Thầy mo nhìn thấy giấc mộng của Tấn Cảnh Công: Hành vi bất nghĩa dẫn đến mất mạng
Câu thành ngữ “bệnh nhập cao hoang” [1] hoặc “bệnh tại cao hoang” mà dân gian thường nói là chỉ một người mắc bệnh nặng vô phương cứu chữa. Bệnh đã đi vào huyệt Cao Hoang, tính mệnh vô cùng nguy kịch! Cao Hoang là vị trí nào trong cơ thể người? Tại sao lại nói “bệnh nhập cao hoang” thì vô phương cứu chữa? Câu thành ngữ này có xuất xứ từ câu chuyện cổ trong “Xuân thu tả truyện.” Chúng ta hãy cùng nhìn lại lịch sử để hiểu rõ hơn về câu chuyện thành ngữ này.
Trang Cơ Công Chúa nói với Tấn Cảnh Công những lời vu khống, hãm hại đại phu Triệu Đồng và Triệu Quát (Trang Cơ là cháu dâu của Triệu Đồng và Triệu Quát, chuyện xấu của nàng ta bị hai huynh đệ này biết được). Tấn Cảnh Công nghe lời sàm ngôn của Trang Cơ, đã giết hại cả gia tộc của Triệu Đồng và Triệu Quát.
Hai năm sau, Tấn Cảnh Công nằm mộng gặp một ác quỷ hình hài dữ tợn, tóc dài chạm đất. Con quỷ đấm ngực dậm chân nói với Tấn Cảnh Công rằng: “Ngươi làm chuyện bất nghĩa, đã giết chết cháu trai của ta, cháu của ta có tội tình gì? Ta đã thỉnh cầu Thiên Đế, đến đây để lấy mạng của ngươi.” Nói xong, ác quỷ liền đập vỡ cửa lớn, rồi lại tiếp tục phá cửa phòng ngủ, tiến thẳng vào bên trong. Tấn Cảnh Công vô cùng hoảng hốt, run rẩy nấp trong phòng, ác quỷ lại phá cửa, muốn tóm lấy Cảnh Công.
Tấn Cảnh Công giật mình tỉnh giấc, toàn thân toát mồ hôi lạnh, hóa ra chỉ là một cơn ác mộng. Tuy là mộng, nhưng cảnh tượng hiện ra rõ ràng chân thực, khiến Tấn Cảnh Công khiếp đảm, đến mức đổ bệnh nặng. Ông cho mời một thầy mo đến để xem nguyên nhân bệnh tình, kết quả những gì thầy mo xem được hệt như giấc mộng của ông ta.
Cảnh Công lo sợ hỏi: “Có cách nào thu phục con quỷ này không?” Thầy mo đáp: “Con quỷ này là công thần đời trước của Tấn quốc. Sự việc này nó đã thỉnh cầu lên Thiên Đế, nên không cách nào thu phục được nó.”
Cảnh Công lại hỏi: “Vậy bệnh tình của quả nhân chẳng hay lành dữ thế nào?” Thầy mo đáp: “Xin tha cho tiểu nhân nói thẳng, bệnh này của chủ công e rằng tính mệnh khó đợi đến mùa lúa chín.”
Lúc này, một bề tôi đứng bên cạnh nghiêm giọng quát lớn: “Những lời yêu nghiệt của ngươi làm loạn quốc quân, nếu chủ công có thể sống đến mùa lúa chín thì ngươi sẽ bị xử tử.” Ngay sau đó, thầy mo bị đuổi ra khỏi cung.
Tấn Cảnh Công nghe nói nước Tần có lương y, bèn thỉnh cầu Tần quốc cứu giúp. Tần Hoàn Công phái lương y Cao Hoãn đến trị bệnh cho Cảnh Công. Vị lương y nước Tần chưa kịp đến nơi thì Tấn Cảnh Công lại có một giấc mộng khác. Trong mộng, bệnh của ông ta hóa thành hai đứa trẻ. Một cậu bé nói: “Vị lương y đó sẽ làm hại ta, làm sao bây giờ? Chạy đi đâu được nhỉ?” Cậu bé còn lại đáp: “Hay là nấp ở trên Hoang, dưới Cao, giống như ta đây? Dù cho đó là lương y, thì cũng không cách nào động đến chúng ta được!” Tấn Cảnh Công giật mình tỉnh giấc, cảm thấy ngực vô cùng đau đớn, đứng ngồi không yên.
(“Cao Hoang” dùng để chỉ hai vị trí trên cơ thể con người. Trong Trung Y, “Cao” là chỉ phần mỡ dưới tim, “Hoang” là màng mỏng trên cơ hoành).
Lương y nước Tần đến Tấn quốc, sau khi chẩn khám cho Cảnh Công bèn thưa: “Bệnh này không cách nào chữa khỏi. Trên Hoang, dưới Cao, trong cơ thể người thì đây là hai nơi không thể động vào, châm kim không đến, dùng thuốc cũng không xong, trị không khỏi.”
Cảnh Công nghe thấy những lời của lương y nước Tần giống như giấc mộng của mình, không khỏi khen ngợi: “Quả thật là danh y.” Nói xong, ông ban tặng lễ vật rồi cho tiễn vị lương y về nước.
Mùa hạ năm ấy, đến mùa thu hoạch lúa mì, Tấn Cảnh Công muốn ăn lúa mới, liền sai người cống nạp, lại bảo nhà bếp chuẩn bị. Lúc này ông cho mời thầy mo kia đến, đưa lúa mì cho thầy mo xem rồi nói: “Ngươi xem, lúa mì đã thu hoạch rồi, quả nhân sắp ăn được rồi. Ngươi nói quả nhân không ăn được lúa mới, thật đáng tội chết.” Sau đó, ông cho xử trảm vị thầy mo kia.
Lúc Tấn Cảnh Công chuẩn bị ăn lúa mì, thì đột nhiên cảm thấy bụng trướng lên, vội vàng vào nhà vệ sinh. Kết quả, huyệt Cao Hoang giữa tim và cơ hoành đau nhức, khiến ông không chịu đựng nổi, ngã vào hố phân rồi qua đời.
Cũng trong sáng hôm đó, có một viên quan nhỏ trong triều nằm mộng, trong mộng thấy bản thân cõng Tấn Cảnh Công lên trời. Trưa hôm đó, viên quan này quả thực đã cõng thi thể của Tấn Cảnh Công từ trong hố đi ra.
Trong “Tả truyện – Thành công thập niên” có lưu lại câu chuyện thành ngữ “Bệnh nhập cao hoang.” Trong câu chuyện này, nguyên nhân bệnh nhập Cao Hoang là vì trên phương diện đạo đức, con người đã làm tổn đức của chính mình. Qua đó, cho chúng ta thấy một đạo lý rằng: Tâm sinh bệnh thì thân cũng sinh bệnh, tâm mắc bệnh nặng thì thân cũng vô phương cứu chữa.
Chú thích:
[1] “Bệnh nhập cao hoang” xuất xứ từ: “Y Chí, viết: ‘Tật bất khả vi dã, tại hoang chi thượng, cao chi hạ, công chi bất khả, đạt chi bất cấp, dược bất chí yên.’ Tạm dịch: Y Chí viết: ‘Bệnh vô phương cứu chữa, trên Hoang, dưới Cao, không động đến được, không chạm vào được, thuốc cũng chẳng thể đến nơi này được.’)
Tư liệu tham khảo: