Liên minh Âu Châu đạt được đồng thuận áp giá trần lên dầu Nga
Liên minh Âu Châu (EU) đã đồng thuận về gói trừng phạt thứ tám sẽ tiếp tục được áp đặt lên Nga do việc nước này xâm lược Ukraine, bao gồm một thỏa thuận về việc áp giá trần lên dầu Nga.
Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đã đề nghị gói này hồi tuần trước (29/09-04/10) sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo một thông cáo báo chí hôm 06/10, một khi mức giá trần này được áp dụng, các nhà vận hành Âu Châu sẽ được phép vận chuyển dầu Nga tới các nước khác chỉ khi nào giá thấp hơn một mức đã định sẵn.
Thông cáo báo chí này nêu rõ, “Gói này sẽ khiến doanh thu của Nga giảm hơn nữa mà vẫn giữ cho các thị trường năng lượng toàn cầu ổn định thông qua việc duy trì các nguồn cung cấp. Do đó điều này cũng sẽ giúp giải quyết lạm phát và giữ giá năng lượng ổn định tại thời điểm mà tất cả các nước Âu Châu đều quan tâm sâu sắc đến các chi phí cao — đặc biệt là giá nhiên liệu bị dội lên.”
Biện pháp áp giá trần này đang được “phối hợp chặt chẽ” với các đối tác G-7 cũng như sẽ có hiệu lực sau ngày 05/12/2022 đối với dầu thô và sau ngày 05/02/2023 đối với các sản phẩm dầu mỏ đã tinh chế ngay khi Hội đồng Âu Châu ra quyết định về vấn đề này.
Các biện pháp trừng phạt mới này cũng đưa ra các hạn chế nhập cảng bổ sung trị giá 7 tỷ euro (6.88 tỷ USD) đối với hàng hóa Nga và các hạn chế xuất cảng nhằm khiến Nga giảm khả năng tiếp cận các mặt hàng quân sự và công nghệ. Thông cáo nói trên cho biết, các lệnh trừng phạt này lấy đi của Nga và các nhà cung cấp của nước này nhiều loại hàng hóa cần thiết hơn nữa để tiến hành cuộc chiến chống Ukraine.
Trong một tweet hôm 05/10, bà von der Leyen đã hoan nghênh thỏa thuận giữa các quốc gia thành viên về gói trừng phạt thứ tám này. “Chúng ta đã hành động một cách nhanh chóng và dứt khoát. Chúng ta sẽ không bao giờ chấp nhận cuộc trưng cầu dân ý giả mạo của ông Putin cũng như bất kỳ hình thức thôn tính nào ở Ukraine. Chúng ta quyết tâm tiếp tục khiến Điện Kremlin phải trả giá.”
Gói các biện pháp trừng phạt này cần sự đồng thuận của tất cả 27 nước thành viên EU để được thông qua. Hôm 07/10, các nhà lãnh đạo EU sẽ họp tại Praha để thảo luận về cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine, tình hình năng lượng, cùng các vấn đề khác.
Saudi Arabia phản ứng, OPEC+ cắt giảm sản lượng
Đề nghị về giá trần này của EU phù hợp với một thỏa thuận trước đó của các quốc gia G-7, bao gồm cả Hoa Kỳ. Theo Politico, mặc dù chưa có quyết định nào về việc áp giá trần, nhưng Hoa Thịnh Đốn cho biết rằng họ sẽ đưa ra quyết định về việc này trong những tuần tới.
Một bộ trưởng Saudi Arabia đã chê trách các kế hoạch do Hoa Kỳ dẫn đầu về giá trần đối với hàng xuất cảng của Nga, khẳng định rằng đó là lý do tại sao OPEC+ vừa công bố cắt giảm sản lượng.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Bộ trưởng Năng lượng Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết hai tháng sắp tới sẽ là một “thời kỳ bấp bênh” do thiếu chi tiết và thông báo rõ ràng về cách thức áp dụng giá trần này.
OPEC+ đã thông báo giảm sản lượng dầu hai triệu thùng mỗi ngày bắt đầu từ tháng Mười Một trong bối cảnh giá dầu giảm. Giá dầu thô đã giảm từ hơn 120 USD/thùng hồi đầu tháng Sáu xuống còn giao dịch ở mức khoảng 80 USD/thùng.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times