DNA dịch bệnh Cái chết Đen được tìm thấy trong bộ răng 4,000 năm tuổi ở Anh quốc
Các bằng chứng DNA mới cho thấy vi khuẩn Yersinia pestis đã tồn tại ở Anh quốc hàng nghìn năm trước khi gây nên đại dịch Cái chết Đen (còn gọi bệnh dịch hạch) ở lục địa Á-Âu vào thế kỷ 14.
Yersinia pestis (Y. pestis) là một vi khuẩn gây bệnh dai dẳng được biết là đã lan rộng khắp lục địa Á-Âu trong nhiều thế kỷ, đỉnh điểm là một đại dịch với 25 triệu ca tử vong. Sự lây lan của Cái chết Đen đạt đến đỉnh điểm trong khoảng thời gian từ năm 1346 đến năm 1353, khiến nó trở thành bệnh truyền nhiễm khiến nhiều người tử vong nhất trong lịch sử nhân loại.
Tuy nhiên gần đây, một nhóm các khoa học gia đã phát hiện DNA của vi khuẩn Yersinia pestis 4,000 năm trước. Những phát hiện này đã được trình bày chi tiết trong một nghiên cứu được công bố vào ngày 30/05/2023 trên tạp chí “Nature Communications,” là bằng chứng lâu đời nhất về bệnh dịch hạch được tìm thấy ở Anh quốc cho đến nay.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện hai trường hợp hài cốt nhiễm Yersinia pestis tại một nghĩa trang tập thể gần Somerset, tây nam Anh quốc; trường hợp thứ ba được tìm thấy tại một di chỉ ở Cumbria, tây bắc Anh quốc. Sau khi thu thập một lượng nhỏ mẫu từ 34 bộ hài cốt ở hai địa điểm này, các nhà nghiên cứu đã tiến hành sàng lọc để tìm vi khuẩn Yersinia pestis trong các mẫu răng, bởi vì tủy răng có thể chứa tàn tích DNA của vi khuẩn, trước đây cách này đã giúp các khoa học gia tìm thấy bằng chứng của bệnh dịch hạch.
Sau khi trích xuất tủy răng, họ đã phân tích DNA và xác định được ba trường hợp nhiễm Yersinia pestis, hai trong số đó là trẻ em ước tính tử vong trong khoảng 10-12 tuổi, trường hợp thứ ba là một phụ nữ 35-45 tuổi. Dựa trên việc xác định niên đại bằng carbon phóng xạ, những người này rất có khả năng sống trong cùng một thời đại.
Trong một tuyên bố, ông Pooja Swali thuộc Viện Francis Crick, nghiên cứu sinh tiến sĩ và đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Việc phát hiện mầm bệnh cổ xưa trong các mẫu đã thoái hóa từ hàng nghìn năm trước là điều khiến mọi người khó mà tin nổi. Những bộ gene này giúp chúng tôi hiểu được quá trình lây truyền và phát triển của mầm bệnh trong quá khứ, đồng thời giúp chúng tôi hiểu được những gene nào có thể quan trọng đối với sự lây lan của căn bệnh này.”
Ông cho biết thêm: “Chúng tôi phát hiện phả hệ di truyền của Yersinia pestis (bao gồm cả bộ gene của nghiên cứu mới) sẽ mất dần gene theo thời gian, một tình huống mà sau này cũng xảy ra trong các đợt dịch do cùng một mầm bệnh khởi phát.”
Vào cuối Thời đại đồ đá mới và Thời đại đồ đồng trong khoảng từ 5,000 đến 2,500 năm trước, dấu tích của bệnh dịch hạch từng được tìm thấy trên hài cốt của nhiều người sống ở lục địa Á-Âu. Tuy nhiên, trước đây vẫn chưa có bằng chứng tương tự nào về bệnh dịch hạch được tìm thấy ở Anh quốc. Chủng vi khuẩn ban đầu này rất có khả năng đã được đưa vào Trung Âu và Tây Âu khi con người di chuyển sang lục địa Á-Âu vào khoảng 4,800 năm trước. Nghiên cứu mới cho thấy nó cũng đã lan rộng hơn về phía Tây và tiến vào Anh quốc. Phạm vi địa lý rộng lớn của chủng khuẩn này cho thấy nó có khả năng lây nhiễm rất mạnh.
Trình tự bộ gene cho thấy vi khuẩn Yersinia pestis được phát hiện trong nghiên cứu mới này rất giống với một chủng cùng thời đại được tìm thấy ở phía đông lục địa Á-Âu, nhưng khác với chủng bệnh dịch hạch xuất hiện sau đó, bởi vì nó thiếu gene yapC và ymt – hai loại gene đều xuất hiện trong các chủng bệnh dịch hạch sau này. Gene ymt đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền bệnh dịch hạch thông qua bọ chét. Chủng vi khuẩn ban đầu này rất có khả năng không lây truyền qua bọ chét, nó không giống như các chủng bệnh dịch hạch sau này, chẳng hạn như chủng gây ra Cái chết Đen vào thế kỷ 14.
Nhóm nghiên cứu không thể hoàn toàn chắc chắn rằng những người được mai táng trong những ngôi mộ cổ này có bị nhiễm cùng một chủng bệnh dịch hạch hay không, vì DNA gây bệnh phân hủy rất nhanh trong các mẫu không hoàn chỉnh hoặc bị ăn mòn.
Nghĩa trang ở Somerset cũng rất đặc biệt, bởi vì nó không khớp với những nghĩa trang khác có niên đại từ thời kỳ này. Những người được mai táng ở đó dường như đã tử vong vì chấn thương. Nhóm nghiên cứu cho rằng việc mai táng tập thể ở đây không phải do sự bùng phát của bệnh dịch hạch chết người, mặc dù những người được nghiên cứu có thể đã bị nhiễm bệnh khi họ chết.
Ông Pontus Skoglund, đồng tác giả nghiên cứu và là nhà di truyền học của Viện Francis Crick cho biết trong một tuyên bố rằng: “Chúng tôi hiểu rằng rất nhiều đợt bùng phát bệnh dịch hạch trong lịch sử, chẳng hạn như Cái chết Đen, có tác động to lớn đến xã hội và sức khỏe con người, nhưng DNA cổ đại có thể lưu lại các bệnh truyền nhiễm sớm hơn nhiều.”