Tại sao chúng ta cần đến sự hiếu kỳ
Sự hiếu kỳ, triết lý, và nền văn minh
Sự hiếu kỳ là bệ đỡ cho mọi triết lý và văn hóa chân chính.
“Sự hiếu kỳ” nguyên gốc có hàm ý sâu xa hơn sự tò mò tiêu khiển đơn thuần. Giáo sư người Anh là Dennis Quinn từng viết một cuốn sách về chủ đề này – “Iris Exiled: A Synoptic History of Wonder” (Nữ thần Iris Bị Lưu Đày: Lịch Sử Khái Quát Về Điều Kỳ Diệu) – trong đó ông bắt đầu phác thảo định nghĩa cho chúng ta: “Sự hiếu kỳ, luôn được coi là niềm đam mê, được triết gia Aquinas và nhiều người khác trước ông phân loại là một kiểu sợ hãi.” Thoạt nhìn, cách nói rằng sự hiếu kỳ là một loại sợ hãi có thể khiến chúng ta cảm thấy khác thường. Tuy nhiên, ông Quinn tiếp tục giải thích rằng tính hiếu kỳ có liên hệ với nỗi sợ hãi bởi vì nó khiến chúng ta nhận thức được tất cả những điều mà mình không biết, và cũng khiến chúng ta lo sợ bản thân mình vẫn còn thiếu hiểu biết.
Sự hiếu kỳ bắt nguồn từ “nỗi sợ hãi” lại là điều thú vị bởi vì nó làm tăng thêm niềm vui khi khám phá ra điều gì đó. Lấy một ví dụ, khi trẻ em đối diện với sự bí ẩn kỳ vĩ, chẳng hạn như thủy triều ở đại dương, các em sẽ trải nghiệm cảm giác kính sợ trước vẻ hùng vĩ, cùng lúc các em nhận ra rằng mình không biết nguyên nhân của hiện tượng đó. Mong muốn đào sâu hơn vào bí ẩn này sẽ truyền cảm hứng và thôi thúc cậu bé hoặc cô bé tìm kiếm câu trả lời. Cảm giác tò mò càng sâu sắc, thì niềm vui càng trọn vẹn khi đứa trẻ bắt đầu hiểu được vai trò của mặt trăng đối với thủy triều (mặc dù chính điều này bao hàm một tầng bí ẩn khác nữa).
Ông Quinn viết: “Quả thực là sự hiếu kỳ xuất phát từ điều gì đó chẳng dễ chịu chút nào, nhận thức ra mình vô tri, và cho đến khi hiểu ra được, rồi lại lặp lại trạng thái này. Nhưng cách duy nhất để một người có thể thoát khỏi sự vô tri là mong muốn và khao khát hiểu biết, đây là những hoạt động thú vị. Một người đàn ông bị cầm tù sẽ thấy hoàn cảnh của mình thật khó chịu, nhưng anh ta sẽ cảm thấy dễ chịu khi dự định đào tẩu.”
Chúng ta có thể nói thêm rằng ngoài việc đem theo nỗi sợ hãi về sự vô tri, tính hiếu kỳ chân chính cũng khơi dậy cảm giác nhỏ bé hoặc khiêm nhường bên trong chúng ta. Ông John Senior, đồng nghiệp của ông Quinn, định nghĩa sự hiếu kỳ là “biết kính sợ khi cái đẹp khiến chúng ta rung động.” Khi trải nghiệm điều gì đó tráng lệ và hùng vĩ, chúng ta bị thu hút thoát khỏi sự ràng buộc của bản thân và nhận ra rằng mình có đặc quyền tiếp xúc với điều gì đó vĩ đại hơn bản thân, điều gì đó vượt quá khả năng hiểu biết thấu đáo của chúng ta và đó cũng là một loại “sợ hãi” – nhưng là nỗi sợ đáng mừng.
Thật vậy, niềm vui cũng đóng vai trò chủ yếu trong quá trình tò mò. Theo Cha Francis Bethel, một học giả nghiên cứu ý tưởng của ông Senior đề cập bên trên, thì sự hiếu kỳ không chỉ là một loại sợ hãi mà còn là một loại tình yêu. “Khi đứng trước điều gì đó đẹp đẽ lộng lẫy, chúng ta thường nhún nhường cung kính, đồng thời cảm thấy thôi thúc hướng đến để ngắm nhìn với niềm hy vọng và khao khát, khi vẻ đẹp đáng kinh ngạc đó cũng lôi cuốn chúng ta… Sự hiếu kỳ cũng là một loại tình yêu.” Thật không khó hiểu khi chúng ta nghĩ về trải nghiệm của mình, ví như khi thưởng thức một bản nhạc tuyệt vời và cảm động hoặc lần đầu tiên thưởng ngoạn cảnh núi non – chúng ta trở nên tĩnh lặng, chúng ta thấy mình minh bạch trong khoảnh khắc đó, chúng ta tràn đầy bình yên và hoài bão, chúng ta bị cuốn hút bởi sự hiếu kỳ đó.
