Ký ức về Samuel Chapman, vị tướng quân của thời Nội Chiến đã trở thành nhà giáo dục cho những nô lệ được tự do
Một chiến binh trong cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ, ông Samuel Chapman Armstrong sau đó đã trở thành một đồng minh và một nhà giáo dục cho những người nô lệ đã giành được tự do.
Ông Samuel Chapman Armstrong là người sáng lập Học viện Bình dân và Nông nghiệp Hampton (ngày nay là Đại học Hampton ở thành phố Hampton, tiểu bang Virginia). Là một người dân bản địa ở Hawaii, ông đã chiến đấu cùng với Quân Đội Liên Minh trong suốt cuộc Nội Chiến và thậm chí đã được trao tặng quân hàm lữ đoàn trưởng của lực lượng quân tình nguyên. Sau khi làm việc cho Văn phòng tự do (Freedmen’s Bureau) ở tiểu bang Virginia, ông nhận thấy rằng những người Mỹ gốc Phi cần có cơ hội được giáo dục tốt hơn nữa, chính điều này đã thúc đẩy ông thành lập Học Viện Hampton. Có một số nhân vật rất nổi tiếng đã tốt nghiệp từ học viện này bao gồm cả những nhà lãnh đạo về dân quyền như ông Booker T. Washington và Thomas Calhoun Walker.
Những năm tháng tuổi trẻ
Ông Armstrong sinh ngày 30/01/1839, tại một hòn đảo Maui ở Hawaii. Cha mẹ của ông, ông Richard Armstrong và bà Clarissa Chapman Armstrong là những nhà truyền giáo Tin lành được phái đi từ Massachusetts bởi Ủy ban Hoa Kỳ về các nhiệm vụ nước ngoài. Gia đình Armstrong đến Hawaii vào năm 1832 và bắt đầu việc xây dựng các nhà thờ. Vào năm 1840, ông Richard Armstrong được bổ nhiệm làm Kahu (mục sư cao cấp) của Nhà Thờ Kawaiaha’o ở Honolulu. Đức Vua Kamehamela đệ Tam đã chỉ định ông Armstrong làm Bộ trưởng Bộ Khởi nghĩa vào năm 1847, và vào năm 1855, ông đã trở thành Chủ Tịch của Hội đồng Giáo dục. Sự tích cực trong các hoạt động giảng dạy đã đem đến cho ông danh hiệu “cha đẻ của nền giáo dục Hoa Kỳ ở Hawaii”.
Ông Samuel đã học ở Trường Punahou và sau đó là tại chi nhánh đại học của trường, Đại Học Oahu. Mặc dù học tập rất chăm chỉ, nhưng ông cũng là một học sinh nổi tiếng tinh nghịch. Chàng trai trẻ Armstrong đã bí mật hạ lá cờ của lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Honolulu xuống nhằm vinh danh sự ra đi của một con thú nuôi trong gia đình ông. Ông cũng treo những con búp bê của chị gái mình lên để ngăn chặn việc họ “thử quần áo cho búp bê.”
Một nền giáo dục hữu ích
Trong những năm tháng thời niên thiếu, ông Samuel đã làm việc như một thư ký của cha mình. Điều này đã giúp ông am tường nguyên tắc rằng các sinh viên nên được khuyến khích lao động để chi trả cho việc học tập. Các phương pháp giáo dục của ông Armstrong cho phép sinh viên đạt được những kỹ năng quý giá bằng cách tham gia sản xuất nông nghiệp hoặc thực hành làm các nghề thủ công như nghề thợ mộc. Chàng trai Armstrong trẻ tuổi đã lưu giữ những bài học quan trọng này trong suốt cuộc đời của mình.
Buồn thay, người cha Armstrong đã qua đời sau một vụ tai nạn ngã ngựa vào ngày 23/09/1860. Chàng trai Samuel, theo di nguyện của cha, đã đến học tại Đại Học Williams ở khu định cư Williamstown, tiểu bang Massachusetts. Tại đó, ông đã được sống và học được những bài giáo huấn đặc biệt từ ông Mark Hopkins, hiệu trưởng của ngôi trường. Trải nghiệm này đã dạy cho ông hiểu rõ được tầm quan trọng của việc thực hành và sự giáo dục hữu ích, cũng như việc dạy cho sinh viên làm thế nào để kiếm sống và trở thành một tín hữu Cơ Đốc chân chính.
Ông James Garfield, sau này là một vị thiếu tướng và tổng thống thứ 20 của Hoa Kỳ, cũng đã tốt nghiệp từ Đại học Williams. Cả hai người đã gia nhập Quân Đội Hoa Kỳ và phục vụ đất nước trong suốt thời kỳ Nội Chiến.
