Tình trạng dư thừa công suất và chiến thuật bán phá giá của Trung Quốc
Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu đã bày tỏ lo ngại về tình trạng dư thừa năng lực sản xuất của Trung Quốc trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, từ thép, nhôm đến pin lithium, sản phẩm năng lượng mới, xe điện (EV), và pin quang năng.
Để giảm bớt tình trạng dư thừa này, Trung Quốc thường sử dụng biện pháp “bán phá giá”—xuất cảng hàng hóa dư thừa với giá thấp hơn giá bán trong nước hoặc chi phí sản xuất. Thực tiễn này làm suy yếu ngành công nghiệp ở các quốc gia khác đang cố gắng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu bằng cách bán sản phẩm với giá hợp lý để có được một lợi nhuận khả dĩ.
Hồi tháng Tư, Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đến thăm Bắc Kinh để bày tỏ mối lo ngại của họ về tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc và tác động tiêu cực tiềm tàng của vấn đề này đối với các công ty Mỹ và Âu Châu.
Một số người cho rằng việc bán phá giá không tồn tại, cho rằng các sản phẩm của Trung Quốc rẻ hơn là do chi phí lao động giảm và hiệu quả được cải thiện. Một quan điểm khác cho rằng việc bán phá giá mang lại lợi ích cho người tiêu dùng ở các quốc gia khác thông qua việc cung cấp các sản phẩm được giảm giá. Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng việc bán phá giá có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho các ngành công nghiệp trong nước, khiến các công ty phá sản và ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc để sản xuất.
Về thị trường tự do, đúng là các công ty có quyền bán sản phẩm với giá rẻ hoặc thậm chí bán dưới giá thành. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường tự do, một công ty không thể tồn tại nếu có doanh thu âm. Và đây là lúc các khoản trợ cấp của chính phủ xuất hiện. EU và Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc điều tra về lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc để xác định xem liệu Bắc Kinh có đang trợ cấp cho các ngành công nghiệp, cho phép họ bán sản phẩm với giá thấp hơn, hay không. Trợ cấp không công bằng là một hành động vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới. Các quốc gia có quyền đánh thuế đối với các sản phẩm do chính phủ ngoại quốc trợ cấp. Trợ cấp đã là một trong nhiều lý do khiến chính phủ cựu Tổng thống Trump ban hành rất nhiều mức thuế quan đối với hàng nhập cảng của Trung Quốc, gây ra cuộc chiến thương mại.
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình có một số lựa chọn nếu muốn khắc phục tình trạng dư thừa công suất này đồng thời giao thương công bằng với thế giới. Tuy nhiên, hầu hết các lựa chọn này đều gây đau đớn trong ngắn hạn. Bắc Kinh có thể giải quyết tình trạng dư thừa công suất thông qua việc cho phép các ngành công nghiệp đang gặp khó khăn hợp nhất hoặc chuyển đổi sản xuất để đáp ứng nhu cầu thực tế. Về lâu dài, biện pháp này sẽ dẫn đến một nền kinh tế hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, việc tái cấu trúc có thể sẽ dẫn đến mất việc làm. Những thay đổi trong chính sách công nghiệp dẫn đến mất việc làm sẽ không phải là tin tức đáng mừng đối với một quốc gia vốn dĩ đã trong hoàn cảnh nan giải với tình trạng thất nghiệp ở thanh niên. Vấn đề còn phức tạp hơn bởi thực tế là 11.7 triệu sinh viên sẽ tốt nghiệp đại học vào tháng tới và tham gia thị trường việc làm.
Để giảm thiểu dư thừa công suất và ngăn chặn tình trạng hiện tại tái diễn, Trung Quốc phải tái cấu trúc các ngành công nghiệp, loại bỏ trợ cấp của chính quyền, và trao quyền cho các công ty đổi mới. Ông Tập ủng hộ sự thay đổi theo hướng đổi mới và sản xuất có giá trị cao hơn, tuy nhiên ông vẫn tiếp tục quản lý quốc gia như một bàn cờ. Ông bỏ qua sự cần thiết phải rút bớt ảnh hưởng của chính quyền khỏi thị trường, tạo điều kiện để cho các doanh nhân hoạt động vì lợi nhuận giải quyết vấn đề cạnh tranh.
