Vương Ác coi Tát Thiên Sư là kẻ thù, vì sao vẫn bái ông làm thầy?
Trong “Tây Du Ký,” ở đoạn Tôn Đại Thánh đại náo Thiên Cung, nếu nói vị Thần tướng nào có thể đánh ngang sức với Tôn Ngộ Không, rất nhiều người sẽ nghĩ đến Nhị Lang Thần Dương Tiễn. Kỳ thực, còn có một vị nữa, đó là Vương Linh Quan, Tá sứ của Hữu Thánh Chân Quân. Trong hồi thứ bảy của “Tây Du Ký,” khi Tôn Đại Thánh vừa nhảy ra khỏi lò Bát Quái và đại náo Thiên Cung, cả hai đã từng giao đấu với nhau trong Linh Tiêu Bảo Điện, trận đấu này bất phân thắng bại.
Trong Đạo giáo có 500 vị Linh Quan, và Vương Linh Quan chính là người đứng đầu số Linh Quan ấy. Sư phụ của ông là Tát Thủ Kiên Tát Thiên Sư, một trong “Tứ Đại Thiên Sư.” Việc ông bái sư, trong lịch sử cũng có một đoạn giai thoại lưu truyền.
Thành Hoàng lệnh cho Vương Ác giám sát lỗi lầm của Tát Thiên Sư
Sau khi Tát Thiên Sư đắc Đạo, một ngày nọ ông vân du đến huyện Tương Âm, phủ Hành Châu. Ông nhìn thấy miếu Thành Hoàng ở đây dùng đồng nam đồng nữ làm vật hiến tế, không phải là hành vi chính đạo, vì vậy đã làm phép giáng sấm sét và phóng hỏa thiêu cháy miếu Thành Hoàng. Thành Hoàng của huyện này chính là Vương Linh Quan, tên thật là Vương Ác. Ông thấy Tát Thiên Sư lợi hại như vậy, liền đi tìm Thành Hoàng trong tỉnh, tức vị Thành Hoàng làm chủ cả một tỉnh. Sau khi hỏi lý do, vị Thành Hoàng nói: “Vị Tát Chân Nhân này thần thông quảng đại, pháp lực vô biên. Ông không thể làm gì được ông ấy, ta cũng không giúp được ông. Không bằng ông hãy theo ông ấy mười hai năm. Trong khoảng thời gian này, nếu ông ấy sinh ra một chút niệm bất thiện, cho phép ông dùng kim tiên (roi vàng) đánh chết ông ấy, báo thù lần trước, ta sẽ bẩm báo rõ với Ngọc Đế.” Nói xong, vị Thành Hoàng lại sợ Vương Ác muốn âm thầm báo thù, vì vậy đã phái một vị Phù sứ (sứ thần hộ mệnh) đi cùng.
Lúc này Tát Thiên Sư vẫn còn ở huyện Tương Âm, vì ông đã cứu được đồng nam đồng nữ của Cao gia nên rất được cảm kích. Cao lão gia đã chuẩn bị một trăm lượng bạc, một trăm lượng vàng, năm mươi sất lụa màu sắc rực rỡ, năm mươi xâu tiền đồng để báo đáp ân cứu mạng của Tát Thiên Sư. Tát Thiên Sư nói: “Có tâm ý như vậy là đủ rồi. Nếu nhất định muốn tặng số tài vật vàng bạc này, đó không phải là yêu quý tôi, ngược lại là hại tôi, bần đạo nhất định sẽ không nhận.” Phù sứ ở một không gian khác nhìn thấy rõ ràng, bèn khen ngợi: “Người này trọng nghĩa khinh tài, người tốt, người tốt.” Vương Ác lại nói: “Ông đừng quá khen ngợi ông ta, sau này chắc chắn có thể tìm ra khuyết điểm của ông ta, đến lúc đó tôi nhất định sẽ dùng cây kim tiên này tiễn mệnh ông ta.”
