Mất ngủ, khó ngủ? Thực liệu Trung Y và xoa bóp huyệt vị có thể giải quyết
Không ít người thường thức dậy trước lúc bình minh và không thể ngủ lại được, vì thế mà phiền não, cơ thể mỏi mệt. Tại sao lại như vậy? Phải chăng cơ thể có chỗ nào không ổn? Trung Y giải thích và điều trị như thế nào?
Thức dậy trước bình minh đa phần là do gan, phổi không tốt
Trung Y cho rằng 12 kinh mạch là những con đường chính để lưu thông khí huyết trong cơ thể, và chúng tồn tại ở trong không gian khác. Khí huyết lưu động có chu kỳ thuận theo 12 kinh mạch, được gọi là 12 kinh mạch chính, mỗi thời thần (hai giờ đồng hồ) vận hành theo một kinh mạch. Thứ tự vận hành như sau: Kinh phế (3~5 giờ), Kinh đại tràng (5~7 giờ), Kinh vị (7~9 giờ), Kinh tỳ (9~11 giờ), Kinh tâm (11~13 giờ), Kinh tiểu tràng (13~15 giờ), Kinh bàng quang (15~17 giờ), Kinh thận (17~19 giờ), Kinh tâm bào (19~21 giờ), Kinh tam tiêu (21~23 giờ), Kinh đảm (23~1 giờ), Kinh can (1~3 giờ).
Khí huyết vận động trong 12 kinh mạch ở không gian khác có thể thúc đẩy tạng phủ tại không gian vật chất của chúng ta sinh ra các hoạt động sinh lý khác nhau. Tạng phủ là chỉ Ngũ tạng gồm: Can (gan), Tâm (tim), Tỳ (lá lách), Phế (phổi), Thận; và Lục phủ bao gồm: Đảm (túi mật), Vị (dạ dày), Tiểu tràng (ruột non), Đại tràng (ruột già), Bàng quang và Tam tiêu.
Rối loạn chức năng của bất kỳ phủ tạng nào trong cơ thể con người cũng sẽ dẫn đến mất ngủ. Trung Y cho rằng Tâm chủ thần minh (tạng Tâm làm chủ thể cho mọi hoạt động về tư duy, tinh thần và ý thức), và chứng mất ngủ có liên quan mật thiết đến tim. Ví như tâm hỏa quá mạnh thì tâm thần rối loạn, sẽ dẫn đến mất ngủ; thận hư, thận thủy không tốt, tâm hỏa… thì cũng sẽ bị mất ngủ; khí huyết quá thịnh hay quá thiếu, hoặc rối loạn kinh mạch, đều có thể dẫn đến mất ngủ.
Một số người, đặc biệt là người già, nếu thức dậy lúc 1~3 giờ sáng thì không thể ngủ tiếp được nữa, vì sao như vậy? Trong “Huyết Chứng Luận” nói: “Can tàng hồn, nhân ngụ tắc hồn du vu mục. Nhược dương phù vu ngoại, hồn bất nhập can, tắc bất mị”. Trung y cho rằng khoảng thời gian này là kinh lạc lưu thông đến gan, người già gan âm không đủ, không thể nuôi dưỡng hồn, dương không nhập được âm, dẫn đến thức giấc sớm.
Trung Y cũng cho rằng “Can tàng huyết” (gan lưu trữ máu), khi chìm vào giấc ngủ trong khoảng thời gian này, gan có thể phát huy đầy đủ chức năng và hỗ trợ cơ thể sản xuất máu. Tuy nhiên, nếu gan bị rối loạn hoặc gan huyết không đủ do tuổi già hoặc bệnh tật, sau khi thức giấc trong thời gian này thì sẽ khó đi vào giấc ngủ. Phương pháp điều trị là tìm bác sĩ Đông y chẩn đoán, xoa bóp các huyệt vị, uống thuốc Đông y hoặc phương pháp thực liệu.
Phế thì có vấn đề về hư và thực (đặc). Xoa huyệt Tam Âm Giao thuận theo chiều kim đồng hồ có thể dưỡng Can (dưỡng gan), xoa huyệt Thái Xung ngược chiều kim đồng hồ có thể tả Can (giải tỏa gan), đây là liệu pháp tự xoa bóp đơn giản nhất. Nếu ấn thêm các huyệt Thần Môn và Nội Quan thì có thể trấn tĩnh tinh thần, xoa bóp trường kỳ sẽ có tác dụng tốt.
Sau khi Kinh Can giải độc máu từ 1-3 giờ sáng sẽ đem máu cung cấp cho Phế (3-5 giờ sáng), rồi Kinh Phế đưa máu đi khắp cơ thể. Do lúc này kinh mạch vận hành đến Phế nên những người mắc bệnh về phổi như phế âm hư, huyết hư, hỏa vượng sẽ có phản ứng rất mạnh. Bệnh nhân mắc chứng phế thực thường sẽ thức giấc do ho nhiều hoặc hen suyễn, tức ngực, khó thở và khó ngủ lại được. Bệnh nhân mắc chứng phế hư sẽ tỉnh giấc do ho khan hoặc tay chân lạnh, tê bì, khó thở.
Người cao tuổi sẽ bị mất ngủ do khí huyết không đủ, tắc nghẽn đường thở, thiếu Doanh khí có thể gây ra nội thương Vệ khí, Doanh-Vệ bất hòa sẽ dẫn đến mất ngủ. Do đa số người cao tuổi có vấn đề về phổi nên đa phần sẽ thức dậy vào lúc 3~5 giờ và không thể ngủ lại nữa. Bệnh nhân nếu thuộc chứng phế thực thì có thể làm giảm các triệu chứng bằng cách xoa huyệt Ngư Tế và huyệt Xích Trạch theo ngược chiều kim đồng hồ. Nếu bệnh nhân thuộc chứng phế hư, có thể xoa bóp huyệt Thái Uyên và huyệt Kinh Cừ thuận theo chiều kim đồng hồ.
Trường kỳ mất ngủ, ăn như thế nào để có thể dễ ngủ?
Ngoài châm cứu ra, quý vị có thể dùng thêm các thực phẩm có màu trắng như bắp cải, lê, sữa đậu nành, sữa bò, v.v. Quý vị cũng có thể dùng 100 gam long nhãn, 100 gam hạt sen, 20 gam bách hợp nấu thành chè. Món chè này có tác dụng dưỡng tâm, an thần, bổ tỳ, dưỡng phổi, bổ thận, thích hợp cho bệnh nhân cao tuổi, mất ngủ lâu ngày.
◎ Bệnh án: Bệnh nhân nọ 73 tuổi, suốt trong 2 tháng gần như mỗi ngày đều thức dậy lúc 3~4 giờ sáng, sau đó rất khó ngủ lại. Ông thỉnh thoảng có cơn khát, ăn uống bình thường, hai má hơi đỏ, toàn thân khô, lưỡi nhỏ và đỏ, lớp phủ lưỡi mỏng và khô, mạch nhỏ, nước tiểu hơi vàng, phân khô, 2-3 ngày đi một lần. Đây là một triệu chứng điển hình của chứng phế âm hư. Bởi vì bệnh nhân không chịu dùng thuốc Trung Y, vì vậy hướng dẫn bệnh nhân uống một cốc nước ấm pha mật ong sau khi thức dậy vào buổi sáng, uống xong có thể tiếp tục chìm vào giấc ngủ.
Tác giả: Bác sĩ Trung y Đàm Vỹ
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