Gia nhập Quân đội
Vào lúc ban đầu, cuộc Nội Chiến không có ý nghĩa gì với Samuel Chapman Armstrong bởi vì ông xem bản thân mình là một người Hawaii. Cha mẹ của ông là những người phản đối chế độ nô lệ – đã phụng sự cho những người dân ở Polynesia*, những người mà họ nghĩ rằng “theo nhiều khía cạnh khác nhau, cũng giống như người Mỹ gốc Phi vậy.” Mặc dù những trải nghiệm của ông với người Mỹ gốc Phi trước khi cuộc chiến diễn ra là rất ít ỏi, tuy nhiên những ấn tượng của Samuel về họ đã tăng dần lên khi ông cùng nhau chiến đấu bên cạnh những binh lính Mỹ gốc Phi của Quân Đội Liên Bang miền Bắc này. Ông đã viết rằng cuộc Nội chiến sẽ không bao giờ kết thúc được cho đến khi “mỗi người nô lệ … có thể tự đánh thức chính mình, cả vợ và con của mình.”
Ông Armstrong đã gia nhập binh đoàn bộ binh số 125 New York với tư cách là một Đại uý. Đơn vị của ông đã bị bắt tại thị trấn Harper của Ferry [thuộc Hạt Jefferson, phía Tây tiểu bang Virginia] vào ngày 15/09/1862, tuy nhiên ông đã được trao đổi tù binh vào tháng Mười Hai và trở về với đơn vị của mình. Ông Armstrong đã chiến đấu trong Trận Chiến Gettysburg, và vào ngày 03/07/1863, ông đã tham gia phòng thủ vùng Cemetery Ridge chống lại cuộc tấn công bộ binh Pickett’s Charge của Liên Minh Miền Nam do tướng Robert E. Lee ra lệnh.
Chiến đấu cùng với những người lính Mỹ gốc Phi
Ông Armstrong mong muốn được phục vụ cùng với Lực Lượng Quân Đội Mỹ gốc Phi(USCT) mới được thành lập. Cuối năm 1863, ông đã được thăng chức lên quân hàm trung tá và được bổ nhiệm làm sĩ quan điều hành của Trung đoàn bộ binh USCT thứ 9. Trong khi đang được huấn luyện tại Trại Stanton gần thị trấn Benedict, tiểu bang Maryland, ông Armstrong đã thành lập một ngôi trường để dạy học cho binh lính của mình. Chỉ vì luật nô lệ trong thời kỳ trước chiến tranh, hầu hết người của ông đều không biết đọc và viết. Ông Armstrong tin rằng khả năng đọc và viết có thể làm nên những chiến binh tốt đẹp hơn.
Ông Armstrong đã được chỉ định thêm lần nữa để chỉ huy Trung đoàn USCT thứ 8 và đã lãnh đạo đơn vị này trong suốt cuộc vây hãm thành phố Petersburg, tiểu bang Virginia. Vào tháng 11/1864, ông đã được thăng chức lên quân hàm đại tá “cho tinh thần hào hiệp và sự phục vụ xuất sắc.” Binh lính của ông là lực lượng đâu tiên tiến vào thành phố Petersburg vào ngày 03/04/1865. Ông Armstrong đã nhấn mạnh rằng đội quân USCT thứ 8 đã nhận được “một sự chào đón hân hoan và nồng ấm từ những cư dân người Mỹ gốc Phi trong thành phố, những người đã được tự do vì sự có mặt của họ.”
Ông Armstrong và toàn bộ binh lính của mình đã được giải ngũ vào ngày 10/11/1865. Bởi vì sự phục vụ quá xuất sắc của mình, vào ngày 13/01/1866, Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là ngài Andrew Johnson đã đề cử ông Armstrong cho quân hàm chuẩn tướng cho quân tình nguyện vào ngày 13/03/1865. Thượng viện Hoa Kỳ đã xác nhận chức vụ mới của ông vào ngày 12/03/1866.
Quản lý Văn phòng tự do
Từ năm 1866 đến năm 1868, ông Armstrong giữ chức vụ giám đốc của Văn phòng tự do cho một quận nằm ở miền nam Bán đảo Virginia. Vào thời điểm đó, ông đã nhiệt thành trợ giúp cho những người Mỹ gốc Phi và tìm cách đào tạo những công dân mới được tự do này có khả năng vượt qua những hạn chế ở hoàn cảnh của họ.
Vào ngày 01/04/1868, ông Armstrong đã thành lập Học Viện và Trường Học Bình dân Hampton, một học viện giáo dục để đào tạo những giáo viên người Mỹ gốc Phi, những người mà sau đó sẽ dạy học cho những người Mỹ gốc Phi khác. Đây không phải giống bất kỳ một trường học phổ thông nào. Ông Armstrong đã kết hợp nhiều nguyên tắc giáo dục mà ông đã học từ cha mình và từ vị hiệu trưởng Mark Hopkins của Đại Học Williams, đồng thời ông cũng đưa vào những tư tưởng của riêng mình. Ông Armstrong tin tưởng vững chắc vào tầm quan trọng của việc “nâng cao chủng tộc” thông qua những trường học như Học Viện Hampton.