Việc cho phép các lực lượng thị trường hoạt động mà không bị cản trở bởi sự kiểm soát của chính quyền là điều cần thiết. Hiện nay, các công ty đang sản xuất nhiều hàng hóa hơn nhu cầu, dẫn đến việc phân bổ nguồn lực không đúng chỗ. Các doanh nghiệp nhà nước thường được ưu tiên tiếp cận các nguồn lực, trong khi các doanh nghiệp tư nhân xứng đáng vì có những ý tưởng hiệu quả, tạo ra lợi nhuận thường bị bỏ lại phía sau trong việc phân bổ nguồn lực. Bình đẳng hóa quyền tiếp cận [nguồn lực] cho khu vực tư nhân đòi hỏi cải tổ thị trường một cách toàn diện, giảm bớt sự thống trị của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế, và chấp nhận cạnh tranh toàn cầu bằng cách mở cửa nền kinh tế Trung Quốc. Hướng đi này sẽ đòi hỏi phải nới lỏng các hạn chế đối với đầu tư ngoại quốc, kể cả trong các lĩnh vực “nhạy cảm.” Trong khi tất cả các quốc gia áp đặt một số hạn chế đối với đầu tư ngoại quốc do lo ngại về an ninh quốc gia, thì định nghĩa mở rộng của Trung Quốc về “nhạy cảm” lại hạn chế quá mức đầu tư ngoại quốc, đóng cửa một bộ phận lớn nền kinh tế nước này.
Về lâu dài, trợ cấp sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc. Dữ liệu thương mại gần đây nhất chứng minh rằng trong khi khối lượng xuất cảng tăng, nhưng doanh thu lại giảm, do giá xuất cảng thấp. Một vấn đề khác với các khoản trợ cấp là việc trợ cấp chuyển tiền của người đóng thuế hoặc doanh thu của chính quyền sang các công ty thiếu năng lực cạnh tranh toàn cầu. Trợ cấp cũng loại bỏ các động lực khuyến khích các công ty cải tiến. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các khoản trợ cấp của Bắc Kinh không thúc đẩy được năng suất.
So sánh nền kinh tế Trung Quốc với một gia đình, ở Hoa Kỳ, nhiều bậc cha mẹ có tư tưởng bảo tồn truyền thống tin rằng con họ nên đảm nhận công việc bán thời gian. Họ lo lắng rằng nếu trẻ em phụ thuộc quá nhiều vào tiền bạc của cha mẹ, chúng sẽ không học được cách cạnh tranh hiệu quả trong thế giới thực. Tương tự, các công ty từ một nước xã hội chủ nghĩa, ngay cả một công ty có đặc điểm Trung Quốc, cũng phải đối mặt với một thực tế khác so với các công ty từ các nước tư bản, nơi mà sự cạnh tranh diễn ra rất khốc liệt. Cạnh tranh về giá buộc các công ty phải nâng cao hiệu quả, từ đó giảm chi phí. Ngược lại, việc dựa vào sự trợ cấp của chính quyền sẽ làm giảm động lực cải tiến sản phẩm hoặc quy trình sản xuất.
Điều này nghe hơi giống chủ nghĩa Darwin về kinh tế. Các công ty sống sót qua thực tế khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường có xu hướng nổi lên mạnh mẽ và đổi mới hơn những công ty được chính phủ xã hội chủ nghĩa che chở. Các công ty được che chở thường sản xuất các sản phẩm kém chất lượng với chi phí cao hơn và dựa vào trợ cấp của chính quyền để có lợi nhuận.
Một số quốc gia có thể thực hiện các biện pháp tẩy chay hoặc quy định hạn ngạch để phản ứng lại hành vi bán phá giá của Trung Quốc. Hoa Kỳ và EU nên tiếp tục áp dụng các mức thuế quan nhằm đưa giá hàng nhập cảng của Trung Quốc lên ngang bằng với giá các sản phẩm nội địa tương ứng. Cách tiếp cận này sẽ không chỉ làm giảm doanh số bán hàng của Bắc Kinh mà còn cho phép phương Tây phát triển hơn nữa cơ sở công nghiệp của họ đồng thời giảm dần sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng vốn đang bị Trung Quốc thống lĩnh.
Đáp lại cáo buộc bán phá giá của Mỹ và EU, tờ China Daily do nhà nước điều hành của Trung Quốc viết: “Trung Quốc lên án việc EU lấy cớ cho các hoạt động chống bán phá giá.” Đây là phản ứng điển hình của ĐCSTQ, nếu Hoa Kỳ và EU phản ứng phòng thủ trước hành vi gian lận thương mại của Trung Quốc, thì ĐCSTQ sẽ khóc lóc kể lể để buộc tội thế giới có âm mưu bất công chống lại họ, phớt lờ sự thật rằng họ là bên sai phạm.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times