Làm quan chính trực thanh liêm, một đời tích đức được phúc báo
Tiền Huy là người vùng Ngô Hưng (nay là thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc), sống vào thời đại nhà Đường. Ông từng giữ các chức vụ như Hàn Lâm học sĩ, Sử bộ thượng thư… Ông sống một đời giản dị phúc hậu, xem trọng đạo đức lễ nghĩa, lập thân liêm khiết, được người dân vô cùng kính trọng và yêu quý. Mọi người đều khen ngợi rằng ông có phong thái của bậc trưởng giả.
Sau khi đỗ đạt Tiến sĩ, Tiền Huy làm mưu sĩ tại huyện Cốc Thành, tỉnh Hồ Bắc. Huyện lệnh Vương Dĩnh là người rất thích kết giao với các bậc nhân sĩ, tiêu xài hoang phí, thường lợi dụng công quỹ vào các việc thỉnh mời khách khứa và tặng biếu lễ vật, sau khi sự việc bị phát giác thì ông ta cũng bị cách chức. Triều đình phái Quan sát sử Phàn Trạch phụ trách xử lý vụ án, sau khi tra cứu sổ sách của Vương Dĩnh thì phát hiện có rất nhiều người liên quan đến vụ án, duy chỉ có Tiền Huy là trong sạch, một đồng cũng không lấy. Vì vậy, Phàn Trạch đã trình báo sự việc lên trên và tiến cử Tiền Huy đảm nhiệm chức thư ký ở công thự.
Giữ mình trong sạch, chính nghĩa trực ngôn
Khi Tiền Huy giữ chức Hàn Lâm học sĩ, Hoàng đế Đường Hiến Tông thấy ông làm việc có tình có lý, lời nói việc làm trung thực, vì vậy rất xem trọng ông, thường để ông tham gia xử lý và thảo luận các vấn đề cơ mật quốc gia.
Một lần, Đường Hiến Tông cho triệu kiến riêng Tiền Huy. Tiền Huy ung dung nói rằng: “Các Hàn lâm học sĩ khác cũng đều là các bậc sĩ trí thức được tuyển chọn kĩ lưỡng, nên để họ cùng tham gia vào các việc cơ mật, như vậy việc thảo luận quyết định sẽ có hiệu quả lớn hơn”. Hoàng đế khen ngợi ông khiêm tốn cẩn thận, là bậc trưởng giả hiểu lễ khiêm cung.
Mã Bộ Đô Ngu Hầu vùng Tuyên Vũ là Hàn Công Vũ rất muốn kết giao với quan lại trong triều đình, để tiện cho việc đề bạt thăng tiến về sau của bản thân. Ông ta bỏ ra một khoản tiền lớn để hối lộ và kết giao với các quan đại thần trong triều. Ông ta cũng tặng cho Tiền Huy 20 vạn quan tiền nhưng bị Tiền Huy cự tuyệt.
Tiền Huy nghiêm mặt nói rằng: “Nhận hay không nhận nằm ở đạo nghĩa chứ không phải là quan chức lớn hay nhỏ”.
Tiền Huy giữ mình trong sạch, chính nghĩa trực ngôn, tham quan ô lại đều sợ ông, ngay cả Hoàng đế đối với ông cũng có phần kiêng nể. Triều đình từng ban bố chiếu lệnh, cấm quan lại địa phương cống hiến tài vật. Tuy nhiên, các địa phương vẫn không ngừng dâng tặng tài vật về kinh thành, Hoàng đế đôi lúc cũng thu nạp tiến cống của các địa phương.
Tiền Huy không do dự, nhiều lần dâng tấu, chỉ ra hậu quả nghiêm trọng của phong tục cống nạp, thỉnh triều đình dừng việc nạp cống. Hoàng đế xem xong bèn căn dặn thuộc hạ, về sau nếu có tiến cống thì đừng đi vào Hữu Ngân Đài Môn, tránh bị Tiền Huy phát giác.
Làm việc công chính, không thẹn với lòng
Khi Tiền Huy giữ chức Lễ bộ thượng thư, làm chưởng quản khoa cử kỳ thi hội, Hình bộ thị lang tiền nhiệm là Dương Bằng vì muốn con trai mình là Dương Hồn Chi có thể đỗ đạt Tiến sĩ, nên đã sưu tầm một số bức thư họa quý giá của các danh nhân thời cổ đại, rồi đem tặng cho Tể tướng Đoàn Văn Xương để nhờ tể tướng nói giúp vài lời. Đoàn Văn Xương nhiều lần viết thư cho Tiền Huy để tiến cử Dương Hồn Chi, còn đích thân đến tận nhà của Tiền Huy để thỉnh cầu giúp đỡ.
Hàn lâm học sĩ Lý Thân cũng tìm đến Tiền Huy để xin giúp đỡ, hy vọng có thể để Chu Hán Tân đỗ Tiến sĩ. Tuy nhiên, Tiền Huy vẫn không dao động, ông vẫn làm việc theo quy định, nhất quyết không đồng ý đối với thỉnh cầu của hai người họ. Đến lúc yết bảng, Dương Hồn Chi và Chu Hán Tân đều không đỗ. Đoàn Văn Xương vì việc này mà vô cùng phẫn nộ, bèn dâng tấu nói Tiền Huy có tư tâm trong việc chọn người đỗ đạt của kỳ thi hội. Vì vậy, Tiền Huy mang tội “thủ sĩ dĩ tư” [chọn học sĩ dựa trên tư lợi], bị giáng chức làm Thứ sử Giang Châu.
Lúc đó, mọi người đều khuyên ông nên đem những bức thư mà Đoàn Văn Xương và Lý Thân đã viết cho ông, dâng lên cho Hoàng thượng xem. Tuy nhiên, Tiền Huy lại nói rằng: “Ta chỉ cầu không thẹn với lòng, được hay mất đều như nhau cả. Làm người nên tu thân dưỡng tính, hành sự cẩn trọng, hà tất phải dùng thư tín riêng tư để làm chứng cho bản thân?”. Mọi người đều ca ngợi ông là bậc trưởng giả đức cao vọng trọng.
Làm quan thanh liêm, tích đức được thiện báo
Phủ Giang Châu tích trữ được trăm vạn lượng tiền hỗ trợ canh tác, các quan Thứ sử tiền nhiệm đều sử dụng tiền này để thỉnh mời khách khứa, tặng biếu lễ vật và ăn uống tiệc tùng. Tiền Huy sau khi nhậm chức thì nói: “Khoản tiền này là tiền dự trữ cho nông nghiệp, sao có thể sử dụng sai mục đích được?”.
Vì vậy, ông ra lệnh dùng khoản tiền này để nộp thuế thay cho những hộ dân nghèo hoặc giúp họ thuê ruộng đất canh tác. Việc này đã cải thiện được đời sống của nông dân nghèo ở Giang Châu, bách tính ở đó vô cùng cảm kích ông. Sau khi Đường Văn Tông kế vị, biết được Tiền Huy là người có tài đức đem lợi ích đến cho muôn dân, do đó đã đề bạt ông giữ chức Sử bộ thượng thư.
Tĩnh Viễn thực hiện
Lê Oanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