Ông Armstrong đã xây dựng chương trình giảng dạy của Học viện để thể hiện rõ nền tảng của ông là một người theo chủ nghĩa bãi nô và là con trai của một những nhà truyền giáo da trắng ở Hawaii. Ông tin rằng chế độ nô lệ kéo dài nhiều thế kỷ ở Hoa Kỳ đã khiến nhiều cư dân gốc Phi của quốc gia này rơi vào tình trạng kinh tế và đạo đức tồi tệ, và họ cần được giúp đỡ và giáo dục để tham gia đầy đủ hoạt động trong xã hội Hoa Kỳ. Ông tin rằng, giải pháp cho việc này nằm trong phong cách giáo dục của Học Viện Hampton: một cách giáo dục mà kết hợp giữa cả việc học văn hóa, học đạo đức và cả những khóa đào tạo nghề cùng nhau. Ông Armstrong tin vào “một nền giáo dục bao hàm cả trí óc, trái tim và đôi bàn tay.” Từ đó, phương tiện chính yếu để những người Mỹ gốc Phi thăng tiến trong xã hội là bằng vào sức mạnh của đạo đức, văn hóa và cả sức lao động của họ.
Học Viện Hampton nhấn mạnh rằng những sinh viên nên học những khóa học bằng tiếng Anh, học số học, địa lý, khoa học cơ bản và cả lịch sử. Thêm vào đó, tất cả các sinh viên đều được yêu cầu làm việc trong những của hàng hoặc nông trại của trường học. Trong khi có nhiều tranh cãi rằng các phương pháp của ông Armstrong củng cố cho lý thuyết rằng người Mỹ gốc Phi chỉ phù hợp cho công việc lao động chân tay, thì tầm nhìn của ông chỉ đơn giản là cung cấp một nền giáo dục thực tiễn và đạo đức cho những công dân mới vừa được tự do này mà thôi.
Học Viện Hampton không có nguồn vốn riêng, và hầu hết những sinh viên đầu tiên của học viện đều vô cùng nghèo khó. Do đó, việc lao động tay chân trên các cánh đồng của hàng của trường học sẽ trợ cấp cho việc học tập của họ. Hơn nữa, hầu hết những sinh viên tốt nghiệp được mong chờ để ở lại làm giáo viên, và họ sẽ có thu nhập cần thiết để hỗ trợ cho cuộc sống và gia đình của mình.
Những người tốt nghiệp đầu tiên xuất chúng nhất
Một trong những ngọn đèn tiên phong rực rỡ của phong cách giáo dục Hampton là ông Booker T. Washington, người đã miêu tả ông Armstrong như là “một người đàn ông mẫu mực hoàn hảo cả về thể chất lẫn đạo đức, kết hợp với một đời sống tâm linh giống với Chúa nhất.” Sau này ông Washington hồi tưởng lại rằng ông đã được nhận vào học viện Hampton, dẫu cho vẻ ngoài rách rưới sau một chặng hành trình dài, chỉ dựa vào năng lực mà ông biểu hiện khi có một vị hiệu phó quan sát cách ông cẩn thận và tỉ mỉ quét bụi để dọn dẹp căn phòng.
Theo yêu cầu của ông Armstrong, Washington – sau đó đã rời khỏi Học Viện Hampton – đã thành lập Học Viện Tuskegee ở tiểu bang Alabama, nơi mà ông đã tuân thủ theo các nguyên tắc giáo dục từ cố vấn của mình và làm việc rất chăm chỉ. Ông đã xem vị tướng quân như là “một con người cao quý nhất, hiếm có nhất mà tôi đã vô cùng vinh dự khi được gặp.” Về Học Viện Hampton, ông nói: “Người ta có thể đã rời khỏi tất cả cơ sở vật chất của Hampton, những lớp học, giáo viên, các kỹ thuật, và [trao cho] những con người còn ở lại cơ hội được tiếp xúc hàng ngày với Tướng Quân Armstrong, và chỉ riêng điều đó thôi đã đủ là một nền giáo dục tự do rồi.”
Nhu cầu về các cơ sở vật chất và giáo viên mới để hỗ trợ cho các hoạt động giáo dục của ông đã đòi hỏi Armstrong phải trở thành một nhà gây quỹ lớn. Ông đã tìm đến rất nhiều nhà hảo tâm miền Bắc như là nhà công nghiệp Collis Potter Huntington, ông trùm kinh doanh John D. Rockefeller, và Andrew Carnegie, cũng như những nhóm người theo chủ nghĩa bãi nô như Hiệp Hội Truyền Giáo Hoa Kỳ.
Sự căng thẳng cao độ của việc gây quỹ và việc nâng cấp chính sách giáo dục của ông đã dẫn đến việc ông Armstrong bị đột quỵ do suy nhược vào năm 1892 trong khi đang giảng bài ở thành phố New York. Vị tỷ phú của ngành đường sắt và đóng tàu, ông C.P Huntington đã hỗ trợ cho người bạn của mình một toa xe riêng biệt để một Armstrong yếu ớt có thể quay trở về với Hampton, nơi mà ông đã qua đời vào ngày 11/05/1893.
Bài viết này đã được xuất bản trên tạp chí American Essence.
Chú thích của dịch giả:
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times