Sự hiếu kỳ và Trí tuệ
Trong cuốn “Metaphysics” (Siêu hình học), triết gia Aristotle giải thích rằng trí tò mò là khởi nguồn của mọi triết lý, vì vậy nó là ngọn nguồn của trí tuệ:
“Nhờ có sự hiếu kỳ mà giờ đây con người bắt đầu và khởi đầu sống có triết lý; bắt đầu từ việc ngạc nhiên trước những gì gây bối rối, rồi dần dần tiến tới đặt câu hỏi về các vấn đề lớn lao hơn, chẳng hạn như về sự thay đổi của mặt trăng và mặt trời, về các vì tinh tú và về nguồn gốc của vũ trụ. Bây giờ, anh ta tự hỏi và cảm thấy bối rối khi biết mình thật vô tri (vì vậy người yêu thích thần thoại theo nghĩa nào đó là một triết gia, bởi vì các câu chuyện thần thoại được viết ra bởi muốn [trả lời] những thắc mắc); do đó … con người nghiên cứu triết lý để thoát khỏi sự vô tri.”
Nếu không có sự khiêm nhường và khát vọng được truyền cảm hứng từ sự hiếu kỳ, thì chúng ta không thể có triết lý uyên thâm. Thật vậy, nếu không có người nào đó tìm tòi và kính sợ trước những bí ẩn cũng như kỳ quan của thế giới xung quanh họ, thì chúng ta sẽ không thể có được toàn bộ kho tàng triết luận phương Tây, bao gồm những kiến giải sâu sắc của chính Aristotle, tạo nên phần lớn cơ sở của nền văn minh phương Tây như chúng ta biết.
Nếu sự hiếu kỳ là một tiền đề cho trí tuệ chân chính, thì điều ngược lại cũng đúng. Thiếu đi trí tò mò cũng đưa đến những hậu quả đáng sợ.
Những người không bao giờ băn khoăn
Giáo sư văn học Anthony Esolen lập luận rằng những người thiếu đi sự hiếu kỳ thậm chí có thể dễ dàng đánh mất phong thái đạo đức của mình. Nếu không có lòng khiêm tốn và nể sợ trước những gì tồn tại xung quanh chúng ta, cũng như “việc vượt lên trên bản thân mình” mà sự hiếu kỳ mang đến, thì chúng ta có xu hướng chuyển sang theo đuổi những thứ ích kỷ, chẳng hạn như hưởng thụ, tiền bạc, hoặc quyền lực. Ông Esolen lấy vở kịch “The Tempest” (Giông tố) của văn hào Shakespeare để làm ví dụ: Hai nhân vật Antonio và Sebastian không biết cảm kích hay băn khoăn trước phép màu trên hòn đảo nơi họ bị đắm tàu. Chẳng hiểu gì về những điều đáng kinh ngạc xung quanh họ, Antonio và Sebastian chỉ nghĩ đến quyền lực và làm thế nào để giành lấy – ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc sát hại nhà vua hợp pháp.
Shakespeare nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kỳ diệu có thể quan sát thấy trong tên gọi mà ông lựa chọn cho người thiếu nữ ngây thơ và đức hạnh ở trung tâm của vở kịch: nàng Miranda. Miranda là cái tên có nguồn gốc từ tiếng Latin, nghĩa là “điều kỳ diệu” hoặc “làm cho kinh ngạc”. Vì Antonio và Sebastian từ chối ngạc nhiên trước bất cứ điều gì, bao gồm cả nàng Miranda, nên họ trở thành nạn nhân cho những tham muốn xấu xa.
Điều kỳ diệu và Nền văn minh
Theo triết gia Josef Pieper của cuốn “Leisure: the Basis of Culture” (Giải trí: Nền Tảng Của Văn Hóa), văn hóa là bữa tiệc thịnh soạn, là lễ hội long trọng của thế giới thông qua nghệ thuật, âm nhạc, vũ đạo, và cả tôn giáo nữa. Văn hóa đóng vai trò vun bồi tinh thần trân trọng và gìn giữ tất cả mọi thứ mà xã hội yêu mến nhất, tất cả mọi thứ đáng để tôn vinh trong cuộc sống con người và thế giới này. Ông Pieper viết: “Cử hành một lễ hội có nghĩa là khẳng định ý nghĩa cơ bản của vũ trụ, cảm giác là một thể hợp nhất với vũ trụ, là một phần bên trong nó. Khi đón mừng, khi cử hành các lễ hội vào dịp đặc biệt, con người được hiểu về thế giới theo một phương diện khác hơn so với ngày thường.”
Tinh thần lễ hội là linh hồn của văn hóa. Tinh thần này chỉ có thể là kết quả của lòng kính sợ và tình yêu được tìm thấy trong quá trình hiếu kỳ chân chính – kinh ngạc trước tất cả những điều mạnh mẽ và vĩ đại trong cuộc sống và trong vũ trụ của chúng ta. Không có sự băn khoăn và lòng cảm kích, thì không có gì để tôn vinh. Khi không có gì để tôn vinh, thì sẽ chẳng có gì để nuôi dưỡng. Và khi không có gì để nuôi dưỡng, thì sẽ chẳng có văn hóa.
Đáng buồn thay, trải qua hàng thế kỷ trên đà phát triển của chủ nghĩa hoài nghi, không tin, và chối bỏ quá khứ – ví dụ như áp dụng Thuyết phê phán – nền văn minh phương Tây đã đang mai một phần lớn năng lực hướng tới sự hiếu kỳ của mình. Chủ nghĩa hoài nghi hoàn toàn tương phản với trí tò mò, vì vậy chúng ta có thể nói, hoài nghi là phản đề của triết luận và văn hóa chân chính.
Diệu Linh biên dịch.
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times