Sau khi Tát Thiên Sư rời khỏi Cao gia thì vân du tứ xứ. Vương Ác vì để báo thù nên cũng một mực đi theo. Một ngày nọ, Tát Thiên Sư đi đến giữa một đồng ruộng. Lúc đó có một nữ tử đang hái rau, nhìn thấy Tát Thiên Sư đi đến, nàng liền cung kính dâng cho ông hai bó rau này. Vương Ác vừa nhìn thấy liền nói: “Nam nữ thụ thụ bất thân, hôm nay có thể thưởng cho ông ta một roi rồi.” Tuy nhiên, chỉ thấy Tát Thiên Sư cảm tạ rồi vội vàng nói, “Hãy để dưới đất, tôi sẽ tự mình lấy,” đồng thời lấy ra vài đồng xu, đặt xuống đất để cô gái nhận, nếu không sẽ không thể nhận rau của nàng ấy. Nữ tử thấy ông thủ lễ như vậy, chỉ đành tuân theo, lại thấy ông chỉ lấy một bó, liền hỏi tại sao. Tát Thiên Sư đáp: “Một bó là đủ, lấy nhiều sẽ làm tổn hại sự liêm khiết của tôi.” Phù sứ thấy vậy, khen rằng: “Quân tử biết lễ như vậy, hiếm có, hiếm có.” Vương Ác nói: “Lần này ông ta thoát khỏi đòn roi, cứ đi theo xem, bảo đảm ông ta sẽ chết trong tay tôi.”
Một ngày khác, Tát Thiên Sư muốn qua sông, nhưng chỉ thấy một chiếc đò đậu bên bờ mà không thấy người lái đò, vì vậy chỉ còn cách tự mình cầm sào tre chèo đò qua sông. Vương Ác nhìn thấy liền cầm kim tiên lên muốn đánh, nói rằng: “Lấy vật không hỏi chủ, qua sông không mất tiền.” Phù sứ chặn lại, bảo Vương Ác tiếp tục dõi xem. Sau khi chèo qua sông, Tát Thiên Sư đặt tiền vào trong đò, đồng thời cúi đầu rồi mới rời đi. Phù sứ ca ngợi: “Không coi việc thiện nhỏ mà không làm, hiếm có, hiếm có.” Vương Ác lại nói: “Ông ta lần này thoát được đòn roi của ta, chắc chắn lần sau thoát không nổi.”
Vào một ngày nọ, khi Tát Thiên Sư đang đi trên đường thì bất ngờ cuồng phong nổi lên, mưa lớn xối xả, phía trước không có thôn làng, phía sau không có quán trọ, Tát Thiên Sư toàn thân bị ướt sũng. Thấy vậy, Vương Ác nói: “Ông ta bị dãi gió dầm mưa như vậy, nếu có tâm mắng gió chửi mưa, nhất định sẽ thưởng ông ta một roi.” Tát Thiên Sư tiếp tục đội mưa đi về phía trước, vừa vặn có một nhóm lữ khách đi tới, khoảng mười hai, mười ba người. Họ bắt đầu phàn nàn về gió mưa, có người nói: “Gió gì mà thổi không hợp thời chút nào, mưa rơi cũng không đúng lúc.” Còn có người nói: “Nếu tôi là Thần Tiên, tôi sẽ treo Phong Bá hành gió và Vũ Sư hành mưa lên không trung, đánh cho mỗi người một nghìn cái.” Tát Thiên Sư bèn nói: “Các anh đừng nói vậy, đây là thiên định, đừng oán thán như vậy.” Trong đó có một thương nhân nói: “Ông bị mưa đến toàn thân ướt sũng, không sợ bị bệnh hoàng thũng (toàn thân bị vàng da và phù thũng) hay sao? Lại còn khoan dung như vậy.” Tát Thiên Sư trả lời: “Hoàng thũng sẽ không đánh lữ khách, đờm hỏa sẽ không hại người khốn khổ.” Một người khác nói: “Mưa không ngớt chỉ e ông không có áo để thay.” Tát Thiên Sư lại nói: “Hôm nay trời mưa to, ngày mai trời tạnh, đến lúc đó mặt trời sẽ hong khô cho tôi, ông Trời nào muốn phụ lòng chúng ta?”
