Câu chuyện thực đằng sau giá xăng cao ở Hoa Kỳ: Các vấn đề về cấu trúc, chính sách thù địch, và không hành động
Theo các chuyên gia và những người trong ngành dầu mỏ, giá xăng cao ở Mỹ là do sự không tương xứng giữa sản xuất và lọc dầu của Hoa Kỳ, các chính sách tồi tệ hoặc sự thù địch chính trị, và việc chính phủ Tổng thống Biden không hành động.
Lạm phát ở Hoa Kỳ đã tăng cao kể từ hồi tháng Ba khi Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) hàng năm đạt 8.5%, mức cao nhất kể từ năm 1981.
Giá năng lượng tăng mạnh đã thu hút sự chú ý đặc biệt.
Từ tháng Năm đến tháng Tám, giá năng lượng tăng từ 20% đến 40% so với cùng thời kỳ năm ngoái (2021).
Tổng thống Joe Biden và Đảng Dân Chủ đã đề nghị các giải pháp khác nhau đối với tình trạng giá năng lượng cao, bao gồm việc đánh thuế lợi tức phụ thu đối với các công ty dầu mỏ, thúc giục các trạm xăng giảm giá, áp đặt lệnh cấm xuất cảng dầu, và cho phép các quốc gia mua dầu của Nga với giá trần.
Tuy nhiên, những người trong ngành dầu mỏ và các chuyên gia cho biết hầu hết các biện pháp được đề nghị đó sẽ không hiệu quả hoặc sẽ không làm giảm giá xăng ở Hoa Kỳ vĩnh viễn.
Ông Michael Wirth, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của đại tập đoàn dầu khí Hoa Kỳ Chevron, đã bác bỏ ý tưởng đánh thuế vào lợi nhuận của các công ty dầu mỏ.
Ông nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông CNN hôm 13/09 rằng, “Thuế lợi tức phụ thu đã được thử nghiệm trước đây ở quốc gia này. Biện pháp đó đã không đạt được mục tiêu mong muốn. Điều khá căn bản là nếu quý vị muốn có thứ gì đó nhiều hơn, thì quý vị có xu hướng không đánh thuế thứ ấy. Nếu quý vị muốn có thứ gì đó ít hơn, thì quý vị sẽ đánh thuế thứ ấy.”
Lệnh cấm xuất cảng dầu có thể là thảm họa
Khi lạm phát tăng vọt, Đảng Dân Chủ đã kêu gọi Tòa Bạch Ốc áp đặt lệnh cấm xuất cảng dầu. Nhưng các chuyên gia và một chủ nhà máy lọc dầu đã cảnh báo việc cấm xuất cảng sẽ không làm giảm giá xăng và có thể mang đến những kết quả tai hại.
Xuất cảng dầu thô của Hoa Kỳ đã tăng lên kể từ năm 2011, và việc giảm nhập cảng dầu trong cùng khoảng thời gian đã khiến nhập cảng dầu thô ròng giảm.
Tuy nhiên, hầu hết lượng dầu trong đợt tăng xuất cảng gần đây là dầu ngọt nhẹ, còn được gọi là “dầu đá phiến”. Mặc dù vậy, Phó Chủ tịch Cao cấp của Liên minh Năng lượng Hoa Kỳ Dan Kish nói với The Epoch Times rằng các nhà máy lọc dầu ở Hoa Kỳ được thiết kế để lọc dầu thô nặng, hay còn gọi là dầu thông thường.
Theo phân tích của Cục Dự trữ Liên bang khu vực Dallas, Hoa Kỳ xuất cảng trung bình 3 triệu thùng dầu thô ngọt nhẹ mỗi ngày vào cuối tháng 11/2021 và nhập cảng hơn 6 triệu thùng mỗi ngày, mà hầu hết là dầu thô nặng hơn từ Canada và các nhà cung cấp ngoại quốc khác.
Các tác giả của phân tích này cho biết, các nhà máy lọc dầu của Hoa Kỳ không có năng lực để chế biến dầu thô xuất cảng.
Ngay cả khi Hoa Kỳ cấm xuất cảng dầu, chủ yếu là dầu đá phiến, thì các nhà máy lọc dầu cũng không thể cập nhật cơ sở vật chất để lọc dầu đá phiến sau nhiều thập niên thù địch chính trị chống lại ngành công nghiệp dầu mỏ.
Cập nhật cơ sở vật chất có nghĩa là các nhà máy lọc dầu cần đầu tư hàng tỷ USD và xin thêm giấy phép liên quan đến phát thải.
Ông Kish nói, đó là một nhiệm vụ bất khả thi dưới thời chính phủ ông Biden.
Ông nói: “Họ đã biến việc kinh doanh nhiên liệu hóa thạch ở Bắc Mỹ trở thành kẻ thù của mọi người, đó là lý do tại sao giá tiếp tục có xu hướng tăng.”
Ông John Catsimatidis, một tỷ phú đồng thời là một chủ sở hữu nhà máy lọc dầu, cũng có quan điểm tương tự.
