyền của ĐCSTQ.
Một phần năm số người tham gia khảo sát cho biết họ cảm thấy phần nào hoặc rất không an tâm khi tự nhận mình là một học viên Pháp Luân Công hoặc nói về điều đó trong lớp học.
Những người được hỏi cũng đề cập đến hình thức quấy rối trực tuyến và các bài đăng trên mạng xã hội nhằm can ngăn mọi người tham gia các sự kiện của Pháp Luân Công hoặc nói chuyện với các học viên.
Báo cáo kết luận, “Sự phân biệt đối xử và kỳ thị diễn ra [tại các trường đại học Hoa Kỳ]… theo những cách mà nhiều người sẽ xem là không thể chấp nhận được trong trường hợp điều này xảy ra với các đức tin khác.”
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times