Trận mưa này kéo dài từ giờ Tỵ đến giờ Ngọ mới dừng. Thiên Sư cởi áo phơi khô, mặc áo ngắn ngâm thơ rằng:
“Vũ sậu phong cuồng thiên địa hôn,
Trường đồ lữ khách dục tiêu hồn.
Nhi kim hỉ đắc dương hòa xuất,
Đa tạ thương thiên phúc hữu ân.”
Tạm dịch:
Mưa táp gió cuồng trời đất âm u
Đường xa lữ khách muốn ngơi nghỉ
Nay mừng ánh dương đã ló dạng
Cảm tạ trời xanh báo phúc ân.
Phù sứ nhìn vị Chân nhân này, dưới mưa bị ngâm đến ướt sũng, thật đáng thương, sau khi trời nắng lại viết một bài thơ để cảm tạ ông Trời, thở dài nói: “Đây là người tốt, đây là người tốt.” Tuy nhiên, Vương Ác vẫn không phục.
Một hôm, Tát Thiên Sư đi đến một trạm dịch, chợt nhìn thấy bên đường có một viên minh châu lấp lánh, liền nhặt lên, phủi bụi rồi cho vào tay áo. Vương Ác vừa thấy liền muốn đánh, nói rằng: “Không nhặt của rơi là tục tốt đẹp của người xưa. Ông ta ở trên đường nhặt minh châu của người ta, không đánh chết ông ta thì đợi đến bao giờ?” Phù sứ ngăn Vương Ác lại, bảo đừng gấp gáp. Sau khi nhặt viên minh châu, Tát Thiên Sư ngồi trên triền cỏ ở sườn núi để đợi người mất của. Đợi mãi cũng không thấy ai đến tìm, sợ người mất của đang lo lắng tìm kiếm, vậy nên ông ngồi đợi ở triền cỏ suốt cả đêm. Còn người mất của đó phát hiện viên Minh châu đã không còn, nhất thời buồn bã, lớn tiếng khóc nói: “Cái tôi mặc cũng ở trên viên ngọc đó, cái ăn cũng ở trên viên ngọc đó, cưới thê tử cũng ở trên viên ngọc đó, mua ruộng đất cũng ở trên viên ngọc đó, làm nhà cũng ở trên viên ngọc đó. Bây giờ viên ngọc đó không thấy nữa rồi.” Người đó vội vàng tìm kiếm dọc theo con đường cũ, Tát Thiên Sư thấy có người hốt hoảng tìm kiếm như vậy, sau khi hỏi rõ liền trả lại viên minh châu. Người kia rất cảm kích, mong muốn hậu tạ, nhưng Tát Thiên Sư một xu cũng không muốn. Lần này Vương Ác vẫn không thể báo thù.
Một hôm Tát Thiên Sư đến một ngôi làng. Sắc trời đã tối, ông bước đến cửa một ngôi nhà, nhìn thấy có một cái máng cửa, định ngồi dưới đó một đêm rồi đi. Đúng lúc nữ chủ nhân của nhà này không tuân theo nữ tắc, ban đêm muốn tư thông với tình lang. Nhìn thấy có vị đạo nhân ở ngoài cửa không tiện, nàng ta liền sai người hầu mời Tát Thiên Sư vào ngủ trong phòng dành cho khách. Tát Thiên Sư chỉ nghĩ rằng đây là một gia đình tốt bụng, không biết rằng nam chủ nhân không có ở nhà. Đến đêm, nữ chủ nhà đợi mãi không thấy người tình đến, bèn đem chủ ý chuyển sang Tát Thiên Sư. Ở không gian khác, Phù sứ nói với Vương Ác rằng: “Đây là đại quan mấu chốt, nếu Tát tiên sinh có chỗ không đúng, tùy ông xử trí.” Bởi vì Tát Thiên Sư không cài then cửa phòng, vị nữ chủ nhân kia đã trực tiếp đẩy cửa tiến vào, muốn mê hoặc Thiên Sư làm chuyện xằng bậy với mình. Tát Thiên Sư cố gắng thuyết phục nhưng nàng ta không nghe. Cuối cùng Thiên Sư không còn cách nào khác, đành rút kiếm ra đưa cho nữ chủ nhân, hai chân quỳ xuống, nước mắt giàn giụa nói: “Nếu nữ chủ nhân vẫn cố chấp như vậy, vậy thì hãy dùng thanh kiếm này chặt đầu bần đạo.” Lúc này nữ chủ nhân mới bỏ cuộc. Phù sứ nhìn thấy vậy thì cảm thán nói: “Nghiệt chướng lớn như vậy, thế mà Tát tiên sinh vẫn thoát được, hiếm có, hiếm có.” Lúc này, Vương Ác cũng phần nào bị thuyết phục.
Vương Ác bái Tát Thiên Sư làm thầy, đổi tên thành Vương Thiện
Cứ thế mười hai năm trôi qua, khi thời gian đã hết, Phù sứ thấy Tát Thiên Sư là một vị đại đức như thế, liền khuyên Vương Ác bái Tát Thiên Sư làm thầy. Vương Ác cũng tâm phục khẩu phục nên đã đồng ý.
Một hôm, Tát Thiên Sư đi đến một nơi, thấy trước mặt là nước thu trong vắt, liền ngâm một bài thơ:
“Dã thủy liên thiên thu nhất sắc,
Tây phong bất động bích ba bình.
Hoằng hoằng bất hứa vi trần cốt,
Trạm trạm do lai triệt để thanh.
Vạn khoảnh lãnh hàm la đại lục,
Nhất xuyên hàn dạng áp đầu thanh.
Nhân tâm nhược thị vô tra chỉ,
Tự tín hung trung ngọc giám minh.”
Tạm dịch:
Nước biếc trời thu liền một dải,
Gió tây chẳng động, sóng an lành.
Thăm thẳm dòng sông đâu chút bạc,
Biêng biếc bởi đâu đáy trong xanh.
Vạn khoảnh lặng bao vẻ xuân sắc,
Một dòng lạnh lẽo đầu vịt xanh.
Nhân tâm nếu chẳng vương ác niệm,
Trong lòng sáng tỏ tựa kính minh.
Lúc này, đột nhiên từ trong dòng nước xuất hiện một thân ảnh, đó chính là Vương Ác. Sau khi nói rõ chuyện đi theo giám sát Tát Thiên Sư để báo thù, ông thành khẩn bày tỏ muốn bỏ ác theo thiện, theo Tát Thiên Sư tu Đạo. Thấy vậy, Tát Thiên Sư đã đồng ý, đồng thời đổi tên ông từ Ác thành Thiện, từ nay về sau gọi là Vương Thiện.
“Nhân tâm sinh nhất niệm, thiên địa tận giai tri,” trong tâm sinh một niệm thì cả trời đất đều biết. Trên đầu ba thước có Thần linh, vô số các vị Thần ở không gian khác có thể nhìn rõ hành động và suy nghĩ của mỗi người, không thể nào che giấu. Vị Thần chủ quản việc ghi chép sẽ ghi lại từng thứ một để làm căn cứ, người tốt thì ban phúc lành, người xấu thì giáng tai họa. Hơn nữa, thiện niệm của bậc đại thiện không chỉ có thể cầu phúc tránh họa, mà còn có thể cảm hóa người khác. Một người nếu trong tâm luôn giữ thiện niệm, lấy khổ làm vui, sinh mệnh của họ cuối cùng sẽ được thăng hoa và hồi quy.