Ông nói với The Epoch Times: “Tại sao ai đó phải đầu tư một tỷ, hai tỷ, ba tỷ dollar, nếu quý vị không chắc chắn về chính sách của quốc gia nơi mà quý vị đang kinh doanh trong năm năm, mười năm tới? Bởi vì quý vị phải thu được lợi nhuận từ việc đầu tư. Vậy đó là cách Hoa Kỳ thành công, cách các công ty thành công, nếu quý vị tin tưởng vào Hoa Thịnh Đốn, nếu họ tin tưởng vào chính phủ rằng nếu như họ chi một tỷ dollar hoặc hai tỷ dollar, thì sẽ có lợi nhuận đầu tư.”
Ông Kish cảnh báo rằng lệnh cấm xuất cảng dầu mỏ sẽ có những kết quả thảm hại.
Ông nói: “Nếu có lệnh cấm xuất cảng, điều sẽ xảy ra là chúng ta sẽ có một lượng dầu vô tận ở Bờ Vịnh. Các nhà máy lọc dầu của chúng ta không thể sử dụng dầu đó một cách hiệu quả. Để khiến các nhà máy lọc dầu đó sử dụng loại dầu đó, chúng tôi sẽ phải đầu tư một số tiền lớn dẫn tới việc tăng giá xăng và dầu diesel đối với nhiên liệu phi cơ.”
Hai công ty dầu mỏ lớn nhất của Hoa Kỳ, Exxon Mobil và Chevron, đã lên tiếng phản đối đề nghị cấm xuất cảng dầu.
Ông Wirth đã đáp lại lời kêu gọi cấm xuất cảng dầu từ Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm và Đảng Dân Chủ trong Quốc hội: “Rủi ro trong một hành động như thế có những hậu quả không thể lường trước được. Và, trên thực tế, Hoa Kỳ vừa là nước xuất cảng vừa là nước nhập cảng các sản phẩm. Một lệnh cấm xuất cảng có nguy cơ lấy đi nguồn cung cấp cần thiết cho những nơi khác trên thế giới và làm giảm những nguồn cung cấp ấy, đây là tình huống có thể khiến giá dầu tăng lên, yếu tố mà sau đó có thể ảnh hưởng đến giá dầu nhập cảng vào đất nước này.”
Tờ Wall Street Journal đưa tin, Giám đốc điều hành Exxon Darren Woods cũng bác bỏ lời kêu gọi cấm xuất cảng dầu mỏ trong một bức thư gửi Bộ Năng lượng với những lý do tương tự.
Theo Cục Dự trữ Liên bang khu vực Dallas, những người duy nhất tạm thời được hưởng lợi từ lệnh cấm xuất cảng dầu này là các nhà máy lọc dầu chuyên lọc dầu thô ngọt nhẹ.
Tuy nhiên, bài phân tích này cho biết, “khi giá dầu thô sản xuất trong nước giảm và tích trữ đầy lên, thì không lâu sau một số nhà sản xuất dầu trong nước sẽ trở nên thua lỗ và ngừng hoạt động.”
Tổng thống Biden đã đình chỉ cơ sở hạ tầng quan trọng
Trong ngày đầu tiên ở Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh thu hồi giấy phép mà cựu Tổng thống Donald Trump đã cấp cho Đường ống Keystone XL.
Đây hóa ra lại là một trong những hành động mang tính sát thương nhất đối với an ninh năng lượng của Hoa Kỳ và sự ổn định giá xăng vì Canada là một trong những nguồn cung cấp dầu thô thông thường quan trọng nhất mà hầu hết các nhà máy lọc dầu của Hoa Kỳ có thể chế biến và đường ống Keystone XL là thứ cần thiết để vận chuyển dầu thô của Canada.
Ông Kish nói: “Đường ống Keystone XL sẽ cung cấp khoảng 800,000 thùng/ngày đối với dầu của Canada và khoảng 100,000 thùng/ngày đối với dầu của tiểu bang North Dakota, là loại dầu phù hợp [dầu nặng].”
Điều hợp lý cần làm, nếu chính phủ TT Biden đang muốn giảm giá xăng, là tăng nguồn cung dầu từ Canada và Alaska vốn hữu dụng trong các nhà máy lọc dầu của Hoa Kỳ.
Cả ông Catsimatidis và ông Kish đều chỉ ra rằng đường ống Alaska là chìa khóa để tăng nguồn cung dầu nhanh chóng — vì nó có thể vận chuyển 2.1 triệu thùng/ngày — nhưng hiện chỉ vận chuyển 500,000 thùng/ngày.
Ông Kish nói: “Ba phần tư của đường ống này là trống rỗng.”
Ông Catsimatidis cũng nhấn mạnh rằng — để giảm giá xăng ở Hoa Kỳ — thì chìa khóa là “mở cửa Bắc Mỹ.”
“Nếu chúng ta mở cửa Bắc Mỹ để vận chuyển nhiều dầu thô hơn, thì chúng ta có khả năng sản xuất 20 đến 21 triệu thùng mỗi ngày với Canada,” ông nói. “Tại sao chúng ta đi cầu xin Ả Rập Xê Út, cầu xin Nga, cầu xin Iran, cầu xin Venezuela thêm 100,000 thùng mỗi ngày khi chúng ta có nguồn dầu ở đây, ngay tại Bắc Mỹ? Không ai có thể hiểu được tại sao Hoa Thịnh Đốn lại đang làm như thế.”
Một hành động khác chống lại nguồn cung dầu từ Bắc Mỹ của chính phủ TT Biden là cấm cho thuê khoan dầu và khí đốt tự nhiên mới trên các vùng đất của liên bang, nơi cũng sản xuất một loại dầu thô cần thiết cho thị trường nội địa.
Lệnh cấm này đã được một tòa phúc thẩm Hoa Kỳ dỡ bỏ hồi tháng Tám.
Ông Kish cho biết một thỏa hiệp có thể thực hiện là chính phủ TT Biden tăng nguồn cung cấp dầu từ Canada và Alaska, đồng thời chỉ định công suất bổ sung chỉ dành cho mục đích sử dụng trong nước.
Ông Catsimatidis tin rằng nếu TT Biden mở cửa sản xuất dầu ở Bắc Mỹ, thì lạm phát sẽ giảm cùng với giá năng lượng và Cục Dự trữ Liên bang có thể không cần phải thực hiện các hành động cứng rắn.
Khi đó nền kinh tế Hoa Kỳ có thể tránh được một cuộc suy thoái.
Ông nói: “Từ dầu, quý vị tạo ra phân bón, ảnh hưởng đến thực phẩm; từ dầu, nhiên liệu diesel vận hành các nhà máy của chúng ta, nhiên liệu diesel vận hành các xe tải của chúng ta giao hàng đến các siêu thị. Đó là những thứ đang tạo ra tình trạng tăng giá, nếu giá dầu thô giảm vì ông [Biden] mở cửa, thì hãy đoán xem? Trong vòng 90 ngày, hết thảy mọi thứ khác sẽ giảm xuống.”
Trong giai đoạn này, Cục Dự trữ Liên bang nên kiên nhẫn.
Ông Catsimatisdis nói khi đề cập đến các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ gần đây của Cục Dự trữ Liên bang: “Trong thời gian diễn ra đại dịch COVID, chúng ta đã cẩn thận không dùng COVID để phá hủy đất nước. Chà, thế mà ngay lúc này họ lại đang phá hủy đất nước này.”
Ý định của ông Biden bị nghi vấn
Ông Kish cảnh báo tình hình tồi tệ nhất vẫn chưa xảy đến với người tiêu dùng Hoa Kỳ, khi tồn kho năng lượng sắp hết và Tổ chức Các nước Xuất cảng Dầu mỏ (OPEC) đề nghị cắt giảm sản lượng.
Liên minh OPEC+ gồm các nước sản xuất dầu thô đã đồng ý cắt giảm sản lượng khai thác dầu hôm 05/10.
Ông Kish và ông Catsimatisdis gợi ý rằng ông Biden có thể khắc phục giá xăng cao mà người tiêu dùng Mỹ phải đối mặt, nhưng chỉ khi ông ấy sẵn sàng làm như vậy.
Họ nghi ngờ liệu ông Biden thực sự có ý định hạ giá xăng hay không.
“Nếu một người nhìn nhận vấn đề này một cách công tâm và khách quan và nói rằng ‘chúng tôi muốn giảm giá cho người Mỹ,’ thì chúng ta sẽ đi xem xét vấn đề nằm ở đâu và cố gắng giải quyết chúng,” ông Kish nói. “[Nhưng] đó không phải là những gì chúng ta đang làm. Trên thực tế, những gì chúng ta đang làm chính là điều ngược lại. Chúng ta đang đóng cửa các nhà máy lọc dầu. Chúng ta đang gây khó khăn hơn cho các nhà máy lọc dầu hoạt động ở đây. Chúng ta đang đưa năng lực lọc dầu của mình cho những nơi khác, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đang xây dựng các nhà máy lọc dầu như phát cuồng.”
Ông Catsimatisdis lo ngại rằng ý định của chính phủ ông Biden là thúc đẩy một “sự chuyển đổi đáng kinh ngạc” từ nhiên liệu hóa thạch sang xe điện, như ông Biden đã đề nghị hồi tháng Năm.
Ông Biden nói: “Khi nói đến giá xăng, chúng ta đang trải qua một sự chuyển đổi đáng kinh ngạc đang diễn ra, có lẽ, khi quá trình này kết thúc, thì chúng ta sẽ mạnh hơn và thế giới sẽ mạnh hơn và ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch hơn khi việc này kết thúc.”
Ông Catsimatisdis nói rằng ý tưởng này là “điên rồ.”
Ông nói: “Quý vị nên cười to vì ý tưởng này thật điên rồ. Quý vị biết đấy, chúng ta không có khoáng chất để tạo ra pin.”
Ông lo lắng rằng nghị trình của ông Biden đang đưa những người dân Mỹ đi vào con đường nguy hiểm.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times